Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thông điệp hòa bình từ mùa thu Quảng Trị

Trái đất hầu như chưa bao giờ ngưng những cuộc chiến tranh, sự sống của muôn loài luôn bị đe dọa bởi lòng tham, niềm sân hận. Chính những khúc mắc đó nên hai chữ “hòa bình” luôn là tiếng nói chung mà nhân loại hướng đến. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi toàn cầu đang chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19, con người chống lại sự hủy diệt bởi loài siêu vi, thì ý nghĩa của một “thế giới đại đồng” mang lại càng giá trị hơn bao giờ hết.

Tiếng chuông hòa bình

Hơn bốn mươi năm trước, ngày 21/9/1981, Liên Hợp Quốc đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ để các quốc gia chấm dứt chiến tranh, bạo lực. Kể từ đó, ngày 21/9, mùa thu hằng năm, ngày khai mạc phiên họp thường kỳ của Liên Hợp Quốc, đã được chọn là ngày quốc tế Hòa bình hay còn gọi là ngày Hòa bình thế giới. Vào ngày này tổ chức lệnh ngừng bắn tạm thời trong vùng chiến sự để các lực lượng nhân đạo thi hành sứ mệnh của mình.

Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam thỉnh chuông tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn - Ảnh: Toàn Vũ

Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam thỉnh chuông tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn - Ảnh: Toàn Vũ

Lễ khai mạc ngày quốc tế Hòa bình được cử hành bằng tiếng chuông hòa bình. Quả chuông được đúc bằng đồng tiền kim loại quyên góp từ trẻ em khắp nơi, tượng trưng cho lời nhắc nhở về phí tổn nhân mạng do chiến tranh. Chuông do Nhật Bản đúc tặng, trên đó có khắc dòng chữ “vạn tuế hòa bình tuyệt đối trên thế giới”. Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã cảm tác từ câu chuyện này để viết nên ca khúc Tiếng chuông và ngọn cờ (1985).

Trong tác phẩm Tiếng chuông triêu mộ, nhà văn Võ Hồng có lý giải ngày xưa hiếm có lịch và đồng hồ, bà con dân làng “thấy nguyệt tròn thì kể tháng”, và nghe tiếng chuông để biết canh thời gian. Tiếng chuông chùa thành ra tiếng báo hiệu sáng sớm (triêu: ) và chiều muộn (mộ: ). Đấy là nói vai trò của chuông trong đời sống thường nhật. Còn trong đời sống tâm linh, chuông là một bảo khí của các nhà thờ, hay pháp khí của các ngôi chùa để “thượng thông thiên đường, hạ triệt địa phủ” (Kệ thỉnh chuông nhà Phật), tiếng chuông vọng đến cả những nơi sáng tối. Từ ý nghĩa này, quả chuông lớn còn được gọi là chuông U minh.

Trên mảnh đất linh thiêng Quảng Trị, chuông không chỉ ở trong các ngôi chùa, mà nay còn được treo ở một số nghĩa trang, những nơi tưởng niệm chiến sĩ trận vong, nguyện cầu các linh hồn siêu thoát và nhắc nhở người đang sống về giá trị hòa bình. Đặc biệt, hằng năm cứ đến giao thừa, tất cả những quả chuông trên xứ này đều được thỉnh để khai thị một năm mới, nguyện cầu bình an lợi lạc cho muôn nơi.

Thông điệp hòa bình từ Quảng Trị

Mùa thu, ngày 27/8/ 2019, lần đầu tiên một đại sứ Mỹ trực tiếp đến viếng nghĩa trang liệt sĩ ở Việt Nam. Vị đại sứ ấy là Daniel Kritenbrink, và nơi ông đến là Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị). Ông Kritenbrink đã kính cẩn thắp hương lên các ngôi mộ, thỉnh chín tiếng chuông ở nghĩa trang. Hình ảnh ấy, âm thanh ấy chính là biểu tượng của hàn gắn những vết thương chiến tranh, nhân lên những mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia, và rộng hơn, là tiếng vang của lời thỉnh cầu hòa bình.

“Tới nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn tháng 8/2019 với cá nhân tôi, đây là chuyến thăm xúc động nhất, có ý nghĩa nhất mà tôi từng có. Hy vọng rằng, chuyến đi này của tôi đã đóng góp một phần nhỏ bé nào đó vào nỗ lực chung xây dựng mối quan hệ giữa hai quốc gia. Đó là trải nghiệm rất xúc động và sâu sắc đối với tôi, cả về tư cách cá nhân và tư cách Đại sứ. Mục tiêu của tôi trong các hoạt động đó là muốn thể hiện sự tôn trọng, tôn vinh đối với tất cả những người đã hy sinh vì lòng yêu nước. Chúng tôi cũng muốn thể hiện các nỗ lực hòa giải. Qua chuyến đi đó, chúng ta cùng gác lại quá khứ để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác song phương” - Đại sứ Daniel Kritenbrink chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc VietNamNet.

Đại sứ Mỹ đã chọn Quảng Trị, bởi nơi đây từng diễn ra cuộc chiến tàn khốc trong thế kỷ XX. Nơi mà một tỉnh chia đôi, một gia đình anh em vợ chồng cũng bị chia đôi bởi dòng sông Bến Hải. Để rồi dằng dặc hơn hai mươi năm mới tới ngày đoàn tụ. Và sau đó, những hậu quả của đạn bom, những di chứng của chiến tranh ám ảnh cuộc sống từ bấy đến nay.

Chính bởi những tổn thương đó, thế giới đã nhìn nhận Quảng Trị như một "thành phố tuẫn đạo", theo cách nói của bức tâm thư của thành phố Bô-lô-nha (Ý) gửi cho đồng bào thị xã Quảng Trị. Các tổ chức quốc tế cũng dành nhiều sự quan tâm cho Quảng Trị để khắc phục hậu quả chiến tranh. Năm 1999, nhóm tư vấn bom mìn MAG (tổ chức phi chính phủ về rà phá bom mìn nhân đạo, thành lập ở Anh) vào Việt Nam và bắt đầu hoạt động tại Quảng Trị. Từ năm 2001, thêm một dự án nữa là RENEW - chương trình hợp tác giữa chính quyền tỉnh Quảng Trị với các tổ chức phi chính phủ quốc tế (đối tác chính là Quỹ viện trợ nhân dân Na Uy NPA) nhằm nỗ lực giảm thiểu số người chết và bị thương do vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong bút ký Đêm chong đèn nhớ lại từng viết: Quảng Trị là thành phố đã chết để cho nhân loại thức tỉnh và tự mình hoàn thiện. Tôi đã chôn cất hài cốt của nhiều liệt sĩ còn gửi lại trên mảnh đất Thành Cổ mà tôi đang thừa kế, với tư cách là một người sống sót. Lịch sử được làm nên bởi những người đã chết và vì thế trong quan hệ với lịch sử, mỗi nhà văn làm công việc của mình với tư cách là một kẻ sống sót. Từ đáy lòng quằn quại, tôi cố gắng giải mã bức thông điệp câm lặng của các anh chị để lại. Rằng, những người chết đi không hề mong ước được phong anh hùng và được thấy hoa tươi dâng trước mộ. Không, không, không! Họ chết cho một lẽ duy nhất là khát vọng sống, là đằng sau họ, cuộc sống sẽ được thiết kế trở lại trên ấm no, công bằng và nhân phẩm.

Quảng Trị còn là nơi chứa đựng những giá trị của sự gắn kết tình hữu nghị. Ngày 15/9/1973, lãnh tụ Cu Ba Fidel Castro, nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến thăm vùng Quảng Trị mới giải phóng và nói: "Vì Việt Nam, Cu Ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình". Ngày nay công viên Fidel thanh bình tươi đẹp tại thành phố Đông Hà mang hình ảnh hữu nghị giữa Việt Nam - Cu Ba. Quảng Trị cũng là điểm đầu trên Hành lang kinh tế Đông - Tây về phía đông Việt Nam, là cửa ngõ thông thương với nước bạn Lào và Đông Dương.

Lễ hội Vì hòa bình lần đầu tiên tổ chức

Quả thật, hòa bình - hữu nghị - hợp tác là những vấn đề đi liền nhau, bổ trợ cho nhau vì mục tiêu ổn định, phát triển. Với nhứng ý nghĩa đó, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng đề án lễ hội Vì hòa bình và đã được Trung ương đồng ý.

Từ lễ hội Vì hòa bình, Quảng Trị trở thành một không gian văn hóa, là biểu tượng sức sống mãnh liệt của nhân loại ngay trên mảnh đất bị hủy diệt do chiến tranh; nơi hội ngộ của bạn bè bốn phương; nơi họp mặt, chia sẻ của những thành phố, những dân tộc từng chịu chung số phận như Quảng Trị trên toàn thế giới.

(Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam)

Lễ hội Vì hòa bình định kỳ tổ chức hai năm một lần, vào tháng ٧, là dịp tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người chung tay đấu tranh gìn giữ, xây dựng cuộc sống hòa hợp, thịnh vượng. Qua đó góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và mảnh đất, con người Quảng Trị; thu hút du khách trong nước và quốc tế; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Dự kiến tháng 7 năm 2022 sẽ diễn ra lễ hội Vì hòa bình lần đầu tiên. Lễ hội kéo dài trong vòng nửa cuối của tháng ٧ với nhiều hoạt động ý nghĩa, phong phú, trải đều khắp nơi trong tỉnh. Khai mạc lễ hội tại Thành Cổ Quảng Trị và bến thả hoa sông Thạch Hãn, có chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa tầm thấp. Liên hoan nghệ thuật quốc tế Ước nguyện hòa bình với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước. Từ miền cao Hướng Hóa tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc, về miền biển Cửa Việt - Cửa Tùng thưởng thức liên hoan ẩm thực Hương vị biển và tham dự Lễ hội cầu ngư, ra ngoài khơi Cồn Cỏ có trại điêu khắc đá Cồn Cỏ - Khát vọng hòa bình. Hội trại của sinh viên, thanh niên Việt Nam tại khu di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải cùng với các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, triển lãm tranh ảnh về khắc phục hậu quả bom mìn, trồng cây vì hòa bình...

Trong nhiều năm liền, tỉnh Quảng Trị đã ấp ủ ý tưởng và chuẩn bị chu đáo cho lễ hội Vì hòa bình diễn ra lần đầu tiên vào năm 2022. Tuy nhiên, tùy vào tình hình đại dịch Covid-19 sẽ có những phương án tổ chức phù hợp với cấp độ dịch.

Trong bối cảnh toàn nhân loại đang chung tay nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh, hướng đến sự an lành, chúng ta có quyền hy vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát, chấm dứt. Và như thế, tháng ٧ hằng năm, từ mùa thu Quảng Trị, thông điệp hòa bình sẽ được lan tỏa mạnh mẽ đến thế giới.

THUẬN VŨ

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground