Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Âm vang Xê-Băng-Hiêng

C

ó một con sông ở miền Trung, cũng chảy dài theo vĩ tuyến 17, cũng chở nặng nỗi đau chưa cắt hai miền Nam Bắc đằng đẵng suốt hai chục năm trời như dòng sông Bến Hải. Đó là Xê-băng-hiêng. Hai mươi năm lửa đạn, dòng Xê-băng-hiêng đã gánh cả đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại từ lâu hậu phương miền Bắc vắt qua giới tuyến nối vào chiến trường miền Nam. Giờ đây, chàng “hiệp sĩ” Xê-băng-hiêng vẫn trĩu gánh con đường Hồ Chí Minh thời đại để đưa đất nước băng qua đại ngàn, băng qua đói nghèo như đã từng băng qua lửa đạn ngày nào.

Động Mang cao 814 mét trên đỉnh Trường Sơn phát nguyên một mạch nước, chia ra hai dòng. Dòng chảy về sườn Đông thành sông Bến Hải, dòng chảy về Tây qua đất bạn Lào là Xê-băng-hiêng. Xê-băng-hiêng lắm thác nhiều ghềnh, là tọa độ lửa trên đường mòn Hồ Chí Minh năm xưa. Bên dòng Xê-băng-hiêng gần nửa thế kỷ nay, hơn hai ngàn người Vân Kiều của xã Hướng Lập cùng đồn biên phòng Cù Bai kết nghĩa chăn sui, củ sắn để giữ cho con đường Hồ Chí Minh thông mở hàng triệu tấn hàng, hàng triệu bộ đội hướng về miền Nam, mặc cho thám báo biệt kịch, mặc cho mưa bom, bão đạn. Và nay, xã Anh hùng và đồn hai lần Anh hùng cùng chung lưng đấu cật, vượt khó vì sự bình yên nơi biên cương Tổ quốc. Người Vân Kiều Hướng Lập, Cù Bai luôn tự hào vì “bản miêng” là bản Vân Kiều đầu tiên được Bác Hồ phong danh hiện Anh hùng, và cũng là những người Vân Kiều đầu tiên được bộ đội Biên phòng dạy cho cách dùng trâu kéo cày làm ruộng nước.

Trong ký ức của nhiều người Cù Bai là chốn thâm sơn cùng cốc, địa bản xa nhất và khó nhất của tỉnh Quảng Trị. Chỉ mới vài năm trước, muốn lên Cù Bai phải đi chiều hôm trước trên những chiếc xe hai, ba cầu. Ngủ đêm dọc đường. Năm giờ sáng hôm sau lên xe leo dốc, lội ngầm, xin đường vòng qua đất bạn Lào đến 40 cây số, chiều mới tới nơi. Suống Xê-băng-hiêng mùa hè trong mát là thế mà mùa mưa trở thành con quái vật, sôi réo ầm ầm cuốn phăng cả đá, không một phương tiện nào có thể vượt qua. Linh đồn Cù Bai không ai quên những đêm đưa đồng đội đau ruột thừa, sốt rét ác tính qua sông. Cách Đông Hà đến 200 cây số, vừa điện xin xe cấp cứu, vừa gánh bệnh nhân trên vai tuông giữa rừng già mà vừa chạy vừa nghe tiếng gầm của cọp. Nghe kể mà sởn cả gai ốc.

“Yên chí đi. Hôm nay, buổi sáng cứ việc thưởng thức hương vị cà phê đầu mùa của Khe Sanh, thỏa sức mà ngắm các em phố núi. Chỉ ba giờ sau là có mặt ở Cù Bai rồi.. Lại còn kịp “tắm tiên” trên sông Xê-băng-hiêng trước bửa cơm trưa nữa đấy!”. Nghe Đại tá Trần Đình Dũng, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị giới thiệu mà tôi không dám tin, bởi chí ít cũng đã dăm lần đánh vật với những gian khó trên đường ra Cù Bai. Vậy mà đúng thật. Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây ngược từ Khe Sanh theo đường 14A cũng băng qua sân bay Tà Cơn, qua đồi Động Tri, Sen Bụt, vượt lên trên một ngàn thước cao, đến đỉnh Sa Mu quanh năm mây phủ rồi đổ đào xuống Tà Rùng qua Xê-băng-hiêng ra đến Là Ho thuộc xã Ngân Thủy huyện Lệ Thủy Quảng Bình, là nơi khởi đầu con đường mòn Hồ Chí Minh năm 1959.

Chỉ mới mấy năm trở lại mà Cù Bai đổi khác thật nhiều. Chẳng phải chỉ là chuyện đi dọc Trường Sơn mà như đi du lịch, vãn cảnh. Bởi ai dè giữa thâm sơn cùng cốc này hình hài một thị tứ đã phôi thai. Gần một cây số đường thảm nhựa chạy men Xê-băng-hiêng, vòng qua trước mặt trụ sở UBND xã Hướng Lập, trường tiểu học A Xóc, Trạm khuyến nông đều đã được xây hai tầng, rồi bao lấy đồn biên phòng, sạch sẽ tinh tươm như phố thị. Đêm Trường Sơn, cũng ngọn lửa nhà sàn ấy, ché rượu cần lâng lâng và ánh mắt em gái Vân Kiều như dao sức ấy nhưng thấy khong khác xưa là. Cái cảnh đã nửa đêm rồi, đội xung kích của tỉnh khản giọng “hết vốn” mà đồng bào vẫn đốt được đứng chờ không còn nữa. Bây giờ có điện, có loa máy đàng hoàng. Văn nghệ của tỉnh chỉ làm nòng cốt thôi, diễn viên chính là lính, là cán bộ xã và thanh thiếu niên trong bản, là anh em công nhân các đơn vị thi công đường Hồ Chí Minh.

Nhưng cuốn hút nhất, nhộn nhịp nhất vẫn là con đường mòn Hồ Chí Minh đang băng qua Xê-băng-hiêng. Gặp Phạm Quang Tuấn, Chỉ huy công trường của Công ty Vạn Tường thuộc Quân khu 5 đảm nhận thi công đoạn khó nhất từ Cha Ly đi Sen Bút dài 13 cây số, anh kể, kéo quân từ Quảng Ngãi ra vật lộn với cơ man cái khó  từ địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt đến phong tục tập quán. Nhưng nay đơn vị anh đã hoàn thành 85% phần nền và chuẩn bị để thi công mặt đường. Công cuộc mở đường Trường Sơn bây giờ cũng như thời chiến tranh bội phần gian khổ, nhất là đoạn qua khu vực Bình Trị Thiên lắm sông nhiều núi, bão lũ liên miên. Có lẽ vì sự hiểm trở, gian khó ấy mà Nhà nước đã quyết định ưu tiên cho khu vực này có hai nhánh đường Trường Sơn đông và Trường Sơn tây. Nhưng so với nhánh phía đông thì nhánh phía tây này hẳn đã lập kỷ lục về sự gian khó trong nghề thi công cầu đường Việt Nam. Mặc dù đã được ra phá kỹ lưỡng nhưng bom mìn vẫn còn sót lại rất nhiều do thiết bị dò bom mìn hiện chỉ có tác dụng đến năm mét. Chỉ 13 cây số đoạn qua Xê-băng-hiêng mà đã sót lại bảy quả bom lớn, có hai quả loại 500 bảng Anh. Ngắm nhìn đoạn đường treo chênh vênh bên miệng vực thẳm, tôi thực sự thán phục sức vóc và ý chí của những người lính thợ miền Trung. Theo Tuấn thì khó nhất hiện nay đối với các anh là vật liệu cát để đổ bê tông mặt đường. Cát Xê-băng-hiêng nhiều là thế mà không thể dùng vì kém chất lượng. Họ phải mở chiến dịch vận chuyển 25 ngàn khối cát từ Đakrông, ngược đường 9 mà lên, cách xa gần trăm cây số.

Phóng xe êm ru trên đường Trường Sơn, câu chuyện của cán bộ địa phương quanh đi quẩn lại cũng là đề tài: có đường tốt rồi, làm gì để cải thiện đời sống đồng bào đây? Đại tá Trần Đình Dũng quả là người có đầu óc kinh tế và tâm huyết khi nói đến những giải pháp, những dự cảm rất cụ thể, từ chuyện cây, con, học hành đến cơ sở điện, đường, trường, trạm. Nghe anh phân tích về nhu cầu khai hoang để mở rộng diện tích canh tác ở Tà Rùng khi có công trình thủy lợi rồi việc cần phải có chính sách cụ thể để bảo vệ rừng ven đường Hồ Chí Minh đi qua, ngồi trên xe êm ru, không phải lo đánh vật với từng tảng đá, con dốc mới chỉ nhận ra một đoạn Trường Sơn thôi cũng đã đầy tiềm năng. Bởi thế mà tỉnh Quảng Trị “đón đầu” trong Nghị quyết của Đảng bộ địa phương về khả năng mở rộng vùng chuyên canh cây cà phê catimo ra Hướng Phùng với trên 5000 ha, rồi sẽ biến thung lũng Tà Rùng thành một vựa lúa lớn nhất miền tây cùng vùng trồng sắn phục vụ cho nhà máy chế biến trong nay mai. Với “kho” đá vôi hàng tỷ khối xếp thành núi sừng sững cùng phải có dự án mà hóa ra xi măng, đá xây dựng, Rồi thì triển vọng mới nhất là tua du lịch sinh thái, lịch sử đường Hồ Chí Minh. Chỉ một năm nữa thôi, du khách có thể đến Xê-băng-hiêng, không chỉ qua những địa danh nổi tiếng trong lịch sử chiến tranh chống Mỹ như Tà Cơn, Động Tri, Cù Bai, mà còn phóng xe lên ngọn một ngàn lẻ một vén mây trông xuống Đông Hà Cửa Việt, lắng nghe âm thanh rừng già với cơ man là chim, thú, đá, cây.

Miên man những dự cảm về một ngày mai trên Xê-băng-hiêng, tôi vui lây với cuộc chuyện trò của những chàng tài xế. Ai cũng xuýt xoa, nói với nhau mà như với chính mình, rằng sau này chắc chắn họ sẽ làm một chuyến ra Thủ đo trên đường Hồ Chí Minh để được tận mắt nhìn thấy sự hùng vĩ của con đường huyền thoại giữa núi rừng miền tây. Chắc chắn tôi cũng xin theo họ để được qua Xê-băng-hiêng.

Đ.N.H

Đinh Như Hoan
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 95 tháng 08/2002

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground