Mỗi một cuộc đời, từ khi biết yêu bông hoa dại ven đường làng đến khi về với cát bụi, ít nhất có một chiếc lá Diêu Bông chôn kín tận đáy lòng. Để khi buồn vui giữa cõi trần gian này, lúc những khoảng lặng của tâm hồn thì lôi ra ngắm và suy tư…
Chiếc lá Diêu Bông bước ra từ thơ Hoàng Cầm ngót nghét hơn nửa thế kỷ. Hiệu ứng chiếc lá huyền thoại này đã làm nên bao thi phẩm, nhạc phẩm của đời sau. Chuyện kể rằng khi thi sĩ mới 8 tuổi đã trót yêu một người thiếu nữ gấp đôi tuổi mình, là một người hàng xóm. Tình yêu lệch tuổi và nhiều biến cố đã khiến họ không đến được với nhau. Cô gái với danh xưng là Chị đã “ra đề”: Ai tìm được lá Diêu Bông, từ nay ta gọi là chồng. Thế là thi sĩ đi cùng trời cuối đất, mang theo cuộc tình đầu đời đểđi tìm chiếc láấy cho người mình thương. Từ đó đến nay, dù thi sĩ đã khuất núi, nhưng chiếc lá huyền thoại vẫn là huyền thoại. Nó khắc lên một tượng đài về tình yêu đôi lứa, dám làm những gì không thểđể cóđược tình yêu.
Tranh của Trương Đình Dung
Giữa kỳ hoa dị thảo của trần gian này, có lẽ, mỗi chúng ta khi yêu đều có thể tìm thấy cho mình một chiếc lá như thế. Rồi từ đó minh chứng với người mình yêu rằng: Đó, chính nó là lá Diêu Bông, chính nó là tình yêu chân thực.
Sau khi chiếc lá Diêu Bông được thi sĩ Hoàng Cầm khai sinh, nhạc sĩ Trần Tiến đã “chắp cánh” cho chiếc lá này bay xa hơn, cao hơn khi dựa trên cái tứ của thơ để viết nên bản nhạc Sao em nỡ vội lấy chồng mà người đời thường gọi với cái tên khác là Lời ru buồn. Một chuyện tình buồn man mác được “kể” trên nền nhạc bay bổng, dễ hát dễ nhớ. Từ đó chiếc lá Diêu Bông có thêm cơ hội được những người đã yêu, đang yêu ngân nga và lúc nào cũng khao khát đi tìm thấy lá để suốt đời có được người mình yêu.
Thiên hạ bao nhiêu năm biết nó là hư nhưng vẫn muốn đặt câu hỏi, liệu trên đời này có chiếc lá nào như thế không? Câu hỏi khiến chiếc lá vốn kỳ bí nay lại kỳ bí hơn. Lần theo ký ức của những người “trong cuộc” để hiểu thêm về chiếc lá hư hư thực thực này, một người bạn của thi sĩ Hoàng Cầm cho biết, năm đó trên cánh đồng chiều đầy cuống rạ, người chị lúi cúi đi tìm chiếc lá ven bờ ruộng. Thi sĩ chợt hỏi, chiếc láấy là lá gì, dùng làm gì. Người chị trả lời dùng để giã ra, đắp mặt làm cho da đẹp. Rồi nắm tay thi sĩ đi về. Mấy năm sau, nghe mẹ nói người chịđã lấy chồng, thi sĩ ôm mặt khóc. Và mấy chục năm sau, trong một đêm nửa tỉnh nửa mộng, trong tiềm thức chập chờn ấy, thi sĩ nghe ai đọc những lời thơấy rồi viết lại thành bài thơ lá Diêu Bông. Đó là những gì người ta biết về“lai lịch” bài thơ tình lá Diêu Bông. Chính nó cũng huyền ảo như chiếc lá, hình tượng chính làm nên câu chuyện tình kỳ ảo.
Trong một chương trình âm nhạc, người ta đặt câu hỏi với nhạc sĩ Trần Tiến về chiếc lá Diêu Bông: Liệu chiếc lá này có thật hay không? Nhạc sĩ Trần Tiến bảo chiếc lá này có thật ở trên đời, không phải là lá bịa. Ông cho biết, chính ông nhiều năm liền cũng nghĩ đây là chiếc là huyền thoại. Nhưng khi biểu diễn ở Điện Biên, một bà cụ khẳng định lá Diêu Bông có thật trên đời. Và hỏi ông có thích đi tìm lá Diêu Bông không. Bà cho rằng lá này rất khó tìm vì phải đi vào đúng mùa trăng, canh ngày giờ cẩn thận vào đúng khu rừng có lá mới có thể tìm được. Người dân ở đó nói ai nhìn thấy chiếc lá Diêu Bông dưới trăng thì sẽ hạnh phúc cả đời. Nhạc sĩ cho biết, lúc đóông đã quá già nên không đi tìm nữa.
Ở một góc nhìn khác, nhiều người xem lá Diêu Bông là chiếc lá bùa yêu. Ai có lá là có được tình cảm của người mình yêu. Và người ta đồn rằng, chiếc lá thần kỳ này có ở vách núi nằm bên sông Mã thuộc một huyện ở tỉnh Thanh Hoá. Những nam thanh chưa chinh phục được trái tim người yêu khao khát hái được lá, áp vào ngực mình rồi thì thầm tên nàng, biết đâu bùa yêu lại hiệu nghiệm! Nên họ đã mang “trái tim yêu” của mình đi tìm lá. Cố leo lên vách núi nguy hiểm nhưng vẫn không tìm được lá.
Người dân ở huyện Bá Thước của xứ Thanh kể rằng, một đôi tình nhân người Mường từ Hoà Bình chạy trốn khi gia đình ngăn cấm chàng trai yêu cô gái. Chạy đến khu vực bên sông Mã thì chàng bị chết do đi đường xa xôi cùng trước đó bị người nhà của người mình yêu đánh đập vì ngăn cấm. Chàng hoá thành núi Làn Mún. Quá đau thương trước cái chết của người mình yêu, người con gái đã hóa thân thành ngọn núi nàng Ờm, nằm sát bên cạnh núi Làn Mún, linh hồn của nàng biến thành cây bùa yêu mọc giữa lưng chừng núi với mong muốn thế hệ sau này khi đã yêu thương nhau sẽ không có bất kỳ ai có thể chia lìa được họ. Từđó, lá bùa yêu được người dân truyền tụng nhưng trai làng quanh đó cùng với những người tìm kiếm vẫn chưa ai hái được lá…
Cũng như bến My Lăng trong thơ Yến Lan, một cái bến bờ mộng tưởng chẳng phải của riêng ai, lá Diêu Bông cũng trở thành huyền thoại từ chính cái tên của nó. Có lẽ người đời sau sẽ tiếp tục cất công đi tìm lá để thoả mãn trí tưởng tượng cũng như khoả lấp phần nào chuyện tình cảm còn hồ nghi của mình. Nhặt một chiếc lá chưa biết tên, thì thầm tên người mình yêu để cố vun vén cho tình yêu không thành của mình, nó là lá Diêu Bông?
Mỗi chúng ta, ai cũng có một bến My Lăng để đợi chờ và một chiếc lá Diêu Bông để đi tìm.
Bài in trên Cửa Việt số chuyên đề 5+6 (6.2022)