Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Biên giới đường xa

T

rên địa bàn thôn A Xóc của Hướng Lập, đồn biên phòng 605 Cù Bai nằm lọt giữa một vùng rừng núi hùng vĩ và khoáng đạt, sơn kỳ thủy tú. Núi Parai sừng sững trước mặt như một tấm bình phong xanh ngắt khổng lồ, thế vững chãi, uy nghi, đổ bóng xuống những nếp nhà chiến sĩ. Ngay dưới chân núi, sông Xêbănghiêng như một đường kẻ trong xanh, lửng lơ chảy giữa thế giới trầm mặc thâm nghiêm của rừng đại ngàn. Một con sông đặc biệt, không đổ về Đông như lẽ thường mà nhắm thẳng hướng Tây, chảy ngược sang đất Lào. Trên địa bàn biên giới của Hướng Hóa, các con sông thường có những định mệnh lạ lùng: Nếu sông Sê-pôn của vùng Lìa mang ý nghĩa một lằn ranh, một đường phân cách thì Xê-băng-hiêng lại như một nhịp cầu, hay một sợi chỉ buộc chặt mối tình thâm hai nước. Cũng không có gì khác biệt, chúng đều là những con sông chung của hai dân tộc, đều tắm mát cho người Lào - Việt ở hai đầu và hai bờ sông…

Cũng như những người lính ở các đồn 609 Sen Bụt, 617 A Dơi, các chiến sĩ của đồn biên phòng Cù Bai mà chúng tôi gặp đều có cái vẻ trẻ trung, giản dị, cởi mở và dễ gần. Chiếm số đông trong 53 cán bộ chiến sĩ của đồn là các gương mặt trẻ. Vậy mà họ cũng đã có thâm niên ít nhất vài năm ở núi rừng. Nói về cái gian khó của người lính nơi biên cương, tưởng ở đâu cũng có, nhưng cái gian khó riêng của những người lính Cù Bai - Hướng Lập lại không hoàn toàn đơn giản như người ta hình dung. Thiếu tá, phó đồn trưởng Võ Văn Hiền kể: Đồn biên phòng Cù Bai chúng tôi quản lý một chiều dài 25 km đường biên, tất cả đều chạy trên một địa hình rừng núi vô cùng hiểm trở. Để làm nhiệm vụ tuần tra biên giới, chúng tôi phải men theo các khe suối, vượt núi, vừa đi vừa kiểm tra xem xét, phát quang ở cột mốc. Cứ thế, cũng phải mất từ 2 - 3 ngày mới đi hết đường biên. Để đến điểm họp giao ban với đồn biên phòng 601 Quảng Bình, chúng tôi cũng mất chừng ấy thời gian đi bộ đường núi. Nhưng đóng quân trên một địa bàn vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn nhất như Hướng Lập, chừng đó còn chưa phải là tất cả. Đặc điểm của Hướng Lập là xã có diện tích rộng lớn nhất của tỉnh, với 21.127 ha, cỡ gần một huyện đồng bằng, địa hình lại hiểm trở, chia cắt, hết sức phức tạp. Dân cư thù sống rải rác, thôn cách thôn từ 30 - 40 km đường núi non, mỗi lần về bản chúng tôi cũng phải mất cả mấy ngày. Ở bản Cuôi, địa bàn xa đồn nhất và có tình hình an ninh phức tạp nhất (trước đây vốn có nhiều lâm tặc vào khai thác gỗ và đào đãi vàng trái phép), cũng là địa bàn có đông học snh bỏ học nhất (68 em), đồn thường xuyên cử cán bộ về cắm chốt ở địa bàn. Ba chiến sĩ của đồn đã ở lại đây một thời gian dài để mở lớp xóa mù cho các em học sinh. Nhiệm vụ của lính biên phòng chúng tôi còn nặng nề lắm, khi mà đời sống của bà con ở đây phần đông vẫn là đói nghèo (180/328 hộ thiếu đói), tư duy sản xuất hết sức thấp kém, lạc hậu. Để giúp họ thay đổi hẳn nhận thức vươn lên XĐGN và làm chủ cuộc đời mình, đó mới là thử thách lớn nhất, trên tất cả…

Quả thật, làm "lính thời bình" như các chiến sĩ biên phòng ở đây cũng không dễ chút nào. Các chiến sĩ trẻ trong đồn kể cho tôi nghe chuyện đi mua hàng, về phép, hay ra thị trấn huyện lị của lính Cù Bai: "Mỗi lần như thế, chúng tôi cứ ba lô trên lương, đi bộ hơn 30 km ra Hướng Phùng nhé, chỉ ở đây mới có xe ra thị trấn. Ra đến Hướng Phùng, mỗi cuốc xe ôm đi Khe Sanh cũng mất 120.000 đồng/ người. Nhưng còn đi được đã là may. Mùa mưa, nước Xê-băng-hiêng dâng cao, cuồn cuộn lũ, có khi cả tháng ròng lính Cù Bai chúng tôi không thể đi ra khỏi địa bàn, cứ như trong ốc đảo vậy…"

Ở nơi đây, gần với mây ngàn và núi non, cuộc sống thiếu hẳn những tiện nghi cần thiết, và lại muôn vàn gian khó, những người lính trẻ có lúc nào chạnh lòng nhớ về cái thế giới nhộn nhịp, sôi động bên ngoài? Tôi bất giác tự hỏi điều này khi nhìn một anh lính trẻ đang kiên trì tập cho con chim nhồng của mình gọi tên: "Xuân ơi, Xuân ơi". Cái tên của người bạn gái chăng? Nhân lướt qua các tờ báo tường của lính Cù Bai, tôi đọc thấy rất nhiều nỗi nhớ, nhiều mơ ước, thậm chí cả những thoáng buồn vu vơ, nghĩa là rất nhiều tâm sự mà các anh lính trẻ đã ký gửi vào đó. Có những câu thơ như thế này: "Nếu yêu lính biên phòng thì em đừng trách anh chiều thứ bảy/ Họ sánh vai trên đường phố đông người/ Chạnh lòng anh với nỗi nhớ khôn nguôi…". Thế là lính đã trải lòng mình ra rồi đấy, không biết cô gái của thị thành nọ có nghe thấu được những lời này không?

Chiến sĩ Nguyễn Hữu Thâm, quê ở Vĩnh Kim, Vĩnh Linh kể với tôi: "Mỗi năm có bốn mươi ngày phép thì để về  đến nhà, lính Cù Bai như chúng tôi đã mất hai ngày trên đường. Thêm hai ngày để ở lại nữa là mất đứt bốn ngày. Ba mươi sáu ngày còn lại không đủ để tìm hiểu và lấy ai đó làm vợ. Vợ vào thăm chồng cũng vậy, vượt qua con đường gian nan này để vào tới đồn, chị em ai cũng hãi. Ba mươi sáu ngày lính ở quê hương, tìm vợ đã khó, giữ cho vợ không chán mình cũng khó muôn phần…"

Tôi bật cười:               

- Tại sao lại thế? Các anh phải tin vào hậu phương chúng tôi chứ?

Nguyễn Hữu Thâm cũng cười nói tiếp:

- Nói vui thế thôi chứ trong thực tế cũng có nhiều đều thú vị lắm. Nếu không thế thì chúng tôi làm sao có đủ sức mạnh để an lòng ở lại cái nơi xa xôi và heo hút đến thế này?

Thâm kể, chiến sĩ Lê Văn Hiền (quê Do Linh), vừa được đón vợ và con gái đến cùng ăn tết tại đồn. Cái tết của đồn vì vậy mà vui lây vì có bóng dáng phụ nữ và trẻ nhỏ trong cái thé giới đơn sơ, lộc ngộc của cánh đàn ông trong đơn vị. Còn anh Hồ Ngọc Vinh, người dân tộc Vân Kiều, chiến sĩ cua đồn có vợ là giáo viên Tiểu học ở Tà Rụt (cách Hướng Lập trên 100 km). Hai vợ chồng đều "cắm chốt" trên những địa bàn vô cùng khó, thuộc loại xa xôi nhất tỉnh. Thế mà, ở đầu nỗi nhớ bên kia, người vợ trẻ đã viết thư động viên chồng ở lại vui tết cùng đơn vị. Bức thư kèm bốn câu thơ do chị sáng tác, ngoài nội dung chúc tết còn là lời giao hẹn với chồng, xem ai làm nhiệm vụ của mình tốt hơn và đạt thành tích nhiều nhất trong năm mới này… Có lẽ, chính từ những niềm vui, niềm hạnh phúc rất giản dị và cảm động ấy mà những người lính biên phòng nơi đây có đủ sự tự tin, ý chí và sức mạnh cần thiết để ở lại với nùi rừng, với công việc đầy gian truân của mình. Tôi không thấy những tia nhìn chán nản hay ủ dột trên những gương mặt rất trẻ, rất vô tư và yêu đời của họ. Niềm tin chắc chắn là sức mạnh, tôi thấy điều này khi nghe kể có những người như thượng úy Trần Hữu Sơn, trong vai trò trưởng trạm Cù Bai (cách đồn 8 km đường núi hiểm trở) đã tám năm ở lại với Hướng Lập, vẫn cần mẫn và kiên trì với phần việc của mình. Có thể hai đến ba năm nữa, khi lên Cù Bai, chúng tôi lại được biết rằng Sơn vẫn còn ở đó, như một cột mốc không lung lay trên đường biên. Vâng, có thể lắm chứ! Anh Võ Văn Hiền cho biết, những người đã có thâm niên năm đến sáu năm công tác ở Cù Bai chiếm đến 1/4 quân số đơn vị. Họ đã ở lại với đường biên. Điều này cũng có nghĩa là sức trẻ và lòng nhiệt tình vẫn chảy mạnh mẽ trong máu, trong tim những người lính. Có thể thấy rất rõ điều này trong câu thơ tráng chí, đầy tự hào trên tờ báo tường của chiến sĩ Cù Bai.

"Nếu biên giới là vóc hình Tổ quốc

Thì tôi đứng đây là những chân trời…"

Cù Bai. Tôi chỉ ở lại đây có một ngày đêm ngắn ngủi trong hàng ngàn ngày đêm mà những người lính như các anh Hiền, Sơn, Thâm, Vinh… đã trải qua. Một cách thành thực nhất, tôi không hề dám nhận rằng mình đã được biết nhiều điều về họ - về những gian lao vất vả, công việc thầm lặng, cả những vui buồn, ước mơ, hạnh phúc của họ. Tôi chỉ tin chắc một điều, là người lính biên phòng, họ sống trong sáng, giản dị, đầy sức trẻ và tự tin, với một tâm hồn khỏe mạnh và một trái tim yêu cuộc đời. Như dáng núi Pari, như sông Xê-băng-hiêng…

T.T.H

Trần Thu Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 93 tháng 06/2002

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground