Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nông thôn Quảng Trị trong văn chương sau năm 1975

Mặc dù xu thế xây dựng một xã hội công nghiệp hóa vẫn là mơ ước của nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam nhưng dù vậy, đề tài nông thôn vẫn thu hút sự quan tâm của những người sáng tác văn chương. Và Quảng Trị cũng nằm trong phạm vi đang đề cập.

Chúng ta có thể kể tên một số tác giả như vậy. Đông nhất vẫn là đội ngũ những người làm thơ: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Minh, Đặng Triệu Phong, Hà Đình Nguyên, Trần Xuân An, Phan Văn Quang, Nhất Lâm, Lê Thị Mây, Đông Hà, Nguyễn Hữu Quý, Hải Hiền, Lê Nguyên Hồng, Hàn Nguyệt, Hồng Thám, Nguyễn Tiến Đạt, Nguyễn Văn Dùng, Võ Văn Luyến, Võ Văn Hoa, Nguyễn Hữu Minh Quân, Nguyễn Văn Chức, Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Đức Tiên, Lê Đức Dục, Lê Văn Trâm, Phan Bùi Bảo Thy, Từ Dạ Thảo... Về bút ký, tản văn có Hoàng Phủ Ngọc Tường, Y Thi, Diệu Ái, Trần Hoài, Nguyễn Hoàn, Minh Tứ, Đào Tâm Thanh, Lê Đức Dục, Đinh Như Hoan, Ngô Nguyên Phước, Tống Phước Trị... Về truyện ngắn có Trần Thanh Hà, Trần Thu Hòa, Hàn Nguyệt, Khánh Hà, Tạ Nghi Lễ, Thái Đào, Cao Hạnh, Nguyễn Ngọc Chiến, Hoàng Tiến Sĩ, Lê Xuân Lãm,  Phạm Xuân Hùng, Hoàng Hải Lâm, Hoàng Công Danh... Về tiểu thuyết ít nhiều có liên quan đến nông thôn Quảng Trị thì tác giả Xuân Đức, Thu Bồn, Lưu Vĩ Lân, Mikhail Đômôgatxkikh (Liên Xô) với tác phẩm “Phía Nam sông Bến Hải”...

*

Khi nói đến nhà thơ Nguyễn Văn Dùng, nhiều bạn đọc, bạn viết hay nhắc hai câu thơ của ông: Em ra giếng gánh nước trong / Còn tôi ra giếng để không làm gì (Giếng). Giếng trong bài thơ ắt hẳn giếng làng và cô gái nếu không nhầm thì cũng là thôn nữ. Tình yêu quê nhà nhiều khi đơn sơ đến mức vô ngôn nhưng lại chứa đựng nhiều cảm xúc.

Làng quê trong thơ Võ Văn Luyến thường gắn liền với cảm thức dân gian. Mô-típ này thường xuất hiện khá nhiều trong thơ anh. À ơi... mẹ hát ru con / Trăng qua song cửa, ngọn nồm thoảng đưa / À ơi... cái nhớ còn lưa / Cái thương còn mặn, cái chờ còn mong / À ơi... cái bóng ru buồn / Ai ăn ở bạc cho hồn ai đau / À ơi... cánh vạc về đâu / Khói sương chưa dễ phai màu thời gian / À ơi... Sợi nắng ở tim / Đến bao giờ lại chỉ kim khâu cùng?! / À ơi...”con trống gà vàng” / Cớ sao lại gáy vội vàng làm chi / Lời ru đọng giữa đêm khuya / Trăng thì mờ tỏ như chia nỗi niềm (Đêm Ái Tử nghe hát ru con). Bài thơ lấy cảm hứng và chất liệu đồng quê truyền thống, dùng cả phương ngữ Quảng Trị như “còn lưa” tạo nên một không khí ca dao, dân dã mà man mác thi vị quê nhà.

Phan Văn Quang là nhà thơ có tác phẩm in từ trước năm 1975. Anh đúng là thi sĩ đồng quê. Đề tài quê hương cả khi ở gần lẫn xa bao giờ cũng vang lên trong thơ những thanh âm thật da diết, đậm đà. Quê ngoại là một bài thơ bảy chữ nhẹ nhàng và tinh tế, vuông vắn như chiếc bánh chưng xanh ngày tết và cô đọng mà có sức ngân vang như tiếng chuông vọng chùa làng: Đầu năm trăm ngõ lòng thơm thảo / Đám trẻ xênh xang áo đủ màu / Hương cau man mác thơm hương bưởi / Tiếng cười đon đả hỏi thăm nhau / Mẹ già bảy chục sương vào tóc / Bỏm bẻm trên môi đỏ miếng trầu / Mừng con lên Tỉnh thêm vài cháu / Buồn nghe khế rụng nửa vườn sau.

Lê Thị Mây là nhà thơ chuyên nghiệp cũng đã thành danh trên thi đàn khá lâu. Chị viết khá nhiều về Quảng Trị và có tác phẩm được nhiều người đón nhận như: Trở lại Đông Hà... Bài thơ mặc dù nhắc đến đô thị nhưng hình tượng chủ đạo và cảm xúc gốc rễ vẫn là thương nhớ quê hương, hoài niệm chuyện lứa đôi vì chiến tranh mà dang dở. Tác giả cũng chính là nhân vật trữ tình trong bài thơ khi chân bước vào hiện tại mà hồn thì lại ngược về quá khứ xốn xang những ngậm ngùi, nuối tiếc. Bài thơ như một tiếng thở dài sau câu chuyện đại đoàn viên của dân tộc, nhưng riêng phận người con gái thì chuyến đò tình duyên đã lỡ, để lại nỗi buồn trong suốt và sâu lắng, cứ âm vang dội vào gan ruột người đời một điệp khúc trầu cau: Mười ba năm trở lại Đông Hà / Bên sông Hiếu vẫn ồn ào chợ búa / Bao cô gái bây giờ ru tình mẹ / Mà lá trầu còn xanh với người mua / Đã qua sông kể chi mấy chuyến đò / Sao còn đấy nỗi buồn trên bến đợi / Còn đấy cả sao lòng tôi tiếc nuối / Có một người thưở ấy hát vì tôi... Sông Hiếu ơi tháng giêng hẹn còn xuân / Mai còn nở dây dưa chiều rét ngọt / Vàng như nắng tôi ngờ vui mà khóc / Hai má hồng tay thương nhớ bàn tay / Thưở ấy người hẹn với lá trầu cay / Dù xế bóng chợ chiều tan vãn khách / Chút vôi hồng đỏ môi tôi thầm tiếc / Trách tôi cười cúi nón hóa chia ly...

*

Y Thi là cây bút chuyên viết ký và khảo cứu văn hóa dân gian Quảng Trị. Trong những tác phẩm của mình mà anh ưng ý có bút ký tên gọi ngân lên như một câu thơ cổ: Mây trắng ơ hờ, mây trắng bay... Đây là bút ký của anh về làng Mai Xá nổi danh của vùng quê Gio Linh, có họ Trương vào hàng danh gia vọng tộc, hết lòng yêu làng, yêu nước, có “Bà mẹ Gio Linh” bi tráng đã sống mãi trong ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Phạm Duy. Bằng giọng văn trầm hùng và thành kính, Y Thi đã kể khá rõ ngọn ngành của một dòng tộc đã tận hiến nhân tài vật lực cho quê hương đất nước, là những chiến sĩ can trường hiếm có, khắc họa thần thái những bà mẹ dũng khí có một không hai đã nén nỗi đau mất con, cầm túi đi lấy đầu liệt sĩ bị quân thù thảm sát man rợ. Bài ký kết thúc như một sực tỉnh văn chương giữa đêm khuya rừng Sác làng Mai huyền hoặc: ...Giật mình tiếng vạc kêu sương. Tôi bừng tỉnh dậy giữa đêm trăng vằng vặc, quạnh hiu. Trên cao kia, mây trắng ơ hờ, mây trắng bay. Mây sà quán chợ, mây qua đình làng. Mây trắng ngập bến đò ngang, mây rung rừng Sác, mây rung tán bàng. Vần vũ áng mây trắng lốp, lúc bay bổng, lúc la đà chơi vơi mặt nước và bất chợt phủ lên ngôi đình làng Mai như hai ngọn núi. Tôi tỉnh người ra, có ai đó thì thầm bên tai câu nói đã lâu của anh Tư Mã: “Người đời ai cũng phải chết; nhưng có cái chết nặng như núi Thái Sơn, có cái chết nhẹ tựa lông chim hồng”...

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có hai bút ký đáng chú ý về nông thôn Quảng Trị: Miếng trầu đỏ và Chế ngự cát. Tác phẩm đầu là câu chuyện chiến tranh và bài viết sau là khúc ca hòa bình.

Miếng trầu đỏ kể chuyện làng Trà gần Ái Tử thuộc huyện Triệu Phong. Nhà văn nhớ lại chân dung những đồng bào tản cư thời chiến ác liệt ở Quảng Trị với hình dong như những tráng sĩ vừa xông pha trận mạc gian nan thời hiện đại: ...và họ phải chờ đến bảy đêm mới qua nổi một cánh đồng rộng chừng năm trăm mét. Cứ như thế từ nam Hải Lăng về đến Hà Thượng, họ đã phải mất hơn hai chục ngày đường. Mệt lử nhưng phấn khởi vì đã đến nơi, họ tranh nhau kể cho dân làng nghe về cuộc mạo hiểm lớn nhất trong đời họ và luôn cười thật to. Ngồi dưới mái đình cổ, cát bụi dính đầy râu tóc, rách rưới và hào sảng; trông họ y hệt những hiệp sĩ samurai dưới thời phong kiến Nhật Bản. Tôi chỉ gặp họ trong chốc lát nhưng hình ảnh của họ in thật đậm nét trong trí nhớ của tôi như những người anh hùng vô danh...

Cảm hứng anh hùng ca với trường liên tưởng miên man của một tài danh bút ký tiếp tục được khai triển khi nói về một tấm gương xả thân chốn sa trường: Anh Tùng à, anh Tùng. Còn gì thảnh thơi hơn giấc ngủ của anh bây giờ, giữa lòng đất của quê hương tự do, nơi mà anh đã đổ hết máu ra ngoài thân thể... Thảnh thơi vì trong quyết định sau cùng, anh đã không hề tính đến một sự bù đắp nào khác, và quả thực, ngoài khát vọng cống hiến, thì không có gì trên trái đất này có thể bù đắp nổi máu của một con người. Thảnh thơi không phải như sự giải thoát của linh hồn, mà như sự bay đi của ánh sáng. Đêm nay và những đêm khác, vầng trăng sẽ đi qua đỉnh trời ngay trên nấm đất cát đơn sơ này, và đúng vào khoảnh khắc ấy, như một vệ tinh thông tin, nó sẽ hồi quang lại cuộc đời chiến sĩ của anh đến những người thân đang sống. Từ vầng hồi quang ấy, mỗi chúng tôi sẽ nhận một bức thông điệp im lặng của anh: phải sống như thế, sống như chưa bao giờ biết đến sự hủy diệt, như là con người không thể chết, và đầy tự giác về cái lẽ tồn tại của mình.

Chế ngự cát kể chuyện ở tiểu trường sa Hải Lăng ngay sau ngày nước nhà thống nhất để đem lại màu xanh no ấm, thanh bình. Bởi ám ảnh cát từng đi vào tận giấc ngủ sâu không chỉ của một người. Cát hiền lành mà cũng đầy bí hiểm như câu đố của con nhân sư trong truyền thuyết. Ngòi bút nhà văn chấm phá linh hoạt, nắm bắt và tái hiện sự biến ảo như thể mang màu sắc truyền kỳ của cát: Cái dải cát mênh mông ấy, chạy dài suốt bờ biển Trị - Thiên đến cuối phá Tam Giang, là một vùng quê hương khó hiểu ngay đối với những con người đã từng chôn nhau cắt rốn trong lòng đất biến động của nó. Nó y nhiên tự tại như thể từ thuở khai thiên lập địa đã có đấy, nhưng đồng thời nó cũng thay hình đổi dạng nhanh đến nỗi có lúc con người không kịp nhận ra con đường đi nhặt củi lúc sáng. Đang lặng lẽ, bí mật như giấc ngủ dài hàng trăm năm, bỗng nhiên nó chồm dậy trong cơn cuồng nộ vô tận, những lăng miếu cũ cũng biến mất không còn dấu tích, để một cơn cuồng nộ từ một phía khác kéo đến, những cái đã mất lại đột ngột hiện ra như những lăng miếu hoang đường...

Bút ký mô tả tỉ mỉ những gian truân và cả hiểm nguy trong chặng đường chinh phục cát bằng cách mở đại công trường của tuổi trẻ đắp đê. Những người phụ nữ còn cho con bú, những tráng niên của làng quê vừa qua vụ mùa, những cán bộ địa phương biết khóc cười với đất đai bản quán... tất cả đều hăm hở và hối hả vì đại cuộc. Nhưng giữa những điệp trùng gian khổ vẫn ánh lên vẻ lãng mạn đáng yêu trang viết nhà văn. Sau lưng họ, ngay dưới chân đê là khu vực dựng trại. Giống như một binh đoàn du mục thời cổ, mấy trăm căn lều, toàn bằng những tấm chăn chiên đỏ, chen chúc giữa một rừng cờ lộng gió, rừng rực trong nắng tháng tư, gợi ấn tượng một đám lửa lớn đang bốc cháy trên mặt cát, đẹp không thể tả. Buổi chiều người về tắm giặt, con trai con gái đàn hát chung quanh những lều trại nhả khói ung dung trên bầu trời xanh thẳm của vùng biển; tất cả bỗng gợi lại những bãi biển nhiệt đới tràn trề sức sống đâu đó trong tranh Gô-ganh.

*

Nhà văn nữ Trần Thanh Hà thành công với thể loại truyện ngắn gây được tiếng vang trên văn đàn cả nước. Chị đã giành được các giải thưởng như: giải nhất cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1996, giải nhất cuộc vận động sáng tác Văn học cho tuổi trẻ, Nhà xuất bản Thanh niên 1994 - 1996...

Truyện ngắn Sông ơi khá tiêu biểu cho bút pháp Trần Thanh Hà. Đó là lối kể chuyện truyền thống mang màu sắc dân gian quen thuộc trong văn học Việt Nam hiện đại với nhiều chi tiết đan cài. Tác giả lấy bối cảnh từ một vùng quê Vĩnh Linh - Quảng Trị, nơi nhà văn có nhiều kỷ niệm và vốn sống. Nhân vật chính xưng “tôi” cũng là một cô gái của dòng họ Trần ở một ngôi làng bảy nổi ba chìm với những biến thiên tao loạn của lịch sử và sự long đong, khắc khoải của mỗi phận người. Từ bà nội đến mẹ của nhân vật chính cũng như cuộc đời của cô gái này đều bất hạnh, cô đơn và khao khát tình yêu. Cả đời họ sống và kiếm tìm một bến bờ yêu thương đích thực nhưng rốt cuộc cũng chỉ đứng bên này của dòng sông - dòng đời, không qua được bên kia - nơi bến bờ mơ ước. Cả những cày xới ham hố, chụp giật của cơ chế thị trường cũng làm biến dạng gương mặt làng quê, để lại nhiều âu lo, day dứt. Đoạn kết là khát vọng khắc khoải mang đầy nữ tính của nhân vật ở ngôi thứ nhất:

Chèo đò bẻ bắp bên sông...

Giật mình. Chợt như bà ngồi hát đâu đây trong nắng gió chiều nay. Vật đổi sao dời mà trước tầm mắt, cái bờ cây phía bên kia sông vẫn một màu xanh thẳm. Hai chục năm ra đi, từng cười từng khóc vẫn chưa bao giờ tôi bơi qua con sông ấu thơ để chạm môi lên phiến lá đầu tiên của bờ cây xanh thẳm. Ôi bờ cây của tôi...

Nông thôn Quảng Trị đã và vẫn sẽ là đề tài quan trọng, khơi gợi bao niềm cảm hứng dài lâu cho văn học quê nhà. Bởi nơi đây là vùng nông nghiệp với rất nhiều nhà thơ, nhà văn là con đẻ của nông dân, nên cảm hứng quê hương nguồn cội vẫn luôn ấm nóng, chảy trong huyết quản mỗi người.

T.A

THUẬN AN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 312 tháng 09/2020

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground