1. |
Phong trào thơ mới là một phong trào thơ lộng lẫy toả phát những âm vang dữ dội với hàng loạt những tên tuổi sáng chói như: Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử, Bích Khê... Theo thống kê của Hoài Thanh - Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam thì có 40 tác giả và 169 bài thơ, là tiêu biểu cho phong trào thơ mới, là những người đã làm nên một thời đại trong thi ca, - dĩ nhiên, ở đây danh sách còn có thể kéo dài thêm, nếu tác giả Thi nhân Việt Nam chịu mở rộng trường thẩm mỹ thụ cảm của mình. Nhưng nói như thế để thấy sự rộng khắp và sự thay đổi đột ngột của chiều hướng thi ca Việt Nam. Sự thay đổi đột ngột của chiều hướng thi ca Việt Nam bị quy định chặt chẽ bởi sự bùng nổ của cái tôi với một ý thức cá nhân quyết liệt trở thành một triết lý sống, một quan niệm sống: “Ta là một là riêng là thứ nhất/ không có ai bè bạn nổi cùng ta (Xuân Diệu) và tìm đến với tình yêu, đến với hạnh phúc cá nhân như là một cứu cánh, như là một sự thể hiện nhiệt tình nhất cho sự tự do của mình, với một lòng tin đầy đủ và thành thực nhất. Đó là nguyên nhân sâu xa của sự xuất hiện những bài thơ vô cùng huyền diệu diễm tình. Nhìn những sáng tác của các nhà thơ thuộc phong trào thơ mới theo cái nhìn hệ thống từ phương diện huyền thoại, kỳ ảo, độc giả và các nhà nghiên cứu sẽ thấy dấu vết của cái kỳ ảo hiện diện một cách bàng bạc, ít nhiều ở mức độ này hay mức độ khác nhưng không có ngoại lệ, từ trong những sáng tác của những người tiên phong của phong trào thơ mới như Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, đến Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Huy Cận... Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử, Bích Khê, cho đến những người kết thúc phong trào thơ mới như nhóm Xuân Thu Nhã Tập, nhóm Dạ đài.
Xin độc giả và các nhà nghiên cứu hãy đọc một đoạn thơ trong bài Tranh loã thể của Bích Khê: “Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm/ Nàng là hương hay nhan sắc lên hương/Mắt ngời châu rung ánh sáng nghê thường/ Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc/ Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc/ Vài chút trăng say đọng ở làn môi”
Để thức nhận cái kỳ ảo của hai đoạn thơ, và rộng ra là của cả một phong trào thơ này. Tiếp cận thơ mới, Hoài Thanh – Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam cho rằng “Cả trời thực, trời mộng vẫn nao nao theo hồn ta” (1). Như vậy, yếu tố kỳ ảo là một đặc trưng thẩm mỹ quan trọng tạo cho những tác phẩm thơ những màu sắc huyền ảo, lung linh, đậm màu sắc lãng mạn gợi cảm. Thế nhưng, cùng đứng ở đỉnh cao của một phong trào thơ những thi nhân vẫn xác lập cho mình phong cách riêng biệt độc đáo và người đọc sẽ thấy: xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên... và thiết tha rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu (2). Trong mối quan hệ này, thì mỗi thi nhân sử dụng những yếu tố kỳ ảo để kiến tạo lên kiến trúc bài thơ là khác nhau, ngay cả những thi nhân cùng một trường phái, cùng chịu chi phối một quan niệm sáng tác, cùng sử dụng một mẫu số chung những hình tượng trung tâm, hệ số cái ảo, thì cùng có sự khu biệt nhau, chẳng hạn như Lưu Trọng Lư và Thế Lữ, hai thi nhân có công kiến tạo lên phong trào thơ mới (mà Phan Khôi là người mở đầu với bài Tình già), đều có những lời thơ êm như mơ như mộng, là tiếng nói xa xôi nửa hư nửa thực, ảo huyền; cùng thoát trần đi vào thế giới của mộng mơ. Đối với Thế Lữ, là những cuộc thoát lên tiên, là những lần kết bạn với nàng thơ diễm ảo, để tránh đau thương nơi trần thế, để được yêu và mơ mộng: “Tiếng hát trong như nước ngọc tuyền/ Em như hơi gió thoảng cung tiên/ Cao như thông vút buồn như liễu/ Nước lặng mây ngừng ta đứng yên”
Và đối với Lưu Trọng Lư: “Đêm qua nằm mộng thấy Oanh Oanh/ Bừng sáng trong gương bóng hiện người/ Bẽ bàng không biết quen quen hay lạ/ Bỗng rộn phòng tây một mái cười”... đi vào mộng cũng chính là đi vào tình trường, tất cả mờ ảo cũng do đấy mà ra. Đau khổ, ước mơ, hay tuyệt vọng thi nhân cũng nhìn bằng ánh mắt của kẻ si tình.
Liều lượng sử dụng yếu tố kỳ ảo, sử dụng cái nhìn mơ mộng để kiến tạo thơ giữa hai thi nhân cũng đưa đến cho người đọc những nhận biết khác nhau: Lưu Trọng Lư sử dụng đậm hơn, nhưng dàn trải, Thế Lữ sử dụng nhạt hơn, ít hơn nhưng thiên về chiều sâu.
Độc giả cũng có thể thấy rõ hơn sự khu biệt trong việc sử dụng yếu tố kỳ ảo nơi các nhà thơ trong trường thơ Loạn, mà đại biểu là Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê... Một đặc điểm chung trong thơ của những nhà thơ này là: Lời thơ lung linh biến ảo, ở đó hiện lên muôn vàn cõi sống khác nhau, muôn màu muôn sắc được kết tụ lại từ nhạc, trăng, hương hoa, màu sắc, hồn, máu, giai nhân... Tuy nhiên thơ Chế Lan Viên thiên về sử dụng yếu tố kỳ ảo gợi lên sự kinh dị, Bích Khê lại cho người đọc choáng ngợp trước những sự vật luôn được phủ một lớp ánh sáng muôn màu muôn sắc, Hàn Mạc Tử lại là người dung hoà hai kiểu trên. Điều này cũng tạo ra sự khác nhau trong việc sử dụng hình tượng trung tâm của thơ: Hàn Mạc Tử thiên về hồn, máu, trăng; Bích Khê thiên về trăng, giai nhân, xét trong mối tương quan của bốn hình tượng trung tâm là Hồn, Máu, Giai nhân, Trăng. Ngoài ra, để tạo lập những thế giới thơ riêng, các nhà thơ đã sử dụng những hình tượng nghệ thuật khác nhau nhằm, nghiêng về những phương diện sở trường của mình, chẳng hạn Chế Lan Viên ngoài việc sử dụng bốn hình tượng trung tâm: Hồn, Máu, Giai nhân, Trăng, thì các hình tượng được ông thường xuyên sử dụng là: xương người, sọ người, hồn ma, yêu tinh... nhằm tạo ra một thế giới thơ kinh dị để biểu lộ khối sầu, khối chán, để đưa người đọc vào thế giới “Điêu tàn” và cùng chung một niềm kinh hãi. Ta thấy một Thế Lữ có cõi tiên; Lưu Trọng Lư tạo một cõi tình mơ mộng; Nguyễn Bính dành cho mình một góc hồn quê... Huy Cận lại đi tìm một cõi sầu vũ trụ. Vũ Hoàng Chương bước thấp bước cao đi vào đi ra ở cõi say; Đinh Hùng lại tự lập cho mình một trường mê cảm, vạch rõ ranh giới với các thi nhân khác cùng thời ở Mê hồn ca.
Như vậy, yếu tố kỳ ảo như là một phương tiện nghệ thuật theo suốt quá trình tạo tác thi ca của các nhà thơ thuộc phong trào thơ mới... đã đem lại trong thi ca những màu sắc thẩm mỹ mới lạ bay bổng và dị kỳ bí ẩn, nhằm tạo ra hiệu ứng tâm lý mạnh mẽ trong lòng người đọc: sự nghi ngờ hay đồng tình, sự ngạc nhiên thú vị hay cảm giác lo sợ, vui mừng hạnh phúc hay đau khổ. Do sự xây dựng lên những mô hình thế giới không có thực trong đời sống thực tồn và dẫn dắt cảm xúc của người đọc mê đắm vào những thế giới đó. Những mô hình thế giới ấy là những mô hình thế giới của tâm linh, tâm tưởng, một hiện thực do tâm tạo; một hiện thực tâm linh: “Hồn bay! Hồn bay! Hồn bay/ Ngửa nghiêng tắm mát vàng hay nhạc hường/ Đêm nay no ớn nguồn hương/ Một trời thanh khí mười phương đa tình/ Hồn tôi mất cả đồng trinh/ A ha mê luyến những hình tiên nga”
Người đọc sẽ nảy sinh cảm giác về sự quá nhỏ bé của thế giới hiện thực mà mình đang sống, có cảm tưởng nó chỉ là hình ảnh khúc xạ của thế giới tâm tạo và luôn có cảm giác về tính thực như nhau của những thế giới tâm tạo và thế giới hiện thực đang sống. Cơ sở tâm lý của quan niệm về tính thực như nhau của các thế giới là niềm tin tâm linh mạnh mẽ, niềm tin trở thành một hằng số văn hoá vĩnh hằng dẫn dắt đời sống tinh thần của con người trong cuộc sống của mình.
Do sức toả phát mạnh mẽ của cái tôi nội cảm của các thi sĩ, mà trong văn chương ấy vai trò của lý trí rất mờ nhạt và chỉ đóng vai phụ so với tình cảm và sự chi phối của tiềm thức vô thức. Đến đây, chúng ta có thể xem thơ ca lãng mạn 1930-1945 là thứ thơ ca tâm linh. Đó là thứ thi ca khởi phát từ tâm tình, được dẫn dắt bởi tiềm thức vô thức, chứ không phải là từ lý trí, từ suy nghĩ lôgic, nhằm tạo ra những ảo mộng, gợi cảm. Thế nhưng, thế giới tâm tạo này không phải là đã tách khỏi hiện thực cụ thể một cách dứt khoát và không còn liên hệ gì đối với cái thực tồn, mà thực ra người nghệ sĩ đã bắt đầu từ sự thực, dùng sự vật cụ thể để gợi lên những cái trừu tượng trong một thế giới ảo. Cái thực trở thành đường viền cho thế giới mộng mơ hư ảo, nhiều khi cái thực, cái ảo hoà quyện đan xen sống xâm nhập vào nhau và luôn tồn tại trong một sự luân chuyển kỳ bí. Xin hãy đến với bài thơ Bàn chân: “Nàng hở nàng hãy cắn vào hồn ta/Hồn nguyện bạch ran lên chiều háo hức/ Tôi uống trọn cặp môi hường thơm phức/ Ô cặp mắt đa tình ngời sắc kiến/ Một bàn chân ve vuốt một bàn chân/ Mát làm sao mát rượi cả châu thân/ Máu ứ lại máu dồn lên tận ngực/ Ôi thớ thịt có đàn lên cung bực/ Hồn tôi ôm gót ngọc lắng âm thanh”(Bích Khê)
Người đọc thấy trong bài thơ nhà thơ chỉ sử dụng những từ có tính trừu tượng hồn (3 lần); Trong hồn ta; hồn nguyệt bạch ran lên, hồn tôi ôm. Đặt bên cạnh những từ cụ thể, đầy tính vật chất để tạo sự trừu tượng. Đó là cách thứ nhất; cánh thứ hai là những nhà thơ đem đặt những từ cụ thể bên cạnh nhau, một cách nghịch dị, xuất hiện một ý nghĩa mới: uống... môi, thớ thịt... đàn lên; gót ngọc... lắng nghe âm thanh; cặp mắt ngời sắc kiếm: mắt, thịt, âm thanh... không còn là nó nữa mà đã trở thành cái khác.
Điểm cốt yếu mà tác giả đưa ra là những điều kỳ lạ không dễ gì phản bác được vì nó chịu sự chi phối của một quy luật khác, không thuộc những quy luật khách quan.
Nói những điều như vậy, là chúng tôi nghĩ đến hành trình tạo tác những vần thơ tâm linh của các thi nhân thuộc phong trào thơ mới. Để tạo tác những vần thơ tâm linh, các thi nhân này đã tắm trong suối nguồn của văn hoá tâm linh phương Đông, phương Tây, văn hoá tâm linh Việt Nam và đã tạo ra được kiểu tư duy tâm linh.
Trước hết là tư duy phương Đông và Việt Nam. Tư duy ấy đã ăn sâu và được thể hiện trong những sáng tác thi ca vô cùng ảo diệu của Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ..., những sáng tác ấy là sự dung hợp các dòng tư tưởng các quan niệm về thế giới và con người của Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo và của những người cổ xưa của các dân tộc phương Đông vô cùng huyền bí mơ mộng và ẩn tàng tính bất khả tri.
Trong ca dao Vân Kiều có câu:
Nếu em hoá đá, tôi đập đá mang về
Nếu em hoá ra đất này, tôi quyết đem về một nắm
Trong thơ văn thời Lý Trần, có một bài thơ vô cùng huyền hoặc của Thiền sư Không Lộ.
“Trạch đắc long xà địa khả cư/ Dã tình chung nhật lạc vô dư/ Hữu thì trực thượng cô phong đỉnh/ Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư”
Ngô Tất Tố dịch:
Lựa nơi rồng rắn đất ưa người
Cả buổi tình quê những mảnh vui
Có lúc thăng lên đầu núi thẳm
Một hơi sáo miệng lạnh bầu trời
Tâm thức dân tộc, tâm linh văn hoá tạo ra những vết hằn trong trường thẩm mỹ nội cảm của các thi nhân trong phong trào thơ mới; không chỉ ở việc các thi nhân này nhắc đến những nhân vật lịch sử, những hồn, những mô típ thơ, mà chính ở cái hồn thơ ca của nó, cái hồn này sẽ tạo ám ảnh day dứt không nguôi: Tôi hãy còn đây hay ở đâu/ Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu/Sao bông phượng nở trong màu huyết/ Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu (Hàn Mạc Tử)
Cái hồn ấy sẽ tạo ra thứ ánh sáng tâm linh màu nhiệm, vô cùng thuần khiết, trinh nguyên: “Ta lắng nghe những thế giới bao la, tụ họp lại trong lòng muôn hạt cát, dòng tư tưởng dẫn trôi lầm lạc, hồn say sưa vào khắp cõi trời mơ” (Chế Lan Viên.)
Văn hoá tâm linh phương Đông chỉ là một phần của suối nguồn tạo tác lên những hồn thơ, những vần thơ tác tuyệt, phần còn lại thuộc về văn hoá phương Tây, tâm linh phương Tây. Văn hoá tâm linh phương Tây cũng lan rộng thấm sâu nơi tâm thức các nhà thơ Việt bắt gặp và cùng hội tụ với văn hoá tâm linh phương Đông. Ở đây cần phải nói rằng văn hoá tâm linh phương Tây và văn hoá tâm linh phương Đông tuy khác biệt, nhưng cũng có nhiều điểm tương đồng, độc giả có thể thấy những điểm tương đồng này khi xem xét thơ Đường và những vần thơ theo trường phái siêu thực, tượng trưng của phương Tây. Chúng tôi cho rằng: khi đào sâu vào văn hoá các dân tộc người ta sẽ bắt gặp văn hóa toàn nhân loại.
Trong những sáng tác của các nhà thơ mới, người đọc nhận chân được sự ảnh hưởng to lớn của các nhà văn nhà thơ phương Tây và thông qua đó tiếp thu tư tưởng và các quan niệm của phương Tây từ những nhà chủ soái của chủ nghĩa lãng mạn như Mallarme, Rimbaud, đến những chủ soái của chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực như: Baudelaire, Berson và nhất là Baudelaire với thuyết tương hợp tương giao, đã tác động mạnh mẽ đến cả một thế hệ những người làm thơ Việt Nam: “Trong chốn đền đài thiên nhiên rộng lớn/ Có những âm thanh mờ ảo phát ra/ Khu rừng tượng trưng là cõi sống của người ta/ Nó theo dõi con người với cái nhìn thiện cảm/ Như những tiếng vọng xa xăm chen nhau vang mãi/ Trong khối nhất loài u tối sâu xa/ Rộng lớn như đêm đen và như ánh sáng bao la/ Có những bản hợp ca của hương hoa, âm thanh cùng màu sắc”
Nhà thơ Bích Khê của Việt Nam không dấu diếm thái độ tôn sùng của mình đối với Baudelaire trong bài Ăn mày
Baudelaire người là vua thi sĩ
Cho xin trụm bao nhiêu mùi thi vị
Phà hơi lên truyền nhiễm thấu trần ai
Nói như Hoài Thanh - Hoài Chân trong thi nhân Việt Nam: Hồn thơ Pháp hễ chuyển được vào thơ Việt là đã Việt hoá hoàn toàn. Sự thực thì khi tôi xem thơ Xuân Diệu, tôi không nghĩ đến De Noailles. Tôi phải dằn lòng, tôi không cho xôn xao mới thấy thấp thoáng bóng tác giả Le Coeur innombnable. Thi văn Pháp không làm mất bản sắc Việt Nam. Những sự mô phỏng ngu muội lập tức bị đào thải(3). Sự tiếp thu văn hoá tâm linh phương Tây này có thể thấy rõ nhất trong sự ảnh hưởng, chẳng hạn Chế Lan Viên đã chỉ ra sự ảnh hưởng nước ngoài trong thơ Bích Khê : Quả măng cụt của Khê ta biết đấy là quả lựu của Valery, Valery hoá thân. Con quạ trên mồ Khê là con quạ của của Edgarpoe, của thơ Mallarme bay đến, da thịt, xác chết, rồi xác thịt, rồi xác chết trong anh nguyên là của Baudelaire. Và Chế Lan Viên ‘‘Tôi từ nền văn hoá này đến yêu bao nền văn hoá khác, trời bể vô cùng và ta hoá vô biên’’ cùng với Hàn Mạc Tử đã tạo nên vần thơ kinh dị huyền hoặc. Xuân Diệu cũng say mê đi tìm hương hoa đi tìm ảo ảnh và ta cũng bắt gặp những vần thơ ‘‘Mê hồn ca’’, cuốn người đọc vào mê cảm, vào lạc thú yêu đương cuồng liệt nhưng cũng tràn đầy sự thanh khiết trinh nguyên ‘‘lòng tín ngưỡng cả mùi hương phản trắc’’ (Hương trinh bạch) hoặc là mê đắm trong một thế giới hỗn độn: ‘‘Bốn mùa trăng vào một hội chiêm bao, trong giấc ngủ đẫm mùi hương phấn lạ, xa tục phố đầy bức tranh thần hoạ, lẫn sầu vui ai nhớ tuổi sông hồ’’ (Tìm bóng tử thần). Rõ ràng tác giả Mê hồn ca - Đinh Hùng đã gặp gỡ tác giả Những bông hoa ác trong quan niệm về sự tương giao hoà hợp về kiểu nhị nguyên ở sự vật và con người: Cái thiện - cái ác; cao cả - thấp hèn; thiên thần - ác quỷ, và cùng ở những giấc chiêm bao thần bí.
Các nhà thơ thuộc phong trào thơ mới đã tích hợp trong mình những dòng văn hoá tâm linh Đông Tây trên cơ sở văn hoá tâm linh Việt Nam để tạo cho mình một tư duy thơ, một tâm linh thơ vừa cổ truyền vừa hiện đại và tạo ra được những vần thơ muôn hình vạn trạng. Nếu không như vậy thì làm sao có thể viết lên những vần thơ đẹp đẽ sang trọng và đầy quyến rũ đến tê người : “Ôi khối mộng của hồn thơ chếch choáng/ Ôi buồng xuân hơ hớ ánh đào sương/ Ôi bình vàng! Chén ngọc đầy hương/ Ôi hồ nguyệt đọng nhiều trăng lấp loáng/ Ôi thần tình người chiếm một trời thương (Bích Khê)
Như vậy, tiếp xúc với những kiểu thơ này, người đọc chỉ có thể cảm nhận bằng linh giác, bằng con mắt tâm linh, bằng khả năng thụ cảm hoặc bằng sự soi rọi của tiềm thức vô thức hay là nhờ sự thăng hoa tột độ của trí tuệ của mình mà thôi.
Thi ca lãng mạn Việt Nam với những yếu tố kỳ ảo đậm chất văn hoá tâm linh, vì thế sẽ: vĩnh thuỵ bất hủ - còn mãi không mờ trong lòng người đọc.
L.H.H
________
1. Hoài Thanh - Hoài Chân, 2000 - Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, tr.47.
2. Hoài Thanh - Hoài Chân, Sđd, tr.29.
3. Hoài Thanh - Hoài Chân, Sđd, tr.33.