C |
hủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của văn hoá dân tộc Việt Nam, của tư tưởng tiến bộ, của tình cảm cách mạng, của lòng nhân ái vô biên, của đạo đức, của văn minh, có sức cuốn hút mãnh liệt quần chúng nhân dân và đội ngũ văn nghệ sĩ.
Khi cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc được phát động, tuyệt đại bộ phận văn nghệ sĩ, với những tên tuổi lớn thời bấy giờ, với những quan niệm và phong cách nghệ thuật khác nhau đã nhất tề đi theo Đảng, theo Bác Hồ, dấn thân vào cuộc trường chinh vô cùng ác liệt và gian khổ, sáng tạo nên những tác phẩm có sức cổ động và giáo dục mạnh mẽ.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Phải lấy hạnh phúc của đồng bào, lấy sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh”, văn học nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng đã có những đóng góp quan trọng, to lớn vào sự nghiệp chiến đấu, bảo vệ và xây dựng đất nước. Bên cạnh đó, các nhạc sĩ đã xây dựng hình tượng Hồ Chí Minh, tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong ca khúc nhằm ngợi ca và tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân.
Nhà thơ Xuân Diệu có lần nói: “Người Việt Nam ai cũng có thể vẽ được Bác Hồ vì Bác đã nhập vào núi sông, vào lịch sử và lòng mỗi người dân Việt Nam”. Vậy nên, tư tưởng, đạo đức và nhân cách của Bác đã ảnh hưởng sâu sắc đến nếp nghĩ, cách ứng xử của các nhạc sĩ, buộc họ phải viết ra để thể hiện sự tâm đắc và thực hiện theo tấm gương đạo đức của Người. Hình ảnh của Bác, tư tưởng và đạo đức của Người được thể hiện trong ca khúc có tác dụng giúp cho mỗi người cảm thấy gần gũi Bác hơn. Người dân ai cũng đã đọc nhiều, nghe kể nhiều về Bác Hồ, nên người nhạc sĩ chỉ việc rút ra được những nét khái quát nhất, điển hình nhất, đẹp nhất và hay nhất để giúp quần chúng hiểu rõ và yêu quý Bác Hồ hơn.
Ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc tuyên ngôn Độc lập ở Quảng trường Ba Đình. Câu nói dung dị của Bác: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không” đã tiềm ẩn bao ý nhạc lời thơ. Bản hùng văn Tuyên ngôn Độc lập bao trùm một ý chí tiến công, một tư tưởng vĩ đại mà vẫn ngọt ngào, mộc mạc đã được rất nhiều nhạc sĩ xúc cảm tạo nên nhiều bài ca mang cung bậc khác nhau. Có bài là giai điệu trữ tình, có bài là âm vang hành khúc hào hùng có sức cổ vũ hàng triệu người đấu tranh vì Độc lập, Tự do. Đó là những “Ba Đình nắng” (nhạc Bùi Công Kỳ, thơ Vũ Hoàng Địch), “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” (Phong Nhã), “Biết ơn cụ Hồ Chí Minh” (Lưu Bạch Thụ), “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” (Văn Cao), “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” (Lưu Hữu Phước - Nguyễn Đình Thi) với câu hát toát lên hình tượng và tư tưởng Hồ Chí Minh”
“Hồ Chí Minh dắt toàn dân nước ta
Vững bền tranh đấu cho đời chúng ta
Hồ Chí Minh muốn toàn dân sướng vui
Vững bền xây đắp nên đời thắm tươi”..
Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, tư tưởng mang tầm chiến lược của Bác: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” đã được các nhạc sĩ vận dụng nhuần nhuyễn vào ca khúc của mình. Nếu Tô Vũ trong “Nhớ ơn Hồ Chí Minh” viết: “Bàn tay Người lái con thuyền kháng chiến/ Dù trường kỳ, dù gian khổ, nhất định thành công”, thì năm 1951, Trần Hoàn viết: “Một chiều anh bước đi/em tiễn đưa ra tận cuối đồi/ nghe dặn lời/rằng kháng chiến còn trường kỳ/rằng kháng chiến còn trường kỳ và còn gian khổ”.
Lời ca thủ thỉ nhưng cũng cho thấy quyết tâm của một con người cố dứt bỏ tình cảm riêng để đi vào cuộc chiến đấu với niềm tin mãnh liệt: “Dù kháng chiến còn trường kỳ và còn gian khổ/ thì nay mai là ngày về/thì nay mai là ngày về huy hoàng của Việt Nam” (Lời người ra đi” - Trần Hoàn).
Theo nhạc sĩ Trần Hoàn, bài hát “Lời người ra đi ban đầu có tên là: “Rằng kháng chiến còn trường kỳ và gian khổ”…
Bước vào giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tư tưởng “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” và tình cảm “Miền Nam trong trái tim tôi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thể hiện sống động trong hàng trăm ca khúc của thời kỳ âm nhạc hoành tráng. “Tình Bác sáng đời ta” đã được Lưu Hữu Phước và Diệp Minh Tuyền chuyển đi trong mạch nghĩ: “Còn chi cao quý hơn Độc lập, Tự do/lời người vang vang gió xuân đưa về khắp mọi nhà”. Chân lý “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” còn được thể hiện trong các ca khúc, “Miền Nam nhớ mãi ơn người” (Lưu Cầu - Trần Nhật Lam), “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” (Huy Thục), “Vâng lời Bác, thiếu niên sẵn sàng” (Đức Bằng), “Người là niềm tin tất thắng” (Chu Minh), “Người sống mãi trong lòng miền Nam” (Nguyễn Đồng Nai), “Dâng Người tiếng hát mùa xuân” (Nguyễn Văn Thương) …
Khát vọng Độc lập, Tự do thống nhất đất nước của Bác đã được truyền đi một cách sống động qua âm nhạc khi Nguyễn Lầy viết: “Dù đốt cháy dãy núi Trường Sơn/dù tát cạn sạch nước sông Hồng/ đồng một lòng cả nước anh dũng, ta tiến lên!” (Lời Bác Hồ rung chuyển bốn phương), và với Thuận Yến thì: “Dù nhà tan, dù cửa nát mà cũng thề/ cùng quyết tâm đánh Mỹ dẫu cực chừ rồi sướng sau” (Mỗi dòng thơ Bác sáng ngời niềm tin )…
Tư tưởng gần dân, trọng dân; lòng nhân ái bao la, hết mực vì con người của chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là đề tài trong nhiều nhạc phẩm. Nhạc sĩ Thuận Yến đã đi vào một khía cạnh mộc mạc mà thắm thiết, tạo nhiều cảm xúc sâu lắng khi ông viết bài: “Bác Hồ một tình yêu bao la”:
“Bác thương các cụ già, xuân về gửi biếu lụa
Bác yêu đàn cháu nhỏ, trung thu gửi cho quà
Bác thương đoàn dân công, đêm nay ngủ ngoài rừng
Bác thương người chiến sĩ, đứng gác ngoài biên cương”
Với nhạc sĩ Trần Hoàn, ông đã viết “Chuyện cây xanh bốn mùa” khi được nghe câu chuyện: Sinh thời, Bác thường hay dậy sớm, nhìn những công nhân quét lá vàng rơi trong sương rét, lòng thương người đã khiến Bác nghĩ đến việc đi tìm những loại cây không trút lá để trồng. Một mẩu chuyện nhỏ, hàm chứa lòng yêu thương con người bao la của Bác:
“Người đời sau gọi đó là cây xanh bốn mùa
Bởi bốn mùa cây không hề rụng lá
Người đời sau gọi đó là cây xanh Bác Hồ
Bởi Bác Hồ đã tìm ra nó
Tự tay trồng sau vườn cây nho nhỏ
Bầu bạn sớm khuya, quấn quýt với nhà sàn”
(Chuyện cây xanh bốn mùa - Trần Hoàn)
Câu chuyện Bác Hồ trước lúc đi xa “Qua bên kia bầu trời” tỏ ý muốn nghe một làn điệu dân ca đã làm xúc động bao trái tim người dân Việt. Phải chăng vì Bác quá yêu quê hương xứ sở, hay vì những câu hát dân ca đã in sâu vào trái tim Người? Đúng vậy. Bởi đó là biểu hiện của tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng yêu nước và yêu dân tộc một cách nồng nàn. Ở Bác, chúng ta thấy có một tâm hồn dân tộc bao la, tâm hồn ấy được hun đúc từ cái nền văn hoá dân tộc nên Người muốn bảo vệ và phát triển nền văn hoá dân tộc Việt Nam. Vậy nên:
“Bác muốn non sông đinh ninh lời dặn dò:
Rằng đã yêu Tổ quốc mình
Càng yêu thắm thiết những khúc hát dân ca”
(Lời Bác dặn trước lúc đi xa- Trần Hoàn)
Và Hồng Đăng trong “Quà tháng năm dâng Người” đã nhắc nhở
“Kính yêu Người luôn nhắc nhau nhớ bao lời Người luôn khuyên ta: vì nhân dân nâng cao văn hoá. Ngày đêm ta vun muôn ngàn hoa”
Các cháu thiếu nhi thì:
“Những chiếc khăn thắm hồng mang niềm tin rực cháy
Như nhắc em ghi sâu năm điều Bác dạy ..
Thi đua nghìn việc tốt, thi đua học hành chăm
Thi đua xây dựng Đội
Để xứng đáng mang tên cháu ngoan Bác Hồ”
(Hoa thơm dâng Bác - Hải Hà)
Lịch sử đấu tranh giữ nước và dựng nước của dân tộc ta có thể gọi là cuộc đấu tranh giữ lấy lề văn hoá dân tộc. Trong lịch sử mấy nghìn năm, Việt Nam đã trãi qua những giai đoạn gian khổ khốc liệt, đã từng bị xâm lược, bị áp đặt ách thống trị, nhưng chưa khi nào đánh mất tính cách văn hoá riêng của mình. Tư tưởng về giữ gìn cội nguồn bản sắc dân tộc của Bác Hồ càng có ý nghĩa trong xu thế hội nhập của đất nước hiện nay, nền văn hoá Việt Nam đang bị sự xâm lăng của văn hoá ngoại lai độc hại.
Về những tư tưởng vĩ đại của Bác Hồ, chúng ta còn tìm hiểu và còn cần phải viết nhiều tác phẩm hơn nữa để thể hiện tư tưởng ấy vào ca khúc. Vả lại, cũng nên hiểu rằng, không có một tác phẩm nào, bài ca nào có thể nói đầy đủ về Bác được. Nhưng một khi hình tượng nghệ thuật được khắc hoạ khi nó tồn tại rất bền vững với lòng người và thời gian.
V.T.H