Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Xuân về nói chuyện đoàn viên

Đầu những năm Đổi mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình về thăm Quảng Trị. Trong chuyến công tác này, khi trò chuyện với thầy trò Trường cấp ٣ vừa học vừa làm Tân Lâm, bà đã căn dặn mọi người phải cố gắng xứng đáng với truyền thống quê hương.

Công viên Lê Duẩn ngày tết - Ảnh: Thanh Thọ

Công viên Lê Duẩn ngày tết - Ảnh: Thanh Thọ

Vị nữ chính khách từng là Ngoại trưởng trong Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - ngay sau khi ký kết hiệp định Paris năm 1973 đã hình thành trụ sở Chính phủ tại vùng quê Cam Lộ (Quảng Trị), bà Nguyễn Thị Bình cùng với Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã tiếp kiến nhiều đại sứ các quốc gia và các tổ chức trên thế giới đến chào và trình quốc thư khi mặt đất xung quanh còn loang lổ đạn bom, khét nồng thuốc súng. Trụ sở này đã thành di tích quan trọng của dân tộc Việt Nam mà người dân địa phương đến hôm nay vẫn quen gọi nôm na, ngắn gọn là “Khu Chính phủ”. Mới đây tuy tuổi đã cao, bà Nguyễn Thị Bình vẫn tìm về Quảng Trị, lên với Cam Lộ như một cuộc hành hương đến với "thánh địa hòa bình", bởi cuộc đời bà có quá nhiều kỷ niệm đáng nhớ với mảnh đất này. 

Thiết tưởng cũng cần nhắc lại quá khứ bi tráng của một quê hương từng dằng dặc gánh hai đầu chia cắt. Nếu chiều dài chiếc cầu được đo bằng đại lượng thời gian thì cầu Hiền Lương thuộc loại dài nhất nhì thế giới, nó xuyên suốt đằng đẵng qua hai mươi năm mới được chạm tay vào Hòa bình - Thống nhất, mới bắt đầu cho một cuộc đại đoàn viên.

Dường như những tác phẩm văn chương nghệ thuật đặc sắc đều có khả năng chạm vào thẳm sâu gan ruột nhiều người, làm nên nhật ký tâm hồn của một thời, của cả dân tộc. Ấy là khi nói đến những bài hát như Câu hò bên bến Hiền Lương của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, hay những câu thơ như đốt cháy lòng người của Thanh Hải: Cách nhau chỉ một mái chèo / Mà đi trăm núi vạn đèo tới đây. Hay câu hỏi của Tế Hanh đau như đụng phải vết dao: Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị / Tận chân trời mây núi có chia đâu. Cũng như sau này nhà thơ Cảnh Trà viết bài thơ Đưa dâu qua cầu Bến Hải hoan ca cảnh tượng thái hòa giản dị: Một buổi mai nắng vàng hoa ngâu / Đám cưới đưa dâu qua cầu Bến Hải. Một chuyện quá đỗi bình thường nếu không có chiến tranh và chia cắt, vậy mà chỉ thành hiện thực khi hiệp định Paris ký kết. Và nói như dự cảm lớn lao của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi ấy là Nam - Bắc một nhà, nối vòng tay lớn.

Có một người Quảng Trị đã gần như đi hết chiều dài lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX, đó là Lê Duẩn. Ông là người từng chứng kiến những hạnh phúc vỡ òa của dân tộc cũng như những nỗi đau tột cùng mà Việt Nam phải gánh chịu, từ Gèneve cho đến Paris và tất nhiên cho đến 1975, cả sau này nữa. Trong chuyến tàu cuối cùng tập kết ra Bắc ngày 7/2/1955, đồng chí Lê Duẩn có mặt công khai để rồi ngay sau đó bí mật trở lại Cà Mau hoạt động cách mạng. Từ lúc ấy anh Ba Lê Duẩn đã biết dân tộc Việt Nam còn qua lắm đoạn trường dài lâu mới bình yên qua lại cầu Hiền Lương bắc ngang Quảng Trị, bắc ngang qua chiều dài lịch sử ngót nghét hai mươi năm có lẻ.

Hòa bình lập lại, ông đã cử ngay những cán bộ tâm huyết và có năng lực về Quảng Trị với lời căn dặn chí tình. Tổng Bí thư Lê Duẩn nói với ông Lê Mậu Lộ, sau này là giám đốc đầu tiên của Nông trường Tân Lâm (Cam Thành, Cam Lộ): “Về miền Nam xây dựng cho được một nông trường tuy nhỏ mà tốt là quý lắm”. Nông trường Tân Lâm, sau đó là trường cấp ٣ vừa học vừa làm Tân Lâm đã ra đời từ những năm tháng hòa bình đầu tiên trên quê hương Quảng Trị. Bây giờ dẫu nhiều chuyện đã khác trước nhưng không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của mô hình kinh tế quốc doanh một thời của Nông trường Tân Lâm. Những thế hệ gia đình công nhân từ nhiều miền quê khác nhau của Bình Trị Thiên khói lửa và cả những quê khác nữa đã chọn nơi này làm quê hương, để lập nên một làng mới trù phú có tên là Tân Phú.

Cũng nói thêm rằng làng quê này nằm ngay dưới chân cao điểm 245, ngày trước là một mắt xích phòng thủ quan trọng của lực lượng quân sự đối phương. Chính tại đây vào mùa hè đỏ lửa 1972, hai vị chỉ huy trung đoàn 56 bộ binh của quân đội Sài Gòn là trung tá Phạm Văn Đính và trung tá Vĩnh Phong sau nhiều suy nghĩ, cân nhắc đã quyết định dẫn cả trung đoàn về với cách mạng và nhân dân, tránh được một cuộc binh đao nồi da xáo thịt của đồng bào nước Việt. Tinh thần vị tha, hòa hợp hòa giải dân tộc vẫn phải được nhắc lại và đem lại sự gắn kết nhiều hơn nữa.

Hay một sự kiện khác, đầu năm 2018 vừa qua, khi đón tiếp và tâm sự với kiều bào nước ta, trong đó có những người quê Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị lúc ấy đã khẩn thiết kêu gọi đồng bào xa xứ hãy cố gắng vượt qua những khác biệt để chung tay góp sức vì một Mẹ hiền Tổ quốc Việt Nam. Bởi kinh nghiệm lịch sử cho hay thống nhất giang sơn là đại nghiệp vô cùng hệ trọng nhưng nó thực sự có ý nghĩa và phát huy tác dụng khi và chỉ khi thống nhất được lòng người.

Còn nhớ chỉ sau một ngày ký kết hiệp định Paris, ngày 28/1/1973, nhà thơ Tố Hữu đã cảm khái viết rằng:

Khao khát trăm năm, mãi đợi chờ

Hôm nay vui đến, ngỡ trong mơ

Một trời êm ả, xanh không tưởng

Mặt đất bình yên giấc trẻ thơ.

Đây cuộc hồi sinh, buổi hóa thân

Mùa đông thế kỷ chuyển sang xuân

Ôi Việt Nam! Từ trong biển máu

Người vươn lên, như một thiên thần.

Ta lại về ta, những đứa con

Máu hoà trong máu, đỏ như son 

Sài Gòn ơi, Huế ơi! Xin đợi 

Tái hợp, huy hoàng, cả Nước non!

      (Việt Nam, máu và hoa)

Ấy là những câu thơ như nói hộ lòng người. Những ai trải qua nỗi đau của chiến tranh mới thấu hiểu được ý nghĩa của hòa bình, đặng hết lòng vun đắp cho chính cuộc đời mỗi người và mọi người, cho chính những ngày mình đang sống hôm nay.

Quảng Trị, từ ác mộng chiến tranh, chia cắt đến khát vọng hòa bình, kiến tạo. Một giấc mơ chờ đợi từ lâu, đã lên mầm từ mùa xuân năm ấy, khởi đầu từ ngày 27/1/1973.

Chúng ta đã đề cập khá nhiều câu chuyện văn nghệ với đề tài chiến tranh cách mạng, đó cũng là vấn đề rất hệ trọng cần được tiếp tục quan tâm và phản ánh dưới nhiều góc độ. Nhưng cũng có vấn đề khác rất quan trọng, rất thời sự trong đời sống hòa bình, đó là khép lại quá khứ, hòa hợp hòa giải dân tộc như chủ trương của Đảng và Nhà nước thông qua Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị; đó là khát vọng hội ngộ, đoàn viên, rút lại những khoảng cách giữa người Việt với người Việt, để mong muốn mọi người lấp những hố sâu, vượt qua những khác biệt đồng tâm hiệp lực vì một đất nước Việt Nam cường thịnh.

Chúng tôi từng đặt vấn đề với nhà văn Xuân Đức, một người từng là lính, lại nguyên là một cán bộ lãnh đạo văn hóa của tỉnh Quảng Trị thì nhận được sự chia sẻ đáng kể của ông. Nhà văn Xuân Đức cho rằng: Phải nhìn nhận rằng dù nước ta thống nhất đã nhiều năm nhưng vết thương chiến tranh liên quan đến hòa hợp hòa giải vẫn còn rất sâu. Bộ Chính trị cũng đã nhìn thấy được vấn đề này nên đã có nghị quyết. Sau câu chuyện chiến tranh là vấn đề hòa bình, hòa hợp và hòa giải dân tộc phải đặt lên hàng đầu. Nhưng chủ trương là cái chung, còn thực hiện chủ trương lại là câu chuyện cụ thể rất nhiều khi mang tính chất cá nhân, nghĩa là những người thực hiện  ra sao? Lý là như vậy nhưng còn tình như thế nào cũng là điều không đơn giản, chúng ta cần phải phải cùng nhau suy nghĩ và hành động cho đúng. Đương nhiên đây là vấn đề cần thiện chí của tất cả những ai liên quan, từng ở “phía bên này” hay “phía bên kia”. Nhà văn thực sự là người nhạy cảm.

Nhân tiện nhà văn Xuân Đức kể lại rằng: Cách đây hai mươi mấy năm, ông đã viết vở kịch Ám ảnh dựng trên sân khấu lớn. Vở kịch có câu chuyện về một bà mẹ liệt sĩ cứ đến ngày 27/7 là được nhiều người, nhiều ngành đến tặng hoa, tặng quà. Còn gần đó có bà mẹ anh lính “phía bên kia” đã tử trận thì vẫn sống lặng lẽ từ trước đến giờ. Bà mẹ liệt sĩ cứ đến ngày lễ thì bí mật đem quà sang cho người hàng xóm, làm nhưng lại sợ bà mẹ kia biết, ngại người khác thấy. Còn bà mẹ anh lính tử trận thì càng lúc càng hoang mang vì không biết ai đã đem quà đến cho mình. Kịch cứ thế tiếp diễn. Lúc ấy một vị lãnh đạo tỉnh đã nhận xét: vở kịch này như đi trên dây, chỉ cần run một chút chắc chắn sẽ ngã, đổ nhào xuống đất. Vậy đó, hòa hợp hòa giải là câu chuyện không hề đơn giản nhưng không thể không làm.

Nhớ năm 2000 lần đầu tiên thực hiện lễ hội Thống nhất non sông, ngành văn hóa gặp quá nhiều khó khăn vì nó liên quan đến truyền hình trực tiếp trên sóng quốc gia. Nhà văn Xuân Đức lúc ấy là Giám đốc Sở VH-TT muốn nhân dịp này quảng bá mảnh đất Quảng Trị. Vì không thể truyền hình trực tiếp vào ngày 30/4 nên sau một ngày một đêm suy nghĩ, ông trình Thường vụ Tỉnh ủy xin cho làm vào ngày 1/5. Đó không chỉ là ngày Quốc tế lao động mà còn là ngày đoàn tụ, ông lý lẽ phải thống nhất xong mới đoàn tụ chứ. Và ý tưởng này đã được tỉnh nhất trí thông qua. Nhưng còn chờ Trung ương. Thật quá vui mừng khi Ban Bí thư có công văn phúc đáp đồng ý và còn cử cán bộ lãnh đạo vào dự. Tỉnh Quảng Trị lần đầu tổ chức lễ hội “Thống nhất non sông” tại cầu Hiền Lương. Khép lại quá khứ thì kỷ niệm chiến thắng và thống nhất, ta cũng nên khéo léo, tế nhị nói sao cho liều lượng vừa phải để mọi người đều chấp nhận được. Bởi nói cho cùng cái giá của thống nhất chính là đoàn tụ, kết nối yêu thương chứ không phải là sự kết hợp cơ học một cách miễn cưỡng. Mà phải thực sự thống nhất bằng tất cả trái tim.

Cần phải làm cho mọi người Việt Nam giác ngộ đạo lý hòa hợp hòa giải dân tộc như chủ trương của Bộ Chính trị đã đề ra, để mọi chuyện ngày càng gần với hiện thực. Đó cũng là quan niệm hết sức nhân văn của dân tộc Việt Nam cần được lan tỏa sâu rộng. Bởi bản chất nhân văn sâu xa và lớn lao của mùa xuân chính là thông điệp hội ngộ và đoàn viên, đại đoàn viên.

Cầu Hiền Lương sông Bến Hải - Ảnh: Lâm Quang Huy

Cầu Hiền Lương sông Bến Hải - Ảnh: Lâm Quang Huy

PHẠM XUÂN DŨNG

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

4 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

5 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground