Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bến đò lửa ngày ấy

H

ầu như đã thành một lối mòn vô thức, mỗi lần có dịp đưa bạn đến Cửa Tùng là tôi lại thủ vai một Guider để chỉ cho họ bãi cát mơ vàng dưới chân những mũi đất ba dan và làn nước biển đổi màu ngày ba bốn bận. Bạn của tôi sẽ bước xuống địa đạo Vịnh Mốc lặng nghĩ về khát vọng và ý chí sinh tồn của nhân gian, rồi trông ra Cồn Cỏ mà mong có ngày được đặt chân đến bốn cây số vuông đầy ắp huyền thoại… Rồi trước khi chia tay, họ đều mỉm cười về một Cửa Tùng tươi trẻ và sung mãn trên đường lên ngôi phố biển. Đường sá, khách sạn, nhà hàng, bãi tắm và cả những làng quê đất đỏ mỡ màu cho cây hồ tiêu đã làm cho cảnh sắc thêm trù phú, hiện đại. Ai tới đây cũng mang theo về một sự ngạc nhiên rằng từ trong đổ nát của chiến tranh, Cửa Tùng thay đổi thật nhanh chóng…

Cho đến một ngày, đứng trên mõm đá cạnh đồn biên phòng, con gái kéo áo tôi: “Bên kia sao chỉ có dương và cát trắng thôi ba nhỉ?” tôi giải thích, đó là thôn Cát Sơn của xã Trung Giang, huyện Gio Linh và một ý nghĩ bâng quơ chợt đến. Trên đôi bờ sông này, Cửa Tùng hay Cát Sơn đều là hai đầu của một tuyến đò lửa thời Nam – Bắc hai miền chia cắt.

Nhắc đến những “bến đò lửa” là nhớ về Cửa Tùng, Cát Sơn những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Gần cửa biển là bến đò “A”, dịch lên đoạn nữa là bến đò “B”. Mật danh là vậy, còn thực tế từ Cửa Tùng, Cát Sơn trở lên phía thượng nguồn đoạn Tùng Luật – Xuân Mỵ chỗ nào cũng là “bến đò lửa”, cũng là những “lối mòn” trên sông Bến Hải dẫn vào chiến trường miền Nam. Bến đò “A” chủ yếu là nơi vượt tuyến ra, vào của cán bộ hoạt động từ sau năm 1954. Đến 1968 chuyển lên bến đò “B” cách đó không xa về phía thượng nguồn. Những “bến đò lửa” trên sông Bến Hải chính là những cánh cửa của tuyến “đường mòn Hồ Chí Minh” ven biển. Chỉ tính từ năm 1968 – 1972, hơn một triệu rưỡi lượt bộ đội, hàng ngàn tấn vũ khí, lương thực, thuốc men, từ hậu phương miền Bắc và bốn trăm ngàn lượt dân quân, dân công hỏa tuyến Vĩnh Linh đã vượt qua khúc sông này vào chiến trường Quảng Trị. Có những đêm gần một trăm năm mươi chuyến thuyền và hơn hai mươi mốt ngàn bộ đội đã qua sông dưới tầm pháo sáng và máy bay giặc. Từ ngày hai miền chia cắt đến khi thống nhất nước nhà, đã biết bao triệu người, bao triệu vũ khí đã qua khúc sông này để tiếp tế cho miền Nam? Và biết bao máu của bộ đội, nhân dân đôi bờ Bến Hải đã nhuộm đỏ khúc sông này? Lão ngư Anh hùng Lê Văn Ban nhà ở gần bến đò bờ Bắc với đôi tay trần và mái chèo gỗ đã đưa hàng trăm chuyến thuyền chở nặng súng đạn từ bến đò “B” vượt gần hai mươi hải lý, len lỏi qua hàng rào tàu chiến, thủy lôi, từ trường dày đặc để tiếp tế cho bộ đội đào Cồn Cỏ. Có lúc bị địch truy sát trôi dạt vô tận Quãng Ngãi, ông cùng đồng đội liên lạc với du kích địa phương, trao toàn bộ vũ khí cho đồng chí miền Nam, rồi tìm đường lên Trường Sơn, quay ra Bắc, trở về làng tiếp tục chèo thuyền chở súng đạn ra Cồn Cỏ. Còn ở thôn Cát Sơn phía bờ Nam, một lão ngư khác là ông Nguyễn Văn Kháng, cứ đêm xuống là vượt qua hàng rào cảnh sát ngụy, bơi qua sông ra Vĩnh Linh nhận nhiệm vụ, nhận tài liệu buộc vào người rồi vượt sông vào tận Mai Xá, Cửa Việt chỉ đạo đồng chí bám dân xây dựng cơ sở từ những năm 1954 cho đến năm 1964. Ông cũng chính là người đã bơi qua sông ra Bắc nhờ bà con Vĩnh Linh đóng cho hàng trăm nắp hầm bí mật để cõng từng cái vào các xã vùng biển Gio Linh cho các chị, các mẹ đào hầm dưới cát nuôi dấu bộ đội…

Tôi tìm đến cái doi cát đầy dương liễu ấy. “Cách nhau chỉ một mái chèo” mà tôi phải loay hoay mãi mới tìm thấy bến của chiếc thuyền máy giữa trảng cát phía bờ Bắc. Một tốp học sinh áo trắng quần xanh chừng mười cô, cậu đã nhiệt tình đẩy giúp chiếc xe máy của tôi xuống bến, lên chiếc đò ngang. Các em là người Trung Giang ở bờ Nam vượt sông qua học ở trường cấp ba Cửa Tùng bên bờ Bắc. Phương tiện duy nhất là con đò này. Khúc sông Bến Hải gần cửa biển, sóng lớn, mùa hè qua lại thế này là khá thuận tiện, nhưng mùa đông gió bấc thì nhiều bữa phải nghỉ học…

Về Cát Sơn, Thủy Bạn lại nhớ không khí đấu tranh, ý chí kiên cường và tấm lòng thủy chung son sắt của người dân đôi bờ giới tuyến trong bộ phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm…” Câu chuyện ấy là của mảnh đất này đây! Những người dân thôn biển nghèo, thiếu cái ăn, cái mặc nhưng lại giàu tình nghĩa với Đảng, với bộ đội. Từ những năm đấu tranh hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam – Bắc, đến phong trào diệt ác, trừ gian, rồi đào hầm nuôi dấu cán bộ… Cũng là một tọa độ lửa trên vĩ tuyến 17, Cát Sơn, Thủy Bạn là nơi hứng nhiều “nguồn” chết nhất trong vùng. Suốt ngày đêm, máy bay tầm thấp xả đạn, máy bay tầm cao dội bom, rồi pháo hạng nặng từ hạm đội ngoài biển, từ căn cứ Cồn Tiên – Dốc Miếu, từ cao điểm 31, từ Cửa Việt… nã liên hồi. Không còn một nóc nhà nào trên mặt đất, không có một ngọn cây nào nguyên vẹn. Vậy mà đêm đêm, bến Cửa Tùng vẫn nườm nượp hàng trung đoàn quân, hàng ngàn tấn súng đạn, vượt sông vào Nam, trên “chiếc cầu” bắc bằng lòng dân đôi bờ Bến Hải.

Ngay tại cái doi cát đầu thôn Cát Sơn, một cây cầu bê tông cốt thép đang bắt đầu hình thành. Cầu Cửa Tùng bắc qua sông Bến Hải dài gần năm trăm mét, nối liền các xã Vĩnh Giang, Vĩnh Quang của huyện Vĩnh Linh ở bờ bắc với các xã Trung Giang, Gio Hải của huyện Do Linh ở bờ Nam. Cây cầu được thi công theo công nghệ đúc hẫng hiện đại đã sắp đến ngày hợp long. Từ trên thượng nguồn nhìn về hay từ biển trông vô, hai dầm cầu từ đôi bờ như hai cánh tay miền Nam – miền Bắc lực lưỡng mà mềm mại đang vươn chìa về phía nhau. Từ hôm khởi công đến nay, nhiều người Cát Sơn cứ sáng ngủ dậy là chạy ra sông xem hai “cánh tay” ấy đã sắp “cầm” lấy nhau chưa. Anh Dương Song Dinh, phó chủ tịch UBND xã Trung Giang, huyện Gio Linh nói vui nhưng không dấu được xúc động: “Hắn” mà “nắm” lấy được nhau thì bà con Trung Giang tui đổi đời liền. Sướng thiệt!” Có lẽ hiểu được khao khát thiêng liêng đó của đất, của người đôi bờ Bến Hải mà các lực lượng thi công đã cố hết sức. Thi công cầu Cửa Tùng không dễ. Chẳng phải công nghệ hiện đại mà là địa chất, thủy văn nơi đây khá phức tạp. Sông rộng, kề ngay cửa biển, lại là vùng tọa độ lửa năm xưa bom đạn ngổn ngang còn vùi lại dưới lòng sông. Chỉ mới qua mấy trận bão, tổn thất về thiết bị, phương tiện và vật tư trên công trường đã không phải ít. Nhưng nhất định cuối năm nay cầu sẽ thông!

Hơn ba chục năm rồi, cái cồn cát trắng đầy bom đạn của những cụ, những mẹ năm xưa chong mắt thâu đêm canh đường cho bộ đội vượt sông, nhường bát gạo cuối cùng cho thương binh, tháo cả nhà lấy gỗ làm hầm che dấu cán bộ… không chỉ đã hồi sinh mà còn khác xưa nhiều lắm. Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Giang Trần Phong Bản cho tôi biết, hiện có 97% hộ có nhà xây kiên cố, 100% số hộ được dùng điện lưới quốc gia, hơn 70% số hộ đã có mức sống trung bình trở lên. Có những ngư dân đã thành ông chủ, mỗi năm thu nhập gần một trăm triệu đồng…Giờ đây, Trung Giang đã xác định hướng phát triển kinh tế của xã là đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản và làm nông nghiệp. Sau nhiều năm điều chỉnh, người Trung Giang đã bắt đầu thích nghi với ngành nghề đặc trưng của vùng có cả cửa lạch, bãi ngang và đồng ruộng, đất màu để mở mang ngành nghề, lựa chọn cơ cấu cây, con phù hợp với điều kiện địa phương. Hết đói rồi, nhưng người dân Trung Giang, dù ở vùng cửa lạch Bắc Sơn, Nam Sơn hay bãi ngang Thủy Bạn, Cang Gián, Hà Lợi Trung vẫn còn khó khăn lắm. Đất nước nghèo, quê hương còn khốn khó, người dân kiên cường của vùng quê cách mạng Trung Giang giờ đây vẫn chưa được ấm no, hạnh phúc như khát vọng bao đời.

Xuôi thuyền trên sông Bến Hải ra Cửa Tùng, cảnh sắc đôi bờ thật đẹp. Nhưng bức tranh đôi bờ trên “bến đò lửa” năm xưa vẫn còn khác nhau, một bên đã có dáng hiện đại, còn một bên vẫn nét hoang sơ. Một bên đã khá khang trang với hệ thống đường thảm nhựa nối từ Quốc lộ 1A về khu du lịch Cửa Tùng, khu di tích địa đạo Vịnh Mốc, nhà hàng, khách sạn cao tầng tấp nập du khách, đặc trưng của một phố biển. Còn bên này vẫn chưa có một mét đường nhựa, hương lộ còn đỏ quạch màu đất. Mùa nắng bụi mù trời, mùa mưa bê bết lấm, còn lũ lên là tắc lối.

Nhưng đổi lại, Cát Sơn, Thủy Bạn có một tiềm năng to lớn về du lịch biển đang đợi ngày khai thác. Và vẻ đẹp hoang sơ của biển Trung Giang đang bắt đầu trở thành đề tài thời sự của các câu chuyện đầu tư ở địa phương. Cả một bãi cát trắng phau bên chân sóng, men dài theo rừng dương xanh thẫm. Mỗi buổi chiều hôm, ngồi tựa gốc dương già sù sì vết sẹo của đạn bom trên sườn động cát trắng mà phóng tầm mắt ra biển để ngắm nhìn đảo Cồn Cỏ như con rùa vàng đang bơi lên phương Bắc, hay ngoảnh nhìn những mũi đất đỏ au ven bờ Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch, Vĩnh Quang như một chiếc lược chải vào mái tóc của biển mà nghĩ về những câu chuyện truyền thuyết xa xưa… Khi chưa có đường giao thông thì đây là chốn vùng sâu, vùng xa không ai nghĩ đến. Nhưng nay mai, cầu Cửa Tùng thông xe, tuyến đường du lịch thảm nhựa nối thẳng từ đường xuyên Á về Cửa Việt qua Gio Hải đến Cửa Tùng hoàn thành, chắc chắn Cát Sơn, Thủy Bạn sẽ là “điểm đến” thực sự hấp dẫn. Cây cầu bắc qua cửa biển và tuyến đường thảm bê tông nhựa thênh thang chạy ven bờ cát chính là những đột phá quan trọng để vùng bờ nam Cửa Tùng mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn. Dẫu “đi trước về sau” nhưng Trung Giang đã có thể bắt đầu sang một trang mới để vẽ lại vóc dáng quê hương sau hơn 30 năm giải phóng.

                                                                                       H.A 

An Hoa
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 141 tháng 06/2006

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground