Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cam Lộ yêu thương

Số phận đã đặt tôi vào mảnh đất này như sự hội ngộ lứa đôi sâu sắc và bền chặt. Em, con gái vùng Cùa, mặt tròn da trắng, má lúm đồng tiền, đã hút hồn tôi ngay lần gặp đầu tiên tại Trường Trung cấp sư phạm Quảng Trị. Thế nhưng, phải đến ba năm sau, tôi mới gặp lại em ở cổng chợ Đông Hà. Tôi từ chợ ra, bất ngờ gặp em đang đi vào tay dắt một bé gái xinh xắn. Ngờ ngợ, tôi chỉ nhìn em rồi bước đi. Nếu như không có cái cảm giác xôn xao bất chợt thì chắc tôi sẽ không quay trở lại chợ thị xã đang độ đông đúc để tìm em. Mai, Hoàng Mai ở Cùa phải không? Tôi hỏi.Vâng, em là Mai Cùa đây, còn anh có phải là... bộ đội ở gần Trường sư phạm không? Em vừa nhỏ nhẹ trả lời vừa hỏi.Đúng, tôi là Quý, người cùng quê với Hiên bạn em, tôi đã gặp Mai một lần ở Trường sư phạm... Nghe tôi nói, em gật đầu ghi nhận. Lạ kỳ rứa đó, chính từ lần gặp tình cờ và cũng khá bất ngờ này cuộc đời tôi và em đã gắn bó với nhau, từ nụ hôn đầu tiên trên cỏ mật đến đằng đẵng một năm xa nhau khi tôi đi học sỹ quan và tới đám cưới nhà binh được tổ chức giản dị nhưng vui vẻ ấm áp tại đơn vị tôi. Hai mươi lăm năm rồi, em và tôi là vợ chồng của nhau. Lúc đầu gối tay ấp tấm chiếu Nga Sơn mét hai vẫn còn thừa một nửa, khi chia xa biền biệt, thuở mái tranh vách đất, thời tường gạch mái bằng, rồi ở nhờ nhà Tạp chí Văn nghệ quân đội ở 4 Lý Nam Đế, Hà Nội, đói no, buồn vui, may rủi... đều thương nhau hết mực. Người ta bảo con gái tuổi Kỷ Hợi là chung thủy với chồng lắm. Qua em, tôi tin điều đó. Qua em, tôi có thêm một miền quê hương nghèo khó nhưng con người thơm thảo, mộc mạc và lạc quan; đó là Cùa, là Cam Lộ yêu thương.
 

     Từ đường Chín vào Cùa chỉ non mươi cây số nhưng một nửa là đường đèo. Núi không cao lắm nhưng đường quanh co, khúc khuỷu. Ngày xưa đèo Cùa này được gọi là đèo Vắt. Cái thời cây cối rậm rạp, lối mòn in dấu cọp beo, hoẳng tác bên tai, gà rừng bay qua đầu người, sên vắt nhiều như lá đã xa lắc xa lơ vì bây giờ đường nhựa rộng thênh mềm mại uốn lượn qua đèo Cùa. Tên vẫn xưa và cảnh đã khác, nhưng với em và tôi bao kỷ niệm thời hàn vi lãng mạn vẫn còn thấp thoáng lưng đèo. Mây trắng. Ráng hồng. Trái sim chín trước tháng ngâu. Hoa lau bạc se gió chạp. Con suối chảy lấp loáng dưới chân đèo. Gió Lào thổi ồi ồi qua vai áo. Tiếng chim lũng núi. Tất cả, vẫn còn đây gợi nhắc trong tôi những kỷ niệm ngọt ngào bâng khuâng khi về Cùa. Góc đồi này tôi và em thẩn thơ đi hái sim chiều. Khúc đèo này tôi đuổi theo ngọn gió tinh nghịch nhặt lại chiếc nón lá cho em. Bãi cỏ giêng hai này tôi đã dành cho em cái hôn nghẹt thở. Và, những cơn mưa dầm dề sau mùa nắng cháy làm cho đất đỏ dính bết giày dép, bánh xe, vào Cùa phải chuẩn bị sẵn mấy que xoi bùn nếu không thì dở khóc dở cười. Đất mến người. Dân Cùa thi vị hóa đất quê mình. Mai cũng đã bảo tôi đất quê em mến người dễ sợ. Tôi, cũng lãng mạn không kém cạnh, đưa cả mưa, cả đất đỏ vào thơ. Có lên Cùa anh nhớ tránh khi mưa/ Bởi khi mưa đất mến người lắm đấy/Anh còn nhớ có lần em bảo vậy/ Để hôm nay anh lại đến với Cùa/ Nỗi niềm chi đèo trắng cơn mưa/ Người ướt áo lại quanh co đèo dốc/ Ngó về quê em quên mệt nhọc/ Qua hết đèo gặp chân núi lúa xanh...

     Qua hết đèo ta gặp gỡ một vùng thung lũng đất màu mỡ đỏ au là hậu duệ của những dòng nham thạch thời hồng hoang thăm thẳm. Xóm mạc quây quần. Tiêu, chè, chuối, sắn tươi tốt. Người ở giữa cây xanh, cây lên lộc kết trái bên người, cuộc sống an nhiên và hòa thái, nhiều yên tĩnh, ít ham hố tham lam. Ruộng lúa chân đồi. Bàu ao ven xóm. Hạt tiêu xứ Cùa có vị cay không gắt và thơm. Sớm sương, người đi chợ nói cười râm ran. Cuối chiều, tiếng mõ trâu lốc cốc kiệt xóm. Cưới xin, giỗ chạp cũng là dịp dựng rạp mời làng, tuy tốn kém một chút nhưng được cái đoàn tụ hàn huyên rộn rảng.

     Đến thời kinh tế thị trường như bây giờ, may thay cái chất chân mộc của cuộc sống ở đây vẫn được giữ gìn. Nét văn hóa thôn quê đầm ấm, trọng nghĩa trọng tình vẫn là chủ đạo. Không phải sống bon chen hối hả đến ngột thở như ở các thành phố lớn. Dòng đời chậm chậm trôi, con người từ từ sống với cỏ cây ruộng rẫy vườn tược, xóm mạc họ hàng. Gặp nhau hỏi chào xởi lởi. Cùa- một dấu lặng trong cuộc sống xã hội sôi động hiện thời. Chẳng biết có lẩn thẩn không, khi mệt mỏi ngột ngạt với bầu không khí Hà Nội tôi lại nhảy xe tua vào quê mình, quê vợ để được tận hưởng cái yên tĩnh xóm mạc, ăn bát canh rau lang phảng phất mùi ruốc bể do em gái nấu hay dùng món mít thấu do mẹ vợ tôi làm.... Thế đấy, gần mười năm sống Thủ đô tôi cũng chẳng quen lắm cuộc sống đô thị và cũng chính vì thế mà những lúc buồn tôi hay nhớ lại thời sống ở Cùa, Cam Lộ.

      Tôi thương mảnh đất này như thương quê hương Bố Trạch, Quảng Bình quê mẹ dấu yêu. Trên nồng nàn đất đỏ ba zan vùng Cùa chúng tôi đã dựng lên một ngôi nhà nhỏ bé. Gỗ rừng, mái tranh, vách đất. Đơn sơ như ước mơ của chúng tôi ngày mới cưới nhau. Ba đứa con của tôi đã lần lượt ra đời trên mảnh đất này, nhúm rau cuống rốn của chúng được vùi xuống mấy gốc cau sau nhà. Hòa tan trong đất đỏ ấy một phần máu thịt của con tôi. Những tháng năm thiếu thốn, vất vả của thời bao cấp, lương cấp úy của tôi, lương giáo viên tiểu học của vợ không trang trải đủ cuộc sống gia đình. Vào thời thóc cao gạo kém, vợ chồng tôi xin đất trồng sắn cấy lúa. Để có thêm đồng tiền mua cá, mua thịt cho con, vợ tôi soạn một gánh hàng xén tranh thủ buổi sáng bán ở chợ Cùa. Lời lãi chẳng được là bao, đêm đêm phải kẽo kẹt mài sắn, lóng bột để bán thêm. Rồi nấu rượu, nuôi lợn. Trúng lứa lợn phàm ăn chóng lớn lên cân vùn vụt vợ chồng vui như Tết. Đêm khuya, còn cầm đèn dầu ra chuồng ngắm lợn. Gặp trận dịch, lứa lợn choai ngã bệnh phân chảy tong tong, vợ chồng nẫu ruột, đôn đáo tìm thuốc chữa cho nó. Dân làng cũng sắn ủ măng chua, đầu tắt mặt tối ruộng nương. Nhưng bà con láng giềng thương quý vợ chồng con cái chúng tôi lắm. Hầu như chưa có ai trong xóm nặng lời với vợ chồng tôi. Con cái tôi đau ốm không ai không đến thăm hỏi. Tối lửa tắt đèn í ới kêu nhau. Nhà không kín cổng cao tường mà yên ổn vô cùng. Mười mấy năm xa nay trở về Cùa dân làng còn nhớ tên để chào. Bài thơ Đến Cùa tôi làm từ thời trai trẻ đến bây giờ nhiều người còn thuộc. Gặp nhau, sau đôi chén rượu quê có người lại hứng khởi ngâm nga Đến Cùa cho tôi nghe. Một vùng quê nặng nghĩa tình như thế, thử hỏi tôi làm sao quên được. Nước mắt cứ chực trào ra khi nhắc lại cái thời hàn vi. Khổ, mà chẳng mấy khi nhụt chí nản lòng càng không u sầu trầm cảm như bây giờ. Ngẫm ra, sung túc chưa chắc đã an lòng, giàu sang chưa hẳn đã thanh thản, người lắm tiền nhiều của và người đủ ăn chưa biết ai đã sướng hơn ai. Tình người chân thực làm cho cuộc sống ấm áp hơn. Tôi sẵn sàng chọn một cuộc sống đủ ăn, đủ mặc nhưng chứa chan tình cảm con người  như ở chốn sơn địa khuất nẻo này.

     Hơn mười năm gia đình tôi ở Cùa, nơi từng là kinh đô kháng chiến của Vua Hàm Nghi. Cũng gần ngần ấy thời gian sống ở thị trấn Cam Lộ, nơi Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam từng làm việc. Và nay, sống giữa lòng thủ đô Hà Nội. Cũng bởi cái điều ấy mà khi trà dư tửu hậu tôi đã có lúc cao hứng mà rằng: số tôi là phải sống ở Thủ đô. Những "thủ đô" gắn với những bước đi của lịch sử dân tộc. Tân Sở ở Cùa là "thủ đô" của phong trào Cần Vương. Tuy rằng nó mang tính chất biểu tượng nhiều hơn là thực tiễn. Thị trấn Cam Lộ là "thủ đô" của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, dù rằng nó chỉ mang tính sách lược của cách mạng. Hai lần từng là trung tâm của những cuộc kháng chiến ái quốc, Cam Lộ ghi dấu tích lịch sử bi tráng, như biểu tượng sinh động của lòng yêu nước quật khởi.

     Giữa lòng thị trấn có nhà bia tưởng niệm 108 chiến sỹ hy sinh trong trận đánh chi khu Cam Lộ vào tết Mậu Thân năm 1968. Trận tấn công của ta bị tổn thất nặng nề, xác bộ đội nằm rải khắp nơi, sáng mồng ba tết địch dùng dây kéo về hất xuống con hào sâu hơn hai thước rồi dùng máy ủi lấp lại. Đau hơn, là đối phương còn lát ghi sắt lên trên làm bãi đổ của máy bay trực thăng. Hết chiến tranh, thị trấn là một vùng đất trắng hoang vu lạnh lẽo. Không ai biết hài cốt các anh nằm ở đâu. Nhà tôi và hầu hết các nhà ở thị trấn Cam Lộ đều lập thêm bàn thờ ngoài trời, vào dịp mồng một ngày rằm, lễ tết thắp hương cho người đã khuất. Cam Lộ từng là chiến địa đẫm máu, không hiếm những hài cốt chưa được mồ yên mả đẹp, những linh hồn lang thang trong gió sương. Mùa mưa năm 1991, anh Đinh Ngọc Hoàng, thợ chữa xe đạp trong khi đào hố trồng cây ở vườn nhà mình đã gặp ba bộ xương người với một đôi dép cao su, một tấm dù hoa, một chiếc bàn chải đánh răng trên cán còn khắc hai chữ Hồng Hà... Qua kiểm tra thì đây là thi hài của các đồng chí ta thuộc Sư đoàn 320 hy sinh trong trận tấn công chi khu Cam Lộ tết Mậu Thân 1968. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cơ quan quân sự Huyện tổ chức mở rộng khu vực tìm kiếm hài cốt liệt sỹ ta nhưng không phát hiện được gì thêm. Một nhà bia tưởng niệm 108 liệt sỹ được dựng lên nơi anh Hoàng tìm ra ba hài cốt bộ đội ta, đêm đêm ngan ngát khói nhang. Vợ chồng Hoàng được Huyện giao cho công việc chăm sóc hương khói Nhà bia. Hoàng, đi bộ đội về tay trắng, lấy Mai con nhà khó của nả chẳng có gì, hai vợ chồng dựng quán sửa chữa xe đạp, tính hòa nhã, cẩn thận, giá cả rất phải chăng nên khách ngày càng đông. Nay, chưa giàu có chi nhưng nhà cửa đã được xây lên rộng rãi, xe máy, ti vi, điện thoại bàn, bếp ga... đủ cả. Mai hay thít tha nói với vợ tôi: Bọn em may nhờ được các bác, các chú, các anh liệt sỹ phù hộ mới được như ri. Thế đấy, trong lòng người dân ở đây, vẫn luôn dành một phần biết ơn tưởng nhớ đến những người hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước hôm qua.

      Dưới những ngôi nhà, mảnh vườn, con đường của thị trấn xinh xắn nằm bên dòng sông Hiếu này ai dám bảo không còn những hài cốt liệt sỹ ta. Cách đây không lâu, thị trấn lại phát hiện được một hầm lớn chôn 80 liệt sỹ ta tại dưới một nền nhà dân. Bên các bộ hài cốt đã vụn vữa, sắp tan hòa vào đất là những đôi dép cao su, chiếc bút máy Trường Sơn, mảnh vải dù, cái ví da... Trong lòng đất Cam Lộ đang cất giữ không ít những di vật đơn sơ của một thời máu lửa. Khi đang còn ở đây, vào các đêm đầu tháng hay rằm và nhất là lúc giao thừa tôi nghe rất rõ những tiếng lao xao rì rào đâu đó. Bước chân ai đưa trong gió gần xa. Mơ hồ thổn thức tiếng gọi, tiếng chào. Giọng Bắc nhiều hơn cả... Tôi đem chuyện này kể với anh Nguyễn Công Phán, chủ tịch Huyện, vốn là cử nhân Sử, anh lặng lẽ gật đầu. Mảnh đất nghèo khó khắc nghiệt này ẩn chứa nhiều chứng cứ, trầm tích lịch sử- Anh nói- Cái hiện hiển trên mặt đất như căn cứ Tân Sở, Nhà Tằm (nơi Chi bộ cộng sản đầu tiên ra đời ở Cam Lộ), Khu Chính phủ cách mạng lâm thời, cái chìm sâu trong lòng đất ta chưa tìm ra hết. Sau chiến tranh chống Mỹ, Cam Lộ đã phát hiện ra hai hầm lớn chôn hài cốt bộ đội ta. Một ở giữa lòng thị trấn như anh đã biết, một ở bãi Sao Sa, Tân Tường, địch đào hào chôn ở đây gần 100 liệt sỹ ta... Trong nền móng của Cam Lộ hôm nay và Cam Lộ giàu đẹp ngày mai có máu của quá khứ bi hùng.

     Một Cam Lộ đang đổi thay. Chẳng khó khăn gì để nhận ra điều ấy. Năm 1994, khi gia đình tôi từ Cùa chuyển ra thị trấn thì trước mặt nhà tôi là con đường đất đỏ ghồ ghề lồi lõm vết chân trâu, lũ con tôi và bọn trẻ hàng xóm còn chơi trốn tìm trong vạt bạch đàn xanh tốt. Tiếng là thị trấn nhưng phần lớn là nhà tôn. Đường dây điện sáng đi vào xóm tôi lấy từ khu Huyện ủy qua vạt bạch đàn trong mùa gió lào bị đứt dây liên tục. Nay, trước mặt nhà tôi là con đường rải nhựa rộng thênh nối liền đường số 9 xuyên Á với đường quốc lộ Hồ Chí Minh. Vạt bạch đàn đã nhường chỗ cho Nhà Văn hóa trung tâm Huyện khang trang với một khoảng sân thoáng đãng rộng rãi. Kề bên là Nhà thi đấu thể thao cao lớn vừa được khánh thành, rồi Công viên thiếu nhi... đã đưa vào sử dụng. Ngoài Chợ Phiên truyền thống gần cầu Đuồi sông Hiếu, chợ trung tâm Thị trấn sáng sủa bên đường xuyên Á, cách Cửa khẩu Lao Bảo 60 cây số xôn xao kẻ bán người mua. Nhà ở Thị trấn đã mái bằng và ngói hóa trăm phần trăm. Bưu điện, trường học, bệnh viện xem ra chẳng thua kém huyện nào trong tỉnh, trong nước. Hệ thống điện thắp sáng được xây dựng cơ bản, toàn cột bê tông ly tâm đúng quy chuẩn, đường nước ở Thị trấn đang gấp rút thi công... Một thị trấn Cam Lộ xinh xắn tươi đẹp đang ngày thêm khởi sắc với bao đường nét mới. Phần do công sức của nhân dân bỏ ra, phần do sự hảo tâm giúp đỡ của bè bạn trong và ngoài nước. Cam Lộ, vùng đất ghi dấu nhiều chiến công hiển hách và hy sinh mất mát trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trở thành địa danh đỏ, nơi còn lưu giữ nhiều kỷ niệm của một thời để nhớ. Trong ký ức thời gian của không ít người lính và con cháu họ, cả bên này bên kia, Cam Lộ vẫn là nỗi canh cánh tới bây giờ. Càng hội nhập, người ta càng thao thức với dĩ vãng trong tâm nguyện hướng về tương lai từ những bài học xương máu của quá khứ. Chia vui với một Cam Lộ đang đổi thịt thay da cũng là cảm thông san sẻ với một Cam Lộ có nhiều trẻ em bị dị tật vì ảnh hưởng của chất độc màu da cam nhất, nơi số người bị thương vong do bom mìn sót lại sau chiến tranh không ít hơn mảnh đất nào trên đất nước này. Vùng đất quê hương của nhà thơ tài hoa Chế Lan Viên không còn cảnh"Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ/ Những đồi sim không đủ quả nuôi người" nhưng để xênh xang giàu có thì còn cần phải làm nhiều việc lắm. Huyện bé, tài nguyên không đa dạng, vị trí chưa đắc địa lắm, Cam Lộ phải làm gì đây để phát huy nội lực và thu hút đầu tư? Nuôi rừng, trồng rừng; mở rộng diện tích trồng và chế biến xuất khẩu cây công nghiệp phù hợp như cao su, thông, hồ tiêu, chuối, dứa...; phát triển trang trại, tích cực tìm đối tác đầu tư vào công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, gạch ngói... bằng trang thiết bị hiện đại và công nghệ cao; mở mang du lịch dịch vụ... phải chăng là những hướng phát triển chủ yếu của kinh tế huyện nhà.

     Giữa lòng thị trấn Cam Lộ vẫn còn ngôi nhà nhỏ bé của chúng tôi. Mảnh đất rộng rãi cân đối rợp mát bóng cây vẫn mang tên vợ chồng tôi. Cây bằng lăng trước cửa, cây sứ hoa đỏ trong sân, cây đào bên cửa sổ vẫn ngày ngày xỏa che nỗi nhớ thương Cam Lộ của tôi. Vợ chồng tôi và các con vẫn thường nhắc đến o Thừa, dì Mai chú Phú, dì Hoa chú Trinh, dì Lành chú Hiếu, dì Nghĩa chú Thọ, dì Tuyết chú Hà, dì Duyên chú Thanh, dì Hới chú Long, bác Huynh dì Hồng... rồi cậu Phán  mự Mão, bác Bình dì Sáu, chú Hoàng dì Mai... Có nghĩa là dù ở Hà Nội thì Cam Lộ vẫn là nơi đi về thương nhớ của chúng tôi. Về đây là về với ngôi nhà yêu dấu của mình là trở lại với những năm tháng vợ chồng tôi và các con sống ấm áp trong tình người Cam Lộ.

 

N.H.Q

 

Nguyễn Hữu Quý
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 150 tháng 03/2007

Mới nhất

Tự do xanh quá, mênh mông quá

4 Giờ trước

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground