Nếu hiểu văn hóa theo nghĩa rộng, thì văn hóa là mục đích, các thể chế chính trị là phương tiện. Văn hóa quyền lực là đạo trị nước. Để giữ vững hòa bình và ổn định chính trị, một phần là nhờ giới trí thức tài năng đóng vai trò nòng cốt.
Chính khách người Đức Wilhem Liebknecht (1826 - 1900) dự báo về viễn cảnh của chủ nghĩa xã hội: “Trong tương lai sẽ không có lịch sử nhân loại nào khác là lịch sử văn hóa”. Luận đề này còn được bàn cãi, những ý niệm văn hóa và phát triển là trung tâm mọi hoạt động của con người.
Văn hóa quyền lực là gì? Những tiêu chí của nhà cầm quyền
Văn hóa cầm quyền là đạo trị nước. Người xưa coi đạo trị nước là lý tưởng vì Dân, an Dân, giữ Dân. Một nền đại chính phải thể hiện đầy đủ đường lối “dìu dắt dân vào đạo lớn, đưa dân lên đài xuân” trong Chiếu lên ngôi của Quang Trung, còn Tự Đức thì trước sau coi nhân tài là cội gốc để làm chính sự. Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiều văn kiện, nhất là từ Đại hội VI trở đi đều giương cao hai ngọn cờ Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội là đường lối chính trị sáng suốt, là gốc sâu, rễ bền để an dân, giữ nước và dựng nước. Chệch hướng chính trị, sai lầm đường lối là một trong bốn thảm họa dễ gây nghiêng đổ chế độ. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (2011), Đảng cảnh báo: “Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”1.
Trên thực tế, trong mấy chục năm nay, xu hướng tha hóa quyền lực, tha hóa lao động, xu hướng hưởng thụ của một bộ phận không nhỏ những người cầm quyền (kể cả cấp cao) vẫn chưa được ngăn chặn và diễn biến phức tạp. Bố mẹ, con cái nhà nghèo mà đua đòi hưởng thụ, ăn chơi theo kiểu “trưởng giả học làm sang” thì chỉ gây đại họa. Ở nước Nga, chỉ hơn 10 năm sau Cách mạng tháng Mười mà đã xây dựng được hàng mấy trăm cây số đường “metro” (đường tàu điện ngầm) ở Matxcơva, hiện đại nhất thế giới cho đến hôm nay là nhờ hàng trăm triệu dân “ăn bánh mỳ, uống nước lã”. Chủ nghĩa tư bản ở châu Âu đã phải “thắt lưng buộc bụng”, từ thế kỷ XVI cùng với sự bóc lột tàn nhẫn người lao động mới có lợi nhuận để tái sản xuất và phải mất 300 năm có lẽ mới đủ điều kiện vật chất để sản xuất lớn chiến thắng sản xuất nhỏ, trở thành chủ nghĩa tư bản hiện đại. Xem vậy, mới biết việc tìm ra đường lối chính trị (định hướng xã hội chủ nghĩa) tương ứng với nền sản xuất đại công nghiệp khó khăn biết chừng nào? V.I.Lênin nói: “Những ngụy thuyết thường sống rất dai” hay “trong mọi tìm kiếm của cuộc sống thì tìm ra lý luận chân chính là khó nhất”. Thực trạng trên đòi hỏi bản chất của văn hóa cầm quyền và tiêu chí của những nhà hoạt động chính trị cấp cao cần có trình độ tri thức thông tuệ, một bản lĩnh chính trị kiên trung, một tầm nhìn xa rộng thời cuộc, với tri thức lí luận xuất sắc và tổ chức thực tiễn hiệu quả.
Người xưa nói: Xử nhân uy, bất như xử nhân ái (đối xử với Dân bằng uy quyền không bằng đối xử để người ta tin yêu). Muốn được dân yêu, dân phải hiểu người lãnh đạo, sau đó mới nói lòng tin. Tiền nhân rạch ròi trong chuyện này: Yêu không đúng là làm hại người ta; ghét không đúng là làm hại mình. Thật biện chứng! Muốn yêu Đảng là phải hiểu người lãnh đạo của Đảng, rồi sau đó mới nói niềm tin. Đảng tin Dân, Dân tin Đảng là lòng tin hai chiều, như hai đại nghĩa gặp nhau. Chúng ta thường nói: Lãnh đạo tập thể. Điều đó không hoàn toàn sai. Nhưng lại nói không đầy đủ về vai trò và trách nhiệm của cá nhân, người đứng đầu. Khi có thành tích thì ai cũng vơ vào cho mình, nhưng khi xảy ra sai lầm thì đổ lỗi cho nhau, không ai dám chịu trách nhiệm. Còn nói Dân làm chủ tập thể cũng là nói suông, nếu không có tri thức luật pháp, cơ chế giám sát, trình độ dân trí… thì Dân chỉ đứng bên lề chính trị.
Vậy văn hóa quyền lực đòi hỏi nhà lãnh đạo những tài năng gì?
Đạo cao đức trọng, phải gương mẫu trong mọi hành xử, trong lối sống, trong quan hệ đối với thiên nhiên, đồng loại, đồng sự và trung thực với chính mình. Vượt lên chính mình, biết “tri túc” trước dục vọng chính là dấu hiệu văn hóa, là chiến thắng lớn nhất của người lãnh đạo.
Tài năng cầm quyền được tỏa sáng ở tầm nhìn thời cuộc bằng đôi mắt “biệt nhãn”, biết phát hiện và dùng người tài để bổ sung nguồn nhân lực. Không phải ai cũng phát hiện được tài năng. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người hữu đức, hữu tài. Năm 1965, giữa lúc đế quốc Mỹ đe dọa ném bom miền Bắc và một năm sau chúng đánh sập cầu Long Biên, thế mà tại Viện Văn học chỉ cách nơi bom Mỹ dội khoảng 800m, ông vẫn chủ trì Hội thảo về Bảo vệ sự trong sáng tiếng Việt và sau đó chủ trương thành lập lớp đại học Hán - Nôm.
Công trạng. Ngoài công lao đóng góp xuất sắc cho dân tộc là lòng thành, đức khiêm. Công còn có nghĩa là công bằng trong ứng xử, trong tôn vinh người có công. Hà Huy Giáp là một tấm gương về đối nhân xử thế, được Bác Hồ tín nhiệm cao, khi điều động ông từ Bộ Giáo dục sang Bộ Văn hóa giữ chức bí thư Đảng Đoàn văn hóa - văn nghệ với chức trưởng, mặc dầu ông đã trúng vào Trung ưng ba khóa. Hồi đó chúng tôi gọi đó là “sự bổ nhiệm tế nhị”. Không nhất thiết đã vào cấp ủy là giữ chức vụ cấp trưởng. Người ngoài Đảng nếu họ có tài năng, đức độ, nhất là các vị trí thức tiêu biểu cũng cần được biệt đãi đưa vào các tổ chức lãnh đạo cao nhất của Nhà nước. Công bằng phải tương ứng với đãi ngộ vật chất. Bài học từ Singapore: Khi Đảng Nhân dân hành động lên cầm quyền (1959), Lý Quang Diệu bắt tay xây dựng Chính phủ trong sạch, thành lập Ủy ban chống tham nhũng, lãng phí bấy giờ lương của Thủ tướng Lý chỉ 3.500 SGD, còn các bộ trưởng là 4.500 SGD với mục đích kiềm chế dục vọng cấp dưới.
Nhà cầm quyền không nhất thiết phải có học vấn cao. Bằng cấp, học vị, học hàm là những văn bằng, chứng chỉ, chức danh được qui định trong các ngành đào tạo và nghiên cứu khoa học. Với các quan viên, thì ngoài những chứng chỉ chính trị cao cấp, không nên quy định bắt buộc học vấn trên đại học. Quy chế này dễ tạo nên tình trạng “chạy bằng cấp, chạy ngoại ngữ, chạy điểm của Hội đồng”. Ngoài bảy loại chạy trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, nay còn thêm một loại chạy: “chạy anh hùng thời kỳ đổi mới”. Hãy cảnh giác! Ở Mỹ không phải tổng thống tài năng nào cũng có bằng cử nhân. Ông F.D Roosevelt (1882 - 1945) là người duy nhất trúng 4 nhiệm kỳ tổng thống, là do tư chất thông minh, sớm đưa ra nhiều cải cách kinh tế và xã hội quan trọng, những kế sách vượt qua khủng hoảng, là một trong những vị sáng lập Liên hợp quốc và hợp tác chặt chẽ với các nước đồng minh chống chủ nghĩa phát xít.
Học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh đòi hỏi người cầm quyền phải thuộc bài học: “Dĩ công vi thượng”. Nếu vì cái tôi lãnh đạo bất chấp luật pháp, tiêu chí đảng viên thì dễ dẫn đến thảm họa cho Dân, cho Nước. Về nội dung dân chủ, hiến pháp, luật pháp nên tiếp tục tham khảo có chọn lọc từ các công trình tiến bộ của các nước trên thế giới. Để chống lại sự tha hóa quyền lực, người ta tìm đến văn hóa chính trị, xác lập quyền sở hữu trung bình cốt để không ai đủ sức mua - bán quyền lực. Phải coi quyền lực của Dân là tối thượng. Trong ba điều của phép trị nước: túc thực, túc binh, dân tín, thì cái sau là yếu tố cực kỳ quan trọng. Dân không tin thì thuyền bị đắm, làm sụp đổ vương triều.
Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh là phải biết nghe ý kiến đa chiều, thậm chí trái chiều, tư duy dân chủ, tư duy phản biện. Trong tư duy nghiên cứu cần mở rộng phương pháp hoài nghi khoa học. Bởi hoài nghi thường dừng lại ở các quan điểm mâu thuẫn, mà mâu thuẫn là phát triển. Trong văn hóa phải tổng kết cho được bản chất và ý nghĩa của từng nhóm hiện tượng sai, đúng, biết tra vấn những vấn đề thực tiễn đang chờ kết luận. Đừng nghĩ rằng, lí lẽ của kẻ có chức có quyền thay cho thực tiễn sống động, cho chân lý. Bởi chân lý là tài sản quý nhất của đời sống xã hội.
Đào tạo nguồn nhân lực thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ góc nhìn văn hóa: Tầng lớp trí thức đóng vai trò nòng cốt
Để giữ nước và dựng nước, thời đại nào cũng cần hai lực lượng nòng cốt: quân đội và trí thức, cũng có thể thêm đội ngũ doanh nhân có tố chất văn hóa. Đặc điểm cơ bản của nền kinh tế tri thức là xây dựng kết cấu hạ tầng thông tin, thực hiện tin học hóa, hiện đại hóa nền giáo dục, cải cách cơ cấu nền kinh tế ít phụ thuộc vào tài nguyên, tìm tòi hội nhập có lối đi riêng, giữ được bản sắc dân tộc của sản phẩm, tránh lối bắt chước. Thực trạng nhiều thập kỉ gần đây, cả trong lĩnh vực kinh tế và phi kinh tế đều có hiện tượng bắt chước, dù đó chỉ là những mô hình tiên tiến của nước sở tại. Phương ngôn có câu: “Bắt chước việc làm của người khác mà làm đúng như người ta là một sự ngu xuẩn”. Bắt chước là tự sát. Sai lầm lớn nhất của các tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng công ty là muốn tích lũy nhanh, hưởng thụ ngay, thì tránh sao khỏi thân phận lệ thuộc, năng lực tiếp nhận công nghệ mới còn bỡ ngỡ, bản lĩnh cạnh tranh yếu, cách tổ chức quản lý chưa thành thuộc, trình độ thông minh còn ở dạng cá nhân chưa có sự gắn kết thông minh cộng đồng... Không có cách nào khác phải tôn vinh một cách trung thực, công bằng đội ngũ trí thức tài năng, chống hiện tượng “chảy máu chất xám”. Đầu tư cho trí thức tài năng bao gồm: phát hiện, sử dụng, đãi ngộ người tài dù bất kỳ ở đâu, trong mọi lĩnh vực, có nguồn gốc thành phần xã hội như thế nào. Đầu tư cho trí thức tiêu biểu là sự đầu tư khôn ngoan, động lực tạo nên nguồn nhân lực thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong thời đại kinh tế tri thức, mọi kiến thức đều được dân chủ hóa. Người ta nói nhiều đến quyền lực mềm của văn hóa dân tộc; động lực phi kinh tế của giáo dục; thế giới phẳng trong quan hệ đa phương, minh triết trong mọi quan hệ ngoại giao chứa đầy xung đột ở biển đảo, lãnh thổ v.v... Hòa bình là mục đích tối cao của đời sống hiện đại. Các phương tiện truyền thông và quá trình dân chủ hóa góp phần tạo nên xã hội dân chủ công bằng. Báo chí nhiều hơn, thông tin được cập nhật hơn, sự lựa chọn của người đọc, người xem, người hưởng thụ tinh thần nhiều hơn, quyền giải trí, quyền hiểu biết để tìm kiếm việc làm và lao động, văn hóa mạng, sáng tác văn học, nghệ thuật qua mạng, giao lưu trực tuyến, giải trí trực tuyến, bảo tàng mạng, thư điện tử, nhật ký trên mạng (blog) góp phần nâng cao dân trí, ý thức dân chủ, bồi đắp kiến thức. Thang giá trị ở mỗi nước cũng có sự khác biệt. Học giả người Nhật, ông T. Makiguchi coi giá trị là mô hình tháp trụ: Thiền (đạo đức), Ích (kinh tế), Mỹ (thẩm mỹ).
Nói đến nguồn nhân lực, không thể bỏ qua chuyện tái cấu trúc tiền lương, hiện đang trong tình trạng lạc hậu. Có nhiều lý lẽ để trì hoãn chính sách chính đáng này đối với nguồn nhân lực, xem ra đều là những kiến giải phi lý và đuối lý. Người xưa nói: Đức ít mà ân sủng nhiều, tài ít mà địa vị cao, công ít mà bổng lộc lớn... là mặt trái của cấu trúc chế độ đãi ngộ và đào tạo nguồn nhân lực. Về mặt tinh thần, đối với trí thức cũng cần công bằng, chí ít là đúng tâm nguyện của người được tôn vinh. Các giải thưởng quốc gia, danh hiệu, chức danh nhà nước cần được lựa chọn, thẩm định, đặc cách một cách công khai, công bằng, nếu có khiếu nại thì Hội đồng quyết định tối cao cần tái thẩm định.
Những tài năng trong khoa học, nghệ thuật và các lĩnh vực sáng tạo cần được khuyến khích sự đam mê sáng tạo, sự theo đuổi nghề nghiệp, đánh giá họ qua lao động và tác phẩm. Không nên khuyến khích họ đi vào con đường hoạt động chính trị hoặc các chức danh quản lý. Hiện nay, ở nước ta chỉ có một cửa: cửa chính trị, với nhiều đặc quyền, đặc lợi, bổng lộc, nên người ta dễ chen lấn, so bì. Cần mở nhiều cánh cửa sang trọng để thu hút nhân tài. Truyền thống trọng học, trọng tài của cha ông bị đứt gãy, tinh thần tự học, tự đào tạo không được khuyến khích, giáo dục, đào tạo thiếu đồng bộ, thầy nhiều hơn thợ giỏi2 buộc người trí thức, người lãnh đạo các cấp đua chen. Những hiện tượng phi văn hóa thường diễn ra: trong lựa chọn cán bộ là chính sách ưu tiên “con cha cháu ông” trong bầu cử, ứng cử các cấp là “tư duy nhiệm kỳ” trong giới khoa học, văn nghệ sĩ là tâm lý đố kỵ kèn cựa; thẻ Đảng là trong túi người lãnh đạo, không muốn ai bằng mình v.v.... dẫn đến thói xấu chạy bằng cấp, học vị, ngoại ngữ, thậm chí còn “chạy anh hùng” thời kỳ đổi mới.
Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta đáng lẽ có thể đi đều bước, chí ít cũng bằng các nước tốp đầu trong khu vực, nhưng do nhiều khuyết tật từ chính sách cho đến môi trường văn hóa, thiếu tư duy ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn, nên không quy tụ được tài năng. Chảy máu chất xám vẫn diễn ra, sự khủng hoảng nguồn nhân lực trước mắt là khó tránh khỏi.
H.S.V
______________________
1 Văn kiện đại hội XI Đảng toàn quốc, Nxb. Chính trị Quốc gia, 201, tr.65.
2 Ở Hàn Quốc, hãng Samsung có số kỹ sư 17.000/75.000 công nhân là tỷ lệ vàng, 17.000 bộ óc sáng tạo về màn hình máy tính, lò vi ba, ti vi màn hình phẳng, doanh số 34 tỷ USD bằng nửa Sony, nhưng lãi gấp 6 lần Sony.