Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 09/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

A Dơi Đớ, rồi cũng đến ngày được trở về

“Lại đến nữa à?”, ông Hồ Văn Kía trưởng thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa chào người quen bằng giọng không mấy vui vẻ. Là bởi gần hai chục năm nay, từ ngày ông và gia đình về định cư tại đây, đã có không biết bao nhiêu bài báo, thước phim viết về ông và người làng - những phận người bơ vơ trên chính đất mẹ nhưng rồi họ vẫn cứ… bơ vơ. Không khí chỉ vui lên khi chúng tôi cười, bá vai ông Kía thì thầm: “Nhưng giờ thì bản mình sắp được làm người Việt Nam rồi, chúng tôi đến là để báo tin vui…”.

Hồi hương

A Dơi Đớ với hàng trăm nhân khẩu người dân tộc Vân Kiều còn có cái tên thuần Việt rất buồn là “Bản xâm cư”. Cái tên theo họ suốt hơn mười tám năm nay, kể từ ngày từ Lào trở lại xã A Dơi sinh sống, định cư trên đất Việt Nam khi phân định biên giới theo kiểu di cư tự do với quốc tịch Lào. Theo lời của ông Kía vì “không có quốc tịch Việt, mà sống trên đất Việt thì bị gọi là xâm cư”.

Năm nay 59 tuổi, ông Kía nói sành tiếng Việt và có chút hiểu biết nên được mọi người bầu chọn phụ trách “Bản xâm cư”. Ông Kía từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, dẫn đường cho bộ đội hành quân ở những cánh rừng trên dãy Trường Sơn. Có thời điểm, bản làng bị bắn phá dữ dội, ông Kía cùng nhiều gia đình bỏ làng, chuyển đến khu vực biên giới để sinh sống. Thế rồi sau hoạch định biên giới, thành viên gia đình ông Kía và nhiều gia đình khác mang quốc tịch Lào.

Ở trên đất Lào, nhưng nương rẫy, mồ mả tổ tiên của những hộ dân này chủ yếu ở đất Việt, hằng ngày họ vẫn qua lại, đi về như cơm bữa. Nhưng ở đâu cũng không bằng quê nhà, bởi mảnh đất tổ tiên người Vân Kiều cắm dùi vẫn màu mỡ, con nước vẫn ngọt hơn ở nơi khác. Bởi thế năm 2000, gia đình ông Kía dắt nhau trở về quê cũ. Họ dựng lại nhà, khai phá lại đất ruộng cũ để sinh sống, dần dà, những gia đình ở bên kia cũng trở về, lập nên bản hiện nay. Theo thống kê của Tổ chuyên viên liên hợp tỉnh Quảng Trị, hiện ở xã A Dơi có 41 hộ/235 khẩu (trong đó có 120 nữ và 115 nam) di cư tự do từ Lào sang định cư ở A Dơi và 45 trường hợp kết hôn không giá thú.

Chúng tôi trở lại “Bản xâm cư” đúng vào mùa World Cup 2018, và ở đây, chủ đề bóng đá đang được người già, trẻ con bàn luận rôm rả. Đột ngột cắt ngang câu chuyện ly hương, ông Kía kể, lâu lắm, có lần ông cùng mấy già làng trong bản ra trung tâm xã, thấy mọi người xem tivi nên ngồi lại. Lúc đó đang diễn ra trận bóng đá, mấy già làng thấy lạ lẫm vô cùng. Ông Kía ngại ngùng kể: “Đang xem, thì ông bạn đi cùng tôi buột miệng nói bằng tiếng Vân Kiều rằng, thiếu thốn chi lắm mà không cho mỗi thằng một quả bóng để đá cho đã. Cả bầy chúi đầu vô tranh nhau một quả bóng thì thấy khổ hè. Nghe già làng nói vậy, những người có mặt ở đó được một trận cười ngả nghiêng”.

Bây giờ, “Bản xâm cư” đã bắt ké được điện của người dân xã A Dơi, một số nhà có điều kiện mua tivi, nên bóng đá không còn là chuyện xa lạ. Chỉ lạ ở chỗ, như thắc mắc của ông Kía rằng, thấy trên tivi nhiều cầu thủ bóng đá người nước ngoài, nói xi lô xi la chi không ai hiểu, rứa mà nghe nói là đã được nhập quốc tịch Việt Nam rồi. “Tôi đây biết nói tiếng Việt, biết nói tiếng đồng bào Vân Kiều. Rồi có đất đai, nhà cửa trên đất Việt Nam, gốc cũng là người Việt, con cháu tôi sinh ra và lớn lên ở đây, nhưng mười tám năm rồi chưa được nhập quốc tịch. Không riêng gì tôi mà cả cái bản này, cả mấy trăm người thì buồn lắm” - ông Kía cúi mặt, mớ than hồng làm sáng khuôn mặt khắc khổ, cực nhọc.

Ở bản A Dơi Đớ, chủ yếu người dân làm nhà xoay mặt vào nhau, thành hai dãy bên con đường dẫn vào bản. Hôm chúng tôi đến, trời mưa nên con đường đất bị cày nhão nhoét bởi lốp xe môtô, khiến hai dãy nhà thêm nhếch nhác. Hơn mười tám năm qua, cuộc sống của những hộ dân ở “Bản xâm cư” diễn ra rất khó khăn. Nhưng vào mỗi ngôi nhà sàn ở bản sẽ thấy sự sạch sẽ, ngăn nắp. Người dân A Dơi Đớ sinh sống bằng cách trồng trọt cây sắn, lúa rẫy và cây bời lời. Mùa nào cây nấy, gia đình nào chăm chỉ làm lụng thì cũng không đến nỗi đói. Ông Hồ Văn Thăng, Phó Chủ tịch UBND xã A Dơi cho biết: “Người dân ở bản xâm cư rất hiền lành và chăm chỉ. Đàn ông ít rượu chè mà thường lên rẫy giúp vợ con. An ninh trật tự ở đây cũng ổn định”.

Cũng theo ông Thăng, vì “biết thân biết phận”, nên người dân ở “Bản xâm cư” luôn chấp hành tốt các quy định của địa phương. Mấy năm trở lại đây, một số hộ dân từ làm nông nghiệp đã chuyển sang buôn bán, nên bộ mặt ở bản này đã có sự thay đổi đáng kể. Dân ở bản không chỉ trồng sắn, trồng lúa rẫy mà cách đây cả chục năm đã học cách trồng lúa nước, trồng cây bời lời và cả cây cà phê. Tuy nhiên, trình độ, hiểu biết của người dân về xã hội vẫn rất hạn chế.

Trình độ của người dân ở đây hạn chế cũng không khó giải thích, bởi người dân không được tiếp cận với những chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Như việc con em ở bản A Dơi Đớ đến tuổi đi học, nhưng vì không có quốc tịch nên không được đến trường. Thương học sinh, nên Ban giám hiệu Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Dơi tạo điều kiện, sắp xếp cho các em học “chui”. Nhưng chỉ “chui” được ở các bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, đến cấp trung học phổ thông thì học sinh ở bản A Dơi Đớ phải nghỉ học, vì không ai có học bạ.

Đường về đã gần hơn...

Ông Lê Bảo Toàn cán bộ Tư pháp của xã A Dơi nói rằng, trong năm 2018 này, đã có nhiều tín hiệu tích cực về việc đưa quyền lợi về cho người dân ở “Bản xâm cư” A Dơi Đớ. Cụ thể, địa phương chuẩn bị làm kế hoạch đăng ký khai sinh cho trẻ em được sinh ra ở A Dơi có bố mẹ di cư tự do. Ông Toàn vui mừng thông báo: “Chúng tôi đang gấp rút thực hiện để vào đầu năm học 2018 - 2019 sẽ hoàn tất, lúc đó các em sẽ không phải học “chui” và “đứt gánh” giữa đường nữa”.

Đặc biệt, tháng 5 năm 2018, tại tỉnh Savannakhet nước bạn Lào, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng Ban chỉ đạo biên giới Việt Nam - Lào tỉnh Quảng Trị đã có chuyến làm việc, thảo luận với tỉnh Savannakhet về vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai tỉnh. Kết quả, hai bên thống nhất danh sách người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới tỉnh Quảng Trị được phép ở lại nơi cư trú, với tổng số 281 người di cư, đang sinh sống trong vùng biên giới thuộc huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị trong khoảng thời gian trước năm 2000, trong đó có 25 hộ di cư/98 khẩu và 183 trường hợp người Lào kết hôn không giá thú với người Việt.

Từ kết quả khả quan này, ngày 3/7/2018, ông Hà Sỹ Đồng đã có văn bản gửi Ủy ban Biên giới quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao về việc đề nghị phê duyệt danh sách người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới giữa Quảng Trị và hai tỉnh thuộc Lào. Ông Hà Sỹ Đồng thông tin: “Từ kết quả chuyến làm việc tại Lào, chúng tôi đề nghị Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao xem xét, phê duyệt những người di cư tự do và kết hôn không giá thú (có danh sách kèm theo, trong đó có người dân ở bản A Dơi Đớ) được phép ở lại nơi cư trú”.

Theo ông Hà Sỹ Đồng, những hộ gia đình/cá nhân người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú tại địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện đã có cuộc sống ổn định, có nhà ở và đất canh tác. Các hộ di cư này đều tôn trọng pháp luật Việt Nam và có mong muốn được tạo điều kiện ở lại nơi cư trú để ổn định cuộc sống. Sau khi có kết quả phê duyệt danh sách những người di cư tự do và kết hôn không giá thú được phép ở lại nơi cư trú của Trưởng đoàn Đại biểu biên giới Việt Nam - Lào, tỉnh Quảng Trị sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan làm các thủ tục về hộ tịch và cư trú theo trình tự đã được quy định trong thỏa thuận.

L.H.T

Lâm Hưng Thơ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 288 tháng 09/2018

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

10/05

25° - 27°

Mưa

11/05

24° - 26°

Mưa

12/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground