Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những sự lạ trong làng thơ Việt

Ngồi buồn đốt một đống rơm

khói lên nghi ngút chẳng thơm chút nào

khói lên đến tận Thiên Tào

Ngọc Hoàng phán hỏi: Thằng nào đốt  rơm?...

                                         (thơ dân gian)

 

Rượu và hoa

Tôi vẫn hằng tin rằng thơ là rượu. Có người nghiện rượu thì cũng có người nghiện thơ. Thấy thơ là say như điếu đổ, như người dân quê tôi say hát giã gạo: ”Đêm khuya nghe tiếng chày khắc cối. Bạt gia đình ra đi…”. Nhiều người đẹp vì mê thơ, say thơ mà mê luôn người làm thơ, dù nhà thơ đều nghèo kiết xác. Rượu thì từ cổ xưa đến giờ vẫn rượu ấy, men ấy. Say cho đến tận cõi chân tâm! Rượu Ta, rượu Tây vẫn là rượu ấy, khó nhầm! Tôi cũng hằng tin thơ là hoa, hương hoa. Như cây cỏ, mỗi hồn người khai nở một hương sắc riêng chẳng giống nhau bao giờ - Nhưng tất cả vẫn là hoa ấy! Đã rượu thì có rượu nặng rượu nhẹ, có rượu gạo, rượu  vang, rượu wichky, rum... Đã hoa tất có hoa dại, hoa lai giống, hoa  ghép cành nở  muôn hồng nghìn tía. Lai giống ghép cành tạo ra hoa ấy, những bông hoa lớn hơn, hương sắc quyến rũ hơn. Nhưng vẫn là hoa ấy, cái đẹp vĩnh cửu ấy!

Cái sự rượu và hoa ấy thật tự nhiên. Thơ cũng vậy. Có thơ cổ, thơ mới, thơ Ta, thơ Tây, lại có thơ do lai giống mà thành. Đã là lai tạo tất có tốt có xấu, có thất bại, có thành công. Thơ Mới (1932 - 1945) là đứa con xinh đẹp, quyến rũ của sự lai tạo lớn giữa thi nhân Việt với nền thơ Pháp thế kỷ XIX. Thơ mới lên ngôi thống soái thi đàn Việt, ngoài cái mới, cái lạ, cái hay nhiều người đã bàn đã nói, nó còn chứng tỏ một điều thật hệ trọng ít người để ý: Có sự đồng điệu lớn trong hồn thơ Ta và thơ Tây! ấy là sự gặp gỡ của Con - Người - Cá - Thể - Nhân - Loại!

Thơ Mới rồi cũng cũ đi, vì con người luôn luôn đi tìm chính mình ở phía trước. Ở phương Tây, ngay các nhà thơ Việt Nam vừa tiếp cận với nền thơ lãng mạn Pháp, thì có nhóm thơ đã từ bỏ loại thơ sụt sùi, sướt mướt này để tìm đến những cách tân trong thơ. Thơ họ dồn nén hơn, thực hơn, mạnh bạo và trần trụi hơn.. Cho nên, sau Thơ Mới, có thể sẽ có một cuộc lai giống thơ lần nữa, làm cho thơ Việt mới hơn, hợp thời, hợp người hơn chăng?

Sự đề xướng loại thơ không vần những năm 50 mà đại biểu là Nguyễn Đình Thi, Trần Dần, sự táo tợn và mạnh bạo trong ngôn từ và cấu trúc trong thơ Thanh Tâm Tuyền ở miền Nam những năm 60 đều gây dị ứng đối với nhiều người làm thơ, kể cả các nhà thơ tiền chiến mà trước đó trên chục năm họ là lớp tiên phong bảo vệ, hô hào đổi mới trong thơ. Những năm gần đây thơ Lê Đạt, Dương Tường, Hoàng Hưng, Văn Cầm Hải, Ly Hoàng Ly, Vi Thuỳ Linh.v.v… đều là những người tiên phong trong trong lao động chữ thơ, cấu trúc câu thơ.  Tuy nhiên, nhiều nhà thơ, nhiều tập thơ có cách biểu hiện lạ hoặc mạnh bạo, trần trụi hoặc đi vào những khu vực mới của tâm trạng... đều bị nhiều người đời chê bai. Một số tờ báo gọi loại thơ này là “lai căng”, “thơ dịch”, “thơ bí hiểm”, “hũ nút”, thậm chí không ngại dùng đến các từ“bệnh hoạn” , “dâm ô”, “thơ tục”... Rồi bị “rút phép thông công”, bị xay bột… Hình như đang có một sư “độc quyền” trong in ấn, thưởng thức thơ. Đến nỗi có nhóm thơ phải tự in thơ mình bằng vi tính rồi đi tặng người đọc. Sao chúng ta không bình tĩnh, công bằng, độ lượng hơn với những tìm tòi, thể nghiệm như thế? Sự ra đời của Thơ Mới sáu mươi năm trước không là bài học nhỡn tiền rất quý hay sao?! Tôi thấy rất lạ, rất lạ!

Một và tất cả

Đọc lại tuyển tập “Những gương mặt thơ mới” gồm hai tập (NXB Thanh Niên, 1994) tôi chợt phát hiện ra một sự lạ lý thú. Hai tuyển tập với một ngàn trang in thơ và phát biểu của một trăm bảy mươi ba tác giả (chưa là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nên mới gọi là gương mặt mới). Trong phần tự bạch hai phần ba số tác giả (trên một trăm người) cho rằng thơ hiện nay là “lạm phát”, “dở”, “thơ in báo nhiều nhưng không khác gì hàng nội hóa ế ẩm”. Có người ví “thơ hiện nay như “mì ăn liền”, “thơ thông tấn”, “thơ dỏm”. Thậm chí có một số tác giả trẻ chưa từng có tên trên thi đàn bao giờ, nay được tuyển vào tập thơ cũng lớn tiếng chê thơ hôm nay! Sau khi “phán xét” nền thơ chung, tất cả các “gương mặt thơ mới” ấy đều khẳng định rằng họ cố gắng để có được tiếng thơ “đích thực”. Có nghĩa là cái nền thơ thì dở, chỉ duy nhất họ là “chân thơ”, có nghĩa là “trừ họ ra”, tất cả đều xoàng cả! Đó mới là sự “lạ lùng quá, lạ lùng không chịu nổi !” (bắt chước Onga Becgon - Nga)

Ôi, có được một hai tác giả  thơ “đích thực”, “chân thơ” như thế thật là diễm phúc cho nền thi ca Việt Nam! Nhưng đọc cả trăm nhà thơ ai cũng lớn tiếng “chê” thơ chung và tự nhận mình là thơ đích thực ấy, tôi mới té ngửa ra rằng: ở xứ ta tất cả các nhà thơ đều dở, trừ một người, đó là người đang “phán xét thơ”! Nhưng oái ăm thay, cả nhà thơ duy nhất đó lại bị chín mươi chín nhà thơ khác xếp vào loại thơ “dổm”! Có nghĩa rằng các nhà thơ Việt Nam ta tất cả đều “siêu thơ”, thật thơ và tất cả đều “thơ mì ăn liền”, “ế ẩm”. Lạ lùng nhất là vừa qua, một tổ chức có tên là Trung tâm Văn hoá Doanh Nhân không liên quan gì đến thơ cả, cũng đứng ra tổ chức bình chọn “một trăm bài thơ hay nhất thế kỷ XX” (có lẽ để đánh quả thương hiệu?). Và kết quả công bố danh sách một trăm bài, thì nhiều nhà thơ, kể cả người trong Ban tuyển chọn, tuyên bố là “chỉ có 50%, thậm chí chỉ ba mươi bài là hay thực sự”. Có nhiều người do mối quan hệ “có đi có lại” mà chọn bài của họ, nên không phải là thơ hay mà là thơ trung bình yếu. Ấy là thơ Việt đang có vấn đề. Tôi thực sự hoang mang khi sự lạ lùng buồn cười nói trên có cả trên những trang “thảo luận về thơ” trên báo Văn nghệ thời gian vừa qua. Nhà thơ nào cũng phán quyết, chê bai thơ hiện nay, trừ anh ta ra! Cái tương quan “một và tất cả” này xin các nhà thơ lý giải giùm cho! Biết tin ai đây!

Thơ và Giải thưởng

Nhìn lại phần thế kỷ XX và bảy năm đầu thế kỷ XXI đã qua, chưa bao giờ ở nước ta lại nhiều cuộc thi thơ, nhiều giải thưởng thơ như vài chục năm lại đây. Báo Trung ương thi thơ, báo địa phương cũng thi thơ, báo Tiền Phong thi thơ, báo Phụ Nữ cũng thi thơ. Quân đội thi thơ, dân sự thi thơ, các ngành các giới thi thơ. Ngành Công An thi thơ, Pháp Luật thi thơ, ngành sinh đẻ có kế hoạch cũng thi thơ.v.v… Cứ như thơ là thuốc chữa bách bệnh vậy. Đã thi là có giải thưởng. Lại có loại giải thưởng định kỳ năm như Giải Thưởng VHNT Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước; rồi giải thưởng hàng năm như giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam trao hàng năm; giải thưởng Văn học miền núi, giải thưởng Văn học thiếu nhi, “Văn học công nhân”(!), “Văn học công an” v..v... Năm rồi lại có giải thưởng của UBTQ Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao cho các tác phẩm “xuất sắc”của các hội viên địa phương (!?). Bây giờ thơ đều do các tác giả tự bỏ vốn in, nên chỉ  in năm trăm bản tặng bạn bè. Cho nên thơ ở Hà Nội thì Hà Nội đọc, thơ ở Sài Gòn thì Sài Gòn đọc. Vì thế mà thơ các tác giả ở tỉnh lẻ, dù hay đến mấy, cũng không bao giờ được các nhà thẩm định thơ của Hội Nhà văn dòm ngó đến! Vì thế, nênTrung ương có giải thưởng Văn học, các Tỉnh cũng phải sinh ra giải thưởng Văn học của Tỉnh. Ví dụ giải thưởng Văn học Hùng Vương của Vĩnh Phú, giải thưởng Văn học Cố Đô của Thừa Thiên - Huế, “Nguyễn Du” của Hà Tĩnh, Hạ Long của Quảng Ninh, “giải thưởng Lưu Trọng Lư” của Quảng Bình, Đào Tấn của Bình Định.v..v... Có thể nói không ai thống kê hết các giải thưởng văn học nghệ thuật, giải thưởng thơ mấy năm qua. Như vậy thơ được thẩm định, được bình giá, được xếp đặt ngôi thứ liên tục và các nhà thơ được giải cũng nhiều không kể xiết, có người giành được một lúc nhiều giải thưởng!

Ở địa phương nọ, tôi thấy trong mấy năm qua có chục anh chị làm thơ, lần lượt người nào cũng được giải thưởng không cuộc thi này thì cuộc chấm khác. Thế là cuối cùng thơ của ai cũng đương nhiên thuộc vào loại “thơ được giải” (tức thơ hay)! Nhìn rộng ra cả nước cũng vậy, trong chục năm qua có tới  ba phần tư số hội viên thơ của Hội Nhà văn Việt Nam đã được lên ngôi do giành được các giải thưởng về thơ ở Trung ương, địa phương, các cấp, các ngành, các báo... Đương nhiên cuộc thi thơ nào cũng “rất” công tâm và “vì nghệ thuật”! Cũng cần nói thêm là nhiều loại giải thưởng văn học (trong đó có thơ) như thế cũng phát triển với kinh tế  thị trường. Giá trị vật chất các giải thưởng thơ ngày càng “đậm đà” hơn. Từ  hai triệu, năm triệu một giải nhất cách đây ba năm nay đã lên tới mười, mười lăm, hai mươi triệu! Hàng tốt thì giá phải cao chứ! Như vậy là thơ ta đang phát triển. Cứ nhìn vào đội ngũ trùng điệp các nhà thơ nhận được giải thưởng của xứ ta ai dám bảo thơ không phát triển?!

Ấy thế mà lạ lùng thay, nhà thơ, nhà phê bình nào cũng kêu ca, la ó về một nền thơ làng nhàng, chỉ biết “ăn theo” trên các trang báo. Có điều gì bất ổn, chính xác hơn là sai lạc ít nhất là một trong hai phía: Các nhà chấm giải và các nhà phê bình, phán xét thơ. Còn bản thân thơ thì cố nhiên nó vẫn thế, chưa có cuộc cách mạng thực sự nào từ Thơ Mới đến nay. Biết ai đúng ai sai mà phân xử đây? Khó thật, lạ thật!

Thảo luận gì?

Có ai đó thống kê rằng, ở xứ ta mỗi ngày bình quân có hai tập thơ được ấn hành. Có nghĩa là mỗi năm khiêm tốn cũng có tới bảy trăm tập thơ ra đời. Đó là chưa kể thơ in trên sáu trăm tờ báo và tạp chí trong nước, thơ của người Việt ở hải ngoại. Nhiều người gọi thời kỳ này là “Giai đoạn bùng nổ thơ“. Có người lại lo rằng “thơ bị lạm phát“, bị xuống giá. Có người lại mừng: có “bó đũa ắt có cột cờ“! Người già trong làng thơ (hoặc đang có nguy cơ hết khả năng sáng tạo thơ) thì ca cẩm: thơ lớp trẻ thiếu vốn sống, thiếu chiều sâu tâm thức và sự điềm đạm, thiên về xảo thuật chữ, ngoa ngôn! Lớp trẻ lại ngán lớp thơ già cứ giữ mãi điệu “ru em” vần vè ê a cũ, cứ như đặt lời mới cho làn điệu dân ca đã có sẵn từ ngàn năm! Thế là thảo luận, tranh luận. Thế là sừng sộ, đao búa chan chát. Cuộc chiến không có hồi kết trên các mặt báo.

Trong lúc đó một hiện tượng lạ xuất hiện trong thơ mấy năm gần đây lại rất ít nhà phê bình, chú ý phân tích. Đó là sự trở lại của Thơ tình “kiểu tiền chiến”. Buồn chán, ủ ê, đau khổ, tuyệt vọng, sướt mướt. Loại thơ tình (nam nữ) này chiếm hơn hai phần ba số thơ ấn hành hàng ngày. Những người đang yêu làm thơ tình đã đành, những người không có mảnh tình rách cũng làm thơ tình! Đến cả các nhà thơ già lớp chống Pháp, các nhà thơ “tiền chiến” bảy tám chục tuổi cũng trở lại với thơ tình! Phải chăng chúng ta đang ở xứ sở của tình yêu? Tôi không phản đối thơ tình. Nhiều thơ tình càng tốt chứ sao! Nhưng tôi thấy lạ là những bài thơ thể hiện thiên chức công dân của nhà thơ, những bài thơ chiến đấu cho sự công bằng xã hội, cho một xã hội dân chủ - tự do, thơ chia sẻ số phận đắng cay của người lao động trước sự áp bức của bất công và cường quyền của quan tham, quan liêu, những bài thơ thế thái nhân tình... từng nở rộ trong những năm đầu ”đổi mới”, “mở cửa” bây giờ thấy thưa vắng, hiếm hoi dần đi.

Vì sao vậy? Có phải là các nhà thơ Việt Nam không tiếp cận được với xã hội thời kinh tế thị trường đang phân cực quyết liệt, nhiều nguy cơ mới đe doạ nhân phẩm và đạo lý đang xuất hiện và tác oai tác quái? Có phải các nhà thơ đã hèn kém đi, ích kỷ hơn, hay tại môi trường  sáng tạo đã đổi khác? Xin mạo muội đặt một câu hỏi lớn ở đây để các nhà lý luận, phê bình, các nhà thơ cùng nhau thảo luận.

Hãy thảo luận điều gì làm cho thơ có ích với đời, với những phận người, với chính sự bùng cháy kỳ diệu của Thi Ca Tự Do! ...

 

N.M

                                     Huế, 1994- 2007

 

Ngô Minh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 158 tháng 11/2007

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/04

25° - 27°

Mưa

23/04

24° - 26°

Mưa

24/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground