Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 14/01/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Yếu tố tâm linh trong Tiểu thuyết Việt Nam về đề tài nông thôn thời kỳ đổi mới

T

iểu thuyết Việt Nam sau thời kỳ đổi mới không chỉ mở rộng biên độ hiện thực khách quan mà còn chuyển dần sang địa hạt tâm linh: “Các cây bút từ sau thời kỳ đổi mới đã đi sâu vào thế giới nội tâm để khám phá chiều sâu tâm linh nhằm nhận diện hình ảnh con người đích thực. Sự xuất hiện con người tâm linh biểu hiện sự đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học” <3; 24>. Đó là một thế giới vô tận với những biểu hiện đa dạng của nó, là một tầng văn hoá không thể thiếu trong đời sống tinh thần bên trong con người. Nó tham gia kiến tạo ý thức ngầm hay cõi vô thức. Hiện thực tâm linh đó gắn liền với tín ngưỡng, niềm tin vào lực lượng siêu hình cùng các mối quan hệ bí ẩn của con người, những sức mạnh thuộc về “trực giác”, “linh giác”, những khả năng kỳ lạ mà cho đến nay lý giải nó là điều vượt xa khả năng của con người. Với quan niệm nghệ thuật mới, tiểu thuyết đương đại cố gắng thoát ra khỏi kiểu “phản ánh hiện thực” được hiểu một cách thông tục như trước. Các nhà văn đương đại đã có ý thức thay đổi hình thức biểu đạt, là những nhân tố quyết định hướng các nhà văn đến với “ địa hạt của các yếu tố kỳ ảo huyền thảo”. Yếu tố kỳ ảo là hình thức “đắc dụng” giúp nhà văn đi sâu khám phá thế giới tâm linh hết sức trừu tượng khó nắm bắt của con người. Vì thế, nó trở thành một mảng hiện thực đặc sắc trong quan niệm về hiện thực của một số nhà văn hôm nay như Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Ngô Tự Lập, Võ Thị Hảo, Hồ Anh Thái…

Bằng những nẻo đường riêng, tiểu thuyết viết về đề tài nông thôn 1986-2006 có những khám phá độc đáo về hiện thực đời sống tâm linh đã và đang tồn tại trong đời sốngở những làng quê Việt Nam. Hàng ngàn đời nay, từ thân xác trần tục hiện hữu, nhân loại chưa bao giờ nguôi khát vọng hướng đến những giá trị vĩnh viễn, những cái thiêng liêng, cao cả nhằm làm phong phú đời sống tâm linh. Không gian làng quê là nơi dung chứa sự hiện diện những tín ngưỡng (tốt hoặc xấu), trở thành hằng số văn hoá “bất di bất dịch” như đồng bóng, tướng số, cầu hồn…những khu vực linh thiêng đền thờ miếu mạo, những huyền thoại xa xưa, những lời nguyền, những thiên kiến, hận thù…Tất cả được khơi dậy sống động trong các tác phẩm Mảnh đất lắm người nhiều ma, Bến không chồng, Dòng sông Mía, Lão Khổ…đưa người đọc đến bến bờ tâm linh đầy bí ẩn, huyền diệu. ở đó, người ta có thể nhận ra lằn ranh thiện ác, tốt xấu…để khởi khai lại vẻ thánh thiện, nguyên sơ, tươi mát của tâm hồn, để văn chương trở về với giá trị đích thực của nó.

Bước vào làng Đông, làng Giếng Chùa, Xóm những người cư dân hai bên dòng sông Châu Giang…là những miền tâm linh huyền diệu, đa dạng và phong phú. Lang Đông được đất trời ưu ái ban tặng cả phong cảnh và con người: “ Đất làng Đông nằm trên mình con rồng. Con rồng đó chính là dòng sông Đình bắt nguồn từ cống Linh chảy qua lang Đông uốn lượn như một con rồng. Nước sông như dòng sữa mẹ lam tươi tốt đất và ng làng Đông” <2;10>. ở đó, còn có ngự trị ngôi từ đường họ Nguyễn uy nghi, có đình làng, có hồ Mắt Tiên đầy thơ mộng, thoát tục và những ám ảnh rùng rợn của ba ba, thuồng luồn, những con ma mặt đỏ ở đầu cánh mả Rốt chuyên săn đàn bà goá chồng, cả “Bến không chồng” đầy quyến rũ. Tất cả góp phần dự báo cái không khí của những câu chuyện kể ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của con người nơi đây. Họ xem đó là những nơi linh thiêng nên luôn phải tôn thờ, ngưỡng vọng và khuất phục trước thần thánh: “Đất tổ mình thế mà thiêng thật đấy…từ chuyện ông Xung, chú Xeng rồi chuyện ông Nghĩa lên tá và về vào ngày mười bảy, tất cả mọi chuyện ấy như có một ông thành trong từ đường họ sắp đặt”<2;206>. Xóm Giếng Chùa cũng không kém gì. Đất làng này có thế “vượng nhưng nghịch”, có “cổng tiền, cổng hậu như hai ụ súng”<5;5>, có núi Ông Bụt nhiều ma, có Giếng Chùa gắn liền với lời nguyền “Ai hay được ngọc Giếng Chùa, rủi ai núi bụt thả bùa ma trêu” <5; 10> Tất cả mang màu sắc đặc thù văn hoá tâm linh của làng xã Việt Nam. Dòng dông Mýa (Đào Thắng) khắc hoạ hiện thực đời sống tâm linh của người dân sống hai bên bờ sông Châu Giang. Người đọc bị lôi cuốn vào câu chuyện cá thần Vực Diễm, ai cũng tôn thờ cá thần, xem đấy là một đấng linh thiêng: “Khắp vùng ven sông Châu này ai cũng khiếp sợ cá thần…dân bản địa cúng vọng…ngày rằm, mồng một…chỗ nào cũng thấy lố nhố bóng người quì gối, vái lạy thì thầm” <4; 57-58>. Bên kia sông là đình Thái Hoà, ai cũng sợ hãi, lạ lẫm: “Người ta bảo đình Thái Hào thiêng lắm…thờ cá thần ngay sát mép sông” <4; 26>. Đặc biệt, là “sự tích” thằng Lẹp, nhiều người cho rằng “thằng Lẹp là con của cá thần sông Châu Giang” <4; 47>. Trong cơn tuyệt vọng, lúc ông Chép hấp hối, bà Mến đã cầu xin và rồi thiếp đi, trong mơ bà thấy cá thần “phủ” lên người, sau đó sinh ra thằng Lẹp. Bên cạnh đó, là câu chuyện của lão Chép, vì dại dột vội nghe lời xúi dại “ xúi trẻ con ăn cứt gà” của “cánh nhà chèo”, dám cả gan báng bổ thần thánh, hung hăng quyết “bắt cóc” đôi cá Thần về “xơi tái” nên cuối cùng lão phải nhận lấy hậu quả. Qua đó, chúng ta thấy đời sống tâm linh ở đây thật là nguyên sơ và huyền bí, một thứ tín ngưỡng dân gian trong trẻo nhưng rất mực linh thiêng.

Người xưa quan niệm chết không phải là hết, mà chỉ tiếp tục một cuộc sống khác ở thế giới bên kia. Cái chết gắn liền với các quan niệm về văn hoá tâm linh vốn rất thiêng liêng. Nhà văn đi sâu vận dụng môtíp khá quen thuộc này để dệt nên truyện: Đống mối đùn lên trên mộ người chết (Mảnh đất lắm người nhiều ma). Mô tả về cái chết các nhà văn thường sử dụng với môtíp ma hiện hồn. Chị Nhân (Bến không chồng), đêm chị ngủ mơ thấy chồng và hai người con về oán trách, nhìn vào mắt chồng, mắt hai đứa con cứ cháy rực lên, chồng chị nói; “Mình là kẻ giết người, là mụ đàn bà ác độc. Tôi đã đi rồi sao mình không để các con được sống” <2; 227-228>. Ông Tư (Lão Khổ) trong một đêm đang ngủ mơ thấy: “Cái hình nhân không đầu ấy có lẽ đang lẩn khuất đâu đây…tiếng rên rỉ của oan hồn nào đó vọng lên từ âm ti” <1; 124>. Hồn ma là biểu trưng của cái ác do chính người sống tạo ra, ám ảnh về những tội ác của họ. Mảnh đất lắm người nhiều ma, khiến người đọc rùng mình, sờn gáy bởi một thế giới toàn ma “ma người, ma sống”, có loại “ma keo kiệt” như Quàng-kẻ “làm một việc táng tận lương tâm là chôn người anh khốn khổ bằng một bó chiếu”. Có những con ma quyền lực, dục vọng thật ghe tởm như những người trong hai cánh Trịnh Bá - Vũ Đình. Đến nỗi như cô Thống Biệu, người cao niên cuối cùng của làng chuyên sống bằng nghề yểm bùa, trị quỷ non một thế kỷ nhưng bây giờ phải tự nhận là hết phép, là bất lực, bởi bùa giải của vị thầy pháp này “chỉ yểm được ma chết, chứ ma sống thì chịu”. Ma sống đã thực sự là nỗi kinh hoàng với con người, hợp lực cùng ma chết tác oai tác quái cuộc sống. Đôi lúc người đọc không nhận ra đâu là ma thật, đâu là ma giả nữa: “Người sống tàn sát nhau liên miên, người chết đã nửa thế kỷ còn đội mồ sống lại, cười nói xoe xoé…hằng trăm oan hồn, mấy chục năm vẫn trà trộn với nngười sống, vật vã” <1; 127>. Bên cạnh đó, các nhà văn con xây dựng những con người - nhân vật “xuất quỷ nhập thần”, có những năng khiếu đặc biệt, tinh quái, đáo để trong xét đoán người và khả năng thông hội với một cơ cấu siêu hình nào đó bên ngoài. Người xưa quan niệm, trước thần thánh linh thiêng và đầy quyền uy, con người đôi lúc phải lấy cả tính mạng ra để thề nguyền nếu vi phạm lời nguyền là xúc phạm, báng bổ thần thánh nên phải chịu trừng phạt. Ông Xung (Bến không chồng) nói với bà con làng Đông, do vợ chồng thằng Nghĩa đã phản lại lời nguyền của cụ tổ, nên cụ tổ sẽ trừng phạt nó: “Gia đình nó sẽ tuyệt tự” <2; 231>. Liền sau đó, lời tiên đoán của ông Xung ứng nghiệm, Hạnh chung sống với Nghĩa bao nhiêu năm trời nhưng vẫn không có con. Lời tiên đoán của ông Tạ Thế Thiên (Lão Khổ) rằng, nhà ông cụ Chánh tổng tai nạn sẽ ập đến: “ Bây giờ cứ độ vài đứa nhà nó lăn ra chết, chả tan nghiệp” <1;235>. Lời tiên tri ấy ứng nghiệm, “ai ngờ mấy ngày sau lời nguyền ấy ứng nghiệm. Đầu tiên cụ ấm Hoàng - quý tử cụ Chánh - lăn ra chết không kịp ngáp. Hai đứa con gái bà cả không hẹn nhau cùng xuống âm ti một ngày…”<1; 236>. Trang văn đầy bí ẩn mời gọi tác giả cho nhân vật những khả năng khác thường để tạo chiếc cầu nối giữa hiện thực với tư tưởng của tác phẩm. Qua lời cô thống Biệu, người cao niên nhất có khả năng yểm bùa, trị quỷ, hàm ý “ma người” đã bóc trần bản chất mưu mô của cõi người đầy toan tính: “Ma còn đang đẻ sinh đôi sinh ba nữa cơ đấy…Xưa nay người ta chỉ sợ người chết chứ ai sợ người sống…Thế mà hôm ấy tôi đi nhận ruộng hộ con cháu thấy hốt quá…chả thấy người đâu, toàn ma”<5; 16-17>.

Trong tiểu thuyết về nông thôn đương đại, chúng ta còn bắt gặp những con người-nhân vật kỳ ảo. Trong Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường). Cô thống Biệu có khả năng đối thoại với thế  giới vô hình, lão Quỳnh với “Tuổi mười Bảy. Mặt mũi thô vụng thật thà” đã biến thành Quyềnh bởi một mối tình với ma. Trước đó, chuyện tướng số, mê tín, dị đoan được nhà văn nói đến như một biểu hiện của nhảm nhí cần phải loại bỏ. Nhưng bây giờ, do có sự thay đổi trong quan niệm nghệ thuật nên tử vi, tướng số…đảm nhận đời sống riêng, chi phối đến đời sống mọi người. Gia đình ông Cả Ngói (Mảnh đất lắm người nhiều ma) mời thầy tướng về lập số tử vi cho bà Son. Những lời của ông tướng số nói với ông Cả Ngói mà thực tế sau đó điều ứng nghiệm với số phận, tính cách của bà Son: “Hậu vận của Son còn nổi chìm lắm, không khéo đến chết cũng nằm không yên”<5;326>. Thầy bói xem số tử vi cho ông Hàm: “Tuổi này thuộc cung ly, tính nóng, sách đã có câu “cung ly chính hướng nam phương, ai mà cung ấy tính người nóng thay” <5;273>. Hạnh (Bến không chồng) đau đến mê sảng, Hạnh nói thấy mình bị con ma mặt đỏ hiếp, bà Khiên nói với mẹ Hạnh là Hạnh “bị ma ám” <2; 187> nên phải cúng khấn. Những tình huống phức tạp ngoài đời dễ dàng được chấp nhận khi quy kết cho “người bề trên”, “thần linh quỏ trách”. Làng Giếng Chùa được cai quản bởi nhiều con ma núi Ông Bụt. Khi giải thích tính tình lão Quyềnh chỉ bằng câu nói “ma núi Ông Bụt quỏ trách” thì ai cũng hiểu cả. Vợ chồng ích lo lắng về cái chết của lão Quềnh khi được nghe câu nói “ai lên núi Ông Bụt gặp mặt con ma hồi xưa” thì như trút gánh nặng. Lão Chép trước lúc chết ông hối hận là vì không nghe lời bà Mến nên bây giờ bị trời trừng phạt, coi đó là cái báo ứng tất yếu: “Mình ơi, tôi không sống được. Tôi ngông cuồng bị trời phạt” <4; 63>. Ông Quỹ Nhất ngẫm nghĩ lại cuộc đời của gia đình ông, ông mới tin lời cụ tổ họ Đoàn Thanh Khê ghi lại trong gia phả “đời nào cũng có đàn ông bị phạt tự, làm ông mãnh, đàn bà sống phá phách rồi suốt đời làm bà cô” <4; 134>. Mụ Hơn (Bến không chồng) nói với Vạn, ông Khiên ăn ở đức độ nên ở hiền gặp lành, “chết xuống âm phủ vẫn sướng…ông Khiên bây giờ được làm quan to” <2; 190>. Qua đó, các tác giả muốn lên án những mê tín “làm hại trí thông minh, sáng suốt ở con người” <4; 135>, làm sống dậy những tín ngưỡng thiêng ở nông thôn Việt Nam, làm nên vẻ thánh thiện, nguyên sơ và đầy nhân bản. Đó cũng chính là ý nghĩa kép của vấn đề mà tiểu thuyết nông thôn đương đại muốn gởi thông điệp đến bạn đọc.

Có thể nói, với việc khai thác và khám phá sâu vào lĩnh vực tâm linh đã mở ra những miền phong phú và bí ẩn khôn cùng của con người, do đó nó có ý nghĩa nhân bản. Với hướng đi này, những yếu tố tâm linh trong hành trình sáng tạo của tiểu thuyết về nông thôn đương đại đã tiến thêm một bước gần hơn trong nỗ lực tiếp cận con người một cách đa chiều, vẹn toàn, góp phần đưa tiểu thuyết nông thôn ra khỏi lối mòn quen thuộc để đến với thế giới đầy bí ẩn của con người, để văn chương ngày càng trở về giá trị đích thực của nó.

B.N.H

 

 

________

Tài liệu tham khảo

1. Tạ Duy Anh, Lão Khổ, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội

2. Dương Hướng (2004), Bến không chồng, Nxb Hải Phòng, Hải Phòng.

3. Bích Thu (2006), “Một hướng tiếp cận tiểu thuyết Việt Nam trong thời kỳ đổi mới”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 11, tr.15-28.

4. Đào Thắng, Dòng sông Mýa, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

5. Nguyễn Khắc Trường, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội

Bùi Như Hải
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 163 tháng 04/2008

Mới nhất

Tên gọi của Trung đoàn

10/01/2025 lúc 21:47

Chớm vào thu. Bầu trời rưng rưng những cơn mưa bất chợt. Những cơn mưa đám mây giăng giăng như

Trùng phùng ở Prin C

10/01/2025 lúc 21:43

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bản Prin C (nay thuộc huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan,

Đông Hà xanh trên nền đất khát

10/01/2025 lúc 16:22

Đông Hà những ngày đầu như tôi thấy, mùa hè thị xã quắt lại trong nắng gió, núi đồi cứ nhấp nhổm. Các con đường ngoằn ngoèo, lên xuống nên tôi liên tưởng: Sau này lấy bản quy hoạch phố của Đà Lạt mà theo! Nói vui như vậy, vì thị xã lúc đó trần mình giữa dầm dề mưa và chang chang nắng. Tàn tích của sân bay, quân cảng; của quốc lộ, ngã ba… đầy ám ảnh trơ trơ trong mưa rét và xào xạc gió phơn. Thế mà ngay bên hông thị xã trẻ trung, hơi chếch về phía nam có một rừng cọ dầu bời bời xanh tốt. Nó khác hoàn toàn với màu bàng bạc của trơ trọi. Tôi được biết rừng cọ trồng từ năm 1977, là món quà hữu nghị của Malaysia nhằm phủ xanh những vùng đất cằn cỗi sau chiến tranh; dầu cọ còn được sử dụng làm chất đốt và phục vụ đời sống sinh hoạt.

Sở Thông tin và Truyền thông tổng kết công tác năm 2024

10/01/2025 lúc 10:54

TCCVO - Chiều 9/1/2025, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024,

Giữ lửa nghề truyền thống giữa nhịp sống hiện đại

10/01/2025 lúc 10:09

Tọa lạc bên bờ nam sông Hiếu, làng nghề rèn ở phường 3, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị từ lâu được biết đến với bề dày lịch sử và văn hóa truyền thống, tồn tại qua nhiều thế hệ. Những lò rèn từng đỏ lửa sớm hôm, tiếng búa đe vang vọng khắp vùng gắn liền với cuộc sống lao động và sinh hoạt của người dân nơi đây. Thế nhưng, dưới sức ép của thời đại công nghiệp hóa, làng nghề rèn đang đứng trước nguy cơ mai một. Hiện nay, cả phường chỉ còn lại khoảng 4 lò rèn hoạt động thường xuyên, so với hàng chục lò ở thời kỳ “hoàng kim” cách đây hai thập kỷ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

15/01

25° - 27°

Mưa

16/01

24° - 26°

Mưa

17/01

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground