Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thao thức Về giữa đất trời Trường Sa

Nhà báo Đào Tâm Thanh sinh ra và lớn lên tại làng Tam Hiệp, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.

Năm 1989 tốt nghiệp cử nhân Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Huế, anh trở về quê hương nhận công tác tại Báo Quảng Trị cho đến nay. Gần 30 năm làm báo, anh đã viết hàng nghìn bài báo mang phong cách riêng biệt, có chất lượng cao, có sự ảnh hưởng và tác động đến đời sống xã hội. Anh là một nhà báo xuất sắc, nhạy bén trên mọi lĩnh vực, được đông đảo đồng nghiệp và bạn đọc yêu mến.

Chính sự ghi nhận của độc giả, giới nghiên cứu phê bình văn học đã tiếp thêm cho Đào Tâm Thanh một sức sống mãnh liệt, nhiệt huyết say mê, để cho ra tập sách thứ ba Về giữa đất trời Trường Sa, do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2016. Về giữa đất trời Trường Sa có ba mảng đề tài chính rõ rệt, tách biệt: đó là đề tài về biển, đảo và người lính hải quân; đề tài về làng - đất và người Quảng Trị; đề tài đất nước - những miền quê tác giả đã từng đi qua, để lại dấu ấn sâu đậm,…

Nhóm các tác phẩm bút ký, phóng sự, ghi chép viết về biển, đảo và người lính hải quân trong Về giữa đất trời Trường Sa là tập hợp các tác phẩm sau những chuyến đi thực tế của Đào Tâm Thanh đến công tác tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK nơi thềm lục địa của Tổ quốc. Sau khi trở về, Đào Tâm Thanh đã mang theo những dấu ấn cảm xúc ấy, rồi viết lên những bút ký, phóng sự, ghi chép về đời sống, sinh hoạt, công tác sẵn sàng chiến đấu của người lính, đất và người Trường Sa một cách chân thực, sâu sắc như Về giữa đất trời Trường Sa: Đi con đường của bao người đã điTổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi nàyNhững chấm xanh thương nhớĐiểm tựa cho dân giữa muôn trùng sóng vỗThao thức nhà giànCó một nơi thiêng liêng và đẹp như thếTrong sắc đỏ Trường Sa,

So với các thể loại khác, thể bút ký, phóng sự, ghi chép có những đặc trưng rất khác biệt. Đặc trưng cốt lõi nhất của thể loại này, chính là tính chân thật. Những sự kiện, thời gian, địa điểm và con người đều có thật, vì thế đã làm cho thể loại này có sức cuốn hút đặc biệt đối với người đọc. Bằng ngòi bút sắc nhạy, diễn ngôn trầm tĩnh, sâu lắng, đầy minh tuệ, Đào Tâm Thanh đã khám phá, phản ảnh hiện thực về biển, đảo Trường Sa, về đời sống của cư dân và người lính hải quân rất chân thật và cảm động. Độc giả đọc Về giữa đất trời Trường Sa: Đi con đường của bao người đã đi sẽ có được nhiều thông tin, tư liệu lịch sử quý giá về biệt đội Hoàng Sa, về những đoàn thuyền không số, về con đường Hồ Chí Minh trên biển, về người anh hùng Phan Vinh... Cứ thế nối tiếp nhau, hết thế hệ này đến thế hệ khác đều quyết ý chí một lòng chiến đấu, bảo vệ và dựng xây để Trường Sa ngày càng vững chãi, bề thế: Những đoàn tàu vận tải chở những chiến sĩ công binh Việt Nam đội đá, vá đảo, bao thân mình ngâm trong dòng hải lưu mặn chát, chân trần đạp lên tầng san hô sắc buốt, từng ngày, từng ngày một, đá chồng lên đá, mồ hôi người mặn hơn muối bể để đảo của ta rộng dài và lớn lên theo thời gian (tr.8).

Hiện thực cuộc sống đời thường nơi biển, đảo cũng được Đào Tâm Thanh miêu tả, phản ánh một cách chân thực và sinh động qua một số bút ký, ghi chép như Những chấm xanh thương nhớCó một nơi thiêng liêng và đẹp như thếTrong sắc đỏ Trường Sa,... Để có một Trường Sa như ngày hôm nay, những cán bộ, người lính đã phải vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy, đánh đổi cả máu, nước mắt để xây dựng trên đảo những công trình kiên cố, khang trang, hiện đại: Trên cầu cảng của đảo Sơn Ca,… cả một đoàn lính công binh cõng trên vai những tảng bê tông nặng trĩu, lần từng bước chân giữa vệt san hô khi con nước xuống thấp, mắt hướng theo bóng cờ trên vai người đi trước dò từng luồng lạch (tr.58). 

Nhìn lại quá trình sáng tác, độc giả dễ nhận ra cảm hứng chủ đạo trong văn của Đào Tâm Thanh chính là cảm hứng về làng - mảnh đất nơi anh sinh ra, dưỡng nuôi khôn lớn, trưởng thành. Đào Tâm Thanh có lần tâm sự rằng: “Thế hệ của chúng tôi đi ra từ làng quê, cần mẫn cóp nhặt từng con chữ ở các trường học lớn, viết ra, rồi gửi về lại nông thôn như là một sự tri ân nơi mình sinh ra, được dưỡng dục, được bồi đắp niềm vui sống và thấm thía tình yêu quê cha đất tổ muôn đời”. Xu hướng về làng vì thế luôn hiện diện trong tác phẩm của Đào Tâm Thanh, từ Chuyện làng đến Hạt gạo có chân và đã trở lại Về giữa đất trời Trường Sa. Đọc các bút ký, phóng sự, ghi chép Hoa trôi về phía nụ cườiĐông Hà - bình dị những làngthênh thang góc phốThao thức hương chiêmCùng một hướng nhìn giữa đất trời Thành CổĐi nhanh cho kịp xem tranh ở Nghĩa trang Trường SơnVề chợ Phiên nghe tiếng làng tôiCam Lộ, rưng rưng màu đấtMùa cam trên vùng đồi Hải PhúMỹ Thủy, nơi chân trời gần lại;... độc giả thấy trong từng trang văn ngồn ngộn, thấm đẫm những hình ảnh, những sắc màu của quê hương và con người Quảng Trị - mảnh đất nghèo khó nhưng hết mực ân tình, thủy chung. Đó là những anh bộ đội Cụ Hồ năm xưa như vị tướng già trong Hoa trôi về phía nụ cười, cựu phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính trong Cùng một hướng nhìn giữa đất trời Thành Cổ,... chân chất, bình dị nhưng đầy lòng quả cảm, can trường khí phách trong lửa đạn, mưa bom, ân tình nặng nghĩa với đồng đội, đồng chí một thời chiến đấu anh dũng, hy sinh, nằm lại giữa lòng đất trời Thành Cổ, Trường Sơn. Những nông dân trong Thao thức hương Chiêm sống trên cù lao ốc đảo Duy Phiên, Dương Xuân, Hà La ở xã Triệu Phước luôn thao thức, lo âu vì chốn ở, nơi ăn qua biến thiên dâu bể nằm lọt thỏm giữa ba bề sóng nước. Dẫu gian khó, khổ ải nhưng người dân nơi đây vẫn không chịu lùi bước, không bỏ làng tha hương cầu thực, trái lại họ bám đất, bám làng, chinh phục, ứng phó, cải tạo thiên nhiên, từ đó cuộc sống của người dân nơi đây có sự đổi thay, đi lên. Góp nên thành quả đó, việc tìm ra một loại giống lúa - sau này có tên gọi là gạo huyết rồng của người dân, canh tác được trên đất ngập mặn là cả một thành quả to lớn, là một niềm tự hào của người dân Triệu Phước. Bởi tiềm ẩn bên trong hạt gạo chiêm đỏ ấy, là cái khí lực của làng quê thuần hậu, hơi thở mạnh mẽ, sâu bền của cuộc chinh phục thiên nhiên, của cuộc sống cần lao mà dân làng đã xây đắp và hun đúc từ thế hệ này qua thế hệ khác,... (tr. 87-88). Đó là, hình ảnh Đông Hà trong Đông Hà bình dị những làng, thênh thang góc phố với những trăn trở, gập ghềnh từ làng hoang vắng, thưa thớt, thâm u, đìu hiu vươn lên thành phố khang trang, bề thế, sôi động, an hòa. Có được những bút ký, phóng sự về làng quê sinh động, thuyết phục, đi vào trái tim bạn đọc như thế, bởi Đào Tâm Thanh đã có sự gắn bó, gạn lọc được những nét độc đáo từ những cảm nhận chân thật, trực tiếp sống giữa bộn bề của cuộc sống, từ những vỉa tầng văn hóa của miền quê nơi anh sinh ra, lớn lên và trưởng thành.

Đến với Về giữa đất trời Trường Sa, độc giả còn thích thú khi được khám phá về vẻ đẹp thiên nhiên, về con người, về phong tục tập quán của một số miền quê trên đất nước Việt Nam cũng như ngoài nước. Để có thêm chất liệu sáng tác phong phú và đa dạng, Đào Tâm Thanh đã có những cuộc hành trình qua nhiều miền quê của đất nước, con người, từ nông thôn ra thành phố, từ miền xuôi lên miền ngược, hải đảo xa xôi, từ trong nước ra nước ngoài,... Trong các tác phẩm bút ký, phóng sự, ghi chép như Ra Lý Sơn, nghe cái lý của biểnQua Viêng Chăn ăn phở Hải LăngNghe tiếng gà trưa ở Củ ChiCung thanh bên dòng Mê Kông,... ngòi bút của Đào Tâm Thanh đã đi vào từng chi tiết, hình ảnh giới thiệu khá tỉ mỉ về những miền đất đã đi qua bằng chất giọng mộc mạc, đằm thắm, tha thiết, khiến độc giả say mê, yêu quý, tự hào thêm về đất nước Việt Nam và những miền quê xa xôi ở nước ngoài. Đến với tác phẩm Theo chân Bác trên dặm dài xuyên Á độc giả như được hòa mình trong một cuộc hành trình dài, ngắm những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, phố xá đông vui, tấp nập, văn hóa đa dạng của các nước bạn Lào, Thái Lan... Đến với Nakhon Phanom, nơi có những đại lộ thẳng tắp, rừng cây xanh như tràn cả ra tận lề đường, qua những làng thôn yên ả và những khu mua sắm, siêu thị sầm uất (tr.208). Đến với bản Mạy, một thời Bác Hồ đã từng sống và hoạt động cách mạng nay vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật của Bác như đứng giữa một khu nhà vườn thuần Việt tĩnh lặng của xứ Huế. Đất mát lạnh bờ tre trúc đổ bóng, chùm hoa dâm bụt cháy lên trong nắng trưa và hàng cau vươn cành lá như những chiếc lược chải vào mây trời xanh ngắt (tr.210). Độc giả còn ấn tượng hơn trong Cung thanh bên dòng Mê Kông có nhiều đoạn văn mang đậm chất thơ, câu chữ khá trau chuốt, ấn tượng sâu sắc. Đến với Sa vẳn như trở về ngôi nhà thân thuộc của chính mình. Thân thuộc bởi phố vẫn thế, trầm mặc, an hòa trong những ô bàn cờ dọc ngang con đường nhỏ nhắn như lối vào nhà ai đó thân quen lắm. Những ngôi chùa vẫn thâm nghiêm quấn quýt trong mùi hương hoa dại, cánh hoa đã xong chức phận một đời hoa, dệt một tấm thảm trắng ngà trên sân chùa rợp bóng cây và bóng người xa đã xa (tr.216). Đến với dòng sông Mê Kông, thì vẫn thản nhiên chảy giữa đôi bờ phì nhiêu cây cỏ, ấm sáng những mùa màng và tầng tầng phố xá (tr.216).

Qua Viêng Chăn ăn phở Hải Lăng cũng là một bút ký khá thú vị khi tác giả kể về một chuyến đi sang nước bạn Lào, đến thủ đô Viêng Chăn thưởng thức ẩm thực truyền thống của quê nhà nổi tiếng, đó là món phở Hải Lăng. Phở mang hương vị ẩm thực quê hương, có truyền thống rất lâu đời của cha ông, nay truyền lại cho chị Quý. Người Việt ở Viêng Chăn cũng như khách từ Việt Nam sang đều rất thích khi đến đây thưởng thức, vì ăn phở của chị Quý nấu như có cảm giác trở về lại nhà mình, bởi mùi hương đặc biệt của hương quế, hương hồi quyện với mùi hành tươi vừa chạm vào chút nóng sốt của nước dùng, phảng phất hương vị xứ Bắc nhưng đậm đà, nồng cay đúng khẩu vị của người Quảng Trị (tr.139-140). 

Như đã đề cập ở trên, thể ký, phóng sự có những đặc trưng riêng so với các thể loại khác. Tiểu thuyết hay truyện ngắn thường sử dụng hư cấu, nhưng với bút ký, tính chân thật mới là đặc trưng cốt lõi. Đặc trưng này của ký đã được Đào Tâm Thanh vận dụng triệt để, linh hoạt, nhuần nhuyễn vì thế những sự kiện, tư liệu, con người, thời gian, địa điểm, chi tiết, ngôn ngữ, cảnh huống,... đã trở thành nhịp thở của cuộc sống như nó vốn có, vốn tồn tại. Yếu tố làm nên sức hấp dẫn, cuốn hút bạn đọc trong bút ký, phóng sự của Đào Tâm Thanh, trước hết chính là bút pháp miêu tả và những chi tiết nghệ thuật. Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên và con người trong bút ký, phóng sự của Đào Tâm Thanh khá đặc sắc, thể hiện được sự sắc sảo, tài hoa của một cây bút có nội lực và trí tuệ.

Về giữa đất trời Trường Sa là một cuốn sách hay, đáng đọc, đáng trân trọng. Cái quý, cái thú vị, lôi cuốn độc giả, để rồi thăng hoa, đồng điệu cùng Về giữa đất trời Trường Sa chính là trong cách viết ký của Đào Tâm Thanh có tính văn học, thông tin, giải trí, thẩm mỹ, với nhịp thở cuộc sống thực sự đã/đang đập nóng hổi; có bố cục, lớp lang rõ ràng, có tính liên kết cao, lồng ghép những cảm xúc cá nhân, khéo léo đưa các thể loại như thơ, câu hò, tích truyện,... vào trang văn đúng ngữ cảnh, có ý nghĩa sâu sắc. Với Đào Tâm Thanh, viết báo hay viết văn chỉ cốt mong được chia sẻ những điều cảm nhận được từ hiện thực cuộc sống sôi động, về mảnh đất, con người quê hương xứ sở đong đầy hạnh phúc, yêu thương. Từ Chuyện làng đến Hạt gạo có chân, rồi Về giữa đất trời Trường Sa là cả một hành trình kiến tạo như thế.

B.N.H

 

___________________________

(*) “Về giữa đất trời Trường Sa” đoạt giải Nhì, Giải thưởng Văn học Chế Lan Viên lần II.

BÙI NHƯ HẢI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 321

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

2 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

8 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground