Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Quảng Bình là nhà tôi - Khi rảnh việc nước thì tôi về nhà…

 LTSĐại tướng Võ Nguyên Giáp, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình đã đi xa. Trong niềm thương tiếc vô hạn của đồng bào cả tỉnh, cả nước, nhà văn Nguyễn Thế Tường gửi đến tòa soạn chùm tản văn ghi chép cận cảnh những kỷ niệm thể hiện tấm lòng của vị tướng huyền thoại với quê hương Quảng Bình qua những lần được tiếp xúc với ông. CV. trân trọng giới thiệu với bạn đọc. (Đầu đề do Tòa soạn chọn)

* * *

1. Về quê

Hỡi những ai đã từng xa làng lập thân, lập nghiệp từ thuở thiếu thời, thuở thanh niên, có nhớ chăng cảm giác của một ngày rong ruổi trên đường đời bỗng nhớ về nguồn cội, nơi chôn nhau cắt rốn, nhớ cây đa bến nước sân đình, nhớ mảnh vườn xưa có mẹ già run run đứng đầu ngõ ngóng con, có người cha ngày đêm trầm tư mặc tưởng dõi theo từng bước chân ta…để trở về, trong vinh quang thành đạt hay tàn tạ tủi hờn, thì cũng trở về. Như nhà thơ Phùng Quán, về hôn lên mảnh đất làng tạ tội với quê hương, như nhạc sĩ Phú Quang “vội vã trở về, vội vã ra đi”, hay như lời một ca khúc phương tây “trở về làng con trai yêu nhé, đón gió trong lành nơi làng quê…”…thì sẽ phần nào hiểu được tâm thế của một thanh niên trí thức rời làng từ tuổi thiếu niên, lập nghiệp lập thân, theo vĩ nhân cứu nước, đánh giặc ngoại xâm, dẫu ở chân trời góc biển vẫn luôn hai tiếng quê hương, lúc nào cũng tâm niệm: “Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rảnh việc nước thì tôi về nhà”.

Có thể đó chính là tâm trạng thường trực của đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay trong lần về quê đầu tiên sau chín năm trận mạc, khi quê hương đất nước đã tương đối yên hàn.

Tôi nhớ rõ, năm 1959, một ngày nắng, chớm hè, 10 giờ sáng, thời khắc mà lũ trẻ bảy tám tuổi bắt đầu thấy nóng lưng muốn xuống sông tắm. Làng tôi bên tả ngạn Kiến Giang. Ngay bên kia sông là làng An Xá, quê hương của đại tướng. Hồi ấy, cách sông trở đò, văn hóa làng khép kín, cái tin phong thanh đại tướng về thăm quê chỉ bay đi trước đoàn xe chạy chậm dọc bờ sông chừng vài mươi phút đủ thời gian cho chúng tôi dám nhảy xuống lần đầu tiên vượt sông thỏa mãn tính hiếu kỳ. Con đường bờ sông vốn nhỏ, chỉ đủ cho bốn bánh xe. Chúng tôi, lưng trần đầu ướt nhập ngay vào dòng người cuồn cuộn, chen lấn giẫm đạp cả hàng rào ven đường hy vọng tiếp cận thoáng chốc vài mươi giây chiếc xe của đại tướng. May mắn thay! Với sự cố gắng và nhanh nhẹn con trẻ tôi đã có được vài mươi giây quý giá đó. Đại tướng đứng trên xe mui trần, một chiếc com-măng-ca được tháo bạt. Ông đứng thẳng, mặc lễ phục, đóng quân hàm quân hiệu, tay trái nắm thanh sắt khung xe, tay phải giơ ngang vành mũ, mắt nhìn thẳng nghiêm cẩn chào…đất quê…sông quê…người quê đang háo hức cuồng nhiệt. Trời nắng, bắt đầu nóng, có những dòng mồ hôi chảy từ gáy xuống cổ, ông vẫn đứng chắc trên xe, tay phải giữ nghiêm trên vành mũ kêpi. Khoảnh khắc - chân dung ấy in đậm trong ký ức trái tim tôi suốt thời thơ ấu. Nhập ngũ, mỗi lần chào theo kiểu nhà binh tôi đều bất giác lập tâm lập thế, ngón tay khép lại duỗi thẳng trên vành mũ, mắt nhìn thẳng…Ôi! Chả thế mà Napôlêông (hoàng đế Pháp) đã từng nói: “Trong mỗi người lính binh nhì đều có một viên thống chế”. Tôi không hề có ước mơ làm thống chế, chỉ là tình yêu và tôn trọng quê hương của vị đại tướng dường như đã nhập hồn khiến tôi cũng gắng rèn luyện chiến đấu xứng đáng đứng trong đội quân “ huynh đệ chi binh” của thần tượng - Người anh cả.

Thói quen đứng trên xe mui trần hoặc mở cửa xe giao hòa với nhân dân hình như đã thành phong cách của bác Giáp. Năm 1992, được đi theo đại tướng nhiều ngày tôi đều thấy chỉ trừ trên những quãng đường dài, ở những nơi có đông người chào đón hoặc khi sắp tới điểm đến có người đón, bác Giáp đều vội hạ kính hoặc mở cửa giơ tay chào.

Lần về quê sau cùng khi bác đã xấp xỉ tuổi 95, lộ trình trở ra Hà Nội sức khỏe không cho phép bác đi ô tô, bộ trưởng Đào Đình Bình đặc cách một toa tàu dành riêng cho bác và gia đình. Sân ga Đồng Hới ba giờ chiều, cán bộ và nhân dân đi tiễn khá đông đứng trên sân ga. Tình cờ, tôi theo chị Võ Hồng Anh và chị Hoàng Ái Nhiên cùng lên toa. Tàu chưa chạy ngay mà còn dừng vài mươi phút. Cửa toa đóng kín để giữ điều hòa nhiệt độ. Mặc dù qua cửa kính người dưới sân ga và người trên tàu vẫn nhìn thấy nhau nhưng bác Giáp vẫn tỏ ra rất băn khoăn và kiên quyết yêu cầu mở cửa. Và, khi tàu chuyển bánh, người đi và người ở lại đã thoải mái bày tỏ sự lưu luyến chia tay trong cảnh “ Những bàn tay vẫy những bàn tay/ Những đôi mắt ướt tìm mắt ướt…”

2. Tiếng quê

Thời hiện đại, giao lưu bốn bể, không khó lắm cũng gặp những người xa quê vài năm, vài mươi năm, khi trở về giọng nói đã ít nhiều pha tạp, cũng là lẽ thường. Nhưng, nếu xa nhà chưa lâu mà đã cố uốn giọng trong Nam ngoài Bắc lấy làm sang thì đôi khi gây phản cảm. Mặt khác, nếu ra đi xứ người mà vẫn bảo thủ cách phát âm trọ trẹ khó nghe với vốn từ địa phương tối cổ thì…có khi phải cần tới…phiên dịch. Ra đi từ năm 14 tuổi, giao tiếp với nhiều nền, vùng miền ngôn ngữ văn hóa, thông thạo nhiều sinh ngữ, đến bách niên giai lão bác Giáp vẫn giữ được căn cốt cách phát âm của người Quảng Bình có nắn âm cho tròn vành rõ tiếng nhiều sức lôi cuốn thuyết phục. Có thể gọi đó là một phương pháp “tự chuẩn” bằng cách dung hòa mọi yêu cầu. Trong giao tiếp với người quê hương hay trên diễn đàn quốc gia bác Giáp đều loại bỏ những từ địa phương dị biệt khó hiểu, sử dụng vốn từ phổ thông hiện đại giản dị, tránh dùng từ hoa mỹ thái quá. Nhưng, sâu thẳm trong kí ức nếu được khơi lại cũng có những bất ngờ thú vị. Trong chuyến bác về thăm quê năm 1992, lúc chỉ có Bác, ông Trần Sự và tôi, bác tặng tôi quyển trước tác “Thế giới còn đổi thay, tư tưởng Hồ Chí Minh sáng mãi”. Bác viết đề tặng “Thân tặng anh Trần Tường”. Ông Trần Sự cười vui: “Anh viết như ri là cách chào một mà được hai;  thưa ông tui về đã mụ”. Bác nhìn ông Trần Sự thoáng một nét vui rồi cùng cười, lấy bút sửa lại. Dịp hội văn nghệ dự trại viết văn Đại Lải được đến thăm bác tại tư gia 30 Hoàng Diệu (Hà Nội), đến mục Hò khoan Lệ Thủy do nhạc sĩ Nguyệt Ánh lĩnh xướng cầm cái, bác Giáp chủ động xố và mọi người hòa theo “Ơ hơ khoan ơi là hố khoan ơi hò khoan…” Trong thoáng chốc, một không gian văn hóa dân ca quê hương được thiết lập ngay giữa trung tâm thủ đô. Lại có lần các nhà văn quê nhà được bác sửa chữ trong xưng hô. Nhân đại hội nhà văn toàn quốc, đoàn nhà văn Quảng Bình và Thừa Thiên Huế đến thăm và được hai bác tiếp. Trưởng đoàn đọc lời chào: “Kính thưa đại tướng và phu nhân!”. Bác Giáp ngắt lời: “Đại tướng và cô Hà là được rồi”. Trưởng đoàn lại đọc: “Đoàn nhà văn chúng cháu…”. Bác lại ngắt lời: “Chúng tôi, nhà văn chúng tôi…”. Lời nhắc nhở thẳng thắn thân mật khiến các nhà văn tự tin làm cho cuộc gặp gỡ thăm viếng thoải mái đầy không khí thân tình quê hương gia đình….

3. Thương về Hạc Hải

Những năm đầu của thế kỷ mới này, mặc dù đã qua tuổi chín mươi, bác Giáp vẫn theo dõi và góp nhiều ý kiến xác đáng vào một số vấn đề trong quy hoạch và sử dụng tài nguyên, đặc biệt là môi trường sinh thái. Bác luôn đau đáu về vấn đề  bảo vệ và sử dụng phá Hạc Hải, một vùng nước lợ quý giá rộng tới bốn nghìn ha. Một thời, hạt gạo hiếm hoi, tất cả cho sản xuất lương thực, chúng ta đã làm thủy lợi ngăn mặn, mặc nhiên thay đổi môi trường tự nhiên khiến một số loài động thực vật quý hiếm có nguy cơ giảm sút nghiêm trọng dẫn đến tuyệt chủng, người bình dân mất một nguồn thu nhập từ thiên nhiên ban tặng. Trên diễn đàn và trong các cuộc trao đổi trực tiếp bác đã góp ý cụ thể về vấn đề này. Nhưng rồi, có thể cuộc sống bộn bề nhiều lo toan, tập thể lãnh đạo tỉnh cũng chưa có tác động thực tiễn. Có lẽ sốt ruột sợ thêm một ngày là Hạc Hải dần thêm nguy cơ nên một lần chị Võ Hồng Anh từ Hà Nội vào thẳng đến nhà tôi đề nghị cùng tìm gặp lãnh đạo tỉnh để truyền đạt ý kiến của bác. Tối muộn, tôi cùng chị đến nhà ông Phan Lâm Phương, chủ tịch tỉnh, nối máy để ông Phương tiếp chuyện bác ở Hà Nội. Nhìn thái độ và nội dung trả lời của ông Phương, tôi và chị Hồng Anh đoán được chắc bác Giáp đã sốt ruột lắm. Không lâu sau, khi chị Hồng Anh đã trở ra Hà Nội, ông chủ tịch tỉnh đã chủ trì một cuộc họp các trưởng đầu ngành bàn và đối thoại với nhà báo. Tôi và nhà báo Minh Toản, nhà nghiên cứu Văn Tăng được mời, trao đổi đối thoại khá thẳng thắn, có kết luận khá cụ thể. Cũng không lâu sau đã khởi động một dự án can thiệp có hiệu quả thực tiễn vào quá trình sử dụng phá Hạc Hải.

Dịp về thăm quê dài ngày vào năm 1992, khi nghe trong báo cáo kinh tế - xã hội của tỉnh có điển hình nhân giống cây rừng, bác Giáp liền dành thời gian đến thăm. Ông Lý, một nông dân huyện Bố Trạch và gia đình vô cùng cảm động và tự hào đón đại tướng, phu nhân và đoàn cán bộ tại nhà riêng và trang trại gia đình. Bác Giáp lắng nghe chăm chú cách nhân giống và phát tán cây huỵnh, một loại cây gỗ quý, cùng chủ nhà đi lại khá lâu dưới bóng rợp của vườn huỵnh cổ thụ và vườn ươm cây con. Bác thân tình đề nghị ông Lý điều mà bây giờ ta gọi là “chuyển giao công nghệ”, nghĩa là hướng dẫn và giúp đỡ bà con trong khu vực cùng làm. Cho đến thời điểm ấy, chúng ta vẫn hầu như chỉ quen nhìn bác Giáp trong chân dung và hào quang của một vị danh tướng mà chưa nhớ rằng bác đã từng phụ trách khoa học công nghệ và đã có uy tín lớn trong giới khoa học trên cả nước. Thời trai trẻ, bác đã là cử nhân luật, nhà giáo , nhà báo, hoạt động nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực. Quan sát cách bác tiếp xúc, lắng nghe, trao đổi về việc nhân giống cây rừng, trong tôi mơ hồ như đã gặp một hình ảnh khác, cũng gần gũi thân thuộc và đầy sức thuyết phục. Mãi khá lâu về sau, tôi mới giải mã được hình bóng thấp thoáng gợi nhớ từ tác phong của bác Giáp chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy của các thế hệ cán bộ cách mạng mà bác Giáp là một trong những học trò xuất sắc nhất. Điều đó tưởng cũng không có gì lạ khi mà bác Giáp đã theo Người trong suốt hành trình cứu nước giữ nước, một cách tự nhiên mang phong cách của Người khi về lại mảnh đất quê hương. Kết quả của chuyến viếng thăm cũng như những động thái tích cực của địa phương đã có những thành quả đáng vui mừng: Từ một vườn cây đã thành nhiều khu rừng, những người con của ông Lý ngày nay sở hữu những khu rừng rất có giá trị kinh tế, xây nhà cao tầng khang trang, cuộc sống rất ổn định. Hẳn trong ký ức họ còn lưu giữ hình ảnh vị tướng già đầu bạc đã đến thăm gia đình khi họ còn là những đứa trẻ, cùng thân phụ của họ, tha thẩn dạo vườn trao đổi thân tình như hai người bạn vong niên. Đó cũng là niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có cơ hội gặp được…

4. Quang minh chính đại và bình dị

Cũng trong dịp về thăm quê năm 1992 bác Giáp lên nghĩa trang liệt sĩ thắp hương viếng mộ cụ thân sinh: Liệt sĩ Võ Quang Nghiêm. Năm 1947, cụ Võ Quang Nghiêm bị giặc Pháp bắt đưa vào giam ở nhà lao Thừa Phủ. Sau nhiều thủ đoạn khảo tra không có kết quả, bọn Pháp đã hèn hạ thủ tiêu cụ. Cơ sở kháng chiến của ta ở Thừa Thiên Huế đã bí mật mai táng thi hài cụ dưới chân núi Ngự Bình. Năm 1979, dưới sự chỉ đạo của tỉnh ủy Bình Trị Thiên mà trực tiếp là đồng chí phó bí thư thường trực Thái Bá Nhiệm, chúng ta đã cát táng thi hài cụ về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà trên đồi xã Mai Thủy. Cũng trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, cụ bà được lực lượng kháng chiến đưa ra vùng tự do, sau khi mất được mai táng ở một tỉnh phía Bắc. Sau khi dâng hương lên phần mộ thân phụ trong nghĩa trang liệt sĩ, một mình bác Giáp đi vòng ra quả đồi phía sau tìm nơi cát táng cụ bà. Dịp ấy, đã có ý kiến dè dặt đề nghị để cụ bà yên nghỉ cạnh cụ ông trong nghĩa trang. Với công lao to lớn của đại tướng đối với đất nước quê hương cũng như ảnh hưởng lớn của cả gia đình dòng tộc, ý kiến nhân văn này cũng hữu lý. Nhưng, bác Giáp, với tư cách con trưởng và là cán bộ lãnh đạo đảng, nhà nước đã không đồng tình với gợi ý trên đây mà vui lòng tìm mảnh đất trên đồi sau nghĩa trang làm nơi yên nghỉ của thân mẫu. Sau đó không lâu, tôi được văn phòng ủy ban tỉnh gọi đi quay tư liệu lễ cát táng cụ bà do bác Võ Thuần Nho và chị Võ Hồng Anh lo liệu tại đúng nơi bác Giáp đã chọn. Một mảnh đất nhỏ cho cha mẹ cũng được bác Giáp xử trí phân minh, không lạm dụng uy tín bản thân, thật đáng ngưỡng mộ thay!

Với những chi tiết đời thường thì bác Giáp lại ứng xử giản dị thoải mái. Bác về làng, xuống xe ngay bến nước cách ngôi nhà tổ phụ vài bước chân, lòng xốn xang bao cảm xúc của người con đi xa hàng chục năm nay mới trở về. Vậy mà, khi nghe chúng tôi đề nghị bác và gia đình dừng lại chờ tổ làm phim chọn góc quay cho phim tài liệu “Trở về mái nhà xưa” thì bác rất vui lòng làm theo hướng dẫn như một cụ già hiền lành và dễ tính nhất. Kể cả sau đó, cần cho cảnh quay, bác thoải mái và hết sức tự nhiên diễn cảnh tha thẩn trong vườn nhà, sờ tay lên từng cành khế gốc mít, xuống bến sông khỏa nước cầm chèo… như chưa hề đã từng có gần bảy mươi năm xa làng xóm quê hương bản quán…

5. Trút bực dọc vào ngọn gió

Bác Giáp là con người dĩ công vi thượng, song với quê hương không phải không sâu nặng ân tình. Những năm về già bác có điều kiện về thăm quê nhiều hơn. Tiếng là về thăm nhà nghỉ ngơi nhưng thực ra vẫn lo việc nước việc quê hương với tác phong đầy tinh thần trách nhiệm. Năm 1995, trao đổi với lãnh đạo huyện Lệ Thủy trên bản đồ quy hoạch kinh tế xã hội, bác chú ý từng chi tiết nhỏ, hỏi kỹ những điểm cốt yếu. Sau khi phát biểu trao đổi bác góp ý thẳng thắn “Chủ tịch huyện cần rèn luyện thêm cách sử dụng bản đồ”. Số là, trong khi trao đổi trên bản đồ, đồng chí chủ tịch huyện tỏ ra thiếu nghiệp vụ. Mọi người không ai phát hiện được. Nhưng dưới con mắt của nhà quân sự lỗi lạc, thiếu sót ấy đã thể hiện rõ. Lời nhắc nhở kịp thời và không kém phần nghiêm khắc mà chất giọng vẫn ấm áp thân tình, lạ thay!

Chương trình thời sự VTV1 sáng ngày 7/10/2013, trung tướng Đồng Sĩ Nguyên phát biểu: “Đại tướng là người chưa bao giờ nặng lời với cấp dưới”- Dừng một lát ông nói thêm: “kể cả khi cấp dưới làm sai”. Về đức tính này thì trong thế giới quân sự có lẽ là “độc nhất vô nhị”.

Riêng tôi, tôi đã thấy bác Giáp nổi giận. Có điều, bác bày tỏ sự giận dữ không phải với cấp dưới hay với ai, mà là với… ngọn gió. Đầu tháng tư, khoảng giữa thời gian 21 ngày thăm quê năm 1992, bác Giáp đến thăm đài truyền hình Quảng Bình đóng trên đồi Hải Thành lúc này đang phát sóng bằng máy 100w (100 oat). Thời gian trước đó, tỉnh đã có chủ trương mua máy phát mới nhưng tranh luận giữa máy 1000w(1kw) hay máy 500w(nửa kw) chưa ngã ngũ. Đêm trước, tôi “lẻn” đến nơi bác nghỉ ở khách sạn Nhật Lệ 2 báo cáo với bác việc đó rồi bình luận thêm: “phát máy 500w thì cả huyện Quảng Trạch không xem được mà Bố trạch với Lệ Thủy mỗi nơi cũng chỉ được nửa huyện. Bà con Lệ Thủy nói sẽ chèo đò chở ti vi ra giữa phá Hạc Hải ngồi coi”. Mục đích của tôi là muốn nhờ uy tín của bác gây sức ép để tỉnh mua máy 1kw. Thấy bác im lặng tôi thưa thêm: “Ở tỉnh khác, đài cấp huyện mà cũng đã có máy 2 kw”. Mẹo của tôi đã thành công. Bác lên đồi Hải Thành, nơi đặt đài truyền hình, có ông phó chủ tịch tỉnh phụ trách văn xã Đinh Hữu Cường tháp tùng. Phát thanh viên Kỳ Anh tặng hoa, bác chuyển cho thư ký rồi hỏi ngay:- Đài ta phát máy công suất bao nhiêu? Trưởng đài Quách Mộng Lân báo cáo: - Dạ 100w. Bác lại hỏi: - Bao giờ sẽ có máy phát mới? Sẽ mua máy công suất bao nhiêu? - Dạ, máy 500w ạ! Chỉ nghe đến vậy, Bác đã không kìm được cảm xúc:

- Mua máy 500w thì mấy người dân được xem?! Chỉ tự ái thôi đã không mua rồi. Ở tỉnh ai lo việc này? Đinh Hữu Cường à? Tôi sẽ gọi cho Trần Hoàn ở Hà Nội (Bộ trưởng VH - TT - TT và Du Lịch). GS. Đặng Bích Hà (phu nhân) chen vào:

- Anh sẽ không điện đâu! Rồi GS. quay sang nói với chúng tôi: - Nhà tôi không có quyền, không điện đâu các anh, chị nhé.

 Trên đồi Hải Thành có một cái lô cốt với những bậc tam cấp khá dốc. Bác Giáp cứ bước lên bước xuống ào ào khiến mọi người thót tim chỉ sợ bác ngã. Rồi đó, bác đi ra sườn đồi. Gió chướng đầu hè thổi ào ạt. Bác đứng ngược, nói rất lớn vào ngọn gió, trút tâm trạng bực dọc vào ngọn gió. Khá lâu. Ôi! Vì bảo vệ quyền được hưởng văn hóa thông tin của người dân mà bác đã không kiềm nén được cảm xúc. Nhưng ngay cả lúc đó bác cũng không nặng lời với ai, mà chỉ… Ngọn gió là lãnh đủ…

6. Xin thêm 10 phút! Xin thêm 5 phút!

Lịch trình tiếp khách của bác khá dày. Theo đại tá bác sĩ Huyên thì sau khi nghỉ chế độ bác Giáp tiếp khách nhiều hơn khi làm việc. Điều đó chứng tỏ cái đức của bác lan tỏa rộng và sâu. Dù phải tiếp rất nhiều đoàn trong và ngoài nước, nhưng cứ nghe nói khách Quảng Bình là bác đồng ý tiếp ngay. Có nhiều lúc tôi đi cùng những đoàn nhỏ lẻ quá thì phải tắt ngang, không qua đại tá thư ký mà nhờ chị Hồng Anh xin thẳng với bác. Khỏi phải nói tình cảm đối với quê hương của chị. Thấy người Quảng Bình là chị thích lắm, có bao nhiêu vốn từ địa phương là tuôn ra bằng hết. Được bác Giáp tiếp có khi chỉ là một nhóm văn nghệ sĩ Quảng Bình đang dự trại sáng tác ở Vĩnh Phúc, một nhóm nhà văn Việt Nam người Quảng Bình đang dự đại hội nhà văn tại Hà Nội. Kể cả lần chỉ có anh Hoàng Hùng (phó giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư), anh Thái Thiên và tôi cùng anh Tiến lái xe mà cũng được bác tiếp. Nhiều lần tiếp khách Quảng Bình vui chuyện đều “bị” bác “kéo” lố giờ. Đại tá Huyên là người cẩn trọng, lo bác mệt liền nhắc (hết giờ). Bác Giáp nói (gần như khẩn khoản): - Cho xin thêm mười phút. Hết 10 phút, đại tá Huyên lại nhắc, bác Giáp lại: - Cho xin thêm năm phút nữa. Kết quả là du di kéo dài thêm phải 20 phút, phạm cả vào giờ cơm, giờ thiền, giờ thể dục, giờ…

Ôi, vĩ nhân! Như thể nhìn thấy ở bác cả quả núi mà cũng thấy cả những mầm cây, những giọt nước long lanh trên lá.

Năm 2002, trường THPT Lệ Thủy kỷ niệm 40 năm thành lập. Ngày 25/8, tôi theo đoàn cán bộ huyện đến chúc thọ bác Giáp và ghi hình phát biểu của bác để đưa vào phim truyền thống của trường. Phòng khách 30/Hoàng Diệụ. Sau những thủ tục chúc thọ vừa xã giao vừa đậm đà tình cảm quê hương, đoàn dành thời gian cho tôi. Thông thường, với những phim truyền thống, chúng tôi đặt câu hỏi và ít nhiều gợi ý để đối tác trả lời phù hợp với nội dung phim. Nhưng với các vị lãnh đạo cao cấp thì không thể, buộc lòng tôi phải hỏi nhiều câu mong nhận được ý kiến của bác khớp với nội dung phim đã dựng xong. Có lẽ lo bác mệt nên bất ngờ đại tá bác sĩ Huyên cao giọng muốn ngăn không cho tôi hỏi nữa. Mọi người hơi bàng hoàng ái ngại, nhưng bác Giáp vẫn bình thản nói tiếp. Rất may là tôi đã có được lời bác khớp với mạch phim.

7. Sách thì tôi nhận

Lại nói, với người ở quê ra, hai bác thường ưu tiên gặp. Lần ấy, khoảng năm 2000, có một tác giả quê Quảng Bình mới xuất bản một ấn phẩm có giá trị nghiên cứu văn hóa tối cổ rất muốn tặng bác Giáp nên nhờ tôi giới thiệu. Dù hơi ngại nhưng tôi vẫn ngỏ lời với chị Hồng Anh thưa với bác Giáp. Không ngờ bác nhận lời. Khi chúng tôi đến bác đã mặc lễ phục chuẩn bị tiếp khách nước ngoài nhưng vẫn cùng GS. phu nhân ra phòng khách. Tác giả nọ thưa chuyện rồi lấy ra hai món quà, là quyển sách và…một gói nhỏ khoai deo (khoai lang luộc chín thái lát phơi khô). Tôi tá hỏa, không ngờ ông bạn vàng lại “hồn nhiên” đến thế: ai đời lại biếu khoai lang cho gia đình đại tướng!? Nhưng bác Giáp đã vui vẻ đón quyển sách và nói: - Sách thì tôi nhận, khoai lang thì để cô Hà. Phong cách ứng xử giản dị lịch lãm với khách quê, quà quê như vậy e rằng mỗi chúng ta chỉ được gặp một lần trong đời…

8. Quảng Bình là nhà tôi- Khi rảnh việc nước thì tôi về nhà

Đó là câu nói của đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đỉnh Đèo Ngang trong buổi chiều một ngày cuối tháng ba cách nay 21 năm (năm 1992).

Sau nhiều chục năm công vụ, bước qua tuổi tám hai, đại tướng cùng phu nhân - GS. Đặng Bích Hà và trưởng nữ - GS.TS Võ Hồng Anh về thăm quê. Trong hai mươi mốt ngày ở Quảng Bình, đại tướng thăm nơi chôn nhau cắt rốn, căn nhà tổ phụ, thắp hương viếng mộ cha- liệt sĩ Võ Quang Nghiêm, bị Pháp bắt và thủ tiêu tại nhà lao Thừa Phủ năm 1947, thăm bạn hữu thời tắm sông đọc sách, góp ý với lãnh đạo quê nhà thời ấy còn nghèo khó. Đại tướng thăm bà con nhân dân và làm việc với lãnh đạo năm huyện thị, thăm những danh sĩ địa phương, danh lam thắng cảnh, những vùng kinh tế nhiều tiềm năng chưa được đánh thức. Ở đâu đại tướng cũng được bà con nhân dân từ nam phụ lão ấu đón chào thân tình nồng nhiệt như một người con ưu tú đi xa lâu ngày mới về.

Tôi may mắn được cơ quan cử theo đoàn suốt 21 ngày để quay tư liệu và làm phim tài liệu “Trở về mái nhà xưa”.

Ngày thứ 21, ngày cuối cùng trong kỳ “nghỉ phép” của đại tướng. Trong khi đại tướng nói chuyện với cán bộ nhân dân huyện Quảng Trạch trước khi chia tay trở ra thủ đô thì tôi lại ngồi uống la đà với anh chị em phục vụ và…hơi chuếnh choáng. Chia tay. Ba giờ chiều trên đỉnh Đèo Ngang. Cuối xuân, mưa bay nhè nhẹ. Ngàn mai hoang dại ướt át rơi rụng những cánh vàng cuối cùng. Hoa sim hoa mua đã nở tím đỉnh đèo. Nơi đây, hơn nghìn năm trước (năm 931), vua Lê Đại Hành sai Ngô Tử An cùng ba vạn dân binh mở Thiên Lý Cù từ Cửa Sót (Hà Tĩnh) vào châu Bố chính (Bố Trạch, Quảng Trạch - Quảng Bình) cho vượng khí Đại Việt bắt đầu tràn xuống phương Nam. Nơi đây, in dấu chân người ngựa của các vương triều, danh tướng, danh nhân từ Lê Đại Hành, Lý Thánh Tông, Lý Thường Kiệt, Trần Nguyên Hãn, Lê Thánh Tông, Lê Thần Tông, Trịnh Tráng, Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Ánh… đến Lê Quý Đôn, Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Miên Thẩm, Bà Huyện Thanh Quan… đã để lại những sự tích oanh liệt, những áng thơ văn bất hủ. Thật đúng là vùng “ Non kỳ danh địa” với núi Ngưu Sơn, Vĩnh Sơn, biển xanh trước mặt núi dựng sau lưng trong đôi câu Hán tự rất ấn tượng: “Vĩnh Sơn, Ngưu Sơn. Sơn sơn xuất anh hùng hào kiệt/ Tràng hải, ngoại hải, hải hải đa liệt nữ anh thơ”

Từ Đèo Ngang nhìn ra biển có mũi Rồng, mũi Ông và Vũng Chùa, Đảo Yến tạo thành nơi trú ẩn lý tưởng  cho ghe thuyền khi gặp phong ba bão tố: “Đông Bắc thì dựa Vũng Chùa./ Nồm Nam dựa chụt, bốn mùa như ao”

Đỉnh Đèo Ngang. Đoàn xe hướng ra phía Bắc. Phút giây chia tay không khỏi bùi ngùi. Mọi người ưu tiên vài phút cho “dân” truyền hình:

- Thưa Bác! Đây đã là thước đất cuối cùng của quê hương, xin Bác đôi điều với quê hương.

May cho thằng tôi là trong cơn chuếnh choáng vẫn mở đầu được câu khá chuẩn. Đại tướng nói ngắn gọn với tâm thế của người từng đi nhiều nơi, thẩm nhiều nền văn hóa, kinh tế và với tình cảm của người con quê hương. Câu hỏi thứ hai tôi bật ra ngoài dự liệu:

- Xin Bác một lời hò hẹn ngày tái ngộ.

Bất cẩn quá. Có tiếng cười khẽ của ai đó. Tâm trạng mọi người chênh vênh, hồi hộp. Nhưng đại tướng trả lời ngay, giọng vui vui:

- Tôi có phải gái trai yêu đương gì đâu mà hẹn hò!?- Đám đông bỗng phá lên cười thoải mái vang trời Hoành Sơn, bác Giáp nói tiếp giọng hơi trầm xuống -  Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rảnh rang việc nước thì tôi về nhà…!

- Hơn hai mươi mốt năm đã trôi qua. Buổi chiều đó trên đỉnh Hoành Sơn, nhờ có hơi men kích thích, tôi đã xin phép lấy lệ rồi thả micrô lao tới ôm chặt ông cụ mà lắc lư, lắc lư. Trong cơn phấn khích tôi vẫn cảm nhận được từ cụ ông bát tuần vẫn toát ra nội lực rất mạnh, và, tôi thầm ao ước rằng, cầu mong linh khí trời đất phù hộ độ trì cho cụ sống lâu trăm tuổi…

Từ đó đến nay, đúng như lời “hẹn”, lâu lâu rảnh việc nước là đại tướng lại về nhà. Tiếc là tôi không còn làm báo hình nên không được may mắn đi theo cụ…

Bây giờ thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã rảnh việc nước hoàn toàn rồi và đã…về hẳn nhàtrong ngôi nhà ở đời của mình.

                                                              N.T.T

 

 

NGUYỄN THẾ TƯỜNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 230 tháng 11/2013

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground