T |
hật sự là tôi không nghĩ sẽ có một ngày Thuỳ Liên trở thành cây bút văn xuôi, lại càng không nghĩ tới chuyện mình sẽ được viết vài dòng để giới thiệu về một tập bút kí đẫm đặc hồn quê như thế này. Cho dù lần đầu tôi gặp Thùy Liên thì chị đã là một cô giáo dạy sử. Tôi vốn rất nể trọng những người học sử, lúc nào họ cũng có cái để chứng tỏ sự cao thâm… Tôi lại càng tôn sùng nghề sư phạm, vì nói chung đấy là một trong những tầng lớp được xã hội tôn là thầy. Và như thế, cô giáo Liên được một lúc cả hai sự kính nể, là nhà giáo, lại là nhà sử.
Mặc dầu vậy, cái sự viết lách lại là chuyện khác. Viết văn càng khác. Tôi tuyệt nhiên không nói rằng, viết văn thì khó hơn hay cao siêu hơn dạy học. Không. Vấn đề ở chỗ, giữa viết và dạy (kể cả dạy văn) cứ tưởng rất gần, cứ tưởng là con chung một mẹ, nhưng thực ra lại xa, là hai họ khác biệt. Văn nhân họ Trần, còn nhà giáo (và các nhà nghiên cứu, phê bình văn học) là họ Phạm… Người viết văn trước hết là kẻ trong máu huyết có chút tài năng trời cho, nhưng trời lại bắt kẻ đó giáng trần, lăn lộn với bụi trần, dấn thân vào cõi trần, lấy tiếng khóc nụ cười của trần gian mà hoài thai nên trang viết. Còn người dạy, ví dụ như dạy văn chẳng hạn, là dòng dõi của những nhà nghiên cứu, phê bình, những người hoặc vốn mang sẵn tư chất sư phạm, thói quen mổ xẻ, sinh ra để dạy người khác, hoặc được giáo dưỡng trong môi trường khoa học nghiên cứu văn phạm, cú pháp được đúc kết từ hàng ngàn trang sách của kẻ viết văn. Những lúc thực hành công việc đó, người dạy văn (và cả những người nghiên cứu, phê bình văn học) là thầy thuốc, còn nhà văn và trang viết của họ là bệnh nhân. Thầy thuốc với bệnh nhân là những kẻ gần nhau nhất, suốt đêm suốt ngày bên nhau nhưng họ lại là hai thái cực khác nhau, xa nhau đến mức có thể nói là người dưng nước lã. Cho dù, trên văn đàn Việt Nam, rất nhiều cây bút tài danh được bắt nguồn từ nghề dạy văn, dạy sử, dẫu vậy, tôi vẫn cho rằng đó là hai trạng thái công việc không hề gần nhau, thậm chí còn trái ngược nhau, cùng lắm chỉ là những loại người cần cho nhau như thầy thuốc và con bệnh vậy.
Nhưng có lẽ duyên kiếp văn chương đã không để Thùy Liên nhập cuộc vào dòng dõi trâm anh - những nhà khoa học và truyền thụ khoa học, nên chị đã sớm rời bục giảng, gia nhập đội ngũ làm báo, viết văn. Hiện Thùy Liên đã là Thư kí toà soạn tờ tạp chí Văn nghệ của Hội VHNT Quảng Trị - Tạp chí Cửa Việt! Dẫu vậy, gần gũi với Thuỳ Liên hàng ngày tôi cũng rất khó tin chị trở thành người sáng tác. Có thể tôi hơi bảo thủ chăng?. Nhưng thực lòng tôi vẫn cho rằng, một người sáng tác, hình như trời sinh ra đã có cái dáng dấp của kẻ bầm dập, đôi lúc xác xơ, đôi khi khờ khạo, hoặc có chút ngất ngưởng, khù khờ, hoặc cô đơn, lơ láo giữa cõi đời… Đại loại như vậy. Nhưng Thuỳ Liên thì không. Từ khi mới quen cô giáo Liên cách đây dễ đến hơn hai mươi năm ở Trường cấp III Vĩnh Tân, trải qua ngần ấy tháng năm, khi thì cán bộ Quản lí Văn hoá, khi là Chánh Văn phòng Hội VHNT, vân vân, Thùy Liên bây giờ đã thuộc u ngũ tuần thì vẫn dáng vóc ấy, kiểu cách ấy, có chút làm duyên, có chút nũng nịu, lại có chút nghiêm khắc, có phần hơi nguyên tắc trong sinh hoạt, nhưng tựu trung lại là người phụ nữ sống kín kẽ, khéo lo toan, và đãm lược trong đời sống... Những cảm nhận ấy của tôi có thể đúng mà cũng có thể không đúng, nó cũng không hàm ý khen chê, cái tôi muốn nói là, hình như với tất cả dáng dấp ấy nó rất khó để gợi mở cho người ngoài chân dung của một người viết văn, cái chân dung mà tôi đã nói ở trên: bầm dập, khờ khạo hay cô đơn, yếm thế...
Nhưng hình như tôi hơi bị nhầm!
Bạn và tôi đang có trên tay những trang viết của Thuỳ Liên trong tập bút kí đầu tay chị xuất bản. Dẫu các bài viết trong tập này rất nhiều chỗ còn mang nặng tư duy báo chí - Vì Thùy Liên hiện là nhà báo, sinh hoạt ở Chi hội nhà báo Tạp chí Cửa Việt thuộc Hội Nhà báo Quảng Trị, và hầu hết các bài kí được tập hợp vào đây vốn là những bài viết nhằm đáp ứng nhu cầu của toà soạn Cửa Việt. Tuy nhiên, không thể phủ nhận được "chất văn", "hồn văn", và cao hơn hết là "nỗi niềm văn" trong các trang viết của Thùy Liên.
* * *
Viết văn khác viết báo quan trọng nhất chính là "nỗi niềm văn". Tại sao tôi lại nói "nỗi niềm văn"? Nói vậy là để phân biệt với "nỗi niềm báo". Viết báo không phải không có nỗi niềm. Một phóng sự điều tra, một bài viết về gương tốt, việc tốt cũng phản ánh nỗi niềm của nhà báo. Đấy có thể là sự căm ghét cái ác, cái xấu, sự mong mỏi cho cái tốt cái đẹp trong xã hội ngày một nhiều hơn. Một trang văn của người viết văn, xét cho cùng thì cũng vậy thôi, nhưng trạng thái, sắc thái lại có khác, rất khác… Nó là tiếng ngân sâu xa từ tâm thức người viết, nó có chiều rung ngược vào bên trong, rồi lan tỏa đến người đọc bằng những làn sóng ngầm, đánh thức bạn đọc cũng bằng sự cộng hưởng tâm thức sâu thẳm. Để có được nỗi niềm ấy, người viết văn không phải chỉ đau đáu với các sự kiện, các vấn đề, mà còn biết rung động trước những sắc màu, trước một làn sương, ngọn gió, trước một hơi thở dài ẩn chứa bao nỗi chua cay của một thân phận người. Và vì thế, khi đọc một bài báo, người đọc chỉ có thể hiểu được tường tận câu chuyện đã xẩy ra để bày tỏ thái độ của mình trước cái sai, cái đúng. Còn đọc một trang văn, người đọc vừa hiểu được việc, nhưng sâu xa hơn, bạn đọc có thể thẩm thấu cái căn nguyên, cội rễ của việc, lại có thể dự cảm đến những điều xa xôi rất có thể xẩy ra sau sự việc đã xẩy ra. Có được cái cảm xúc đó chính là có cái mà tôi gọi là "nỗi niềm văn". Nhiều bài bút kí trong tập của Thùy Liên đã có được nỗi niềm ấy.
Rất dễ nhận ra cái nỗi niềm riêng trong tập bút kí - ghi chép này và gọi ngay được tên nó, đó là nỗi quê. Mà quê trong văn chương không phải là khái niệm quê chung, quê của tư duy trách nhiệm chính trị hay tư duy làm báo. Quê trong văn phải là quê của núm nhau mẹ chôn, của mồ mả tổ tiên ông bà, là hồn cốt của làng xóm và dòng tộc, quê của tuổi thơ nồng nàn hương hoa dại… Phải là nỗi quê ấy mới hiện hình thành "nỗi văn"
Trong tập sách không dày này, ngoại trừ một số bài viết hoàn toàn mang chất báo chí - tức là những bài về những vùng quê với tư duy trách nhiệm chính trị, như viết về cửa khẩu La Lay (Đăkrông), Hướng Hoá, Cam Lộ, Hải Lăng, Triệu Phong, gần chút nữa là Đông Hà, Do Linh. Thì còn lại chiếm một dung lượng lấn át là miền quê Vĩnh Quang - Cửa Tùng (Vĩnh Linh) nơi Thùy Liên sinh ra và lớn lên, nơi tuổi thơ chị dạt dào những năm tháng thật thanh đạm và êm đềm. Êm đềm đến mức bây giờ giữa chốn đô thị đầy đủ hơn nhưng cũng ngổn ngang, ngột ngạt hơn vì nhịp sống thời hiện đại, chị bỗng thấy có gì đó như là sự hụt hững và ứa lên trong tâm khảm nỗi khát thèm qua khứ... Đó chính là cái phần sâu nhất, thật nhất của một tâm hồn văn, một nỗi niềm văn.
Bản thân tôi không còn xa lạ gì những miền đất ấy, thậm chí còn có thể tự nhận là cũng đã hiểu khá tường tận những vùng quê ấy. Nhưng tôi là tôi. Đọc những dòng văn của Thuỳ Liên về cửa biển Cửa Tùng với kí ức lao xao khi nhịp cầu hiện đại đã vắt mình qua hai bờ Vĩnh Quang - Cát Sơn, hay một chợ Do mà câu ca dao hàng trăm năm nay ở đó vẫn đượm nghĩa cau trầu, rồi những kí ức về kháng chiến, bom đạn, những mùa biển động, những chuyến hàng đẫm máu ra với Hòn Mệ thân thương. Rồi mái trường Vĩnh Tân láo nháo đám trẻ chân trần, quần cộc, toàn thân nặc mùi mắm ruốc… tôi nhận ra những bài bút kí ấy không hoàn toàn viết do yêu cầu tuyên truyền chính trị của tờ báo mà là những tiếng ngân sâu xa tự cõi lòng trào lên buộc chị phải viết ra. Những bài viết đó là viết về những sự kiện hôm nay, khi đất đã đơm hoa kết trái, biển đã đầy ắp cá tôm, cầu mới hiện đại đã nối đôi bờ, và mái trường xưa cũng đã cao tầng lồng lộng gió. Nhưng hầu như, đứng trước bất kì sự vươn dậy mạnh mẽ nào của chốn quê, Thùy Liên đều nao lòng nhận ra sâu thẳm dưới cội rễ nó là những kí ức xa xôi, kí ức gắn với tuổi thơ chị và gắn với những tháng năm, những nẻo đường vô vàn khó nhọc của một mảnh làng nhỏ nhoi giữa bao la Tổ quốc như thân phận của một đời người trong hằng hà sa số nhân loại trên thế gian. Không phải tác giả cố tình níu kéo, xâu chuỗi thời gian lại với nhau, mà chính là cái cảm xúc văn chương tự nhiên, và có thể là cả cảm xúc của một người có năng khiếu thiên bẩm về lịch sử nữa, đã ám ảnh tư duy người cầm bút khiến không sao xua đi, không sao dứt ra được. Đọc những trang viết như thế, cho dù nhiều chỗ còn mộc mạc và thật thà, nhiều chỗ chất sử liệu nhiều hơn chất văn chương, nhưng tôi vẫn thấy bần thần. Đó chính là hồn vía của một làng quê và cũng là nỗi niềm văn chương của người cầm bút.
Không biết trong dân gian ai đã tạc mọc ra câu ngạn ngữ tai ác này: Nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm..? Trải nghiệm cuộc đời cầm bút viết văn cũng đã khá dài như tôi, tự nhận thấy rằng, viết văn có thể - và cũng có quyền- bịa ra nhân vật, bịa ra sự kiện. Nhưng nỗi niềm thế sự thì không thể dối lừa. Mà trong các loại nỗi niềm ấy, nỗi nhớ quê lại càng không thể bịa. (Xin lỗi, nỗi nhớ người tình đôi khi còn bịa ra, chứ nhớ quê hương ngàn lần không bịa đặt được đâu).
Vì lẽ ấy mà tôi vui mừng và xúc động đón nhận tập bút kí- ghi chép những nỗi quê này. Mừng cho tác giả và mừng cho đội ngũ những người viết văn Quảng Trị có thêm được một "nỗi niềm văn".
X.Đ