Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sự trinh bạch của ngọn nến

T

ôi tin những dòng sông chảy ngược/ Đó là những dòng sông tự chảy, câu thơ thể hiện sự chiêm nghiệm nhân sinh của bản thân được Võ Văn Luyến chọn làm lời đề từ cho tập thơ Sự trinh bạch của ngọn nến vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Là bài thơ mở đầu, Sự trinh bạch của ngọn nến có tư duy triết học của người làm thơ giàu vốn sống:Anh chú thích cuộc đời anh vào chỗ cuối cùng của trang giấy còn lại/ bằng những con chữ trinh bạch/ sự trinh bạch của ngọn nến tự hủy không đồng lõa bóng tối. Anh từng bật khóc/ và từng nhìn người đời khóc nhiều về nỗi bất hạnh/ nhưng vẫn yêu hơn những giọt lệ nến/ bởi chúng không như sương khói chóng tàn... Anh chú thích cuộc đời anh bằng nỗi đam mê/ không hề che giấu/ không biết hóa trang/ không mặc cả thiệt hơn/ Thế mà chả ăn thua gì/ trước sự trinh bạch của ngọn nến. Với những bài thơ tiếp theo, những khơi gợi đa dạng trong cảm giác hướng người đọc đến trước những trải nghiệm là cội nguồn cảm hứng sáng tác của Võ Văn Luyến.

Dường như Võ Văn Luyến làm thơ bằng sự thấu thị ánh sáng đơn giản và độc đáo:Con gà/ nhốt mặt trời trong lòng quả trứng/ và chính nó thả mặt trời lên (Chùm ba câu). Vào không gian và thời gian nghệ thuật được phóng chiếu bởi nguồn sáng ấy, độc giả bắt đầu hành trình cảm nhận Sự trinh bạch của ngọn nến theo những quãng ngược, quãng xuôi của ký ức tuổi thơ và nhận thức về công cha nghĩa mẹ, vẻ đẹp tự nhiên và xã hội của đất nước, khí phách kiên cường của lịch sử quê hương, sự thủy chung son sắt, tình yêu cuộc sống, tính nhân văn và bản chất nghệ sĩ, cá tính lao động nghệ thuật mà Võ Văn Luyến vừa là người mở đường, vừa là người tiếp chuyện. Luôn song hành với ý thức về sự ra đời và trưởng thành của mình là hình ảnh Cha mạ tôi cày cuốc vun trồng/ Mồ hôi đẫm âu lo vầng trán và quê nhà rơm rạ ruộng đồng/ nắng nôi đất ải, nơi thuở nhỏ cậu bé Võ Văn Luyến ngụp lặn dòng sông/ con cá quẫy giấc mơ áo trắng/ chiếc nón cời khoe nắng/ khát vọng nẩy mầm trời xanh/ sách bé học vần chuyền qua tháng năm/ những con chữ ngấu bùn non ruộng mạ thấm đẫm tình mẹ che bên dột giọt nghiêng rơi bên nằm. Điều này cắt nghĩa tại sao Võ Văn Luyến dành những từ ngữ đắt và hình ảnh đẹp khi viết về mẹ và tình nghĩa vợ chồng, như: Mẹ già ngồi canh bánh tết/ Lửa cười giãn nếp nhăn nheo (Nõn xuân), Bên nhau hơn mười năm/ buồn vui cong ngọn nắng (Ngày tơ trời). Trên những câu thơ nhiều trăn trở, người đọc hiểu Võ Văn Luyến yêu lịch sử, phong hóa của quê hương, đất nước theo cách của riêng mình khi mô tả làng quê Thi Ông ruột thịt, cố đô Huế, dòng sông Hương, con sông Hiếu, đất thiêng Thành Cổ, vị mặn mòi của biển trên quê hương anh hùng Trần Thị Tâm, xứ Lạng và thị trấn Khe Sanh nơi miền sơn cước, miền Nam trù phú mênh mông màu xanh, Tây Nguyên đỏ thắm sắc bazan bát ngát hương cà phê... ở những nơi ấy, Võ Văn Luyến có giấc mơ buổi sáng, lời chào thời gian, gặp màu hoa ô cửa dưới khoảng trời mùa xuân, nhận ra sự lãng mạn của gió, viết những câu thơ chợt đến trong ngày mang lại niềm hy vọng, nghe lời hát mê say vàtiếng đàn khiến nhịp tim rộn ràng theo điệu nhảy trong ánh mắt nhen ngọn lửa tương phùng...

Ánh sáng trinh bạch của ngọn nến còn soi tỏ ý thức công dân sâu sắc và trái tim thi sĩ nhạy cảm của Võ Văn Luyến trong những câu thơ bộc lộ cảm thức lịch sử về những người đã giữ Thành Cổ Quảng Trị trong tám mươi mốt ngày đêm quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh vào năm 1972: Các anh đã hóa trời xanh mây trắng, hóa cuộc đời thêu hoa dệt gấm, hóa tình yêu sớm tối đi về (Thành Cổ 1972 và những miền đêm khác), về tình yêu một đời của những nữ thanh niên xung phong: Tuổi hai mươi ở dưới hầm/ Ngàn đêm thao thức/ Hòa bình đất trời lại sáng/ Chị vẫn chờ anh trong nỗi nhớ lặng thầm/ Vầng trăng cồn cào lồng ngực/ Mây trắng bay qua mái đầu (Chị), về tinh thần bất khuất của các chiến sĩ cách mạng ở nhà tù Lao Bảo: Tự chứng tuổi mình/ trong bão táp vẫn vươn cao, đứng thẳng/ tỏa bóng xuống thời gian/ Cây Vông đồng ở nhà tù Lao Bảo/ Tạc tượng đài thiên nhiên/ Tạc bài thơ lên giữa trời xanh/ Tạc niềm tin bền gan tranh đấu (Cây Vông đồng ở nhà tù Lao Bảo). Trong tinh thần nhân văn, Sự trinh bạch của ngọn nến còn có cái nhìn và thái độ quý trọng, yêu thương những điều làm nên sự hình thành và hoàn thiện đời sống: Dọc đường tôi qua/ gặp những bông hoa cánh rũ/ bàn tay nâng niu nhặt lên/ sắc hương vẫn còn quyến rũ... Dọc đường về/ trưa nồng cỏ bạch/ chợt hiện/ một tàn phai bóng quen! (Dọc đường quên). Đối thoại về khía cạnh này, Võ Văn Luyến tặng người đọc câu thơ chân thật: Ôi cuộc đời này/ Trái tim tôi yêu bằng sự trung thực (Sự trung thực). Bởi yêu lắm cuộc đời và những gì tạo dựng cuộc đời, quá trình lao động nghệ thuật của Võ Văn Luyến thật cẩn trọng để viết những câu thơ ngấu bùn/ tạc người nông dân lấm láp/ và nụ cười in trên gương mặt. Cũng như người nông dân ấy, Võ Văn Luyến quan niệm, đó là sự sáng nguồn. Trong Sự trinh bạch của ngọn nến, thơ xuất hiện khi cánh rừng tâm hồn tự nhiên rụng lá/ trong giấc mơ anh hy vọng nẩy chồivà với tình yêu nồng nhiệt, bền lâu dành cho thơ, đến nay Võ Văn Luyến là người vẫn Lặng nghe trong gió. Thơ Hàn vút lên.

Gấp lại những trang thơ Sự trinh bạch của ngọn nến, vẫn nghe vang những câu thơ một thanh điệu, bàn chân buồn vương sương ra đi/ nghe thời gian chờ mong như khi/ em còn trong ta thương yêu thầm thì. Nhịp điệu ngôn từ và sự khúc chiết ấy còn theo người đọc đến những khám phá mới vừa được sự trinh bạch của ngọn nến chỉ ra bên trong tâm hồn thơ ca đã được Võ Văn Luyến mở lối: Nơi giăng mắc sương mù/ Trái tim ngổn ngang sự thật/ Trái tim biết giấu sau lồng ngực/ Giữ niềm tin bền lâu/ Nơi ta qua những cây cầu/ Những nhịp cầu người đời đã mắc/ Sẽ nối tiếp dòng sông trước mặt/ Vẫy gọi ta dựng mới (Tiếng gọi).

 

                N.B.N

 

 

 

 

________

 (*)Sự trinh bạch của ngọn nến. Thơ. Võ Văn Luyến. NXB Hội Nhà văn. 2007

 

Nguyễn Bội Nhiên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 158 tháng 11/2007

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

6 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

6 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

6 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

6 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground