Đ |
ã hàng ngàn năm nay người Việt Nam, dưới ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa, sử dụng thường xuyên các cách đối đáp ngôn từ trong thơ phú và trong lối ăn nói hàng ngày. Những câu đối bằng mực Tàu giấy đỏ bên cạnh các loại tranh Đông hồ tạo nên quang cảnh ngày Tết. Ai cũng thấy rằng câu đối và các câu thơ theo Đường luật là một trò chơi văn chương lí thú. Làm được một câu đối hay, một bài thất ngôn bát cú hoàn chỉnh tạo cho ta cảm giác phấn chấn như vừa giải được một bài toán khó, phát hiện ra một định lí toán học, hay một qui luật vật lý bổ ích.
Lịch sử để lại cho ta những câu đối nổi tiếng:
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu
(Trần Nhân Tông, 1288)
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người tới chốn lao xao
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Nhà nát ba gian, một thầy một cô một chó cái
Học trò dăm đứa, nửa người nửa ngợm nửa đười ươi
(Cao Bá Quát)
hoặc những câu thơ mà ai cũng thuộc lòng
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
(Bà huyện Thanh Quan, Qua đèo ngang)
Cải chửa ra cây cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
(Nguyễn Khuyến, Khi bạn viếng nhà)
Và một số vế xuất chưa ai đối được cho đến ngày nay, điển hình là vế xuất tương truyền của bà Đoàn Thị Điểm: dùng để trêu chọc Trạng Quỳnh:
Da trắng vỗ bì bạch
Câu đối nói lên tài trí con người một cách rõ nét, không ai chối cãi. Qua câu đối, kiến thức văn hoá, lịch sử, nhất là nhân cách của con người bộc lộ hiển nhiên. Vì vậy ngày trước các cụ ra câu đối để thử tài đám trẻ hay những ai chưa quen biết. Giai thoại sau đây về vua Duy Tân chứng minh nhận xét trên. Vua lên ngôi khi còn rất trẻ nên có nhiều thái phó lo việc dạy cho vua đủ thứ cần thiết. Có một thái phó người Pháp tinh thông chữ Hán và quốc ngữ đảm nhiệm việc dạy tiếng Pháp cho vua. Một hôm ông này ra cho vua vế đối như sau:
Rút ruột ông vua, tam phân thiên hạ
với ý nghĩa rằng nếu ta bỏ đi nét dọc trong chữ “vương” (vua), ta sẽ có chữ “tam”, (ba)..Nghĩa của vế đối về mặt thời cuộc cũng hiện lên rất rõ: người Pháp rút hết quyền lực của vua bằng cách phân nước Nam thành ba kỳ. Theo truyền thuyết (chắc chắn do các nho sĩ dựng lên với ý đồ chống thực dân) thì lập tức vua Duy Tân đối lại:
Chặt đầu thằng Tây, tứ hải gia huynh
với ý nghĩa rằng nếu ta bỏ phần trên của chữ “tây” (Pháp), ta sẽ có chữ “tứ”, tức là bốn. Ý nghĩa thời cuộc rõ ràng là nếu Pháp bị tiêu diệt thì dân chúng khắp nơi sống trong tình huynh đệ… Vế đối không được chỉnh về nhiều mặt nhưng tài trí của người đối phải làm ta khâm phục.
Điều đáng ngạc nhiên là luật đối rất phức tạp, đòi hỏi người ra vế đối cũng như người đối phải có những kiến thức sâu sắc về văn hoá, ngôn ngữ. Chẳng hạn người đối phải nắm vững tính chất từ loại, một khái niệm xuất hiện muộn trong các cuốn ngữ pháp mạch lạc đầu tiên ở Châu Âu… Đấy là chưa nói đến những kiến thức về sự đẳng cấu của các tập hợp toán học.
Tuy vậy, cho đến nay, rất ít người bàn đến ích lợi của câu đối hay những vần thơ đối nhau trong việc xây dựng trí tuệ cho trẻ và người lớn. Cũng rất ít người đặt ra câu hỏi: “Câu đối là gì?”.
Lê Quí Đôn, học giả nổi tiếng của Việt Nam vào cuối thế kỉ 18, trong Kiến văn tiểu lục(tập 2, cuốn 4, tr.163) đề ra sáu qui tắc tạo thành câu đối như sau. Thứ nhất, các khái niệm cùng chung một lĩnh vực ứng đối với nhau. Thí dụ: ngày/đêm; nhật/nguyệt; hoà/chiến… Thứ hai, đối nhau các từ chỉ vật cùng loài: oanh/yến; (hoa) lan/(hoa) huệ; Thứ ba, đối nhau các từ láy như minh minh/ hách hách… (điều này đặc trưng cho tiếng Việt)… Thứ tư, số lượng đối với số lượng: ngũ tướng/ thiên quân; ba đời/ bảy kiếp… Thứ năm, thành ngữ đối với thành ngữ: đẹp vàng son/ ngôn mật mỡ; đói cho sạch/rách cho thơm… Thứ sáu, lấy ý đối ý: nối chí cha/theo nghĩa mẹ; đền nợ nước/thoả tình nhà.
Sau Lê Quí Đôn, một số nho sĩ và học giả thỉnh thoảng đưa ra những nhận xét nhỏ về cấu trúc câu đối nhưng chưa có công trình nào tóm lược một cách hệ thống và tường minh về luật đối.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi cố gắng đề xuất những yếu tố tạo nên câu đối và đưa chúng vào hệ thống. Mặt khác chúng tôi chứng minh tại sao vế xuất của Đoàn Thị Điểm chưa có được vế đối hoàn chỉnh.
Ta xem lại kỹ càng hai câu thơ của Nguyễn Khuyến:
Cải chửa ra cây, cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
Trước hết về ngữ âm, luật bằng trắc được thể hiện chính xác: cải (trắc)/ bầu(bằng) vv.
Thứ đến là từ loại: cải (danh từ)/bầu (danh từ), chửa (phó từ)/vừa (phó từ) vv… Đấy là sơ lược sự tương ứng của một yếu tố trong vế xuất với một yếu tố của vế đối. Trong vế xuất ta thấy cải và cà đứng đầu các cụm từ có liên quan với nhau. Hai từ này chỉ các giống cây mọc tự nhiên trên mặt đất. Trong vế đối, người đối phát hiện ra mối quan hệ cải/cà đó và đối lại bằng mối quan hệ bầu/mướp là những thứ cho quả trên giàn. Nhà ngôn ngữ học thấy ngay qua những phân tích trên tính “hai chiều” của câu đối. Một là quan hệ trục dọc hay quan hệ liên tưởng (paradigmatic) trong đó có quan hệ bằng trắc, từ loại vv. Các phần tử trong khung mẫu này có khả năng thay thế cho nhau nhưng không đồng thời xuất hiện. Thứ đến là quan hệ chiều ngang hay quan hệ ngữ đoạn (syntagmatic), tức là quan hệ giữa các thành tố của từng vế. Như vậy đối với các cách đối có hai nhóm luật: nhóm trục dọc P và nhóm trục ngang S. Nhóm đầu có tính bắt buộc: không tuân thủ những luật thuộc nhóm này ta sẽ bị thất niêm, thất luật và việc làm của ta không có giá trị. Nhóm thứ hai có tính tự do, không bắt buộc. Những luật của nhóm này cho phép người ta tạo ra những cách đối độc đáo, có khi thần kỳ, nói lên trí tuệ ưu việt của tác giả.
Gọi A là một từ của vế xuất và A’ là phần tử đối trong vế đối; B là một phần tử của vế xuất và B’ là phần tử đối, những luật đối được phát biểu trong ngôn ngữ hiện đại như sau:
Nhóm thuộc trục dọc P:
- P1: A phải khác với A’ và A’ là từ đối duy nhất. Trong hai câu thơ đối nhau của Nguyễn Bỉnh Khiêm sau đây:
Khôn nơi cờ bạc là khôn dại
Dại chốn văn chương ấy dại khôn
Hai từ “khôn” của vế xuất có từ đối duy nhất là “dại”.
- P2: Nếu A có vần trắc thì A’ có vần bằng và ngược lại
- P3: A và A’ phải thuộc cùng một từ loại, hay chính xác hơn là cùng một tiểu từ loại nếu từ loại được phân thành nhiều tiểu từ loại… Chẳng hạn A là danh từ riêng thì A’ cũng phải là danh từ riêng.
- P4: Từ thường có cấu trúc khác nhau: từ đơn, từ ghép, từ phức, thành ngữ hay cụm từ cố định, từ vay mượn, từ đảo, từ láy vv. Trong các vế của câu đối, A và A’ phải thuộc về cùng một cấu trúc.
- P5: A và A’ phải thuộc cùng một “không gian”, tức là thuộc cùng một lĩnh vực ý niệm như màu sắc, số đếm, thứ tự, hình dáng, kích cỡ, chủng tộc, lịch sử, tác phẩm, dòng họ vv.
Nhóm thuộc trục ngang S:
- S1: Hai phần tử A và B của vế xuất có quan hệ R thì trong vế đối các phần tử A’ và B’ phải có quan hệ R’. Chẳng hạn trong các câu thơ của Nguyễn Khuyến trích ở trên, quan hệcải/cà (cây trên mặt đất) phải kéo theo quan hệ bầu/mướp (cây cho quả trên giàn). Hay trong thơ của Bà huyện Thanh Quan, quan hệ nước/quốc (nôm, hán) phải kéo theo quan hệ nhà/gia(nôm, hán).
- S2: Nếu cả một cụm từ hay mệnh đề trong vế xuất M có quan hệ với một cụm từ hay mệnh đề khác N thì trong vế đối ta cũng phải có M’ và N’ trong quan hệ nào đó. Chẳng hạn trong vế xuất của viên thái phó người Pháp
Rút ruột ông vua, tam phân thiên hạ
Cụm từ đầu toàn chữ nôm cụm từ sau toàn chữ hán thì trong vế đối ta cũng có cùng quan hệ nôm-hán đó:
Chặt đầu thằng Tây, tứ hải giai huynh
Khác với trục dọc, trục chỉ gồm một số hữu hạn qui luật, trục ngang là trục mở, số qui luật không hạn chế. Số đó tuy thuộc vào tài trí con người và thử thách tài phán đoán của người đối. Một câu đối bình thường chỉ cần tuân thủ những qui luật trục dọc. Còn khi câu đối bao gồm hai vế có quan hệ S1 hay S2 chẳng hạn, hai vế của nó thuộc về quan hệ đẳng cấu toán học. Nếu có vừa S1 và S2 quan hệ sẽ siêu đẳng.
Bây giờ ta sẽ lí giải tại sao vế xuất của Đoàn Thị Điểm cho đến nay chưa có vế đối nào thích hợp. Phân tích vế:
Da trắng vỗ bì bạch
Ta thấy có mối quan hệ S2 da trắng/bì bạch là quan hệ nôm-hán. Về các quan hệ thuộc trục dọc, ta để ý đến tính chất tượng thanh của bì bạch (tiếng nước chảy trên da người). Như vậy trong vế đối, nhất thiết phải bảo tồn quan hệ S2 và tính tượng thanh của phần tử đối của bì bạch.. Cho đến nay có nhiều cố gắng thoả mãn yêu cầu S2 như:
Con nhỏ ở tử tế
hay
Rừng sâu mưa lâm thâm
nhưng tính tượng thanh của “tử tế” và “lâm thâm” thì thiếu vắng. Nếu trong toán học có những mệnh đề hay định lí qua nhiều thế kỉ chưa ai giải được, như định lí Fermat nổi tiếng mới tìm ra cách giải sau hơn bốn thế kỉ, trong văn thơ Việt Nam thời trước còn lưu lại những vế xuất chưa tìm ra vế đối. Liệu ta có hy vọng ngày nào đó vế xuất của Đoàn Thị Điểm tìm được vế đối thích ứng chăng?
T.Q.Đ