Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vài ý kiến viết về đề tài chiến tranh

C

hiến tranh là đề tài lớn của nhiều nền văn học trên thế giới. Với Việt Nam nó càng lớn hơn. Lịch sử Việt Nam là một xâu chuổi những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, những chiến công vang lừng. Thực tế ấy đã cho văn học Việt Nam một nguồn sống vô tận, hừng hực lửa. Đề tài viết về chiến tranh không bao giờ cũ, không bao giờ cạn, chỉ tính riêng sau ngày giải phóng (1975) đến nay, năm nào cũng có một vài cuốn sách viết về chiến tranh. Các tạp chí, báo Trung ương và địa phương luôn có các tác phẩm viết về chiến tranh: Truyện ngắn, ký, hồi ký... Hầu hết các tác phẩm đó đều viết về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Viết về chiến tranh bây giờ đang còn lợi thế, bởi ngoài tư liệu chiến tranh trên báo chí, kho lưu trữ trong nước và ngoài nước còn nhân chứng sống, một thế hệ những chiến binh, các tướng lĩnh, thanh niên xung phong, dân quân du kích, nhân dân trợ chiến. Người trong cuộc viết về cuộc chiến tranh mình trực tiếp tham gia. Một tầng lớp cầm bút kế cận, hoặc sinh ra sau chiến tranh hoặc trong chiến tranh còn quá bé, vẫn có ưu thế viết về thế hệ cha anh họ luôn sống cạnh mình. Về sau này, khi thế hệ những người trong cuộc đã đi qua, viết về chiến tranh chỉ dựa vào tra cứu tư liệu sẽ khó khăn hơn nhiều, không viết nhiều, viết tốt bây giờ sẽ thiệt thòi cho con cháu mai sau, sẽ thiệt thòi cho nền văn học đương đại, nói như vậy không có nghĩa là người trong cuộc viết về chiến tranh sẽ tốt hơn người ngoài cuộc. Dù sao, người cầm súng viết về chính mình, về đồng đội của mình sẽ có vốn thực tế phong phú và chính xác hơn.

Đọc một số tác phẩm gần đây của một số bạn viết sau chiến tranh, đã thấy có sự sai sót về vốn sống, đặc biệt là ở “chi tiết”.

Ví dụ miêu tả cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở Thành Cổ Quảng Trị, có bạn viết bộ đội ta dùng DKZ,... nả tới tấp vào đối phương. DKZ là vũ khí lợi hại ta chế tạo được từ những xưởng quân giới trong rừng Việt Bắc thời chống Pháp dùng bắn hạ xe cơ giới, lô cốt địch. Vũ khí đó được dùng trong chống Pháp và vài năm đầu của du kích chống Mỹ. Vì DKZ rất nặng nề, kém cơ động lại được thay thế bằng B40, B41 gọn nhẹ hơn rất nhiều, phù hợp với chiến trường cơ động cao nên về sau, và ở Thành Cổ Quảng Trị bộ đội ta không sử dụng nó.

Có bạn viết: “B52 là loại máy bay bay cao, bay xa, chở nhiều bom nhất nên duy nhất được người Mỹ tôn sùng là “Pháo đài bay””. Thực ra, B26 Mỹ sử dụng ở chiến trường Việt Nam cũng là pháo đài bay.

Trong chiến tranh chống Mỹ, người Mỹ sử dụng đạn pháo chụp (nổ gần mặt đất) tung mảnh, tung đinh xuống, sát thương bộ đội ta. Vì vậy, hầm hào chiến đấu phòng ngự của ta cũng đào rất hẹp, không có chuyện một hầm cá nhân mà ta và địch quần nhau, đấm đá thoải mái như trên võ đài.

Nhìn chung cuộc kháng chiến chống Mỹ, ta và địch đều có nhiều nét đặc thù, miếng ăn, cách đi đứng, nguỵ trang, trú ẩn, tình yêu, tình bạn... không có vốn sống thực tế, không dày công nghiên cứu sẽ nhầm lẫn, sai sót.

Không ít nhà nghiên cứu đã nhận định: Phần lớn các tác phẩm viết về chiến tranh của ta vẫn chưa viết hết về chiến tranh, thiếu “chiến tranh”.

Theo tôi, đó là một yêu cầu quá cao tới mức “bất khả thi”. “Chiến tranh và hoà bình” - Leptonxtôi, “Sông Đông êm đềm” - Sôlôkhốp và những tập hồi ký lớn “Nhớ lại và suy nghĩ” Nguyễn soái Giukốp, “Bộ tổng tham mưu Xô Viết trong chiến tranh” - X. Stemenko là những tác phẩm đồ sộ viết về chiến tranh, liệu đã viết đủ về chiến tranh chưa? Khi đã có một tác phẩm viết đủ về chiến tranh rồi, thử hỏi người khác còn viết làm gì nữa?

Một tác phẩm phản ánh một mảng hiện thực, nói lên một vấn đề tư tưởng biểu hiện những nét tình cảm, đến với người đọc bằng một phong cách riêng, nhiều tác phẩm gộp lại sẽ cho người đọc một cách nhìn, sự nhận thức ngày càng sâu rộng, đa sắc màu về chiến tranh. “Phản ánh đủ về chiến tranh” là công việc của nhiều tác phẩm, nhiều tác giả và nhiều thế hệ của những người cầm bút.

Song cũng phải thấy rằng, nền văn học đương đại của ta chưa có tác phẩm lớn xứng tầm với hiện thực vĩ đại của cuộc chiến tranh có một không hai trong lịch sử loài người đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều tác phẩm lại có cách viết na ná nhau: miêu tả một trận đánh nào đó, ta thắng, địch thua, ta anh hùng, địch hèn nhát, ta rất người, địch rất thú.

Viết về chiến tranh, không ít bạn viết sa vào miêu tả các cuộc giao tranh của hai phía, ầm ào bom đạn dội vào đầu nhau. Dù miêu tả quyết liệt bao nhiêu thì nét đặc thù của chiến tranh Việt - Mỹ vẫn không được lột tả, vẫn giống các trận đánh Trung Triều chống Mỹ, hoặc của nhân dân Xô Viết chống phát xít Đức. Bởi viết như vậy mới dừng lại ở hình thức mà hình thức chiến tranh nào cũng dội hoả lực vào đối phương.

Nội dung của chiến tranh là sự đối đầu của hai loại lý tưởng, đối kháng của hai hệ tư tưởng, của các phương thức sản xuất khác nhau, là sự nô dịch và giải phóng... Trên nền tảng ấy, người lính của hai phe vào trận không là những sát thủ vô cảm, họ đều có quan điểm bạn thù, tốt xấu, sống chết, tình cảm và con mắt nhìn đời, nhìn chiến cuộc phong phú, đa dạng. Những người lính cầm súng cho chính nghĩa có điều kiện hun đúc cho mình những tình cảm lớn, lòng yêu nước, yêu độc lập, tự do, căm thù xâm lược và nô dịch, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, nhưng trong hàng ngũ đối phương về cá biệt, không thể không có những con người tốt, những hành vi cao thượng thậm chí là anh hùng.

Người lính của cả hai phe, nhân vật chính của tác phẩm viết về chiến trận cũng đã đến lúc phải nhìn nhận lại. Nhà lý luận văn học - triết học Nguyễn Hoàng Đức có nhận xét thú vị, đại ý là:

Trước khi cầm súng họ là người của đời thường làm trăm ngàn nghề khác nhau: “Khi đã cầm súng họ chỉ có một nghề: bắn giết đối phương, càng bắn giết nhiều càng được suy tôn là anh hùng, dũng sĩ. Đối phương của họ là đồng loại, có thể là đồng hương và có thể cha mẹ, anh em, guồng máy chiến tranh lạnh lùng xô đẩy họ vào cuộc truy sát triền miên, mỗi người lính vừa là kẻ tìm diệt vừa bị tìm diệt, không giết nó, nó sẽ giết mình”. Dù lạnh lùng như một sát thủ, dù mang trong mình tâm hồn thi nhân, đã cầm súng ra trận là bắn giết.

Khi họ ra trận, người lính của hai phía đều có hậu phương, có sự khắc khoải đợi chờ, lo lắng tới đau lòng của vợ con cha mẹ. Họ đều mong ước được sống, được trở về, mong được có chiến công để kiêu hãnh, song cũng có lúc mong bàn tay không nhuốm máu.

Tôn vinh thế nào những người lính chiến đấu cho chính nghĩa. Phân xử thế nào với những người lính đối phương. Nếu kẻ địch chỉ là một lũ tàn bạo, hèn nhát, ngu si thì chiến thắng của ta đâu có vinh quang, và cuộc chiến tranh đâu có kéo dài và hi sinh nhiều, của nhiều người đến vậy?

Chiến trường Việt Nam có tính đặc thù, đâu cũng là tuyền tuyến, đâu cũng là hậu phương. Bởi vậy mới có danh từ: hậu phương lớn, tuyền tuyến lớn. Mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt già trẻ, gái trai, nam nữ, lương hay giáo, khi giặc đến là trực tiếp cầm súng, khi giặc đi làm công tác hậu cần. Người lính ở chiến trường là chiến binh nhưng nhiều lúc cũng tự trồng khoai, sắn, hái rau, đào củ như những nông dân thực thụ để tự tồn tại. Chiến tranh diễn ra ở đồng bằng, rừng núi, thành phố, trên biển, trên không, miền Nam, miền Bắc, đâu cũng có địch, đâu cũng có ta. Ta đánh địch bằng phương pháp du kích, đặc công, đánh chiến dịch lớn bằng nhiều sư đoàn, quân đoàn. Huy động vào trận lớn hàng chục vạn binh lính nhưng “Một người một súng cũng tấn công”, không chỉ bộ đội chủ lực trực tiếp chiến đấu mà hàng chục vạn thanh niên xung phong gái mở đường, lính xăng dầu, vận tải, binh trạm, thông tin, quân y,... đều làm nên những chiến công và sự hy sinh bất hủ. Đánh địch bằng chính trị quân sự và binh vận “ba mũi giáp công” đánh bằng vũ khí nóng, bằng thơ, văn, nhạc, kịch: “Tiếng hát át tiếng bom”. Sức mạnh tổng hợp toàn dân được huy động cao độ: “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Thực tế ấy cho ra đời những tác phẩm viết về chiến tranh không có tiếng súng, không có dàn trận, đối đầu, chỉ xoáy sâu vào một bi kịch của người lính, sự mất mát giữa người đi, kẻ ở, sự kiên gan chịu đựng gian khổ của một tổ quân báo, một nhóm coi kho, những di hoạ của chiến tranh thời hậu chiến... vẫn bật nổi phẩm chất cao cả của người lính, vẫn là tiếng nói lên án chiến tranh sâu sắc. Viết về chiến tranh không có bom đạn nhưng vẫn rất chiến tranh.

Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đẻ ra một số tác phẩm có giá của một thời nay đã trở nên gò bó, lỗi thời. Những cách nhìn cuộc đời, nhìn chiến tranh một phía, một góc không còn phù hợp nữa. Thời đại bùng nổ thông tin, thông tin có cánh, chủ trương hoà nhập của chúng ta cho phép các nhà văn xích lại ngày càng gần các nền văn học lớn của toàn nhân loại. Tác phẩm viết về chiến tranh có cách nhìn ngày càng sâu sắc và hoàn thiện hơn. Nói như vậy không có nghĩa là nhà văn không còn “vùng cấm”. Trong giao thời của đổi mới, văn học cũng như nhiều lĩnh vực khác không tránh khỏi những vướng bận, những ràng buộc mà trước hết nhà văn là người thoá gỡ, để vượt qua, đặng mang đến cho độc giả những tác phẩm chân xác.

Viết về chiến tranh có thể viết về chiến thắng, cũng có thể viết về chiến bại (cục bộ). Cuộc chiến tranh Việt - Pháp, Việt - Mỹ đều kết thúc, người Việt đã giành được phần thắng huy hoàng, giành được cảm phục của toàn nhân loại. Vì vậy viết về chiến bại cũng nhằm tôn vinh phẩm chất của người Việt, phê phán những sự đớn hèn, sợ hy sinh, sợ gian khổ, thói độc quyền, độc đoán thiếu dân chủ, thậm chí là thói phiêu lưu mạo hiểm của một nhà cầm quân nào đó. Tôi không có ý nêu khuôn thước, nhưng chỉ có vậy mới chân thực với lịch sử.

Đã có ý kiến đây đó muốn thẩm định lại những trận đánh lớn, những chiến dịch lớn như cuộc tông tiến công Mậu Thân 1968, 81 ngày đêm cố thủ Thành Cổ Quảng Trị 1972,... Sự đúng đắn hay sai lầm trong ý đồ chiến lược, chiến thuật cần thiết hay không cần thiết? Thắng hay bại?

Một sinh viên khó đánh giá toàn bộ công trình của một giáo sư. Những nhà văn chúng ta khó đánh giá toàn bộ ý đồ chiến lược, chiến thuật... của Bộ tổng tư lệnh và Bộ tổng tham mưu. Tôi nói “khó” là để cực kỳ thận trọng chứ không nói là không làm được. Bởi có những người ra trận chỉ là binh nhì như Ăng ghen nhưng tổng kết được chiến tranh bằng hơn một chục bài luận văn quân sự, trở thành giáo trình để đào tạo sĩ quan và tướng lĩnh khối Vacsava về sau.

Đánh giá thắng thua của chiến tranh không thể sử dụng bốn phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Ta chết như vậy, mất như vậy, địch chết bao nhiêu? Mất bao nhiêu?

Trong những ngày đầu cuộc đột kích khổng lồ của phát xít Đức, Hồng Quân Liên Xô đã bỏ mạng hàng vạn chiến sĩ mỗi ngày nhưng không được lệnh rút lui. Song ai dám bảo đó là một trận phòng ngự thất bại mặc dầu chiến tuyến bị phá vỡ tan tành. Thử hỏi nếu không có lệnh quyết tử thì mấy ngày sau xe tăng Đức sẽ tràn vào Matxcơva vì quân Nga đã nhận định sai lầm thời điểm quân Đức tấn công.

Khi ta chưa hiểu gì về sự bố phòng trong lòng Đại sứ quán Mỹ (tại Sài Gòn), một phân đội đặc công vẫn được lệnh đột nhập tấn công. Họ đã hi sinh tất cả nhưng sự hy sinh đó đã làm cho quân Mỹ và đồng minh của họ run sợ: bởi “cọng quân đã đưa được chiến tranh vào bất cứ nơi nào mà họ muốn” (UPI), “Người Mỹ không có đất an toàn” (Roitơ).

Cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 không thành công, ta tổn thất nặng nề nhưng địch cũng tổn thất không kém, đặc biệt tinh thần Mỹ Nguỵ suy sụp, cảm giác ngày thất bại cuối cùng sẽ đến đè nặng lên người Mỹ và người lính cộng hoà. Đó là tiền đề là kinh nghiệm chiến lược đi đến thắng lợi cuối cùng, cực kỳ vang dội mùa xuân năm 1975. Có thể nói không có Mậu Thân 1968, chưa thể có mùa xuân đại thắng 1975.

Các tướng lĩnh của Bộ tổng tư lệnh và Bộ tổng tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam được toàn nhân loại kính nể. Thật là xứng đáng vì họ đã chỉ huy được một đạo quân nửa du kích, nửa chính quy, của một nền kinh tế nghèo nàn nhất thế giới đối đầu với một đạo quân được huấn luyện kỹ, trang bị mạnh nhất thế giới của một nền kinh tế giàu nhất thế giới và đánh bại nó. Không tiếng nói nào hùng hồn và chân thực bằng thực tế lịch sử. Tài thao lược của họ đã được khẳng định.

Trong hàng ngàn trận đánh sẽ có trận thua, trong chỉ đạo sẽ có sai lầm về chiến thuật, thậm chí cả sai lầm về chiến lược. Có thể viết về những cái thua, những cái sai đó nhưng không nên tách rời cái cục bộ với tổng thể, tác phẩm văn học với thực tế lịch sử.

Yêu cầu khách quan của chân thiện mỹ đòi hỏi phải như vậy. Có như vậy mới hướng được độc giả nhất là những thế hệ mai sau nhìn nhận toàn diện, đúng đắn về cuộc chiến tranh mà dân tộc ta đã đổ nhiều xương máu để giành thắng lợi.

 

L.V.T

 

Lê Văn Thê
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 171 tháng 12/2008

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground