Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vong thân hiện sinh - bi kịch của con người toàn cầu hóa trong tiểu thuyết Sóng ngầm của Linda Lê

1. Vào thế kỉ XX ở phương Tây, các nhà tư tưởng với khát vọng đấu tranh chống lại sự vô nghĩa của cuộc sống và tôn vinh giá trị tồn tại của con người đã tạo ra chủ nghĩa hiện sinh (Existentialism). Lý thuyết hiện sinh tạo được sự hô ứng và gắn bó mật thiết với văn học bởi sự đồng nhất trong mục tiêu khám phá phương thức tồn tại của con người, hướng tới các giá trị nhân bản. 

Đến thời điểm hiện tại, tư tưởng hiện sinh vẫn đang tiếp tục mở ra chân trời sáng tạo với những chiều kích đầy mới mẻ cho cả các nhà văn ở lục địa già - châu Âu và mảnh đất đầy tâm tư bí ẩn đang cuồn cuộn chuyển mình với nhiều đường hướng - châu Á; thôi thúc tài năng của các nhà văn trong nước và kêu gọi sự góp sức bằng cái nhìn mới lạ từ “phía bên kia” của các nhà văn gốc Việt ở nước ngoài trong đó nổi bật lên tên tuổi của nhà văn Linda Lê - một cây bút đã ghi dấu ấn trong trường văn học Pháp với dòng văn học chuyển vị đậm hơi thở hiện sinh.

Linda Lê đã chứng tỏ được sự nhạy bén và tầm khái quát hiện thực sắc sảo của mình bằng cách phơi trải trong tác phẩm thảm trạng tinh thần của con người trong thời kì toàn cầu hóa khi phải đối diện với sự phì đại của công nghệ, sự dịch chuyển không ngừng của những dòng người di cư, sự sụp đổ những đại tự sự và sự định hình những hệ giá trị mới đa chiều cạnh. Trạng thái đơn độc, hoài nghi, lo âu, sa đọa, huyễn hoặc… làm con người tiêu tán nhân vị, đánh mất chính mình là những biểu hiện thành thực và sống động của dạng thức vong thân hiện sinh được Linda Lê chuyển tải thành công trong tiểu thuyết Sóng ngầm (2018)

2. Khái niệm Vong thân (engtfremdung, alienation, aliénation) biểu hiện trạng thái con người tự đánh mất chính mình; dễ dãi, thỏa hiệp thậm chí bị lấn lướt, chiếm đoạt bởi thân xác trần tục. Thân xác đó chính là một “kẻ xa lạ” (Cách nói của Albert Camus) tấn công để tiêu diệt ý chí, quyết tâm dấn thân làm nên chính mình, như mình dự định; khiến con người không còn ý thức xác lập cái độc đáo và có ý nghĩa bản thể; làm cho con người dần dần trở nên ù lì, đông cứng, sa đọa; bị hạ xuống ngang hàng với sự vật vô tri… hay nói cách khác là đang chết trong khi sống. Khi bàn về sự tồn tại hiện sinh, triết gia F. Nietzsche đã gọi “Con người là một sợi dây căng thẳng giữa con thú và Siêu nhân - sợi dây căng ngang một hố thẳm”. Trạng thái căng thẳng không xuất phát từ sự quan sát và đánh giá từ bên ngoài mà phải là sự cảm thấy từ chính ý thức bên trong của con người về hiện tồn của bản thân, nhất là vẻ vô lý và vô ý nghĩa của cuộc đời. Do đó vong thân khác với tha hóa; khi không có sự tham gia của ý thức vào việc định vị giá trị sống, con người tha hóa chưa phải là con người hiện sinh. Vong thân hiện sinh chỉ được xác lập khi con người nhận ra sợi dây có khuynh hướng nghiêng về phía con thú từ đó nảy sinh cảm giác cô độc, ưu tư, lo sợ, chán nản, buồn nôn, tự huyễn, tự chối bỏ… Càng ý thức được nguy cơ rơi vào hố thẳm, con người càng biết khao khát dấn thân để vươn tới những giá trị sống đích thực mang tính chất siêu việt. Như vậy có thể kết luận vong thân hiện sinh chính là sự chiêm nghiệm mang tính ưu tư của con người về trạng thái đánh mất chính mình.

Thảm trạng vong thân biểu lộ trước tiên ở một cái tôi bất khả hiểu - không hiểu ngay cả chính mình và cũng không hiểu sự sống xung quanh. Vì bất khả hiểu nên con người rơi vào trạng thái buồn đau, hoang mang, lạc lõng và đặc biệt là cô đơn giữa một thế giới đầy rẫy phi lí. Thảm trạng tiếp theo của vong thân hiện sinh ở trong tác phẩm của Linda Lê chính là sự biểu lộ của một cái tôi không thể làm chủ cuộc sống của mình mà bị những thế lực bên ngoài chi phối quan điểm, lối sống, cách cảm, cách nghĩ, cách hành động… sự đánh mất chính mình này có thể gọi là quá trình hiện thể bị tha nhân xâm thực. Dần dần sự lấn chiếm đó khiến thực thể vị thân chạy trốn khả năng làm nên bản sắc của chính mình; không thể cưỡng lại hấp dẫn của thực thể tại thân và điên cuồng tìm cách thỏa hiệp, tự huyễn để tránh né xác lập nhân vị, duy trì đọa tính; thậm chí đi tới chỗ mất kiểm soát, sa đọa.

Nhà văn Linda Lê - Ảnh: I.T

Nhà văn Linda Lê - Ảnh: I.T

3. Soi chiếu từ lí thuyết hiện sinh, mỗi nhân vật, mỗi số phận trong tiểu thuyết Sóng ngầm đều là một mảnh ghép chân thực và sống động của bức tranh toàn cầu hóa mà Linda Lê đã phục dựng tài tình qua trạng huống vong thân. Những li biệt trong đời thực dường như biến thành nỗi ám ảnh khiến Linda Lê lúc nào cũng nhìn gia đình (cái vốn dĩ phải gắn bó hòa hợp) ở trong trạng thái phân chẻ và tan rã; có những rạn nứt ai cũng thấy rõ nhưng ai cũng không dám nói ra, giống như gia đình của Văn và Lou.

Văn là một người nghệ sĩ từ trong huyết quản, cho dù nghề anh chọn là biên tập viên nhà xuất bản nhưng trong Văn luôn là nỗi khát khao niềm rung động và sự thăng hoa tột đỉnh của cảm xúc; mà giây phút đó chỉ có được khi con người đắm chìm trong hương sắc của cái đẹp về cả thể xác lẫn tinh thần. Thế nhưng trong mắt Lou, Văn lại là một kẻ chỉ “chăm chăm vào cái đũng quần”. Những trang văn miêu tả tinh tế cảnh mây mưa đối với Văn thực sự là tinh thể tự nhiên và mê đắm của cõi người, chuyển tải những thông điệp cao quý của nhân tính thì đối với Lou nó trở thành một một thứ nhả nhớt “nực cười”, “tán phét”, “múa may ba tấc lưỡi suông”… tầm thường và đáng khinh. Lou chỉ thích những phim “đầu tư lớn”, cô “thuộc típ khán giả dễ tính, tí hành động, nhiều hiệu ứng đặc biệt, là đã thấy đáng đồng tiền bát gạo”. Vì thế Lou cho rằng Văn và hai người bạn Rachid và Hugues cố tình khoe mẽ khi bàn tán về các phim nghệ thuật thử nghiệm: “phẩm bình về lớp cảnh nọ, lớp cảnh kia”; “già mồm về nào là chuyển cảnh chồng mờ, nào cảnh nghịch”. Văn và Lou chính là hai đại diện tiêu biểu cho con người trong thế giới hiện đại, văn minh với quá nhiều đòi hỏi bất dung hợp: muốn có cuộc sống vật chất đủ đầy nhưng không muốn bỏ đi quyền được mộng mơ; muốn được thỏa mãn nhu cầu giải trí nhưng lại không muốn hạ thấp tiêu chuẩn thưởng thức nghệ thuật, muốn bản thân có quyền năng tự do nhưng không thôi kiểm soát và chi phối người khác.

Ngược lại, Văn nào đâu hiểu được sự mạnh mẽ đến xù lông của vợ là hệ quả của những tổn thương tâm lí khi Lou lớn lên trong một gia đình thiếu vắng tình thương và lối sống mà Văn cho là thực dụng “chi tiêu chặt chẽ như thủ quỹ” chính là vũ khí của lòng tự tôn Lou mài sắc để có thể tự mình gồng gánh cả một gia đình có ông chồng hay tiêu hoang mà không cần đến sự trợ giúp của bà mẹ đã lạnh lùng quay lưng, cắt mọi trợ cấp khi cô dám lấy một gã da vàng đến từ đất nước thuộc địa Pháp. Văn cũng không đủ nhẫn nại và quan tâm để nhận ra bên trong một người phụ nữ như siêu nhân “cáng đáng mọi công to việc lớn”, “vừa đảm việc nhà, vừa siêu năng động” là một trái tim yếu đuối, mong manh và khát khao nhường nào sự vỗ về, âu yếm. Khi ngắm nhìn những tấm hình thám tử cung cấp chụp lại Văn và Ulma (em gái - cũng là tình nhân của Văn) bên nhau, trái tim của Lou đã hạ xuống những hàng rào của uy nghi và cứng rắn để thổn thức với những gì lâu nay mình cố giấu. Chuyện tình yêu giữa cô gái Pháp và chàng trai đến từ xứ lạ phương Đông đã từng đẹp đẽ như thế cho đến khi những cơn sóng cuộc đời xô đẩy và tâm tính ích kỷ lên ngôi khiến cả Văn và Lou đánh mất phẩm giá tình yêu chân chính cũng như khả năng chia sẻ, cảm thông… tấm lòng bao dung, thấu hiểu… mà họ từng có khi bắt đầu mối quan hệ này. Trạng thái ông chẳng bà chuộc của Văn và Lou đã rơi vào sắc độ lạc lõng của vong thân bởi khi ngoái đầu nhìn lại Văn chỉ thấy “một vực thẳm khoét sâu giữa nàng và tôi”, còn Lou nhận ra “Mình đã không thấu hiểu anh ta, phải nói rằng mình đã thiếu khoảng lùi…” Dễ đến, dễ đi hay dễ trói, dễ cởi chính là cách Linda Lê đang thay mặt con người toàn cầu định nghĩa về hôn nhân, phải chăng đây là nguyên cớ của việc nhà văn luôn khước từ ràng buộc mình trong mối quan hệ này giữa đời thực.

Sự bất hòa hợp của Văn với thế giới quanh mình là một thực tại đau lòng nhưng rất khó thay đổi bởi chính bản thân Văn cũng là một thực thể phi lí thì làm sao có thể “lấy hồn tôi để hiểu hồn người” (Hoài Thanh). Trong vai trò của một biên tập viên nhà xuất bản - người thanh lọc ngôn từ, Văn mang nặng cảm quan duy mĩ: “Hồi mới vào nghề, tôi là giáo chủ thuần túy chủ nghĩa… Tôi la làng khi tác giả nào viết bất thành cú, chấm phẩy loạn xạ… Tôi gạch bỏ và nắn lại những câu rồng rắn đại từ quan hệ”. Thế nhưng từ một biên tập viên đầy trách nhiệm Văn đã trở nên “à uôm công việc”, “ba chớp bảy nhoáng” bởi lẽ nhịp điệu nhanh chóng, vội vàng, gấp rút của một xã hội toàn cầu trong guồng quay của đại công nghiệp và kỹ thuật đã làm thay đổi nhu cầu thưởng thức văn học. Áp lực từ nhiều phía khiến nhân loại bận rộn, lo toan, mệt nhọc hơn; người ta xa dần những gì cầu kỳ, triết luận, học thuật… và nhanh chóng thích thú với những gì mau chóng, tiện lợi, thỏa mãn ngắn hạn… Văn nhận ra những tâm huyết của anh dần trở nên vô nghĩa, công việc mà anh mất thời gian để vò đầu bứt tóc có cũng như không. Khi Văn bắt đầu đánh mất niềm hứng thú với nghề và buông tuồng trong công việc cũng là khi anh biết gặm nhấm nỗi đau thương của một kẻ dư thừa, một bản thể vong thân đang dần lệch lạc, nhòa mờ đi.

Ở ngưỡng năm mươi, Văn đã có tất cả những gì anh muốn, một công việc yêu thích, một người vợ thuần Pháp, một đứa con lai với những nét rất Âu nhưng sâu thẳm trong anh vẫn luôn cảm thấy thiếu thốn và day dứt bởi một điều gì đó. Bức thư của Ulma - cô em gái cùng cha khác mẹ - đã khiến Văn choáng váng, Văn nhận ra quá nửa đời mình là một kẻ lưu vong cố chấp với khát vọng xóa bỏ căn tính Việt, “tự ban cho mình quyền bậy bạ hòng lừa phỉnh thời gian, thế thôi”. Văn tìm thấy sự đồng điệu với Ulma trong nỗi ấm ức bị bỏ rơi, nỗi chênh chao giữa quá khứ và hiện tại “tôi không biết nhà mình ở chốn nào…”. Tuy nhiên càng thấu tỏ, càng được xoa dịu và lấp đầy, Ulma và Văn lại càng lún sâu vào một mối quan hệ mông lung khi anh trai không còn là anh trai và em gái không còn là em gái. Việc Ulma bất chấp những hồi chuông báo động từ mẹ và Văn giả câm giả điếc trước sự truy vấn của Lou đã dẫn tới một kết cục bi thảm: Lou đã không kiềm chế được mình trong cơ say mà lái xe tông chết Văn. Ulma cũng cứ ngỡ Lou mời mình đến đám tang để kết tội cô, nhưng điều bất ngờ là ngoài hiếu kỳ thì không có một sự phán xét nào dành cho kẻ thứ ba đã biến tình anh em thành tình nhân, biến vợ chồng thành sát nhân - nạn nhân, gây ra mọi đổ vỡ. Dường như tất cả đang nhìn mối quan hệ bất thường và đầy phi lý của Văn - Lou - Ulma bằng một sự chấp nhận hay đúng hơn là cảm thông. Xã hội càng phát triển càng làm nảy sinh những căn bệnh tâm lý bất khả giải, con người cũng bớt cay nghiệt hơn với sự bất toàn. Trong một thế giới mở khi những gì ta thấy chỉ là mộc góc máy, một phân đoạn cắt ghép, một chỉnh sửa qua ngàn bộ lọc… chứ không phải là chân hiện thực con người toàn cầu ý thức được ranh giới giữa phi lý - có lý là bất ổn định và cẩn trọng và bao dung hơn trong bình luận và phán xét với ý niệm: “Tôi cũng như anh, chúng ta lần đầu tiên sống trên cuộc đời này…”

4. Gia đình của Văn và Lou đứng trước muôn vàn sóng gió chính còn bởi cả hai đều đã phát sinh sự ràng buộc với tha nhân. Từ khi Laure ra đời, những ngọt ngào, say đắm của tình yêu buổi ban đầu cũng dần nhạt đi nhường chỗ cho bao bộn bề, lo toan của cuộc sống, “những đều đặn máy móc đã giết chết cái say mê buổi đầu, lo lắng đời thường đã gây hậu quả quá lớn”. Trong khi Văn mải mê với việc đúc chữ luyện câu ở nhà xuất bản thì Lou lại có cảm tình với ngài Ludovic (hiệu trưởng mới ở trường cô) bởi anh mang đến cách tư duy sáng tạo và những quan điểm mới mẻ, tiến bộ trong giáo dục. Lou nhanh chóng bị cuốn theo nhịp điệu tươi mới và sung sức của Ludovic, điều mà cô không thể tìm thấy trong hơi thở trầm mặc, ủ kín, thâm trầm của Văn. Văn không phải kiểu người thiếu tinh tế nên dù trong anh đã xuất hiện những băn khoăn về cách hành xử khác lạ của Lou anh cũng không truy đuổi đến cùng sự thật. Trong mối quan hệ này, không chỉ Lou là người thấy cạn nguồn năng lượng, Văn cũng muốn được tự do nếm trải những nguồn cảm xúc mới mẻ và tận hưởng không gian riêng tư. Đôi bên đang ở trong một thỏa hiệp ngầm để vừa ôm lấy phận vị mình đã cố công gây dựng vừa được tự do phiêu lưu cảm xúc: “Vậy là một người có một khu vườn bí mật riêng, đồng thời cứ tự tưởng tượng rằng bí mật của người kia là việc tầm thường”. Tuy nhiên những ngày tháng này chỉ là một khởi đầu lung lay, cho đến khi Văn gặp Ulma thì mối quan hệ mới chính thức sụp đổ: “Hai mươi năm không phải là ít, thế nhưng, hai mươi năm ấy đã bị quét đi ngay khi Ulma xuất hiện”. Những gì thuộc về căn tính phương Đông luôn được Văn nỗ lực vùi sâu, chôn chặt hóa nay cuộn trào lên mãnh liệt, những nỗi đau anh nghĩ người khác sẽ không bao giờ hiểu nay có người sẻ chia, đồng cảm; những khao khát anh muốn che giấu nay có chỗ để giãi bày và cổ vũ. Bên cạnh Ulma, Văn có cảm giác được là chính mình, sống đúng nhất, thành thực nhất với những buồn, vui, sướng, khổ của thân tâm. Anh không cần phải gồng mình lên để không bị ai coi khinh hay được ai thừa nhận tư cách; những tháng ngày mờ nhạt, quẩn quanh như đang tìm nguồn động lực để bứt lên, bung ra những sống động và rực rỡ: “Em là người em gái chiếu ánh sáng chói lòa vào bóng xế đời tôi”. Nhưng tiếc thay sự xâm thực của Ulma đã khiến anh vượt quá giới hạn của sự nhận thức và tỉnh ngộ, tiến tới sự lệ thuộc và sa đọa. Không biết từ lúc nào Văn đã học cách gian dối và chà đạp lên những tin tưởng và yêu thương của gia đình chỉ để được thỏa mãn những truy cầu của nhân vị bên Ulma; thậm chí anh bất chấp tất cả để bước qua ranh giới của luân thường đạo lý, say đắm Ulma như say một người tình nhân quyến rũ. Mặc dù vậy, anh vẫn không thể từ bỏ gia đình, cho nên anh kiệt quệ trong giằng xé giữa trách nhiệm và khao khát; giữa cái muốn và cái cần… Trong mắt Loure, người cha hiền lành của mình bây giờ trở nên xa lạ; trong mắt Lou, người chồng ôn hòa và nhẫn nại bây giờ đã mê muội. Khi Lou bằng linh cảm của mình phát hiện ra những thay đổi bất thường của Văn, cô đã chậm lại một nhịp để tìm hiểu và nhận ra chính bản thân mình là một trong những nguyên nhân khiến Văn không giữ được tỉnh táo: “Anh ta cần có cái mới, khi cuộc sống vợ chồng chúng mình chỉ sản sinh cái đã thấy”. Khi những báo cáo chi tiết về các cuộc hẹn, những tấm hình tình tứ được thám tử gửi đến Lou đau buồn thấu tận tim can nhưng cô cố kìm nén những uất hận trong lòng để giữ cho Laure một mái ấm, và cũng là cho mình và Văn một cơ hội để hàn gắn. Không phá bỏ nhưng không thiết tha vun đắp; thấy chán ngán nhưng không muốn rời đi; thấy đổi thay nhưng không dám rạch ròi; biết sự thật nhưng cố tình lảng tránh… đó chính là trốn chạy vươn tới nhân vị mới - vong thân dạng tự huyễn của Văn và Lou và cũng là của những con người trong một thế giới đang tiến lên trong nhịp điệu mạnh mẽ của toàn cầu.

5. Hệ thống hình tượng nhân vật được Linda Lê xây dựng trong tiểu thuyết Sóng ngầm đều là những bản thể vong thân hiện sinh với đa dạng biểu hiện. Họ người thiếu thốn sự sẻ chia, thấu hiểu; họ lạc lõng giữa một thế giới rộng lớn vì chính khả năng khai phóng vô cùng của sức mạnh của công nghệ và xu hướng di cư, “Bạn tự do và đó là lí do vì sao bạn lạc lõng.” (Franz Kafka). Sự sụp đổ của những đại tự sự và sự hình thành của vô số hệ giá trị mới (nhưng chưa minh định) khiến họ rơi vào hoang mang; họ không chỉ tồn tại ở trạng thái bất khả hiểu ngoại thân và còn là bất khả hiểu tự thân. Lúc đơn độc và chơi vơi, họ dễ dàng bị những thực thể bên ngoài xâm thực và chi phối, “Người cô đơn chìa tay quá nhanh cho bất cứ ai anh ta gặp.” (F. Nietzsche); ký sinh trên cuộc đời của người khác khiến sự sống của Văn, Lou, Ulma… trở nên thừa thãi và vô nghĩa. Dưới bóng rợp của triết hiện sinh, Linda Lê đã bắt đúng mạch và gọi đúng tên của những căn bệnh tinh thần phổ biến trong một xã hội toàn cầu, chứng minh khả năng đào sâu và bao quát hiện thực của một nhà văn có tầm vóc nhân loại.

Tuy nhiên, khi buộc con người phải đối diện với kiếp trầm luân Linda Lê không để cho họ sa vào đầm lầy bĩ cực mà lấy sự tự ý thức về cái bất toàn làm nguyên cớ thôi thúc họ phải trăn trở, phải hành động để vươn lên, vượt thoát, khai phóng, đột khởi, thăng hoa, siêu việt…; mở đường cho họ đến với trách nhiệm làm nên chính mình với tâm thế tiếp nhận “lùi lại để hiểu, tiến lên để sống” (S. Kierkegaard). Văn chương của Linda Lê không dễ đọc bởi mỗi khi bước vào cõi thiêng của nữ văn sĩ, ta thật không khỏi đau đầu, buồn nôn hay choáng váng trước nhân tình thế thái; nhưng càng đọc ta lại càng thấy đốm lửa nhân văn sáng dần lên, cuối cùng ánh sáng đó mở lối cho ta đến với đòi hỏi và quyết tâm chống lại cái chết, vươn lên xác lập ý nghĩa cao quý của hiện tồn. Là người, hẳn ai cũng đã từng trải qua những phút giây ủ kín cô độc rồi đến cựa quậy chuyển mình trong đau đớn, như kén sâu mong ngày hóa bướm, cho nên Linda Lê và những sáng tác tiêu biểu như Thư chết, Vu khống, Sóng ngầm, Vượt sóng… vẫn sẽ là chiếc phao cứu sinh vô cùng đáng quý của loài người giữa những tròng trành trên hình trình khẳng định tồn tại của chính mình giữa biển đời mênh mông.

 

TRẦN THỊ MAI LY
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 354

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Quãng vắng quạnh quẽ

1 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tâm sự với anh; Hồn nhiên lính trẻ

23/12/2024 lúc 16:53

Tâm sự với anhGửi tặng vợ các liệt sĩ hy sinh ở Rào Trăng và Đoàn KTQP 337Con bây giờ đã khôn

Mùa xuân và người lính đảo; Bên hàng mộ vô danh

23/12/2024 lúc 16:51

Mùa xuân và người lính đảo Mùa xuân này ta lại phải xa nhauHai nửa nhớ thương chia đôi nhiệm vụAnh vẫn biết nhiều đêm không

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground