Chớ vô tình bước qua cỏ xanh
Giọt sương đậu mềm
Non tơ nảy mầm
Rút mạch nguồn từ xương máu đồng đội, cha anh
Quảng Trị ơi!
Quảng Trị anh hùng!
Trải qua những thăng trầm
Một giọt nước cũng thấm hồng giọt máu
Mỗi tấc đất làm sao đủ ấm?
(Cho những người nằm lại nơi đây!)
Chiến tranh qua rồi
Quảng Trị dựng xây
San lấp hố bom...
chỉ vun bằng tay
không dám cuốc
Những ngón chai sần
ngày xưa mẹ đào-bới-lật tung
tìm con trong đá cát
Chừ ươm mầm, chỉ un nhẹ
Sợ con đau
Sáng xuân nay con về bên Thành Cổ
Nghiêng mình đa tạ màu xanh!
(Quảng Trị xanh -Cát Miên)
X |
in nói ngay một điều “ngoài thơ” nhưng theo tôi rất quan trọng: Đây là thi phẩm của một cây bút nữ sinh năm 1983, hiện đang là sinh viên năm cuối khoa Sáng tác và lý luận phê bình Văn học thuộc trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Người thơ là dân gốc Quảng Trị, sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị, tên khai sinh là Nguyễn Thị Hợi, bút hiệu là Cát Miên. Quảng Trị xanh là một trong ba mươi chín bài thơ trong tập thơ đầu tay của Cát Miên, có cái tựa đề rất... ấn tượng là Màu em, do NXB Hội Nhà văn ấn hành vào đầu năm 2009.
“Màu em” là màu gì xin chưa bàn tới, nhưng Quảng Trị xanh thì tôi và có lẽ đông đảo công chúng đã từng thuộc lòng câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Tế Hanh: Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị; và rưng rưng với Cỏ non Thành Cổ qua bài hát lay thức tâm can của nhạc sĩ Tân Huyền. Thi ca viết về màu xanh Quảng Trị với hàm ý đối lập màu xanh hiện hữu với chiến tranh - máu lửa, thiết tưởng khó ai tránh được “từ trường” của thi phẩm và nhạc phẩm kể trên. Vậy mà đọc Quảng Trị xanh của Cát Miên, tôi vẫn nhận ra một màu xanh rất riêng qua những tầng nấc nhân văn mà phải là những người trong cuộc mới có thể cảm nhận và chia sẻ.
Trước hết đó là màu xanh dâng hiến: “Non tơ nảy mầm/ Rút mạch nguồn từ xương máu đồng đội, cha anh”. Biết bao người con ưu tú của Tổ quốc đã cống hiến tuổi xanh cho đất nước để có màu xanh đất trời hòa bình hôm nay? Chỉ riêng trên mảnh đất Thành Cổ trong mùa hè rực lửa năm 1972, mỗi đêm hơn một trăm chiến sĩ ngã xuống. Tám mươi mốt ngày đêm như thế, mà Thành Cổ chỉ vẻn vẹn một cây số vuông, nên tính ra “Mỗi tấc đất làm sao đủ ấm?”. Trước sự hy sinh không sao kể xiết của các anh hùng liệt sĩ từ khắp mọi miền quê của đất nước, làm sao tả xiết niềm tiếc thương của dân tộc và nhân dân. Còn nỗi tiếc thương nào lớn hơn nỗi tiếc thương của bà mẹ đối với những người con? Và còn hình ảnh nào điển hình hơn hình ảnh bà mẹ “san lấp hố bom...chỉ vun bằng tay, không dám cuốc...vì sợ con đau...”. Đó là hình ảnh thực trong đời sống đã được Cát Miên chọn làm biểu tượng, ẩn dụ trong thơ. Hơn ba chục năm sau chiến tranh, đây đó trên đất nước ta, thỉnh thoảng vẫn phát hiện được xương cốt, di vật liệt sĩ trong khi trồng trọt hoa màu và xây dựng công trình, nhiều nhất là ở Quảng Trị. Như thế, màu xanh Quảng Trị hôm nay còn là màu xanh se thắt của muôn triệu tấm lòng. Từ màu xanh dâng hiến, tác giả dẫn người đọc đến trước màu xanh tiếc thương để “Nghiêng mình đa tạ màu xanh”, một màu xanh tri ân thôi thúc mỗi người được sống và đang sống hôm nay phải có những việc làm cụ thể, cho dù đền đáp bao nhiêu cũng không thể bù đắp, tương xứng...
Dẫu thế, tôi tin muôn ngàn anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên khắp các chiến trường vì độc lập - tự do của Tổ quốc, hẳn cũng sẽ mát dạ, ấm lòng trước tấm lòng của một người làm thơ trẻ, sinh ra sau mười một năm Quảng Trị được giải phóng, qua những câu thơ chân thành Quảng Trị xanh. Những người làm thơ cùng thế hệ ấy, nhiều người bây giờ ồn ào “cách tân”, gây sốc với những câu thơ “hiện sinh” táo tợn, tuyên bố thơ “bản ngã” mới đích thực là thơ; thậm chí nhiều người cổ xúy xu hướng thơ thoát ly truyền thống, đoạn tuyệt quá khứ, thờ ơ với cái chung...Cát Miên không thuộc xu hướng ấy. Quảng Trị xanh và những bài thơ đã công bố từ trước tới nay của người thơ này đều chung một giọng thơ hiền lành, dung dị, đằm lắng; biết trăn trở với những vấn đề chiến tranh và hậu chiến, thông qua những con người, những cuộc đời trên chính mảnh đất máu lửa mà cô được sinh ra và lớn lên; biết bám vào hiện thực cuộc sống để nuôi dưỡng cảm xúc và biết chắt lọc những chi tiết điển hình từ cuộc sống để gửi gắm, giãi bày, khái quát trong thơ. Đó là điều đáng quý!
M.N.T