Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Triết lý nhân sinh trong văn hóa dân gian Việt - Lào

Việt Nam và Lào đều là những quốc gia đa dân tộc có lịch sử phát triển lâu đời trên bán đảo Đông Dương.

Té nước trong tết Bunpimay ở Lào - Ảnh: Ali hotel

Té nước trong tết Bunpimay ở Lào - Ảnh: Ali hotel

Đặc trưng khí hậu nóng ẩm nhiệt đới gió mùa và sự thừa hưởng nguồn nước từ dòng Mê Kông vĩ đại đã cho người dân hai nước Việt Nam - Lào điều kiện phát triển nền nông nghiệp lúa nước - vốn được cho là đã hình thành tại khu vực Đông Nam Á từ cách đây hàng nghìn năm. Xuất phát từ địa văn hóa đó, sự hài hòa giữa lòng nhân ái và tinh thần cộng đồng là một nét đặc sắc trong triết lý nhân sinh người Việt Nam cũng như người Lào.

Coi trọng giá trị gia đình

Người Việt và Lào đều lấy gia đình làm đơn vị cơ sở của xã hội. Trong đó, vai trò của người mẹ hết sức quan trọng. Quan điểm “phúc đức tại mẫu” của người Việt cũng không hề xa lạ với người Lào. Ngay từ khởi đầu cuộc hôn nhân của người Lào, vai trò của người sẽ là nội tướng đã được định hướng bằng sự cẩn thận trong việc lựa chọn: Xem voi hãy xem đuôi, lấy vợ hãy xem bố mẹ, nếu xem kỹ hãy xem tổ tiên. Ý tứ này không xa lạ với người Việt: lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống.

Người mẹ còn có vai trò quan trọng trong kinh tế gia đình. Người Lào hiền hòa là thế cũng nói rõ: Mẹ không tần tảo, không có nhiều mà ăn. Ý tứ trách móc lẩn khuất đằng sau cấu trúc câu đã cho thấy vai trò của người phụ nữ còn được đảm bảo khi tham gia tạo nên giá trị kinh tế như một thành phần chủ lực. Người Việt, trong những giây phút cực đoan không hề hiếm gặp, còn khẳng định: Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu đường. Hay tương tự là cách nói mang tính giả định trong phép hoán dụ của đời sống thường nhật: Mất cha gót đỏ như son / Đến khi mất mẹ gót con đen sì.

Gia đình là nơi hình thành nên nhân cách của con người, ở đó việc giáo dục được xem là trường học đầu tiên, trường học suốt đời. Vì thế cha mẹ sẽ tạo nên con cái như “sản phẩm giáo dục” mô phỏng bản thân mình. Người Lào khẳng định: Ruộng tốt hỏi đến giống, con cái khôn ngoan hỏi đến cha mẹ / Dòng giống ngựa, không tránh đường roi ngựa, thì người Việt cũng nói: Cha nào con nấy / Giỏ nhà ai quai nhà nấy, hay thậm chí là Rau nào sâu ấy.

Vì những định kiến xã hội như thế, nên người dân hai nước thường tạo lập môi trường nghiêm khắc để rèn giũa một đứa trẻ, người Lào khuyên nhau: Thương con phải dạy, thương bò phải chăn thì người Việt cũng cụ thể hóa Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.

Tương liên với cộng đồng, giao hòa cõi tâm linh  

Người Việt hay người Lào đều hiểu rõ con người cá nhân không thể tồn tại nếu thiếu cộng đồng. Sự quần tụ quanh một nguồn nước chung để tạo thành bản mới, làng mới luôn là cách để đo sự phồn thịnh. Xuất phát từ thực tế ấy, vừa coi trọng gia đình, nhân dân vừa coi trọng cộng đồng xung quanh nơi mình sinh sống, không đến mức cực đoan bán anh em xa, mua láng giềng gần thì cũng khẳng định hàng xóm láng giềng, tối lửa tắt đèn có nhau. Người Việt đều biết đến câu: Bầu ơi thương lấy bí cùng / Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn, thì người Lào cũng thường nói: Ít lúa ngô thì trồng thêm bầu bí / Ít anh em thì kết thêm bạn bè.

Dẫu cách tính thời gian truyền thống của người Việt và người Lào không giống nhau thì thời điểm đón năm mới luôn là khởi điểm thiêng liêng. Việc ăn mừng năm mới liên quan chủ yếu đến mùa vụ nông nghiệp, nghĩa là tổ chức lễ hội mừng năm mới vào tháng nông nhàn, thì hồn cốt của lễ hội vẫn là sự sum họp của con người. Không biết có phải vì trong lúc cảm nhận được sự chuyển dịch của đất trời thì ý thức về cái hữu hạn của đời người cũng rõ rệt hơn hay không mà con người thường tìm đến sự gắn kết với những người thân thuộc nhất vào thời điểm này. Thành ra, dù là tết Nguyên đán hay Bunpimay thì yếu tố gia đình hòa lẫn với cộng đồng đều được đề cao đến mức độ thiêng liêng.

Người Việt tìm đến nhà thăm nhau, chúc tụng những lời tốt đẹp, cùng nhau ăn những món ăn truyền thống có thể gặp ở bất kỳ nhà nào để sẻ chia những câu chuyện vui. Người ta tránh nhắc đến những điều buồn mà khen cành đào, cây mai... khi đến thăm nhau. Người ta rủ nhau ra giêng đi lễ chùa này, đền nọ. Và khi ra ngoài làng, ngoài phố, dẫu quen biết chút ít cũng cười tươi dành tặng nhau một câu chúc để mừng năm mới đang về. Người Lào thì thu dọn sạch sẽ nhà mình, chùa bản mình và làm xong những bữa cỗ tất niên cùng với những món ăn truyền thống, rồi hòa vào dòng người lên chùa nghe kinh Phật và tặng nhau những dòng nước mát lành thay cho lời chúc với bất cứ ai trong lễ hội chung.

Người Việt cũng như người Lào quan niệm rằng cái chết không phải là một sự kết thúc hẳn: nó chỉ là điểm cuối của một thời kỳ nằm trong chuỗi dài vô tận của những kiếp luân hồi đạo Phật. Sự có mặt của chúng ta trên thế gian này chỉ là một chặng của vòng quay muôn thuở sinh - già - bệnh - chết, và sự trở lại cuộc đời trên mặt đất sau một thời gian hoặc ngắn hoặc dài ở trong những đáy sâu thẳm của tối tăm. Họ dành những thức ăn thanh tịnh mà đơn sơ đặt trước cửa nhà hay góc vườn, sân, bãi, đồng ruộng... như cùng sẻ chia với những sinh linh đã cùng họ hiền tồn trên mảnh đất quê hương. Thành ra, trong lễ cúng vong hồn ngày rằm tháng Bảy của người Việt cũng tựa như lễ bố thí cho vong hồn vào rằm tháng Chín của người Lào. Dường như việc trầm lắng lại để giao hòa với cõi tâm linh trong một niềm tin sâu thẳm về những thế hệ đã từng tồn tại trên mảnh đất quê hương đã khiến cho ý thức của người Việt, người Lào về đất nước mình rõ nét hơn bao giờ hết. Những ràng buộc mà người ta cảm thấy khi hành lễ cúng vong hồn khiến cho niềm tin vào cộng đồng được củng cố, và mỗi cá nhân xích lại gần hơn với những cá nhân khác ngoài gia đình mình.

Chư tăng  Lào-Việt Nam cùng nhau  thực hiện nghi thức phóng sinh  tại chùa Phật Tích Viêng Chăn - Ảnh: IT

Chư tăng Lào-Việt Nam cùng nhau thực hiện nghi thức phóng sinh tại chùa Phật Tích Viêng Chăn - Ảnh: IT

Tinh thần hòa hợp với thiên nhiên

Người Việt chọn cây tre làm biểu tượng cho mình, và cây tre cùng với “họ hàng” gần của nó cũng gắn bó thân thuộc với người Lào không kém. Trong văn hóa truyền thống, loài cây này tham gia vào tất cả những sinh hoạt hàng ngày của nhân dân hai nước. Từ việc to lớn như làm nhà, giữ đê, bắc cầu cho đến những đồ vật hàng ngày sử dụng như rổ, rá, nong, nia, mâm đan, đũa... Từ những thứ phục vụ cho chuyến đi xa như mo cau, ống nứa, lam, típ để đựng xôi, gậy chống cho đến những vũ khí để bảo vệ quê hương: tên, chông, hố sụt, lũy tre gai... đều có sự góp mặt của các giống tre nứa. Thành ra, trong những món ăn quen thuộc nhất của cả hai dân tộc, măng tre/nứa/vầu/mai/trúc... xuất hiện thường xuyên với vai trò của món chính trong mâm cỗ truyền thống cũng như đóng vai trò một thứ thức ăn giản dị thường ngày.

Theo thời gian, quá trình cộng cư hoặc sinh sống xen cài của cư dân hai nước Việt - Lào đã phản ánh sinh động, liên tục mối quan hệ cội nguồn của các dân tộc. Bên cạnh đó, triết lý nhân sinh xuất phát từ văn minh lúa nước đã trở thành một yếu tố quan trọng, góp phần hình thành nên mối quan hệ keo sơn thắm thiết giữa hai đất nước.

So với người Việt, thức ăn của người Lào bao gồm nhiều gia vị mạnh hơn. Có lẽ do khí hậu nóng, ăn nhiều gia vị cũng là cách giúp thoát mồ hôi, giải bớt độc tố nên ớt, tỏi, hành, gừng được sử dụng phong phú. Trong thức ăn Lào, cũng giống như miền Trung và miền Nam của Việt Nam, ớt được trộn lẫn vào đồ ăn để tăng sức cay nóng, tạo độ đậm đà. Ớt được giã nhuyễn cho vào trong nước chấm của các món nướng, trộn vào lạp, xụm (nộm thịt và đu đủ xanh), cắt lẫn vào rau trong các món canh. Người Lào thường không luộc rau suông như người Việt mà nấu lẫn rau với các loại thịt thì gọi là canh nhạt (keng chựt) hoặc nấu các loại thịt với giềng, sả, ớt, me thành canh chua (zăm). Canh thường được nấu để có vị chua và cay, bao gồm một loại thịt, cá, thủy sản với những loại rau phổ biến của vườn nhà.

Ở những vùng trung du hay miền núi, cỏ tranh, lá gồi và lá cọ được sử dụng để lợp nhà và những vật dụng khác. Có một loại giấy viết đặc biệt của Lào ngày xưa: lá cọ phơi khô, được xâu thành chuỗi làm sách, ghi lại kinh Phật và kiến thức, nay vẫn còn được lưu giữ trong những ngôi chùa đã đóng vai trò thư viện hàng trăm năm. Thứ lá này còn được dùng để làm quạt, làm chổi quét và cùng với biết bao loại lá khác biến thành thứ bao bì vốn dễ dàng tìm thấy trong thiên nhiên: lá chuối, lá dong, lá sen, lá bàng, lá đa... Những chiếc lá xanh tươi của vườn nhà, của rừng thẳm qua tay người nông dân khéo léo mà thành biết bao vật dụng thanh tú, duyên dáng mà vẫn tràn đầy sức sống, từ hình tháp kết hoa dâng Phật bằng lá chuối của người Lào đến bồ đài bằng lá đa của người Việt cúng vong hồn... đều là những sản phẩm của sự sáng tạo trong hòa hợp với thiên nhiên.

Bên cạnh đó, tư tưởng đề cao sự hòa hợp giữa con người với môi trường thể hiện trong tục lệ phóng sinh. Truyền thống của người phương Đông là coi trọng sự hòa hợp với thiên nhiên hơn là chinh phục một cách triệt để. Nhân sinh quan Phật giáo với vòng luân hồi càng củng cố niềm tin có sự liên thông giữa các sinh linh vốn cùng chung sống trên một mảnh đất “vạn vật hữu linh” từ tín ngưỡng cổ xưa. Bởi thế, phóng sinh các loài vật nhỏ bé đã trở thành một tục lệ gắn liền với những ngày lễ mà con người ở hai bên dãy Trường Sơn đều thực hiện trong tinh thần bác ái, nhân đạo.

Nghi thức phóng sinh không chỉ làm con người cảm thấy gần gũi hơn với thiên nhiên hay cảm giác an lành khi làm một điều thiện, mà còn gợi tới một điều sâu xa hơn, đó là cảm quan về cái nhỏ bé của một kiếp sống, cho dù đó là kiếp người, trong vòng tuần hoàn của vũ trụ. Những loài vật được chọn để phóng sinh thường là chim nhỏ, cá, đôi khi là cua, ốc, tôm... sống ở các ao hồ. Có thể chính sự nhỏ bé của những sinh vật này là nguồn cơn cho luồng suy tư về sự bình đẳng của chúng sinh trong con mắt nhà Phật. Và từ đó mà nghĩ rộng hơn về lối sống của mỗi con người.

Văn hóa nói chung luôn bao hàm tính tương liên. Ấy thế nên khi vươn xa khỏi biên giới quốc gia, những tư tưởng này còn gặp được hình ảnh đồng dạng của nó tại một dân tộc khác, một nền văn hóa khác. Vậy là không chỉ có thời gian, mỗi tư tưởng đã có đủ sức mạnh vượt qua thử thách về không gian để có chỗ đứng vững vàng trong nhân sinh quan và thế giới quan của các dân tộc.

T.V

THUẬN VŨ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 322

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground