Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mùa đông là một món quà

Quảng Trị - theo địa hình nằm ở “khúc giữa” của đất nước - miền đất của sự hội tụ. Sự hội tụ không chỉ về địa lý mà điều dễ thấy nhất chính là thời tiết. Nếu miền Bắc có đủ 4 mùa xuân, hạ, thu, đông; thì miền Nam chỉ có 2 mùa mưa và nắng. Quảng Trị vừa có đủ 4 mùa, vừa có cả mùa mưa và mùa nắng rất đặc biệt, đến chính người Quảng Trị phải thốt lên rằng: ở nơi mô như đất quê mình!

Bàn tay mẹ - Ảnh: Nông Văn Dân

Bàn tay mẹ - Ảnh: Nông Văn Dân

Sau khi đối diện với cái nắng như đổ lửa từ sau tết nguyên đán đến tháng 8 dương lịch, chưa được hưởng không khí dịu êm của thời tiết, người dân đã phải đối mặt với mưa, bão, lũ và lụt kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12. Mùa mưa cũng chính mùa đông, với nỗi lo lắng thắt ruột, héo gan, nỗi buồn vì sự mất mát do thiên tai gây ra. Những trận mưa long trời lở đất, mưa tưởng muốn sập trời / Mưa sôi từ lòng đất (Nguyễn Đức Mậu, Trường ca Sư đoàn, 1980). Nhà thơ Anh Ngọc trong tác phẩm Hương đất màu cờ viết năm 1977 đã miêu tả mưa Cam Lộ khiến ai nghe qua một lần cũng… hoảng sợ: Mưa choang choang như búa gõ trên đầu / Mưa rầm rầm như sắt đá va nhau.

Việt Nam là đất nước hứng chịu nhiều loại hình thiên tai, trong đó bão, lũ lụt là điển hình nhất, thường xuyên gây thiệt hại lớn, đặc biệt tại "rốn lũ" miền Trung. Sách Đại Nam thực lục viết về trận bão kinh hoàng năm Nhâm Dần, niên hiệu Thiệu Trị thứ 2 (1842) đã càn quét qua các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, làm nhiều người chết, nhiều cửa nhà bị sụp đổ, nhưng không nêu con số thống kê cụ thể. Gần đây có thể kể đến trận lũ lụt lịch sử năm 1999, khi mà cả miền Trung từ Quảng Trị đến Bình Định chìm trong biển nước; lũ lụt kinh hoàng tháng 11/2010٠; “đại hồng thủy” tháng 10/2020… Riêng Quảng Trị, mưa lũ trở thành nỗi ám ảnh!

Em không về kịp chị ơi / Khi mưa trắng cả một trời Quảng Trị / Cơn lũ đầu nguồn như từ thiên niên kỷ / Không dưng mà đổ xuống quê mình. Cứ mỗi khi vào đông, ca khúc Chị ơi (nhạc Nguyễn Phú Yên, thơ Tạ Nghi Lễ) lại vang lên trong các chương trình… gây quỹ từ thiện ủng hộ đồng bào miền Trung. Rất nhiều ca sĩ nổi tiếng đã ghi âm ca khúc này và lần nào giai điệu vang lên, niềm xót thương lại quặn lòng khán giả. Lũ cuốn trôi nhà và cả chị, chị ơi / Cha nghẹn ngào không nói nên lời / Em gào lên như người mê sảng / Cả nhà phủ một màn mưa trắng / Mưa trắng trời hay trắng cả con tim (Chị ơi).

Một bài viết từ năm 1990 đăng trên tạp chí Cửa Việt số 5 (bộ cũ) tả về trận lụt ở Ba Lòng mà đến nay đọc lại vẫn tưởng như tả trận lũ vừa xảy ra bởi hậu quả cũng chẳng khác nhau là mấy: Vùng này người ta phổ biến làm nhà gỗ rường, cột lớn rất chắc chắn, (gần rừng mà). Thế mà nước nhấc hàng loạt ra khỏi nền quật vào cây, vào đá cho tan ra từng mảng. Những ngôi nhà vững hơn thì bị lôi ra đồng, ra bãi. Khi nước rút, để lại nhà đứng chơ vơ, chân cột ngập trong lớp phù sa đặc quánh và Trong trận lụt này, Ba Lòng mất đi dễ chừng cả trăm tấn đậu xanh, sản phẩm bội thu vừa hái được. Thoạt đầu phần xót của phần vì đói bà con nấu ăn thay cơm, nhưng sau đó đến lợn cũng không dám ăn và người ta phải chở hàng xe bò đi đổ. Thiệt hại về người và của do thiên tai thì năm nào cũng có, chỉ là khác nhau ở mức độ… nặng hay rất nặng. Làm sao có thể vui khi nghĩ về mùa đông Quảng Trị. Miền Trung nước lên đau lòng xa rồi người em / Ơi quê hương man mác buồn / Chiều miền Trung mưa tím bến sông (Mưa chiều miền Trung, sáng tác của Hồng Xương Long).

Nhưng, nếu chỉ có tang tóc, đau thương thì không phải là Quảng Trị!

*

Tôi nhớ đọc đâu đó một câu chuyện rằng, khi nghe đệ tử hỏi: "Sư phụ! Ngài có lúc đánh người, mắng người nhưng có lúc lại hòa nhã với người, vì sao vậy?"; sư phụ trả lời rằng: "Đối với người thượng đẳng, lòng dạ ngay thẳng thì có thể đánh, có thể mắng, lấy chân diện mà đối đãi. Đối với người trung đẳng thì cần dùng phép ẩn dụ, cần giảng đúng mực bởi hắn chịu không nổi trách mắng. Đối với người hạ đẳng thì cần mặt mỉm cười, hai tay hợp thập, bởi hắn rất yếu ớt, tầm mắt eo hẹp, chỉ nên dùng thể tiết thế tục mà đối đãi. Người chịu được loại ủy khúc nào, thì sẽ quyết định người trở thành loại người nào". Điều gì giúp người ta chịu được những ủy khúc nếu không phải trui rèn chính trong khó khăn, trở ngại? Theo nhân sinh quan đạo Phật, trong nước đục mà vẫn có nước trong, trong phiền não vẫn tìm thấy Bồ-đề hay trong sinh tử mà vẫn có Niết bàn. Nếu không biết say đắm thì làm sao biết đắm say là sa ngã, là trụy lạc? Nếu không có kẻ ác thì làm sao biết giá trị của người thiện? Nếu không có kẻ nóng giận, phẫn nộ thì làm sao biết tính nhẫn nhục là hay? Nếu không có người bần tiện, bỏn xẻn thì làm sao biết việc bố thí, cúng dường là mở rộng từ tâm? Nếu không có kẻ loạn tâm thì làm sao biết giá trị của thiền định hay niệm Phật? Cũng như có chúng sinh, có phiền não mới có Bồ tát. Nếu không có những mảnh đất thử thách ý chí làm sao biết được sức sống mãnh liệt của con người đến dường nào?

Người Quảng Trị làm nên sự tích anh hùng chính từ mất mát, từ đau thương, từ cơ cực, từ khổ ải, tự đọa đầy. Hơn ai hết, người Quảng Trị hiểu sâu sắc hai chữ: NGHĨA TÌNH. Nghĩa tình đồng bào giúp nhau trong hoạn nạn, trong lúc sống - chết… “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai”. Có đối diện với nghịch cảnh, biết mặt thật của cuộc đời thì con người mới nung nấu chí nguyện của mình trở thành sắt đá, tăng trưởng tâm nhẫn nhục, phát huy lòng từ bi, đạo đức làm nền tảng cho tâm được thanh tịnh mà có trí tuệ sáng suốt. Và có sống trong nghịch cảnh mà không thay đổi tính cách mới là điều đáng để khâm phục! Linh mục Cadière trong bài “Giáo phận Huế” (La Mission de Huế) được đăng trong tạp chí Hội truyền giáo Ba-Lê năm 1911 đã tường thuật về câu chuyện Quảng Trị như sau: “Tôi nhớ ngày kia tôi gặp một người Pháp, làm cai đội đường sắt Sài Gòn - Hà Nội, ông nói lúc đó ông mới tới đất thuộc địa, ông thấy nhóm người Việt ở xung quanh ông, ăn ở lưu manh, phỉnh phờ cờ bạc, rượu chè lung tung, nên ông rất chán người Việt, ông tỏ thái độ khinh thường và căm giận. Rồi ông tưởng tất cả người Việt đều sống không có văn hóa như những người đó. Thời gian sau ông được đổi việc ra làm ở tỉnh Quảng Trị, lúc bấy giờ ông mới nhận thấy mình đang sống với người Việt văn minh và ông thán phục tính tình tốt của người Quảng Trị”.

Tác giả Nguyễn Thị Hoàng trong Thư về quê đã luận giải tính chất đặc biệt của Quảng Trị rằng, địa lý thiên nhiên đã để lại lời sấm ngữ nói: nếu Bắc và Nam là hai thúng hành trang thì dải đất miền Trung là cái đòn gánh tháp đã oằn. Bình Trị Thiên là chỗ đòn tháp và Quảng Trị đúng là chỗ tiếp giáp của đòn gánh lên vai. Nên người Quảng Trị nào, mỗi người một cách thế, một năng lượng khác nhau, dẫu trôi giạt đi đâu rồi cũng phải lui về bến cũ để gánh gồng.

Sau cơn mưa - Ảnh Lê Đức Dục

Sau cơn mưa - Ảnh Lê Đức Dục

Ngày nay, người ta nói nhiều về tinh thần khởi nghiệp nhưng đối với Quảng Trị, tinh thần này được hun đúc từ khi còn trong bụng mẹ - những người mẹ xây dựng lại cơ nghiệp trên lớp bùn non nhão nhoét, nơi con lũ mới đi qua để bắt đầu từ đầu, dẫu sự từ “từ đầu” ở một số miền quê là những con số không trắng xóa. Bài ca dao “Mười quả trứng” được xem là biểu trưng cho tinh thần người Việt được sáng tác chính từ Quảng Trị. Đi vay mượn mua được mười quả trứng. Bảy quả đã ung. Chỉ còn ba trứng nở ra ba con thì con diều tha, con quạ quắp, con mặt cắt xơi… Trong tận cùng gian khó, người nông dân vẫn lạc quan thốt lên rằng: Chớ than phận khó ai ơi! / Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.

Tinh thần tự tin, lạc quan đã nằm sâu trong tâm thức của người Quảng Trị. Trong cơn mưa trắng trời, cơn lũ dữ kéo đến, họ luôn tin tưởng vào ngày mai tốt đẹp, sống lạc quan để nuôi dưỡng khát vọng vươn tới tương lai như cách mà nhiều người đã kinh ngạc nhìn nhận: Họ nắm tay tái thiết tỉnh nhà, họ không biết mệt vì họ đã quen chịu gian khổ (linh mục Nguyễn Văn Ngọc).

Mùa đông năm 2020, thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh ước tính hơn 4.200 tỷ đồng, làm cho 55 người chết. Mùa đông năm 2021, Quảng Trị đón nhận nhiều tin vui với những chỉ tiêu đạt cao nhất từ khi tái lập tỉnh đến nay về thu ngân sách, thu hút đầu tư… Chia tay mùa đông 2021, bước qua mùa xuân 2022 mỗi người đều có quyền nghĩ tới những chuyến bay xuất hiện với tần suất cao trên nền trời xanh thẫm của Quảng Trị; những chuyến tàu viễn dương cập cảng nước sâu Mỹ Thủy. Xe cộ tấp nập hơn trên các con đường huyết mạch thuộc Hành lang Kinh tế Đông - Tây. Đô thị Đông Hà, thị xã Quảng Trị và các huyện lỵ được mở rộng, chỉnh trang, ngăn nắp, hiện đại hơn. Người dân dù ở đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo cũng sẽ được chăm sóc y tế tốt hơn, được lựa chọn dịch vụ giáo dục, đào tạo chất lượng… Và rất nhiều thay đổi khác nữa trong vài năm tới mà chúng ta không thể liệt kê hết được.

Trải qua rất nhiều thế kỷ đối diện với tất cả khó khăn bằng sự lạc quan và sáng tạo đã hun đúc, hình thành nên bản lĩnh và tâm hồn Quảng Trị với những cá tính riêng, với chất riêng chỉ Quảng Trị mới có… Con hiểu rồi đừng khóc nữa mẹ ơi / Mẹ có nghe tiếng cười lanh lảnh / Mấy đứa trẻ đùa theo đàn mối cánh / Đang từ trong đất ướt bay lên / Mưa tạnh rồi trời đất sẽ xanh thêm (Anh Ngọc).

... Mùa đông là một món quà!

BÁT NHÃ

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground