Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 11/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trận pháo kích Cứ điểm 241

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Có lẽ không còn ngôn từ nào để nói hết niềm vui của người dân Việt Nam yêu nước khi nghe tin chiến thắng này. Đến nay một nửa thế kỷ đã trôi qua, niềm vui tuy đã lặng sâu, nhưng tất cả chúng ta vẫn còn luôn ghi nhớ tới công lao, cùng sự hy sinh to lớn của một thế hệ, của một lớp người đã Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước / Mà lòng phơi phới dậy tương lai. Họ đã điểm tô những nét son chói lọi vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Cứ mỗi độ xuân về, những người cựu chiến binh ngày ấy lại bồi hồi nhớ tới các đồng chí đồng đội của mình ai còn, ai mất và hồi tưởng lại những trận chiến đấu trên vùng đất lửa Quảng Trị, với bao cảm xúc dâng trào.

Nhân dịp này tôi xin phép ghi lại một trong những trận đánh ác liệt ấy tại Cứ điểm 241 của Mỹ - ngụy với những kỷ niệm khó quên. Đặc biệt là sau khi quân ta giải phóng cứ điểm này không lâu, nhân chuyến sang thăm Việt Nam, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã vượt vĩ tuyến 17 để đến thăm vùng đất lửa Quảng Trị, ông đã đặt chân lên Cứ điểm 241 vừa được giải phóng, cùng với một câu nói bất hủ: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Vậy trận chiến tại Cứ điểm 241 diễn ra như thế nào?     

*

Cứ điểm 241 của Mỹ - ngụy nằm trên địa bàn huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, ở độ cao 241 mét so với mực nước biển, nó được coi là con mắt thần của địch. Chúng tập trung về đây 5 trung đoàn Thủy quân lục chiến, trang bị đầy đủ xe tăng, xe bọc thép, pháo tự hành 175 ly cùng rất nhiều vũ khí khí tài hiện đại, nhằm quyết giữ cho được vùng đất yết hầu này. Bên cạnh đó, Cứ điểm 241 còn yểm trợ cho các cứ điểm khác trên hành lang đông tây như: Cồn Tiên, Dốc Miếu, Bái Sơn, Khe Sanh, Lao Bảo, cùng với mưu đồ là ngăn chặn bộ đội ta từ miền Bắc đưa quân vào Nam. Với số lượng quân đông và hỏa lực khá mạnh như vậy nên chúng rêu rao rằng: Đây là một căn cứ bất khả xâm phạm!

Từ tính chất quan trọng của Cứ điểm 241 án ngữ trên Đường 9 như vậy, nên ngay từ đầu năm 1966, Tư lệnh Sư đoàn 351 đã giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 84 pháo binh quân giải phóng phải đề ra phương án tác chiến quyết tâm tiêu diệt cứ điểm này, với chủ trương là không pháo kích địch từ phía Bắc mà sẽ đánh chúng từ phía Nam, đồng thời yêu cầu bộ đội ta khi hành quân phải tuyệt đối bí mật để tạo yếu tố bất ngờ, vì hướng Bắc là hướng chính mà quân địch tập trung phòng thủ. Sau khi trinh sát đã xác định được mục tiêu, tọa độ và sự bày binh bố trận của địch ở Cứ điểm 241, quân ta bắt đầu triển khai đội hình tác chiến.

Tượng đài chiến thắng tại Cứ điểm 241, Tân Lâm, Cam Lộ - Ảnh: Hồ Thanh Thoan

Tượng đài chiến thắng tại Cứ điểm 241, Tân Lâm, Cam Lộ - Ảnh: Hồ Thanh Thoan

Chúng tôi thuộc trung đoàn pháo tổng hợp, mang vác cơ động gồm hỏa tiễn, DKZ, cối 105 ly và 85 ly, toàn đơn vị đã bí mật hành quân về phía nam Đường 9. Dù phải vượt qua đèo cao vực thẳm, bom đạn địch cày xới, cây cối gãy đổ ngổn ngang, bước cao bước thấp, nhưng các pháo thủ không quản gian nan vất vả, vẫn khẩn trương mang vác pháo vào các điểm cao như: Cù Đinh, Ba Đe, Đồi Không Tên cùng một số điểm phụ cận khác. Nhưng rồi cứ ban ngày bộ đội ta mang vác pháo vào, đến đêm lại có lệnh thu pháo về nơi khởi điểm. Cứ khênh vào vác ra nhiều lần như vậy mà chưa được phát hỏa nên lính ta đã chế lại một câu ca dao rằng: “Con kiến mà leo cành đa, có vài quả đạn vác ra vác vào. Con kiến mà leo cành đào, có vài quả đạn vác vào vác ra”, rồi nhìn nhau không nhịn được cười. Sau này chúng tôi mới biết đó là chiến thuật nghi binh để đánh lạc hướng địch của Bộ chỉ huy.

Mãi đến ngày 4/3/1967 Trung đoàn 84 mới có lệnh đưa quân vào chiếm lĩnh các trận địa chính. Đại đội 14 chúng tôi được trang bị đầy đủ vũ khí khí tài và cơm vắt đủ ăn trong ba ngày. Trên đường hành quân, phải băng rừng lội suối đi dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, đến 17 giờ cùng ngày chúng tôi đã có mặt ở chân đồi 360, nơi ấn định đặt đài quan sát và bộ chỉ huy. Vừa tới nơi thì phát hiện trên đỉnh đồi còn có lính Mỹ, lập tức chúng tôi triển khai đội hình sẵn sàng chiến đấu, phòng khi bị chúng phát hiện. Một lát sau trinh sát về báo cho biết, đó là bọn cố vấn Mỹ thường xuyên đến điểm cao này để thị sát tình hình, hiện chúng đang đợi trực thăng đến đón về thị xã Quảng Trị. Nhá nhem tối, khi bọn Mỹ vừa đi khỏi, chúng tôi khẩn trương lên chiếm lĩnh trận địa, rất may là trên đỉnh đồi này bọn địch đã “đào giúp” công sự cho chúng tôi rồi, nên chiến sĩ ta bớt phần vất vả. Toàn đại đội 14 chúng tôi nhanh chóng triển khai đội hình, đợi giờ G là khai hỏa.

Màn đêm buông xuống, Cứ điểm 241 của địch bắn pháo cầm canh, bỗng nhiên có một quả đạn pháo nổ trên không, mảnh đạn găm xuống đất ngay phía sau lưng tôi, tôi quơ tay thấy còn nóng hổi. Hú vía! Nếu mảnh đạn đó găm trúng người thì không biết điều gì sẽ xảy ra... Rồi giờ G cũng đã điểm, một loạt đạn pháo đầu tiên bay thẳng vào Cứ điểm 241 rất chính xác, trúng mục tiêu, tiếp theo đó là hàng ngàn quả đạn lớn nhỏ của ta từ các điểm cao khác cấp tập lao tới, cả Cứ điểm 241 như một chảo lửa, tiếng nổ vang trời sáng rực một vùng, làm cho quân địch thất điên bát đảo không kịp trở tay. Quân ta đã thực hiện phương châm đánh nhanh, thắng nhanh và nhanh chóng rút lui để đảm bảo an toàn. Khi quân ta vừa dời khỏi các trận địa thì hỏa lực của địch ở các cứ điểm khác điên cuồng câu pháo yểm trợ hòng cứu vãn tình thế cho Cứ điểm 241, nhưng đã muộn! Chúng bắn phá dọc theo các khe suối, ven rừng để chặn đường lui của quân ta. Trong đêm tối mịt mùng, pháo địch bắn trước, bắn sau, núi rừng hiểm trở, nhưng chúng tôi vẫn quyết vượt qua. Cứ thế đi, đi mãi cho đến sáng ngày 8/5/1967 lại thấy quay về nơi hội quân ban đầu, lúc đó chúng tôi mới ngộ ra là mình đã bị lạc đường. Không sao! Những trường hợp lạc đường như vậy vẫn thường xảy ra, sau những trận chiến đấu ác liệt trong chiến trường. Chúng tôi buộc phải dừng chân để định vị lại hướng đi, lính ta lúc này bụng đói cồn cào, lương thực không có, mỗi người chỉ còn sót lại những miếng cơm vắt thiu chua ẩm mốc từ hôm trước, nên đã cùng nhau tranh thủ đi tìm củ chụp, xuống suối để mò cua bắt ốc. Nhưng tất cả không còn gì bởi bom đạn địch đã cày xới tan hoang cả rồi, lác đác bên bờ suối chỉ còn sót lại vài khóm khoai nước dại, anh em bảo nhau lấy về tước bỏ vỏ, thái nhỏ rồi cho vào nồi nấu cùng với những miếng cơm vắt ẩm mốc thành cháo để ăn. Vì đói quá nên mọi người đều háo hức ăn, khi cháo khoai vừa qua khỏi cổ thì cái ngứa bắt đầu hành hạ, ngứa nôn nao cồn cào nên người nào người nấy cứ lấy tay móc họng rồi khạc nhổ mà không khỏi. Mặc dù vậy chúng tôi vẫn phải lên đường để tìm về đơn vị.

Trên đường đi chiến sĩ ta đều mang vác nặng nề, lúc phải đi khom, lúc thì đi thẳng, lúc lội suối, lúc băng rừng, có lúc phải ngồi yên để tránh sự nhòm ngó của máy bay địch. Vừa đi vừa bò vô cùng vất vả, quá mệt nên mỗi bước chân đi cứ cảm thấy như có ai đó níu kéo lại. Đi mãi, đi mãi đến trưa ngày 10/5/1967 mới tìm được về đơn vị. Về tới đơn vị rồi mọi người cảm thấy rất mừng nên cái đói, cái mệt đã tạm thời lắng xuống, cái ngứa ở cổ họng cũng qua đi. Được tin chúng tôi trở về an toàn, thủ trưởng trung đoàn đã kịp thời xuống động viên và thông báo rằng: “Trận tập kích vào Cứ điểm 241 của địch, trung đoàn chúng ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đảm bảo an toàn không ai bị thương vong. Ta đã tiêu diệt hoàn toàn Cứ điểm 241 mà kẻ địch không thể cứu vãn”.

Chiều hôm đó thủ trưởng đã “chiêu đãi” cho mỗi tiểu đội trong đơn vị một hộp thịt 5 lạng và nhắc nhở chúng tôi là không nên ăn quá no, vì đói cóp no dồn rất dễ phát sinh bệnh tật. Đó cũng là kinh nghiệm trong chiến trường của những người đi trước. Niềm vui chiến thắng đã làm tiêu tan đi cái đói, cái ngứa, nhưng cái mệt đã bắt đầu ùa về làm cho hai mắt tôi cứ díu lại. Sau đó toàn thể chiến sĩ trong Đại đội 14 được “lệnh” ngủ bù một giấc, lấy lại sức để ngày mai chúng tôi lại tiếp tục bước vào những trận chiến đấu mới.     

PHÙNG CHÍ CƯỜNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 355

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

12/05

25° - 27°

Mưa

13/05

24° - 26°

Mưa

14/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground