Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thiền vị trong thơ Trần Nhân Tông

T

rong lịch sử phong kiến Việt Nam, nhà Trần không chỉ được biết đến với những chiến công hiển hách bởi ba lần đánh thắng quân Mông - Nguyên qua những trang sử, áng văn, bài thơ trầm hùng hào khí Đông A mà chúng ta còn biết đây là thời đại đã sinh ra những vị vua tài hoa lỗi lạc, trong đó Trần Nhân Tông là một gương mặt điển hình. Ở Trần Nhân Tông hội tụ đầy đủ những tinh hoa của con người Việt Nam. Đó là một con người có bản lĩnh vững vàng, trí thức uyên thâm của một đấng quân vương; cái sắc bén, bình tĩnh, dũng cảm của một nhà quân sự; cái nhân ái bao la của một người yêu nước, cái sâu sắc thâm trầm của một nhà thiền học uyên thâm. Tất cả những yếu tố này được biểu hiện rất tinh tế trong thơ Trần Nhân Tông. Với một hồn thơ tinh tế, giàu cảm xúc, thơ của Trần Nhân Tông đã biểu hiện được sự hòa điệu giữa đạo và đời. Trong những bài thơ xuân dạt dào cảm xúc, vị Thiền đã thấm đẫm trong từng câu chữ của bài thơ.

Trong cuộc sống trần tục, dù phải gánh vác nhiều trọng trách, đối mặt với nhiều nỗi khó khăn, hồn thơ của Trần Nhân Tông vẫn vượt khỏi chốn hoàng cung để giao hoà với thiên nhiên, với tạo vật.

                                     Thụy khởi khải song phi.

                                     Bất tri xuân dĩ quy.

                                     Nhất song bạch hồ điệp.

                                     Phách phách sấn hoa phi.

                                                                     (Xuân hiểu)

                                    (Ngủ dậy mở cửa sổ.

                                    Không hay xuân đã về.

                                    Một đôi bươm bướm trắng.

                                    Phần phật đến với hoa.).

Đây là sự xốn xang, rung động khi bất ngờ nhà thơ nhận ra mùa xuân đã đến trên nền trời bởi một đôi bướm trắng, đang phần phật cánh để đến với hoa. Có lẽ do bận việc nước, ông đã quên đi bước chân của năm tháng, để đến nỗi “Bất tri xuân dĩ quy” (Không biết xuân đã về). Tuy nhiên, chúng ta lại bắt gặp cái cảm xúc dạt dào, trữ tình, sống động thông qua chi tiết “Nhất song bạch hồ điệp. Phách phách sấn hoa phi” là để báo hiệu cho nhà thơ biết mùa xuân về. Đôi bướm trắng đang phần phật bay đến với hoa là một hình ảnh tươi vui xinh đẹp, rất sinh động nổi bật giữa bầu trời xuân bao la hòa chung vào sắc xuân của muôn ngàn tạo vật. Quả thật, đây là một khám phá bất ngờ, rất tinh tế mà lại thấm đẫm chất thơ, chất đời. Chỉ có người biết yêu đời, yêu cuộc sống, chan hòa với thiên nhiên thì mới viết được những vần thơ như vậy.

Thơ xuân Trần Nhân Tông còn là sự kết hợp hài hòa giữa “cảm quan triết học và cảm quan thế sự”, vừa có thi vị đậm đà lại mang thiền vị sâu sắc. Thơ ông thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời, tấm lòng vị tha nhân hậu và cả sự rung động hết sức tinh tế của một tâm hồn nghệ sĩ lớn lao. Những lúc rảnh rỗi, ông đi thăm danh lam thắng tích. Những ngôi cổ tự đã gợi lên cho ông nhiều cảm xúc tinh tế. Ông đề thơ lên Cổ châu hương sơn tự, làm thơ trên hồ Động – Thiên Động Thiên hồ thượng; đề nhà thủy tạ ở chùa Phổ Minh Đề phổ Minh tự thủy tạ; miêu tả cảnh chiều ở Châu Lạng Lạng Châu vãn cảnh; Cảm khái khi viết thơ trên núi Đại – Lãm chùa Thần Quang Đại lãm Thần Quang tự và đặc biệt khi lên chơi núi Bảo Đài Trần Nhân Tông đã có bài thơ Đăng Bảo Đài sơn, nói về cảnh sắc thiên nhiên của mùa xuân.

Địa tịch đài dũ cổ

Thời lai xuân vị thâm

Vân sơn tương viễn cận

Hoa kính bán tình thâm.

Vạn sự thủy lưu thủy.

Bách niên tâm ngữ tâm

Ỷ lan hoành ngọc địch.

Minh nguyệt mãn hung khâm.

(Đăng Bảo Đài sơn)

(Đất vắng đài thêm cổ.

Ngày qua, xuân chửa nồng.

Gần xa, mây núi ngất,

Nắng rợp, ngõ hoa hồng.

Muôn việc nước trôi nước.

Trăm năm lòng nhủ lòng.

Tựa hiên, nâng sáo ngọc.

Đầy ngực, ánh trăng trong).

Đây là một bài thơ thấm đẫm vị Thiền nhưng lại có sự rung động tinh tế của một nghệ sĩ lớn lao xen vào là cảm quan thế sự. Cái “vô ngôn” trong thơ Thiền đã thấm đượm vào trong từng câu chữ. Lên chơi núi Bảo Đài, Trần Nhân Tông đã có dịp chiêm nghiệm thưởng ngoạn cảnh sắc của thiên nhiên trong lúc mùa xuân đã chớm về. Mùa đông rét mướt mới qua đi, mùa xuân đã chớm về làm mọi vật như bừng dậy. Ngọn núi mây giăng mờ phủ như vừa gần vừa xa, con đường trước mặt đầy hoa nửa sáng nửa tối. Đứng trong vũ trụ bao la ở thế quan sát trên núi Bảo Đài người nghệ sĩ lặng yên không nói, lặng lẽ chiêm nghiệm cuộc đời “vạn sự như nước chảy”. Nó lướt qua trước mắt và không bao giờ dừng lại nên “trăm năm lòng nhủ lòng”. Chỉ chiêm nghiệm nhà thơ không đúc rút thành chân lý, bởi đó là sự lặng yên không nói trong tư thế cầm ngang cây sáo ưỡn ngực đón trăng trong. Đây chính là cái “vô ngôn” đầy ý vị của con người trong thơ Thiền. Chúng ta khó có thể vận dụng tư duy lôgic để giải mã nó một cách cặn kẽ. Nó chỉ hiện ra trong rừng cây, vách núi, đường mòn trong rừng sâu hay một hàng dương liễu, một thềm hoa rợp bóng mây bay.

Trong thơ Thiền, cái tĩnh mịch u nhàn, cái thanh khiết nhẹ nhàng, cái hiển lộ của trời mây non nước luôn luôn được hiển hiện để biểu đạt tấm lòng của thi nhân. Tấm lòng ấy luôn mở rộng, sẵn sàng đón ngoại giới để hòa cùng vũ trụ mênh mang.

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì.

Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi.

Khách lai bất vấn nhân gian sự.

Cộng ỷ lan can khán thúy vi.

(Xuân cảnh)

(Chim nhẩn nha kêu, liễu trổ dày.

Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay.

Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế.

Cùng tựa lan can nhìn núi mây.)

Chỉ có hòa cùng vũ trụ thì thi nhân mới nhận ra mùa xuân đến trong tiếng chim hót chậm rãi giữa khóm hoa dương liễu rậm rì. Dưới bóng thềm ngôi nhà chạm vẽ mây chiều lướt nhẹ. Khách đến thăm không hỏi việc đời, cùng đứng tựa lan can để ngắm màu xanh mờ mịt ở tít chân trời xa thẳm.

Quên việc đời, biết hưởng thụ cái đẹp của thiên nhiên, tâm rỗng rang để hòa cùng vũ trụ, đó là một biểu hiện của tinh thần “vô ngôn” và cũng là biểu hiện của con người trong thơ Thiền. Bài thơ Xuân cảnh có Thiền vị chứ không chứa Thiền ngữ, hàm chứa Thiền lý mà không có dấu vết gì. Người đọc bài thơ Xuân cảnh không cần giải thích mà cũng hiểu triết lý Thiền. Cái chi tiết “bất vấn” và “cộng khán” là nói lên sự hòa đồng của con người trong thơ Thiền vào vũ trụ, vào thiên nhiên. Chính sự hòa đồng ấy mà chúng ta thấy cảm thức ngày xuân luôn xuất hiện trong thơ Trần Nhân Tông.

Thị phi niệm trục triêu hoa lạc.

Danh lợi tâm tuỳ dạ vũ hàn.

Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch.

Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.

(Sơn phòng mạn hứng)

(Phải trái rụng theo hoa buổi sớm.

Lợi danh lạnh với trận mưa đêm.

Hoa tàn, mưa tạnh, non im ắng.

Xuân cỗi còn dư một tiếng chim).

Quên danh lợi, thị phi, Trần Nhân Tông vẫn nhớ đến mùa xuân. Một trận mưa đêm hoa rụng hết. Mưa đã tạnh, núi non tĩnh mịch, một tiếng chim kêu báo hiệu một mùa xuân nữa lại tàn. Xuân đến, xuân đi, xuân tàn rất nhiều lần xuất hiện trong thơ của ông. Ở bài Xuân vãn - xuân muộn, Trần Nhân Tông đã mượn mùa xuân để bày tỏ nỗi lòng mình.

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không

Nhất xuân tâm tại bách hoa trung.

Như kim kham phá đông hoàng diện

Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.

      (Xuân vãn)

(Tuổi trẻ chưa từng lẽ sắc không

Xuân sang hoa nở rộn tơ lòng.

Chúa xuân nay đã từng quen mặt.

Nệm cỏ ngồi yên, ngó rụng hồng).

Tuổi trẻ của Trần Nhân Tông chưa từng hiểu rõ lẽ “sắc”, “không” của đạo Phật. Cho nên, con người trẻ trung ấy đã không giấu nổi niềm rung cảm đang trào dâng khi mùa xuân đã về trên cánh bướm. Tuổi trẻ xông vào đời để làm tròn nghĩa vụ của một người đứng đầu đất nước. Đến khi nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông thì Trần Nhân Tông mới dốc tâm vào nghiên cứu đạo Phật. Câu thơ “Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng” (Ngồi trên nệm cỏ giữa tấm phản nhà chùa ngắm cánh hoa rụng) đã làm hiển hiện một con người của đạo Phật. Thiền định, tĩnh tọa quên sự đời là phương thức tu hành làm cho mình có bản lĩnh cứng cỏi, nắm bắt được qui luật tự nhiên, điềm tĩnh trước những biến cố của cuộc đời. Tìm đến cửa Phật là tìm đến sự giác ngộ. Cho nên qua thời gian tham Thiền giảng kinh ông đã “ngộ”được cái lẽ “sắc”, “không” để lạnh lòng trước nhan sắc, thị phi, danh lợi.

Quả thật, những triết lý Thiền tông của phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần đã được Trần Nhân Tông chuyển tải một cách khéo léo trong nhiều bài thơ chữ Hán và đặc biệt hơn là những bài thơ nói về mùa xuân.

Gần tám thế kỷ đã đi qua, nhưng đến nay, những vần thơ nói về đạo và đời của Trần Nhân Tông vẫn còn nguyên giá trị. Ngoài giá trị về nội dung, thơ của Trần Nhân Tông còn chứa đựng nhiều giá trị thẩm mỹ diệu kỳ tạo sức sống bất tử cùng năm tháng. Ẩn chứa trong thơ Trần Nhân Tông còn là một tấm lòng nhân ái bao la không biên giới của một bậc minh quân, của một nhà Thiền học thông tuệ, và nét tài hoa tinh tế của một thi nhân yêu đời yêu cảnh vật thiên nhiên. Tất cả điều đó tạo nên nét thanh tao duyên dáng để thơ ông mãi mãi đọng lại trong lòng độc giả. Có thể nói thơ văn của ông đã thể hiện được một “sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm quan triết học và cảm quan thế sự, có tinh thần lạc quan, yêu đời, tấm lòng vị tha của nhân cách cỡ lớn và sự rung động tinh tế, lòng yêu tự do thích thảng của một nhà nghệ sĩ”<7, tr452>.Trần Nhân Tông thật xứng đáng “là một nhà thơ - Hoàng đế - Thiền gia có phong cách riêng, một nhà thơ lớn và tài hoa vào bậc nhất đời Trần <1, tr80>

Lịch sử đã mấy lần sang trang, quá khứ đã lùi về dĩ vãng nhưng những áng văn thơ của Trần Nhân Tông thì vẫn còn hiện hữu với những giá trị đích thực. Nó vẫn tỏa hương thơm ngào ngạt trong vườn thi văn của các thời đại. Nó mãi mãi là hạt minh châu lóng lánh sắc màu giữa muôn vàn châu báu trong dòng chảy lịch sử văn học Việt Nam.

T.T.T

 

TRẦN THỊ THANH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 208 tháng 01/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground