Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Phát triển văn học nghệ thuật trước yêu cầu bức thiết của cuộc sống - Kỳ 3: Một số giải pháp phát triển văn học nghệ thuật trong bối cảnh mới

Hiện nay có một thực trạng là những “tác phẩm” được coi là “có vấn đề” lại thu hút lượng lớn bạn đọc. Điều này cho thấy, ở một bộ phận độc giả còn coi việc thỏa mãn tính hiếu kỳ, tò mò hơn là việc tiếp nhận tri thức, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm. Bài học của các nước phát triển nhanh kinh tế mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống là tăng cường sức đề kháng nội sinh. “Làm thế nào để truyền đạt được Nghị quyết của Đảng một cách sâu rộng, gần gũi đến với giới nghệ sĩ đồng thời khuyến khích, khơi dậy trong họ niềm khao khát sáng tạo, cống hiến. Đó là trách nhiệm của công tác Đảng trong lĩnh vực VHNT” - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam Vương Duy Biên khẳng định.
>> Kỳ 1: Bay theo đường dân tộc đang bay
>>Kỳ 2: Đừng ngủ yên cho đời chật 
Nhiếp ảnh Quảng Trị sáng tác ở suối nước nóng Klu, huyện Đakrông - Ảnh: Thanh Thoan

Nhiếp ảnh Quảng Trị sáng tác ở suối nước nóng Klu, huyện Đakrông - Ảnh: Thanh Thoan

 

Kỳ 3: Một số giải pháp phát triển văn học nghệ thuật trong bối cảnh mới

Làm văn nghệ sĩ tuy được tự do phát triển nghề nghiệp nhưng cũng phải tuân thủ theo pháp luật của Nhà nước, và những quy định tối thiểu đối với ngành nghề của mình. Do đó, Nhà nước tạo mọi điều kiện cho các văn nghệ sĩ và nhà báo thể hiện tài năng, nhưng đồng thời đội ngũ nhà báo và các văn nghệ sĩ phải thấy rõ trách nhiệm xã hội của mình để viết và sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước thời kỳ mới. Để phát triển VHNT trong bối cảnh mới, cần triển khai những giải pháp song song.

Phát huy hiệu quả từ những “bệ đỡ”

Một trong những cuộc vận động sáng tác lớn được văn nghệ sĩ quan tâm chính là cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được tổ chức với quy mô từ Trung ương đến địa phương. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Quảng Trị - mà chủ trì là Hội VHNT tỉnh đã tổ chức 3 cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ban Tổ chức đã trao 94 giải thưởng cho tác phẩm có chất lượng. Đồng chí Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị đánh giá: “Dù là một tỉnh nhỏ nhưng Quảng Trị là một trong những địa phương được Ban chỉ đạo giải thưởng Trung ương xét tặng nhiều giải thưởng nhất so với các tỉnh, thành phố khác ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Mặc dù chưa có giải A, nhưng có thể khẳng định, qua các đợt tham gia cuộc vận động sáng tác này, ý nghĩa thực tiễn của các tác phẩm đối với việc động viên, khuyến khích, định hướng hành động trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác thể hiện rõ hơn”.

Văn học giá trị là thứ văn học có khả năng sản xuất ra những người cao thượng và những tình cảm cao thượng. Tóm lại nó là văn hóa. Một mặt khác, văn học còn là thước đo trình độ trí tuệ, trình độ học vấn của giới trí thức trong thời đại đó” (Nguyễn Huy Thiệp - Con đường văn học).

Những tác phẩm VHNT được sáng tác, quảng bá bằng tài năng, tấm lòng của anh chị em văn nghệ sĩ, đã góp phần đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Quảng Trị ngày càng đi vào chiều sâu, thu được kết quả quan trọng, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Cùng với hoạt động quảng bá được mở rộng, đã tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác; học tập kinh nghiệm, cách làm hiệu quả từ những điển hình các cá nhân và tập thể tiêu biểu; đồng thời từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân trong tỉnh. Qua đó cho thấy sự tác động hai chiều giữa VHNT và cuộc sống.


Bên cạnh đó, từ các nguồn hỗ trợ sáng tác của Trung ương hàng năm đã giúp cho Hội VHNT các tỉnh tổ chức được nhiều trại sáng tác, hỗ trợ đầu tư để có tác phẩm chất lượng cao. Đối với Hội VHNT tỉnh Quảng Trị, Đảng Đoàn và Ban Thường vụ đã có sự vận dụng linh hoạt, phối hợp với các địa phương, các ngành để đưa các trại sáng tác VHNT về các huyện, thị xã, 
thành phố và sở, ngành, lực lượng vũ trang... Trung bình mỗi năm, Hội VHNT Quảng Trị tổ chức được 5 - 7 trại sáng tác ở cơ sở. Các trại sáng tác đều gắn với sự kiện chính trị, các lễ kỷ niệm, phong trào quan trọng của tỉnh và các địa phương, cơ quan, đơn vị…Họa sĩ Trịnh Hoàng Tân - một trong những tác giả đoạt nhiều giải thưởng mỹ thuật của khu vực và toàn quốc cho biết, sáng tạo nghệ thuật thực sự là một cuộc dấn thân vào thế giới tâm trí bên trong. Càng dấn thân mà không màng tới những gì đã bỏ lại ở thế giới bên ngoài, thì ta càng đạt được các nấc thang cao hơn của sự sáng tạo. 

Đổi mới hoạt động các Hội VHNT để thu hút hội viên mới, phát triển đảng viên trong Hội viên

Phát biểu tại Đại hội Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam lần thứ X (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, với vai trò là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam trong tình hình mới, VHNT cần phải nâng tầm, đổi mới mạnh mẽ, phát huy sức mạnh đặc biệt của các loại hình VHNT, cũng như tiềm năng sáng tạo to lớn của đội ngũ hơn 40.000 văn nghệ sĩ để có một giai đoạn sáng tạo mới, cống hiến thêm nhiều tác phẩm hay, có giá trị cao về tư tưởng, giáo dục, nghệ thuật, ghi lại chân thực dấu ấn về giai đoạn phát triển quan trọng của đất nước. Trọng trách là như thế nhưng hiện tại, nhiều tỉnh, thành đều gặp khó khăn trong việc phát triển hội viên mới là người trẻ tuổi, phát triển đảng trong hội viên. Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Trị cho biết, đối với tỉnh Quảng Trị, hiện có 244 hội viên, trong đó có 112 hội viên là đảng viên. Điều đáng lo ngại hiện nay là hội viên cao tuổi đông, việc kết nạp hội viên trẻ rất ít. Hội viên trẻ nếu có hầu như tập trung ở phân hội sân khấu.

Hiện nay, văn học đương đại chịu tác động “đa chiều” khiến những người sáng tạo VHNT khó tránh khỏi những ngỡ ngàng và cả sự háo hức trước những điều mới lạ, phong phú, phức tạp của đời sống xã hội. Theo ông Đinh Xuân Dũng - Ủy viên thường vụ Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương - VHNT đang có những tìm tòi mới, có dấu hiệu của bước phát triển mới, có dấu ấn cá nhân, tự do sáng tạo được tôn trọng, có lực lượng sáng tác trẻ và “xuất hiện thị trường các sản phẩm VHNT”. Sự xuất hiện của thị trường sản phẩm VHNT sẽ chi phối, tác động đến đời sống VHNT và xuất hiện một số khuynh hướng trong sáng tạo: bảo thủ do lúng túng, bị động trước cái mới, nỗ lực hiện đại hóa trên cơ sở giữ gìn bản sắc, học đòi bắt chước, lai căng… Do đó, cần có sự tập hợp trong hoạt động của tổ chức Hội VHNT ở các tỉnh và Trung ương. Liên hiệp phải thực sự trở thành tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp vững mạnh, đoàn kết, thống nhất, dân chủ, là mái nhà chung ấm áp, thân tình của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước. Tổ chức Hội phải là nơi để mỗi văn nghệ sĩ gửi gắm tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm, đóng góp tài năng, sức lao động của mình, để tăng thêm cảm hứng và xung lực sáng tạo. Do đó, việc đổi mới hoạt động ở các Hội VHNT tỉnh và Trung ương là hết sức bức thiết.

Theo ông Hà Hữu Nết, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng, đổi mới hoạt động ở các Hội VHNT cần chú trọng các nội dung. Đó là cần đổi mới nâng cao hiệu quả các Trại sáng tác VHNT, tổ chức tốt các Cuộc thi sáng tác VHNT, đẩy mạnh hoạt động công bố, quảng bá tác phẩm VHNT, tăng cường hội thảo, tập huấn, sinh hoạt chuyên môn, kết nạp hội viên trẻ và cuối cùng là đổi mới tạp chí văn nghệ các địa phương...

Để khích lệ hội viên tìm tòi sáng tạo để có tác phẩm hay hơn, độc đáo hơn, chất lượng hơn, khâu đầu tiên là lựa chọn hội viên có đủ đam mê, năng lực sáng tạo và sức khỏe. Tiếp đến, là khâu chọn đề tài, tổ chức thực hiện nội quy, nghiệm thu, tổng kết, khen thưởng, quảng bá tác phẩm sau bế mạc mỗi trại. Nên lấy chất lượng tác phẩm làm mục tiêu, tiêu chí đầu tư (đây là khâu đột phá). Khuyến khích lực lượng sáng tác trẻ tìm tòi, đổi mới, cách tân về nội dung và hình thức sáng tác. Bên cạnh đó, cần có các cuộc thi sáng tác VHNT bởi đây là “sân chơi” bổ ích và lý thú của giới văn nghệ sĩ, là cơ hội để phát hiện ra người tài năng và thu hút người trẻ tham gia sáng tác. Giải thưởng càng cao, càng thu hút đông đảo văn nghệ sĩ và nhân dân tham gia. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là cần đổi mới hơn nữa khâu tổ chức, chọn ban giám khảo, phương thức chấm và trao giải.

Hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số VN tỉnh Quảng Trị thu âm, ghi hình  các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Pa Cô - Ảnh: Thanh Thọ

Hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số VN tỉnh Quảng Trị thu âm, ghi hình các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Pa Cô - Ảnh: Thanh Thọ

Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Thanh Thoan, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Trị, cần tăng cường hội thảo, tập huấn, sinh hoạt chuyên môn, kết nạp hội viên trẻ. Thực tiễn 5 năm qua chứng minh rằng, nếu cấp Hội và cấp Chi hội tăng cường và làm tốt hội thảo, tập huấn chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn, thì chất lượng sáng tác và hoạt động VHNT khởi sắc, ngược lại thì sa sút, yếu kém. Thông qua sinh hoạt tập thể, ngoài việc cảm thông, thắt chặt tình đoàn kết, đông đảo hội viên được chia sẻ, nâng cao nhận thức về sáng tác, cảm thụ, phê bình tác phẩm VHNT.

Thêm một vấn đề thực tiễn đang đặt ra đó là việc quảng bá tác phẩm VHNT. Việc đăng báo, tạp chí, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng địa phương và Trung ương rất hạn chế, rất khó chen chân. Hiện tại, các địa phương đều có tạp chí văn nghệ là cơ quan ngôn luận của Hội VHNT. Tuy nhiên, mô hình hoạt động của tạp chí chưa thống nhất trong cả nước, sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí hoạt động cũng không giống nhau. Có tạp chí được xuất bản hàng tháng, có tạp chí một quý mới xuất bản một lần. Trong bối cảnh mới, cần đổi mới tạp chí văn nghệ các địa phương để thu hút, hấp dẫn hơn từ bìa, hình thức trình bày đến nội dung, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới. Ngoài tạp chí in, cần đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền trên web, mạng xã hội…

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, mạng xã hội là phương tiện miễn phí, lan tỏa nhanh và rộng khắp. Mỗi văn nghệ sĩ nên tận dụng, làm chủ công nghệ, đăng tải những tác phẩm chất lượng tốt nhất để tôn vinh văn hóa Việt Nam ra thế giới và khẳng định “thương hiệu” văn nghệ sĩ của mình. Không nên “dễ dãi”, đăng tác phẩm yếu kém về nội dung và nghệ thuật, hoặc bình luận cực đoan lên mạng xã hội. Bởi mạng xã hội chính là nơi thể hiện hình ảnh, uy tín văn nghệ sĩ với người thân, bạn bè và công chúng toàn thế giới. Các Hội địa phương hoặc đơn vị chuyên trách nên có sự phối hợp tập huấn, trang bị kiến thức để giúp các văn nghệ sĩ làm chủ môi trường mạng.

Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ

Từ năm 1986 đến nay, đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng ta ở từng thời kỳ một đều có những bước điều chỉnh phù hợp với sự thay đổi rất nhanh của nền VHNT nước nhà. Có thể thấy rằng sau năm 1986, Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị rồi Nghị quyết 23-NQ/TW, Nghị quyết 33-NQ/TW và gần đây nhất là Kết luận số 76-KL/TW… đều thấy rằng Đảng ta luôn hiểu rõ xu thế phát triển của nền VHNT Việt Nam. Nếu như văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là sức mạnh nội sinh của đất nước thì VHNT là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người, là một trong những nguồn lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Cần có cơ chế khuyến khích, động viên, tôn vinh văn nghệ sĩ, các tác phẩm có giá trị cao thông qua các cuộc thi, liên hoan để họ hăng say sáng tạo.

Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng chỉ rõ: Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hoá. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.

Do đó, về phía các cấp, các ngành, cần quan tâm đúng mức, phát huy vai trò sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống xã hội, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Qua đó, truyền tải nội dung, củng cố, định hướng giáo dục chính trị tư tưởng, ý thức cảnh giác cách mạng cho đội ngũ văn nghệ sĩ... Bên cạnh việc có nguồn quỹ hỗ trợ các công tác sáng tạo VHNT, phát huy và đưa sự quan tâm của Nhà nước đến với tình hình thực tế cụ thể hoạt động VHNT của các tỉnh, thành phố. Cần đặc biệt quan tâm ở các vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc các tỉnh còn khó khăn do mặt bằng chung ở các tỉnh, thành chưa có sự đồng đều ở môi trường hoạt động giống như các văn nghệ sĩ ở thành phố.

Ngày 8/4/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 558/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT, báo chí ở Trung ương và các Hội VHNT địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Chương trình hướng tới đối tượng là các tác giả, nhóm tác giả, hoạt động sáng tạo tác phẩm VHNT, báo chí ở Trung ương được hỗ trợ thông qua các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam; các tác giả, nhóm tác giả, hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao ở địa phương được hỗ trợ thông qua các Hội Nhà báo địa phương, Hội Nhà báo Việt Nam;… Đồng thời, hỗ trợ công bố, phổ biến, công diễn, dàn dựng, biểu diễn, xuất bản, biên soạn, biên tập, dịch thuật, nghiên cứu, cập nhật thông tin các tác phẩm VHNT, tác phẩm báo chí đạt giải và có chất lượng cao;…

Mong rằng với nhiều giải pháp triển khai song song, trong thời gian tới sẽ có những tác phẩm mang tầm vóc thời đại mà ở đó kết tinh tài năng và tâm huyết của văn nghệ sĩ thông qua các hình tượng nghệ thuật độc đáo chinh phục lòng người, mang đầy đủ các hệ giá trị, các chuẩn mực giá trị và môi trường văn hóa lành mạnh. Từ đó nâng cao chất lượng toàn diện các hoạt động theo hướng chuyên nghiệp để VHNT thực sự trở thành một động lực tinh thần của toàn xã hội, đóng góp xứng đáng vào việc hoàn thiện đất nước, hoàn thiện con người, hướng tới một quốc gia thịnh vượng.

C.Đ

CÔNG ĐỨC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 321

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground