Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tái hiện phật sử, đồng hiện nghệ thuật tương hợp đạo và đời

M

ột nhân duyên đến với tôi vào những ngày cuối năm, quý thầy ở Huế vừa gửi sang tặng một cuốn sách mới của nhà văn Hồ Anh Thái. Nói là duyên bởi trong giai đoạn này tôi đang làm một đề tài khoa học về sự gặp gỡ giữa Phật giáo và khoa học. Nhận được sách, tôi cầm lên đọc liền và bỗng nẩy ra ý định viết vài cảm nhận này.

Tôi có thói quen gọi anh đối với tất cả những người làm thơ viết văn dù già hay trẻ, đó không phải là một sự đạo mạo mà để tạo ra cái sự gần gũi giữa tác giả và đọc giả. Cũng với cách xưng hô ấy, tôi coi tác giả là người đi trước, một người anh chỉ đường cho những thế hệ đàn em đi sau. Tôi biết Hồ Anh Thái sẽ vui lòng chấp nhận cách xưng hô này vì hơn ai hết, anh là một người nghiên cứu Phật giáo nên hẵn sẽ hiểu rõ vòng quay luân hồi, mà trong cõi tạm này anh may mắn được sinh ra trước. Đó là đôi dòng tản mạn về cách xưng hô trước lúc đi vào bài cảm nhận cũng một việc làm cần thiết để người ta ngồi tâm tình với nhau trong tư thế những người yêu văn học và cầu đạo pháp.

Tôi đã đọc được một số quyển sách của nhà văn Hồ Anh Thái, một cách viết khác hẳn và thật sự là sách của tác giả này không dễ đọc chút nào. Chính điều đó mà trong phần mở đầu tiểu thuyết “Mười lẻ một đêm” anh đã nói, “đôi khi đọc sách cũng là dịp thử thách lòng kiên nhẫn. Sách dở thì thử thách lòng khoan dung”. Sách của anh khó đọc ngay từ đầu và nếu kiên nhẫn lắm mới có thể đọc hết bởi giữa các chương các phần dường như rời rạc nhau. Đến lúc đọc hết sách ta mới thấy hoá ra tất cả đều được xâu chuỗi bằng một “sợi chỉ xanh” - đó là kiểu viết của lối tiểu thuyết hiện đại mà ta dễ dàng bắt gặp trong một số nhà văn hiện nay, như Đoàn Minh Phượng trong “Và khi tro bụi” (giải thưởng Hội nhà văn 2007) chẳng hạn. Đọc những cuốn sách trước, thấy anh Thái ít khi nói đến chuyện Phật, nhưng trong đó vẫn hàm chứa nhiều triết lí nhà Phật và góc nhìn tôn giáo. Trong “Cõi người rung chuông tận thế” đó là luật nhân quả mà những kẻ làm việc xấu muốn chiếm đoạt thân thể phụ nữ thì đều bị chính cái đẹp của Mai Trừng giết chết. Ở đó nhà văn nhân danh chính nghĩa trừng phạt cái bất lương. Trong “Mười lẻ một đêm” là sự nhận định đánh giá về việc thiết lập tôn giáo xa rời thực tại, “Giáo chủ và giáo đồ là một. Một thứ tôn giáo nhất nguyên và thất truyền”. Đạo Phật không có giáo chủ và không hề bảo thủ, đạo Phật vượt qua một khái niệm tôn giáo như người ta vẫn nghĩ là thuộc về tâm linh mê tín. Đạo Phật đó là thực hành và nhìn nhận.

Sau những gì mờ ảo nơi những tác phẩm đã viết, nhà văn cho ra cuốn sách mới với cái tựa ấn tượng “Đức Phật, nàng Savitri và tôi”. Cái bìa màu tối thể hiện sự vô minh trong cái cõi người và bên trên là ánh hào quang phát ra từ chữ “Buddha”. Những chiếc lá bồ đề dập nhạt tạo ra một ấn tượng ban đầu cho đọc giả khi cầm cuốn sách. Ở tác phẩm này, Hồ Anh Thái vẫn dùng nghệ thuật tiểu thuyết đặc sắc của mình đó là kiểu cắt mảng và ghép mảng. Sự đan xen giữa các chương với  các tựa “Đức Phật”, nàng “Savitri” và “Tôi” hệt một cuộc “Sắp đặt và diễn”(2) trên sân khấu mà đọc giả, khán giả sắp được chứng kiến thưởng thức. Có người cho rằng, lối viết tiểu thuyết như thế chính là cái “mẹo” nhà văn sử dụng nhằm kéo dài trang viết và không lo sự đứt mạch cho một công việc cần sự chăm chút đầu tư trong thể loại dài hơi. Theo tôi thì mỗi cách viết đều có một cái khó nhất định, ví như cách cắt mảng của Hồ Anh Thái thực ra là khó vì phải làm sao để giữa các mảng dù tách biệt vẫn có mối liên hệ chằng chéo. Tôi được biết anh viết cuốn này trong vòng mười năm nên sự lựa chọn kiểu bố cục như vậy là lẽ đương nhiên.

1. Cuốn sách là sự tái hiện một hình ảnh Đức Phật lịch sử, một bậc giác ngộ ở thời cổ đại. Chính bậc giác ngộ ấy đã làm nên một tôn giáo mà ta gọi là Phật giáo ảnh hưởng rộng rãi trên toàn thế giới. Việc dựng lại một hình ảnh Đức Phật có thể nói là rất khó và đôi lúc dễ bị coi là nhái lại. Ta biết ở Việt Nam đã có hai quyển sách hay viết về lịch sử Đức phật Thích Ca, quyển thứ nhất là “Ánh đạo vàng” của Võ Đình Cường và quyển thứ hai là “Đường xưa mây trắng” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đang được dựng thành phim quốc tế. Thế nhưng như anh đã nói ở bìa bốn cuốn sách, “cuộc đời Đức Phật Thích Ca được tái hiện với nhiều chi tiết ít được biết đến”. Anh nói thì tôi biết vậy! Cho đến khi đọc sách mới thấy điều đó là sự thật.

Cái mới của cuốn sách ngoài việc dựng lại hình ảnh Đức Phật từ lúc sơ sanh đến khi xuất gia thành đạo và nhập diệt còn là góc nhìn mới thông qua lối kể chuyện. Ở quyển sách này, nhà văn khôn ngoan đóng vai trò người nghe sử và chép lại sử. Một nhân vật ít được biết đến thì nay xuất hiện xuyên suốt tác phẩm và là nhân vật chính, nàng Savitri - người con gái dành tình yêu suốt đời cho Siddhattha, vị Phật sau này. Quyển sách còn khó đọc ở chỗ nhà văn sử dụng nguyên bản những danh từ riêng, tên nhân vật và địa danh đều không được phiên âm từ tiếng Phạn sang Việt ngữ. Chính điều này làm cho nhiều đọc giả khó nhớ hết tên nhân vật, chẳng hạn Tất Đạt Đa thì viết là Siddhattha, vườn Lâm Tỳ Ni thì viết là Lumbini. Tất nhiên đó là ngụ ý của tác giả muốn tôn trọng lịch sử, hơn nữa anh cũng muốn bạn đọc làm quen với tiếng Ấn để biết đâu sau này có một chuyến du lịch như anh thì khỏi phải bỡ ngỡ.

2. Rõ nhất trong cuốn tiểu thuyết là luật luân hồi. Khi nhà văn xây dựng những mẫu Nữ Thần Đồng Trinh thay thế nhau lên thống trị thì đã hàm ý rằng nàng Kumari là một cuộc luân chuyển chứ không dứt hẳn.

Nàng Savitri hiện đại mà Hồ Anh Thái được tiếp xúc trò chuyện là một Nữ Thần Đồng Trinh sau khi đã giải nghệ. Cách ăn nói của cô vẫn còn vẻ quí phái bề trên nhưng khi gặp nhà văn thì đã trở nên ngang ngữa. Cô gái đó không nhận mình là một hướng dẫn viên du lịch mà chỉ coi mình như một người kể chuyện dân gian. Chuyện dân gian đó chính là lịch sử Đức Phật. Điều này nói lên rằng, người Ấn Độ coi Đức Phật là một hình ảnh thân quen như đất, như nước, gần gũi như chuyện dân gian, như sử thi Mahabharata chứ không hề thần thánh hoá. Với họ, Đức Phật như một con người vừa mới nhập diệt hôm qua và những giáo pháp vẫn còn mãi...

Hồ Anh Thái tả  Đức Phật bằng nghệ thuật phác hoạ rất gần gũi và bình dị, không hề vung bút phóng tác bởi anh hiểu nếu không viết chân thực thì “nghệ thuật là thuốc phiện của nhân dân” (Mười lẻ một đêm), hay “Nghệ thuật là một trở ngại cho việc giải thoát... Nghệ thuật nhằm mục đích gây cảm xúc và mở rộng cảm xúc ra nhiều tầng, tạo nên sự hưởng ứng, làm cho tâm trí quan sát hướng nội bị sao nhãng. Nghệ thuật khơi dậy các mối dục vọng đam mê... Nghệ sĩ tạo nên một thế giới tưởng tượng hư ảo quyến rũ” (trang 308). Cái chân thực này thể hiện ngay từ đầu, khi anh miêu tả cảnh ra đời của hoàng tử Siddhattha.

“Tay phải bà (hoàng hậu Maya) giơ lên cao quá đầu, níu lấy một cành cây sala. Bà đã sinh ra Đức Phật trong tư thế đứng như vậy.

Tôi được biết rằng đẻ đứng là tập quán từ Ấn Độ cổ đại.

- Đúng vậy - Savitri xác nhận ý nghĩ trong đầu tôi - Hoàng tử Siddhattha ra đời một cách bình thường, không có gì là siêu phàm khác người ở đây cả.” (trang 25)

Điều này là dễ hiểu bởi khi sinh ra Hoàng tử chỉ mới là một Siddhattha con vua thôi chứ chưa phải là Phật với những điều uyên bác kì diệu. Cách tả thực này cũng nói lên một điều mà nhà văn Hồ Anh Thái muốn gửi gắm. Rằng, con người ta sinh ra ai cũng giống nhau, điều đó nghĩa là ai cũng có thể thành Phật nếu chuyên tu tỉnh thức. Vậy là thêm một lần nữa chứng tỏ Phật giáo không có gì viễn vông, đó là một đạo giáo chân chính và hiển nhiên khách quan.

3. Tinh ý một chút sẽ nhận ra phía sau những câu chữ là bao hàm cả một tư tưởng lớn mà nhà văn muốn truyền đạt. Ví như khi nói về vô minh, tác giả viết.

“Tôi chọn cách ở yên dưới bể bơi. Y như khi ban đêm mất điện, đang ở đâu thì ở yên đấy, nội bất xuất ngoại bất nhập. Ban đêm còn có ngọn nến cái đèn pin, một que diêm xoè lên cứu vãn. Sương mù như thế này thì không gì cứu được. Chính lúc ấy là một cảm giác vô minh. Cái tăm tối mù loà ngu dốt. Cả thế gian cùng lúc chìm trong vô minh. Rõ ràng ta không mê muội ta không ngủ mơ. Rõ ràng ta đang tỉnh táo. Nhưng cái tỉnh táo trong chốn mù loà dốt nát cũng vô tác dụng. Tỉnh như thế cũng không thấy được đường ra.” (trang 12)

Cái vô minh được Hồ Anh Thái ví với cái màn sương đục quấn lấy ta, đó là cách ví von dễ hiểu. Chính vì lớp sương đặc mù ấy mà ta không nhận ra được con đường đi của mình. Chỉ có những ai đã ngộ ra được chân lí, đã tỉnh thức mới thấy được.

“Cô cũng nhận ra giọng tôi?

- Ta nhìn thấy ngươi hẳn hoi đấy. Nước ngập đến ngang ngực. Đám tóc trước trán dựng lên đúng như mốt sành điệu.” (trang 13)

Ở đây, cái việc tác giả không nhìn thấy Kumari còn cô ta thì thấy rõ tác giả thực chất là một hiện tượng của quang học vật lí. Ví như khi ta đứng ngoài bóng tối có thể nhìn thấy người đứng trong ánh đèn nhưng ngược lại, người kia không thể nhìn thấy ta là do sự “ngược sáng” (hiện tượng này  được sử dụng nhiều trong nhiếp ảnh nghệ thuật). Cái tài ở đây là dùng một hiện tượng khô cứng vật lí để nói lên ý tưởng về một bóng đen vô minh đang bao trùm lên con người. Tinh ý đọc giả sẽ nhận ra được điều này ngay. Cái vô minh được xuất hiện rõ ràng thêm một lần nữa ở phần cuối cuốn sách.“Hai chúng tôi cứ thế mà dắt nhau đi. Y như ông vua mù Dhritarashtra trong sử thi Mahabharata... Hai người không nhìn đời cứ thế dắt nhau đi, điềm nhiên trước một cuộc đời cứ diễn tiến không như mong ước của họ” (trang 431)

4. Nhiều chi tiết Hồ Anh Thái sử dụng mà mãi sau mấy chục trang của cuốn sách ta gặp lại nó với một sự bất ngờ. Chẳng hạn như chàng cướp chặn đường cỗ xe của chị em công chúa Juhi, sau này xuất hiện lại trong một hành trình học đạo, bất mãn với sự trái khoắm của thói đời rồi đi giết người, anh chính mà Mala. Rồi thì Mala “theo gót chân Bụt” trở thành một vị khất sĩ. Ngày kia khi chàng đi ngang qua làng thì gặp đứa bé bưng cháo ra bố thí, Mala cầu nguyện cho cha mẹ em bé được bình an thì em bé nói cha em đã bị tên cướp giết chết vào đúng cái ngày em chào đời. Đó là một chi tiết bất ngờ vì Mala chính là tên cướp đã giết cha em hồi trước.

Một xã hội Ấn Độ cổ đại được vÏ lại bằng trang văn qua ngòi bút Hồ Anh Thái thật sinh động. Những tập quán có thể nói là hũ tục như chuyện chồng chết thì vợ bị đưa lên giàn thiêu sống. Tập tục này thể hiện một sự tàn bạo mà loài người cổ đại do sự vô minh đã không nhận ra. Hai chị em công chúa Juhi đại diện cho tầng lớp cấp tiến muốn phá bỏ lề thói lạc hậu này và đã tìm cách thoát chết. Về sau thì hủ tục này cũng được huỷ bỏ, đó là cơ hội để chị em Juhi đường hoàng xuất hiện trở lại. Đọc chi tiết này, tự dưng tôi nhớ đến Huyền Trân Công Chúa với việc hiến thân mình để lấy lại xứ Thuận Hoá bây giờ, nàng cũng chịu chung cái án lên giàn hoả thiêu cùng vua Chiêm nhưng rồi đào tẩu được hệt công chúa trong tiểu thuyết này vậy. Phải chăng lịch sử có một sự tương hợp nào đó?

Rất nhiều triết thuyết của Đức Bổn Sư được ghi lại, kể lại, làm sáng tỏ thông qua những lời giải thích của Đấng Giác Ngộ mà sau này những điều đó được các đệ tử của Ngài viết lại gọi là kinh. Triết học Phật giáo trong quyển sách này không có gì cao siêu khó hiểu mà ngược lại, toàn là những điều có lí được giải thích bằng lối ví von không chối vào đâu được. Trong đó có cả những luật nhân quả, gieo nhân nào gặp quả ấy. Rồi thì nguyên lí sắc tức thị không. Hay như sự vô thường của luật hợp tan khiến người ta ra đi nhẹ nhàng, đón nhận cái chết như là một điều tất dĩ, “xuân đến trăm hoa nở, xuân đi trăm hoa tàn”.

5. Là một nhà văn hiện đại, viết tiểu thuyết cổ đại bằng chính phong cách tân thời của mình, liệu Hồ Anh Thái có động chạm đến Sex hay không? Xin thưa rằng “có”.

Trong cuốn sách, rất nhiều đoạn anh nói về quan hệ nam nữ, lúc là chuyện thị phi trong cung vua, lúc là chuyện lầu xanh, lúc là chốn Hoan Lạc. Đâu đâu thì cái chuyện chung đụng kia cũng có, nhưng nó không phải là cái cần tả mà là cái dùng để tả, tức đằng sau cái việc kia là những thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm. Một nhà văn như Hồ Anh Thái dĩ nhiên biết làm chủ cây bút của mình khi miêu tả sex, nếu đọc giả cũng là người đọc với cảm quan đẹp thì sẽ nhận ra thực chất cái chuyện chung đụng chỉ là để giải quyết một nhu cầu nội tại. Nó cũng bình thường như chuyện ăn trái cấm của Ađam và Êva để tạo ra thế giới loài người ngày hôm nay mà thôi.

Dù sao thì trong cuốn sách này, tôi vẫn thấy anh khéo giấu bớt cái tài miêu tả sex trực diện như cách viết trong “Cõi người rung chuông tận thế”. Sách tôn giáo thì phải viết nghiêm túc và đòi hỏi thanh nhã chứ không “tục tĩu” như sách đời được, điều này quả là khó cho những cây bút vốn đã thành danh và khẳng định được phong cách của mình trên văn đàn. Ở đây, hình như Hồ Anh Thái đã làm một cuộc lặng mình đi trong cái dòng chảy của văn học sex, anh cần những phút giây tĩnh tại để xả bỏ hết những gì thô ráp thuộc về ham muốn thấp hèn của loài người để nói về Chân - Thiện - Mỹ. Phật cũng là một con người và sống chung với xã hội loài người nên những cảnh ái ân là không thể thiếu trong cuốn sách này, điều ấy đọc giả hiểu được.

6. Nghệ thuật tiểu thuyết trong cuốn sách như đã có nói là một phong cách riêng, phong cách Hồ Anh Thái. Chuyện cổ đại được tạc nên bằng ngòi bút hiện đại, thậm chí hậu hiện đại. Những câu đơn ngắn ngủn như thể làm minh bạch mọi thứ, dễ hiểu như triết lí của Đức Bổn Sư. Anh không dùng những câu phức dài dòng vì không muốn đọc giả phải tư duy rối rắm. Xây dựng nhân vật người kể chuyện, một nàng Kumari đã giải nghệ, để rồi thông qua đó kể lại toàn bộ lịch sử Đức Phật một cách tự nhiên. Sự tái hiện kết hợp với đồng hiện và liên tưởng khi có một chi tiết nào đó khơi mở. Xuyên suốt tác phẩm, ta sẽ thấy nhân vật nữ hướng dẫn viên du lịch xuất hiện không rõ nét. Vào tác phẩm thì nhà văn tả ngay cô, sau đó im bặt, cô chỉ đóng vai trò là người kể chuyện Phật mà không hề nói đến mình. Cô như một người đứng sau sân khấu làm nhiệm vụ nhắc vở cho người ta mà thôi. Rồi đến khi cô xuất hiện lần thứ hai rõ ràng hơn cùng với ông khách đi cùng chuyến - tác giả, ở quãng hai phần ba tác phẩm. Lúc ấy tôi cứ ngỡ Hồ Anh Thái kết thúc tiểu thuyết tại đây. Nhưng không, chuyện Phật chưa hết, anh chỉ dừng lại một lát, lôi chuyện làm Kumari của cô ra để cô bớt tủi thân khi phải lặng lẽ làm người hướng dẫn cho anh mà thôi!

7. Có một chi tiết này tôi muốn chúng ta cùng xem lại, không phải riêng nhà văn Hồ Anh Thái mà cả tôi, tất cả mọi người. Việc xây dựng Phật sử thì có tính hư cấu, nên mỗi tác giả viết theo mỗi cách khác nhau thì tuỳ. Tuy nhiên ở cuốn sách này, tác giả viết rằng, cả Devadatta và công chúa Yasodhara là con của cô ruột Phật. Tôi nghĩ nhiều đọc giả ở ta khi tiếp nhận chi tiết này sẽ không dễ dàng chấp thuận vì như tục lệ người Việt mình thì anh em có quan hệ gần gũi trong ba đời không được lấy nhau. Đằng này Siddhattha và Yasodhra lại là anh em con cô con cậu, gần thế mà nên vợ chồng được sao? Thêm nữa, tôi không dám so sánh quyển sách nào viết đúng hơn, vì thực chất tất cả đều là hư cấu, viết lại, nhưng trong “Ánh Đạo Vàng” của Võ Đình Cường thì khi diễn cuộc thi đấu để cưới công chúa Yasodhra có sự góp mặt của Devadattha. Vậy lẽ nào Devadattha cũng muốn lấy em gái ruột mình làm vợ? Đó chỉ là thắc mắc nhỏ mà thiển nghĩ nhiều đọc giả sẽ dừng lại ở chi tiết này để nghi hoặc chút chút.

Có rất nhiều điều đáng nói về cuốn sách, ở đây tôi chỉ xin góp vài lời tâm sự với tác giả và bạn đọc. Những ai đã đọc qua cuốn sách thì hãy cùng ngẫm lại đôi chút, những ai chưa đọc thì hãy tìm đọc để thấy cái hay cái đẹp khi đạo pháp đi vào đời sống. Đó không chỉ là “Đức Phật, nàng Savitri và tôi” mà là tất cả mọi người.

 

H.C.D

 

 

 

 

_________________

 (1) “Đức phật, nàng Savitri và tôi”- Tiểu thuyết Hồ Anh Thái, nhà xuất bản Đà Nẵng và Công ty Văn hoá Phương Nam, 2007.

 (2) Sắp đặt và diễn - tập truyện ngắn của Hồ Anh Thái

 

 

Hoàng Công Danh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 166 tháng 07/2008

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

1 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground