Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 12/11/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nỗi niễm hoài cố hương Quảng Trị trong thơ Lê Thiên Minh Khoa

Nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa sinh năm Giáp Ngọ (1954) tại làng Trung An, xã Gio Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Anh là giáo viên dạy môn văn học (cử nhân ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TP. HCM; cử nhân báo chí Học viện Chính trị Quốc gia Hà Nội). Năm 1974, lúc mới 20 tuổi, Lê Thiên Minh Khoa ra mắt tập thơ đầu tay mang tựa đề Tình tự. Năm 2002 anh xuất bản tiếp tập thơ Thị trấn tôi. Năm 2018 lúc chạm ngưỡng tuổi 65, anh xuất bản tập thơ thứ 3 Lặng lẽ tôi.

Nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa - Ảnh: N.X.S

Nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa - Ảnh: N.X.S

Cuộc đời nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa cũng “năm chìm, bảy nổi”, phải ly hương vào phương Nam chọn mảnh đất Bà Rịa làm quê hương thứ hai của mình. Ba tuổi mẹ mất, mười lăm tuổi cha mất, đất đai mồ mả tổ tiên bị bom cày đạn xới, vì cả làng cũ và làng mới của anh đều nằm trong vùng phi quân sự (DMZ). Tuổi hoa niên phải làm đủ việc để vừa kiếm sống, vừa có tiền đi học: Dạy kèm trẻ tại tư gia, bán báo, đạp xe xích lô, ba gác… Thời mới giải phóng, để có tiền học sư phạm, anh mua thuốc diệt chuột từ TP. HCM về phân thành gói nhỏ đem ra bán cho dân Động Đền, Hàm Tân, Bình Thuận (và có lần anh phải đi cấp cứu vì ngộ độc khi hít phải thuốc), rồi mua thu gom các loại thuốc lá “cao cấp” mà nhà nước bán phân phối cho các hộ dân nơi đây đem vào thành phố sang lại cho các đại lý để kiếm lời. Rồi cả “buôn lậu” nữa: mua các loại cá khô ở Hàm Tân vào bán ở chợ Cầu Muối, mua gạo từ miền Tây cho vào ba lô sinh viên lên bán ở Chợ Lớn. Con đường học vấn của anh cũng lắm gian nan. Nhờ sống nhiều nơi, đi nhiều vùng, học nhiều trường, từ nhỏ anh có dịp “thâm nhập” nhiều miền đất, tiếp xúc nhiều giới, nhiều người và có nhiều bạn bè thân thiết ở khắp nơi.

Anh làm thơ từ trước giải phóng, sau giải phóng vẫn tiếp tục sáng tác, nhưng đến năm 1985 mới được khẳng định qua giải thưởng thơ Kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam của UBND tỉnh Đồng Nai với bài thơ Cây đa ở một nông trường mới viết về tâm tình của Người công-tra mấy chục năm xa xứ / Đến nơi này mới được bóng đa che. Bài thơ là tâm tình của người công nhân cao su, nguyên là dân công tra cũ nhưng cũng là tâm sự cuộc đời của chính nhà thơ: Một mình thôi mà không đơn độc / Rừng cao su bao bọc tứ bề. Năm 2005, anh lại nhận được giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ nhất (1992 - 2004) trao cho tập thơ Thị trấn tôi.

Mảng đề tài thứ nhất trong thơ Lê Thiên Minh Khoa viết về những vùng đất, con người mà anh từng sống, từng tiếp xúc, trong đó có vùng đất Quảng Trị, nơi “chôn nhau, cắt rốn” của anh. Dù hội nhập với miền quê mới Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng trong đáy sâu tâm hồn nhà thơ vẫn luôn day dứt nỗi nhớ quê nhà. Tác giả cảm nhận được Âm hưởng miền Trung chân tình chất giọng. Tiếng hát cô gái diễn viên đồng hương đã đồng cảm trong đêm văn nghệ “cây nhà lá vườn” ở nông trường Bình Ba, huyện Châu Đức ngày giáp Tết: Lúng túng bàn tay quen cạo mủ / Bỗng là hoa bay năm cánh xuất thần / Lên sân khấu lần đầu ai chẳng ngại ngần! / Khán giả, diễn viên vốn là tổ thợ / Mai đứng bên đường luồng, đường lửa / Tấm tắc hoài: - Giọng hát ấm lòng nhau (Nghe em hát đêm văn nghệ nông trường). Cho nên, khi bắt gặp Cây đa ở một nông trường mới huyện Xuyên Mộc, nhà thơ không thể không hồi tưởng lại quê nhà Quảng Trị: Nhìn cây đa nhớ lại mái đình xưa / Bến nướccon đò, câu ca muôn thuở / Người công-tra mấy chục năm xa xứ / Đến nơi này mới được bóng đa che.  làng công nhân ở vùng đất mới này cũng mang bóng dáng của ngôi làng nông nghiệp ở huyện Gio Linh. Tình yêu quê mới cũng bắt nguồn từ tình yêu quê cũ: Nông trường lớn dần lên / đất mới hoá quê nhà / Cây đa trẻ rồi cũng thành cổ thụ / Lúc đi xa tự nhiên lòng lại nhớ / Nông trường mình qua dáng một cây đa.

Ấn tượng về miền đất và con người quê cũ lắng sâu trong tiềm thức tác giả, nên có lẽ hình ảnh bà mẹ miền Trung trong mùa lũ năm Kỷ Sửu (1999) có nguyên mẫu là bà mẹ ở huyện Triệu Hải:

Mẹ bới tìm dưới túp lều

sau cơn lũ dữ

Còn gì đâu,

mẹ ơi!

lũ cuốn

trắng                                                                                                      

sạch rồi

Mẹ chỉ nhận một phần hàng cứu trợ:

Còn dành cho những nhà đông con

Tình yêu về quê cũ luôn thường trực trong tâm khảm nhà thơ. Nên khi Lê Thiên Minh Khoa dự Trại sáng tác Đà Lạt, viết bài thơ Lặng lẽ tôi thì khung cảnh Đà Lạt chỉ là cái cớ để nhà thơ hoài nhớ đến Thành Cổ Quảng Trị và trường Trung học Nguyễn Hoàng, lòng rưng rưng muốn khóc: Trở về thành phố cũ tìm nhau / Lạ lẫm Từ Thức trở về cố xứ / Bạn học cũ đứa chân trời góc bể / Đứa tuổi xuân đã cát bụi lâu rồi! / Trở về trường xưa thăm hỏi thầy cô / Tường đá xám chừ rêu phong đếm tuổi / Bác phu trường già run run tay chổi / Thầy cô ơi, thành thiên cổ hết rồi! Nhạc sĩ Trần Tích đã đồng cảm và phổ nhạc bài thơ này.      

Một số tập thơ của nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa

Một số tập thơ của nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa

Trong chùm thơ viết về quê hương Quảng Trị, có nhiều bài mà nếu như giấu đi địa danh thì vẫn không thể nhầm lẫn với vùng đất khác được. Dân địa phương và cả du khách khi đến thăm Thành Cổ Quảng Trị, dễ dàng cảm nhận nỗi đau của nhà thơ khi quê hương bị chiến tranh tàn phá: Trên đường Trần Hưng Đạo / Ngoài chân thành xưa / Sót lại một ngôi nhà / Ôi! Dấu ấn của một thời khói lửa / Thân tường vôi loang lở vết thương / Chân cầu thang cong queo, còn lại khung xương / Thịt bê tông rơi dần, lả tả / Mắt cửa ô lỗ đáo đen bầm / Cả ngôi thành xưa / Sót lại một một ngôi nhà!... (Ngôi nhà ở cổ thành Quảng Trị - Thạch Hãn 1976).

Rồi tâm trạng xót xa khi đứng trước một làng cát chỉ có thể gặp ở miền Đông Gio Linh, được biểu hiện bằng ngôn ngữ bình dị rất Quảng Trị: Trắng xoá cát trước mắt / Chi lạ lòng xót xa / Cỏ mộ sao lướt thướt / Chim rặc rặc tìm chi? (Bãi Cát Phước Sa)

Hay các chất liệu gió Lào, cát trắng, giếng đá cổ - “đặc sản” chính hiệu của quê hương anh trong bài Gửi Quảng Trị không thể lẫn với bất cứ vùng đất nào: Bão theo ngọn gió Đông / Bạt gió Lào về xứ / Quay lưng về phía bể / Cát trắng chạy lên rừng… Đà Lạt mưa và sương / Quê miềng hạn và khát / Mạ ơi, giếng đá cổ / Nước có còn rỉ không? Còn tôi thích bài thơ anh viết khi về thăm Quảng Trị, vì nó vừa cổ điển, vừa "tân thời", chỉ tả cảnh núi rừng miền biên giới Việt - Lào bảng lảng, không tả bóng dáng con người, mà hình ảnh người lính biên phòng "thức giữa rừng" hiện ra rất rõ, rất đẹp: Gió lạnh mưa soi lướt trăng gương / Cây nổi bềnh bồng trên mặt sương / Biên giới im lìm trong giấc ngủ / Một nhánh phong lan thức giữa rừng (Đêm Biên giới).

Trong một lần về quê nhà Gio Linh thắp hương lên mộ chí song thân, ngày mai trở vào Nam, đêm đó nhà thơ trằn trọc khó ngủ: …Mai tiễn nhau đi / Xin em giữ hộ / Cho riêng anh / Chút bỏng gió lào (Viết ở Quảng Trị).

Sinh ra từ xứ gió Lào, cát trắng Quảng Trị lại gắn bó nhiều kỷ niệm với Huế, anh có bài thơ được nhiều người yêu Huế và yêu thơ thích và vì nó… rất ngắn và mang nhiều tâm trạng: Sáng nắng thiêu núi Ngự / Chiều mưa tràn sông Hương / Tối trăng lên Vĩ Dạ / Khuya tìm em mù sương" (Về Huế).

Nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa đi nhiều, nghe nhiều, thấy nhiều nhưng đều ở nơi đất khách. Hơn hai phần ba đời người anh sống tha hương, nên nỗi niềm hoài cố hương Quảng Trị luôn đau đáu trong tâm hồn anh, trong thơ anh.

N.X.S

NGUYỄN XUÂN SANG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 353

Mới nhất

Bích La Đông: đất và người

7 Giờ trước

Bích La Đông là một trong những làng nổi tiếng của Quảng Trị, có bề dày văn hóa và lịch sử, là vùng đất địa linh nhân kiệt vì đã sản sinh ra nhiều nhân tài cho quê hương đất nước. Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, làng Bích La có nguồn gốc sơ khai tên là Hoa La, thuộc huyện Hải Lăng (gồm 49 xã trong đó có xã Hoa La), phủ Triệu Phong(1).

Tạp chí Cửa Việt khảo sát nhu cầu bạn đọc

10/11/2024 lúc 05:47

Để đáp ứng nhu cầu bạn đọc, tiến tới cải tiến, đổi mới về hình thức và nội dung tờ tạp chí (bản in và trang thông tin điện tử tổng hợp), Ban Biên tập Tạp chí Cửa Việt xin ý kiến của bạn đọc về một số vấn đề để xây dựng ấn phẩm chất lượng, phục vụ bạn đọc tốt hơn.

Kết nối văn hóa, củng cố tình hữu nghị qua giao ban kết nghĩa cụm dân cư biên giới Việt Nam - Lào

09/11/2024 lúc 10:34

TCCVO - Chiều ngày 09/11, tại Nhà sinh hoạt cộng đồng khóm Ka Tăng và khóm Ka Túp (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), hai cặp bản là khóm Ka Tăng (Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị) và Bản Đen Sa Vẵn (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào); khóm Ka Túp (Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị) và Bản Ka Túp 2 (huyện Sê Pôn, Savannakhet, Lào) đã tổ chức buổi giao ban kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới quý IV năm 2024. Đây là dịp tái khẳng định sự đoàn kết, bền chặt của các cộng đồng sinh sống nơi đường biên, trong tinh thần hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.

Huyện Cam Lộ tiếp nhận các kỷ vật của vua Hàm Nghi và ra mắt sách “Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger”

07/11/2024 lúc 09:14

TCCVO - Ngày 7/11/2024, tại Khu di tích quốc gia Thành Tân Sở (thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh

07/11/2024 lúc 03:04

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

13/11

25° - 27°

Mưa

14/11

24° - 26°

Mưa

15/11

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground