Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một mùa hạ và ký ức nửa thế kỷ

Mỗi năm trời đất có bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông nhưng mỗi vùng đất nếu được diễn tả bằng một “khái niệm mùa” hoặc “liên tưởng mùa” thì với Quảng Trị hẳn đó phải là mùa hạ. Như khi liên tưởng tới Hà Nội hẳn phải là mùa thu, nghĩ tới Huế phải là mùa đông…

Vì sao nghĩ tới Quảng Trị lại nhớ tới mùa hè? Bởi đó là mùa khốc liệt nhất, không chỉ bởi chang chang gió nắng hay bời bời cát trắng, không chỉ khí hậu thiên nhiên ám ảnh từ ngàn xưa mà ngay cả những binh đao tao loạn cũng gắn với mùa hè của mảnh đất này. Năm 2022, tròn 50 năm kể từ 1972, một cột mốc lịch sử của miền đất Quảng Trị.

Mà cái gọi là mùa ở đất này cũng lạ, không phải cứ tính hết ba tháng mùa xuân là tiếp liền mùa hạ. Có những năm ngày Tết đang nồng, gió nóng đã phả từ bên kia đất Lào, vượt dải Trường Sơn cuồn cuộn về tràn qua đồng qua bãi. Mùa hạ 1972 cũng đã bắt đầu sớm như thế. Khói pháo Tết Nhâm Tý chưa kịp tan loãng trong khung trời quê kiểng thì đã nghe âm âm tiếng pháo dội về từ đâu đó phía rừng xanh.

Bây giờ, những ngày tháng chiến tranh, những mở màn chiến dịch ai cũng có thể đọc trên hàng ngàn trang sử liệu, nhưng mùa hè 1972 trong ký ức một đứa bé 6 tuổi là một hành trình rất dài rời quê nhà. Cũng là, khi mình càng có tuổi, ký ức lại càng hiện lên thật rõ ràng như cách người ta phục chế những thước phim đen trắng cũ kỹ đầy vết xước bằng một phần mềm khiến tất cả bỗng rõ ràng đến kỳ lạ.

Hình như cột mốc 50 năm (1972 - 2022) này cũng là một phần mềm được thời gian cài đặt làm sống động lại những thước phim mùa hè năm ấy.

Tác phẩm điêu khắc “Mẹ xin”  của Phạm Văn Hạng  tại Thành Cổ Quảng Trị  - Ảnh: Thanh Thoan

Tác phẩm điêu khắc “Mẹ xin” của Phạm Văn Hạng tại Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh: Thanh Thoan

Nhà tôi ở chợ Phiên Cam Lộ. Một buổi sáng, bà nội tôi đánh thức tôi đang còn ngái ngủ, mẹ tôi bồng thằng em mới sinh được hơn hai tháng tuổi. Ba tôi theo chiến trận không biết phương nào. Một đôi quang gánh nhỏ, để hai túi đồ bỏ vào hai cái thúng do bà nội tôi gánh, mẹ tôi ẵm em trai, tôi lon ton chạy theo sau. Cả làng cùng lao xao gánh gồng chạy như thế. Chừng nào thấy tôi không lon ton chạy theo được, bà nội dồn hai cái túi về một đầu quang gánh, đầu thúng kia cho tôi ngồi vào, gánh một hồi, chừng mỏi quá, nội lại dụ tôi: “Cu xuống chạy cho mệ một đoạn, rồi mệ cho bánh”. Từ chợ Phiên, cả nhà băng qua cánh đồng phía thôn Thượng Nguyên, rồi ra quốc lộ 9. Tiếng pháo vẫn ì ùng dội về đâu đó. Hàng ngàn người đang đi như thế, không ai dám đi trên đường lộ, chỉ men theo dưới vệ đường mà đi. Hồi đó, trên quốc lộ 9 cứ một quãng lại có một ống cống thoát nước, loại cống couver dùng làm công sự. Nhưng loại cống hình bán nguyệt ấy, khi úp vào nhau sẽ thành một cống tròn. Cũng có những đoạn cống làm bằng bê tông. Và trên hành trình men theo quốc lộ 9 để di tản, những cống thoát nước ấy vẫn ám ảnh tôi đến tận bây giờ sau tròn nửa thế kỷ.

Đoàn người di tản đang đi, bỗng có tiếng rít của đạn pháo đâu đó, chỗ ẩn nấp tốt nhất không đâu hơn là những ống cống. Người ta chen nhau chui vào, ai cũng muốn chui vào cống để nấp, nấp càng sâu càng an toàn. Tầm gần trưa, vừa mệt, vừa đói, khi cả đoàn người về tới quãng đường giờ là làng Tây Trì bên quốc lộ ٩, đang đi bỗng tiếng đạn pháo lại rít lên, mọi người lại nháo nhào chui vào cống. Tôi được bà nội đẩy bật vào trước. Lòng cống thì nhỏ, hàng trăm con người chen vào, ai cũng cố chen thật sâu và tôi bị ngộp giữa lòng cống đó. Không thể thở nổi, không nhìn thấy được gì. Một thằng bé ٦ tuổi không kêu được, không la được hớp hớp không khí để thở nhưng có không khí đâu nữa giữa lòng cống lèn chặt người như thế. Khi tôi cảm giác mình đã lả đi vì không thở được bỗng dưng may sao thấy he hé ánh sáng từ phía ngoài miệng cống. May quá, mọi người thấy yên ắng tiếng pháo nên đã chui ra. Bà nội nhìn mặt tôi tái dại vì ngột thở lại dỗ tôi ngồi vào quang gánh để cho bà gánh đi.

Trời bắt đầu nắng, bà nội dùng hai tấm áo lấy ống tay áo buộc vào tao gióng để che nắng cho tôi. Tôi cũng gà gật trong quang gánh của bà, không biết đã đi được tới đâu.

Sau này, trong những lần hồi ức về tháng ngày tao loạn đó mạ tôi nhắc nhớ về một người quen của bà nội tôi là bác Giáo Trầm, vốn là người nhanh nhẹn, rành đường sá. Bác Giáo Trầm nói rằng nếu cứ đi theo đường lộ thế nào cũng bị kẹt vào các trận đánh, nên phải cắt núi cắt đồi mà đi. Từ chỗ Tây Trì bây giờ, cả nhà dắt díu theo bác băng đồi lội khe xuyên qua phía tây Ái Tử và chập tối ghé về tới một xóm nhỏ sát bờ sông Thạch Hãn. Mục tiêu tiếp theo là làm sao vào cho tới được Huế. Sáng hôm sau cả nhà lại theo bác Giáo Trầm, băng đồng mà đi, thằng em trai chưa đầy hai tháng tuổi của tôi mấy lần uống no nước khi mẹ tôi bế nó lội vượt ào qua những khe suối sâu ngập quá đầu mẹ… Đói đến đâu thì xin ăn ở đấy. Nghe tiếng pháo thì cứ nằm rạp xuống đất.

Có lẽ điều may mắn đã xảy ra với gia đình tôi khi bà nội đã sáng suốt nhờ vào kinh nghiệm của một người lúc trẻ vốn từng sang tận xứ Lào buôn bán nồi đồng, chum chóe. Tuổi thơ tôi ngập chìm trong vô số hồi ức mà bà tôi kể về việc thuê những người Thượng gánh nồi đồng, chiêng ché vượt rừng Trường Sơn buôn bán. Linh cảm của bà nội tôi, dù lúc bấy giờ đã gần 70 tuổi vẫn rất đúng khi biết bám theo gia đình bác Giáo Trầm len lỏi khe suối núi đồi mà đi, tuyệt đối tránh xa đường quốc lộ. Bởi trong cuộc di tản của dân mùa chiến sự năm 1972 đó còn lưu lại một ký ức bi thương với hàng trăm người dân chết ở cầu Dài (phía Nam thị trấn Hải Lăng hiện nay) ngay trên tuyến đường quốc lộ 1 xuyên qua trảng cát chơ vơ. Một trận pháo kích rơi đúng vào đoàn dân đang chạy di tản qua đoạn đường này. Sau này khi tìm về các tư liệu mùa hè 1972 đó, tôi có đọc câu chuyện về những người mẹ đã trúng pháo bị chết, nhưng đứa con nhỏ còn sống vẫn mê mải ngậm bầu vú người mẹ. Chỉ một hình ảnh đau đớn ấy thôi, tôi nghĩ còn hơn hàng vạn trang giấy kêu gọi hòa bình. Cũng thật bất ngờ, một trong những đứa bé ngậm bầu vú mẹ khi người mẹ đã chết ấy sau này lại là hàng xóm của gia đình tôi. Bây giờ chị ấy đang định cư ở Hoa Kỳ.

Chặng đường hơn 100 cây số từ Cam Lộ vào Huế trong những tháng ngày bom đạn ấy mãi mãi găm sâu vào ký ức thời tuổi thơ dại của tôi. Một buổi trưa, trước Phu Văn Lâu, cả vạn người dân từ Quảng Trị thất thểu, đói khát sau quãng đường dài sống nhờ vào những bao gạo sấy thiện nguyện của các đoàn thiện nguyện học sinh sinh viên mang tới. Nước uống được hứng từ vòi phun vườn hoa. Sau vài ngày vạ vật ở Huế, dân tản cư được chở về cảng Thuận An rồi xuống những chiếc tàu “há mồm” để chở vào vùng Hòa Khánh - Đà Nẵng.

(Tôi vẫn nhớ con tàu chở những cư dân Quảng Trị vào Đà Nẵng mang số hiệu 502. Sau này, khi đi làm báo và theo dõi mảng biển đảo, tôi lại có cơ hội được nhìn thấy con tàu HQ502 đó qua những phim ảnh tư liệu, đó là một trong sáu chiếc tàu đổ bộ lớp LST-491 để đóng cho Hải quân Mỹ trong thế chiến thứ hai. Sau đó có sáu chiếc dương vận hạm này chuyển cho Hải quân chính quyền Sài Gòn mang số hiệu từ 500 đến 505. Biến cố 1975, có 3 chiếc trong số 6 chiếc tàu này qua Philippine trong đó có chiếc 502. Nhưng một trong số đó, chiếc HQ504 được đổi số hiệu thành HQ505, trong trận chiến Gạc Ma đã trở thành con tàu anh hùng khi HQ505 lao lên ủi bãi để giữ được đảo Cô Lin rồi sau đó HQ505 chìm vào lòng biển trên đường lai dắt từ Trường Sa về quân cảng lữ đoàn 125. Rất nhiều chuyến công tác về Lữ đoàn 125 (Đoàn tàu không số) tôi còn thấy một chiếc tàu anh em khác trong số ba chiếc tàu ở lại Việt Nam - tàu HQ501 nằm đó, trầm tư và lẫm liệt.)

Cuộc tản cư mùa hè năm 1972 của cả gia đình cứ nghĩ chỉ vài tuần, lâu lắm vài tháng, nhưng nó đã kéo dài ra thành ba năm. Tôi đã có những mùa hè của tuổi học trò thời chiến trong những lớp học ở ngôi trường vốn là doanh trại cũ của người Mỹ trên nổng cát Hòa Khánh. Có khi là ngôi trường lợp mái tôn trên vùng đồi Câu Nhi.

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Những ngày tạm cư ở vùng đồi Câu Nhi giáp vùng giải phóng Quảng Trị từ cuối mùa hè 1973 đến đầu mùa hạ 1975, cả nhà tôi

Sau này, khi YouTube đã trở thành một kênh để tìm kiếm tư liệu, tôi vẫn vào mục tìm kiếm để xem hình ảnh những đoàn dân lành gồng gánh di tản né bom né đạn. Rất nhiều thước phim tư liệu mà mỗi khi bật lên, trong tôi lại cứ hiện lên hình ảnh mẹ tôi ôm đứa em trai đỏ hỏn và bà nội với hai cái thúng hai đầu quang gánh, một đầu là tôi và đầu kia một chút tư trang cơm gạo”.

 

thường xuyên sống dưới hầm. Căn hầm bé tí dưới căn nhà tôn tạm bợ, không ngày nào không nghe những tiếng pháo vọng về từ miệt miền tây Trị Thiên, những cuốn truyện cổ tích cha tôi mua cho tôi đọc hình như chẳng có cho tôi một giấc mơ hoàng tử hay công chúa nào cả, khi ấy tôi chỉ có một ước mơ vô cùng lớn là cả nhà có một căn hầm thật chắc chắn, thật an toàn, đầy đủ lương thực cho cả nhà tôi sống trọn đời trong đó. Giờ đây trên xứ sở mình hẳn chẳng một đứa trẻ nào mơ những giấc mơ như thế! (Cách đây khá lâu có một cô bé nước ngoài với bài thơ về chiến tranh đã mơ “Nếu trái đất hình vuông, trẻ con có thể trốn vào trong góc, nhưng trái đất tròn - nên các em không có chỗ nào để nấp”). Chiến tranh đã khiến ước mơ tuổi thơ của tôi chỉ có thế, mơ một căn hầm chắc chắn và cả nhà không bị đói. Rồi mùa xuân 1975, tôi nhớ khi cả nhà trở vào Huế, chạy về quân cảng Thuận An, những cái chết tức tưởi trong cuộc đua tranh mất còn để vượt sóng lao ra với chiếc tàu buông neo ngoài khơi mong thoát khỏi một cuộc “tắm máu” như luận điệu hù dọa tuyên truyền của chiến tranh. Cha tôi bảo: Không chạy đi đâu nữa, về lại làng! Khi ấy tôi vừa 10 tuổi.

Tuổi thơ tôi ra khỏi chiến tranh!

Vậy mà cũng đã tròn năm mươi năm từ mùa hè 1972!

Ai đã đi qua chiến tranh sẽ hiểu hạnh phúc không phải là một điều gì cao xa ghê gớm. Những ký ức của một tuổi thơ tao loạn chiến tranh vẫn rọi về trong tâm trí, đủ cho tôi hiểu rằng, mỗi ngày bình yên hôm nay, không nghe súng đạn rền vang ấy đã là hạnh phúc.

Và may mà chiến tranh đã kết thúc.

Bởi chiến tranh chỉ kéo dài thêm dăm bảy mùa hè nữa, thì có thể mọi chuyện đã khác đi. Những đứa bé tầm tuổi thiếu nhi như chúng tôi, dăm bảy năm sau sẽ đủ tuổi để buộc phải cầm súng.

Chỉ cần nghĩ như thế, là đủ để thấm thía hai từ hòa bình!

Chợ phiên Cam Lộ ngày Tết - Ảnh: Thanh Long

Chợ phiên Cam Lộ ngày Tết - Ảnh: Thanh Long

LÊ ĐỨC DỤC

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

1 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

2 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground