NSND Trà Giang (đóng vai nhân vật Dịu) trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm
Trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, Điện ảnh Việt Nam đã có lớp lớp các nghệ sĩ, chiến sĩ bám trụ ở chiến trường, họ đã cống hiến, hy sinh cả cuộc đời; dành trí tuệ, tâm huyết và tuổi trẻ để xây dựng những thước phim tài liệu quý giá mà họ đã bền gan vững chí thực hiện, để thế hệ hôm nay có dịp chiêm nghiệm, soi tỏ và tự hào. Kế thừa và phát huy những thành tựu của nền điện ảnh nước nhà, chúng ta tự hào về mảnh đất Quảng Trị đã đi vào lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc, nơi đây là bối cảnh, là nơi ra đời của những bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam, như Chung một dòng sông, ra đời năm 1959, lấy bối cảnh là dòng sông Bến Hải và câu chuyện tình yêu của đôi trai gái bị chia cắt qua vĩ tuyến 17; hay như các bộ phim truyện: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Trên vĩ tuyến 17.
Đáng trân trọng là những phim tài liệu thuộc dòng chính sử, khi Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, nhiều đoàn làm phim đã đi vào "túi bom" Vĩnh Linh để thực hiện những thước phim tài liệu điện ảnh về vùng "đất thép", đó là những phim tài liệu đặc sắc như: Ngọn cờ Hiền Lương, Lũy thép Vĩnh Linh, Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh Nhân dân, Bên bờ Bến Hải, Cồn Cỏ anh hùng, Việt Nam - Những năm tháng chiến tranh. Những bộ phim tài liệu ấy là những trang sử bằng hình ảnh, minh chứng về một mảnh đất địa đầu giới tuyến anh hùng.
Khi làm phim Lũy thép Vĩnh Linh, nhà quay phim Ma Cường và đạo diễn Nguyễn Ngọc Quỳnh của Xưởng phim Tài liệu Thời sự Việt Nam đều coi Vĩnh Linh như là quê hương thứ hai của mình. Thời ấy, những nhà làm phim chỉ biết sống với dân, dựa vào dân mà sống, sống trong lòng địa đạo, sống từ những kinh nghiệm của dân để xây dựng kịch bản bộ phim. Dẫu ngày hay đêm, ở Vĩnh Linh khi nào cũng bị đánh phá, không máy bay thì pháo, cả mặt đất lẫn mặt biển không lúc nào ngớt. Phim giành huy chương vàng tại Liên hoan phim Moscow năm 1971; phim Lũy thép Vĩnh Linh còn chiến thắng một cách thuyết phục cả 3 hạng mục (Đạo diễn xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất, Phim tài liệu xuất sắc nhất) tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 năm 1973.
Phim tài liệu Ngọn cờ Hiền Lương, kịch bản và đạo diễn: Lương Sĩ Cầm, Phùng Bá Gia, do Điện ảnh Công an nhân dân vũ trang sản xuất 1970. Mở đầu phim là âm hưởng của những giai điệu trầm hùng, da diết được nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác, và rồi ngân nga suốt chiều dài của phim. Xen cùng những hình ảnh về ngọn cờ và chiếc cầu Hiền Lương, qua giọng đọc thống thiết vang lên của nữ phát thanh viên Đài Truyền thanh giới tuyến Vĩnh Linh - chị Nguyễn Thị Hồng Nhạn, lời bình như hòa mình vào bối cảnh thực địa bên bờ sông tuyến: “Mặt giáp mặt với kẻ thù, cờ vẫn tượng trưng cho sức mạnh thần kỳ của Nhân dân hai bờ giới tuyến... Những ngày ấy giặc Mỹ bắt đầu phá hoại nhịp cầu, phá hoại miền bắc XHCN, âm mưu chia cắt lâu dài Đất nước, từ ngày ấy lá cờ giới tuyến thành trận địa, cũng ngày ấy chúng tôi bắt đầu có mặt ở đây… Dù chiến đấu ác liệt đến mấy phải giữ cho lá cờ tung bay trên bầu trời giới tuyến, lá cờ vẫy gọi quân dân vùng giới tuyến ngày đêm vượt qua lửa đạn vừa chiến đấu vừa sản xuất… Lá cờ chiến thắng tung bay giữa bầu trời như một lời kêu gọi tiến quân, như tiếng kèn xung trận thôi thúc cả nước hoàn thành sự nghiệp cách mạng”…
Tôi còn nhớ, đêm 30/4/2008, Nhân dân cả nước có dịp theo dõi cầu truyền hình Khát vọng độc lập thống nhất, tại 4 điểm: Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Tp. Hồ Chí Minh. Riêng điểm cầu Quảng Trị là nơi tụ hội ấm áp bên sông Bến Hải cầu Hiền Lương lịch sử; vẫn còn đó những câu chuyện, nhân vật từng sống, chiến đấu, công tác, mà khi nhắc lại thì ký ức của họ lại ùa về, đó là vị khách mời của điểm cầu: Cựu chiến binh Công an giới tuyến, người đưa bưu thiếp trong phim tài liệu Ngọn cờ Hiền Lương - ông Nguyễn Xuân Liên ở Hương Long, thành phố Huế. Với 14 năm làm nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến Hiền Lương ngay từ tháng 7/1954, lần này trở lại nơi mình từng công tác, ông mang theo còn có bao điều sâu kín, ân tình sâu nặng với mảnh đất này, là dịp để ông giãi bày: Vợ ông là người con gái của đất Gio Linh trung dũng kiên cường, “bên nớ” giới tuyến; ba người con trai của ông sinh ra ở “bên ni” bờ bắc, đều được ông chọn những địa danh của Vĩnh Linh để đặt tên cho các con của mình, đó là: Nguyễn Xuân Hải (Bến Hải), Nguyễn Xuân Tùng (Cửa Tùng), Nguyễn Xuân Hiền (Hiền Lương).
Bộ phim tài liệu Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh Nhân dân của đạo diễn người Hà Lan Joris Ivens, với độ dài gần 120 phút, là một góc nhìn từ bên trong cuộc chiến, từ nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chiến sự. Phim kể về cuộc sống đấu tranh và bảo vệ quê hương của quân và dân Vĩnh Linh anh hùng những năm 1967, 1968 rất khốc liệt nhưng cũng rất kiên cường. Điều khốc liệt của chiến tranh không chỉ là thiệt hại về tính mạng, của cải của người dân, mà cái lớn hơn chính là sự chịu đựng, sự chia lìa. Nhưng khán giả cũng có thể thấy sự lạc quan của các thế hệ người dân Vĩnh Linh vẫn được tiếp nối; những đứa trẻ được sinh ra trong lòng địa đạo, rồi lớn lên đi học ngay trong những đường hầm dẫn đến trường.
Buổi giao lưu với nhân chứng của đoàn làm phim, nhân vật của phim Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh Nhân dân tại Vĩnh Linh - Ảnh: Trúc An
Xem phim Vĩ tuyến 17 - chiến tranh Nhân dân để chúng ta cảm nhận về một giai đoạn lịch sử không thể nào quên; ngày hôm nay, để có được những thước phim tài liệu trong thời chiến mà chúng ta còn lưu giữ, có ai đo đếm được sức lực, mồ hôi và xương máu của những người nghệ sĩ, chiến sĩ cầm máy quay phim nơi đầu cầu giới tuyến. Họ còn là những nhà làm phim nước ngoài đến với mảnh đất khói lửa chiến tranh, phải chăng họ muốn trao truyền lại cho thế hệ mai sau những bằng chứng sinh động từ hình ảnh, để phần nào hiểu hơn về những giá trị của hòa bình ngày hôm nay, để chúng ta ngưỡng vọng và tri ân.
Một bộ phim tài liệu truyền hình nằm trong Dự án VTV Đặc biệt Sống trong lòng đất, do Ban Thanh Thiếu niên sản xuất, là phim đầu tiên của VTV được vinh dự trình chiếu tại Hội nghị Truyền hình công thế giới năm 2018 ở nước Mỹ (INPUT). Bộ phim tái hiện cuộc sống của quân và dân Vĩnh Linh dưới hệ thống địa đạo Vịnh Mốc trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước; sự tương phản giữa chiến tranh và hoà bình, quá khứ và hiện tại, câu chuyện từ nhân chứng lịch sử và sự tham gia trải nghiệm của các bạn trẻ đã tạo nên sức cuốn hút cho bộ phim. Bộ phim ngoài hình thức thể hiện là truyền hình thực tế, phim còn áp dụng những thủ pháp truyền hình đa dạng như: Tài liệu, giao lưu, scan 3D... khiến cho chuyến trải nghiệm của những bạn trẻ trong lòng địa đạo trở nên sống động và giá trị hơn. Bộ phim đã chuyển tải những bài học về lịch sử, giúp khán giả ngày nay hiểu rõ hơn sự khốc liệt của chiến tranh, ở nơi phải oằn mình gánh nhiều bom đạn nhất, họ buộc phải xuống đất để tồn tại; hiểu rõ thêm về một vùng đất lịch sử chất chứa bao điều về nỗi khổ đau, sức chịu đựng, lòng kiên trung, dũng cảm của đất và người nơi đây.
Mười năm trước, nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Vĩnh Linh anh hùng 25/8/1954 - 25/8/2014, chúng tôi cũng đã xây dựng được phim tài liệu Lũy thép lũy hoa, một thời và mãi mãi, kịch bản Trần Đăng Mậu; nhà báo Trần Quốc Huy ở Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự VTV làm đạo diễn, phim phát trên sóng VTV1 vào ngày 22/8/2014.
Đi suốt mạch phim, qua những chặng đường lịch sử, qua những trường đoạn phim đã thể hiện 60 năm truyền thống của huyện nhà, Vĩnh Linh luôn xứng danh là mảnh đất anh hùng, dẫu trong mưa bom bão đạn vẫn giữ cho lá quốc kỳ tung bay trên bầu trời giới tuyến, người Vĩnh Linh xuống lòng đất bám trụ kiên cường tạo ra những làng hầm chìm sâu vào lòng đất để bảo tồn sự sống, với vai cày tay súng vừa sản xuất vừa chiến đấu, vùng đất thép Vĩnh Linh vinh dự được 8 lần Bác Hồ gửi thư khen.
Trong thời đổi mới và hội nhập, đó đây trên mảnh đất “lũy thép” vẫn ngồn ngộn chất liệu với những nhân vật, câu chuyện, đề tài hay, in đậm kỳ tích trước mỗi sự kiện, việc làm; vấn đề là tài năng khai thác, phong cách thể hiện của những người làm phim trước hiện thực phong phú ấy. Và cũng không ngoa khi nói rằng Vĩnh Linh là “phim trường” sống động để những người làm phim có cơ hội khám phá, truyền cảm hứng sáng tạo về thương hiệu mà chẳng nơi nào sánh được: “Lũy thép, lũy hoa”.
T.Đ.M