Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cây cầu... cổ tích

V

ậy là sự mong chờ khắc khoải từ bao đời nay của người dân Bắc Phước-Huyện Triệu Phong đã thành hiện thực. Đó là cây cầu Bắc Phước bắc qua sông Thạch Hãn không còn là cây cầu "cổ tích" như người dân nơi đây thường nghĩ, giờ nó đang trong giai đoạn hoàn thiện, những ngày này xe máy và người đi bộ qua lại khá thuận lợi. Đây là những ngày đầu đến Bắc Phước không phải ngồi trên con đò ngang chòng chành với bao nỗi âu lo! Một sự kiện  mang niềm vui "ngập trời" đến với vùng quê Bắc Phước.

Bắc Phước, Triệu Phước, Triệu Phong gồm có ba thôn: Dương Xuân, Hà La, Duy Phiên là một vùng quê sông nước, được bao bọc xung quanh bởi hai nhánh của sông Thạch Hãn. Cù lao nhỏ Bắc Phước có khoảng 300 hộ gia đình với gần 1400 nhân khẩu. Người dân ở đây không biết Bắc Phước có tự bao giờ, chỉ biết đời trước truyền lại rằng: Xưa kia nơi đây là một cù lao hoang vắng, những người dân ở các thôn như An Cư, Lưỡng Kim (Triệu Phước) và những vùng khác đến đây canh tác, dần dà họ đã định cư lâu dài hình thành nên ba thôn cho đến hôm nay. Sống giữa vùng quê sông nước cái khó chồng lên muôn vàn cái khổ, đời sống kinh tế chủ yếu làm nông nghiệp, cây lúa nước một năm chỉ làm một vụ đông xuân nhờ trời...Để đắp đủ cuộc sống, nhiều  gia đình phải chạy đôn, chạy đáo làm thêm nhiều nghề khác...Khó khăn là vậy, nhưng người dân ở đây luôn biết chịu thương, chịu khó nhất là vào những năm kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, Bắc Phước đã một lòng trung kiên theo Đảng, theo Bác Hồ. Hậu quả của chiến tranh để lại cho vùng đất Bắc Phước vô cùng to lớn. Trong tổng số ba trăm bốn mươi chín liệt sỹ và một trăm hai mươi lăm thương binh của toàn xã Triệu Phước, riêng ba làng Dương Xuân, Duy Phiên, Hà La có một trăm năm mươi hai liệt sỹ và bốn mươi mốt thương binh; Trong tổng số mười hai mẹ Việt Nam Anh Hùng đã được phong tặng, có tới tám mẹ ở Bắc Phước. Sau ngày đất nước thống nhất, những cái làng nhỏ bé cuối nguồn sông Hãn vẫn lẻ loi giữa cuồn cuộn sông nước; những con đò dọc, đò ngang ngày ngày lặng lẽ chuyên chở bao lượt khách đến, khách đi trên vùng Bắc Phước. Cùng với nhịp sống của xã hội, sau những năm trong thanh bình, đời sống của người dân Bắc Phước cũng có nhiều đổi thay rõ rệt, nhà xây mái ngói san sát mọc lên, đường đi lối lại được bê tông hóa, ánh điện quốc gia đã vượt sông thắp sáng cho mọi nhà từ nhiều năm nay...Âu đó cũng là sự phấn đấu vượt bậc của người dân và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với mảnh đất biết bao khó khăn và mất mát nhiều trong chiến tranh. Đặc biệt vào cuối năm 2008, một sự kiện đã làm cho người dân cù lao Bắc Phước vui mừng đến "nghẹt thở", đó là lễ khởi công xây dựng cầu Bắc Phước. Một cây cầu mà người dân nơi đây không bao giờ dám nghĩ đến, chỉ là trong ký ức về một cây cầu "cổ tích". Cầu Bắc Phước có chiều dài trên ba trăm bảy mươi ba mét, gồm mười một nhịp mỗi nhịp dài ba mươi ba mét, khổ cầu rộng bốn mét, riêng nhịp tránh ở giữa rộng sáu mét, gầm kết cấu chữ L bê tông cốt thép, có hai mố và mười trụ cầu bê tông cốt thép, tải trọng thiết kế HL 93...với tổng mức vốn đầu tư gần ba mươi tỷ đồng; Công ty cổ phần công trình đường sắt và Công ty cổ phần Thành An đảm nhiệm thi công.

Những nhát xẻng khởi công cầu Bắc Phước cho đến nay, trừ những ngày người làm cầu nghỉ, ngày nào cũng vậy có nhiều người dân Bắc Phước  kéo nhau tụ tập đến khu vực xây cầu để xem công nhân thi công, cùng với bao câu chuyện nhân tình thế thái, nhất là những người cao niên như ông Binh (thôn Dương Xuân), hay ông Bích, ông Vệ, ông Giao...(thôn Hà La), họ có mặt thường xuyên  đến nỗi người dân ở đây ví von: "Đó là đội giám sát thi công cầu". Cùng với những câu chuyện rôm rả mang theo hơi thở của tâm trạng vui sướng bởi họ được chứng kiến cây cầu mơ ước lớn dần trên sông  từng ngày. Không những thế, người dân nơi đây thật tốt bụng, họ đến đây không những động viên  người làm cầu quên đi những cái mệt nhọc, dân làng ba thôn đã có lần góp tiền mua luôn cả con lợn để tặng cho những người làm cầu liên hoan.

Sau hơn một năm thi công, đến nay cầu Bắc Phước cơ bản hoàn thành, những phần việc còn lại chủ yếu là hoàn thiện như gắn lan can cầu, đắp đường hai đầu cầu, thảm nhựa mặt cầu...Đến giai đoạn này, xe máy đã qua lại cầu, những ngày đầu đến Bắc Phước không phải ngồi trên chiếc đò nhỏ bé ngày nào nữa, chấm dứt một thời với bao đỗi nhọc nhằn khi qua về Bắc Phước phải đợi đò, hay sợ hết giờ đò chạy, không còn cái cảnh "Qua sông phải lụy đò" như anh Dương Hùng, một người con quê hương đi xa nhiều năm nay đã có những câu thơ thật tâm can của cảm xúc: "Quê tôi sông nước tứ bề/ Lại qua cách trở sang về khó khăn/ Không về lòng những ăn năn/ Về thì mang cả nhọc nhằn về theo… Qua sông hết lụy con đò/ Cầu đà  nối bến quê nghèo đổi thay/ Ngàn đời mới có hôm nay/ Ngỡ mơ nhưng đã thật rày đó thôi/ Mừng vui lòng dạ bồi hồi/  Ơn Đảng, ơn Bác quê tôi sáng bừng".

Những ngày này, ở vùng quê Bắc Phước rộn rã hơn, tiếng xe máy râm ran, đến đâu cũng bắt gặp những khuôn mặt dạn dày nắng gió rạng rỡ vui tươi không dấu nỗi niềm sung sướng. Đêm đến từng tốp người, gaí trai, già trẻ lũ lượt kéo nhau qua về Bắc Phước. Nhà anh Nguyễn Văn Mừng ở thôn Hà La mấy hôm nay cũng đón rất nhiều khách từ bên kia sông quê của vợ anh sang chơi...Bà Nguyễn Thị Sai ở thôn Hà La, mặc dù không còn khỏe mạnh ở tuổi 81 nhưng nghe tin cây cầu đã làm xong bà bảo mấy đứa cháu của bà dắt bà lên cầu để ngắm cầu và đi lại cho thỏa thích, cho bõ những ngày qua sông phải đợi đò. Đứng trên cầu ngắm nhìn bao quát hết cả vùng quê Bắc Phước, nhìn rõ ra đến cầu Cửa Việt...nước mắt bà Sai lăn tròn trên đôi má nhăn nheo, những giọt nước mắt cảm động đến nao lòng, bà thật hạnh phúc và vui sướng, ở cái tuổi gần đất xa trời bà đã được đứng trên chính chiếc cầu mà bà chưa một lần dám nghĩ về nó. Trong những ngày này nhiều người con xa quê về đây chứng kiến và được chia sẻ niềm vui của quê nhà, ai nấy đều có cảm xúc vui sướng tột cùng. Anh Nguyễn Văn Quyến-người con của quê hương Bắc Phước đi xa và sinh sống ở Lao Bảo nhiều năm nay, khi anh thả bộ trên cầu, rồi dừng lại ở nhịp tránh chính giữa cầu, ngoái nhìn lại quê hương, mắt anh rưng rưng lệ, anh nói trong cảm động: "Thật thương cho ông Diếp ở quê mình, cả đời ông cống hiến cho cách mạng, ông chỉ mong được một lần đứng trên cầu, nhưng điều đó đã không đến được...!". Ông Nguyễn Hữu Diếp ở thôn Hà La là lão thành cách mạng vừa qua đời gần một tháng nay. Anh Việt Dũng công tác ở Hà Nội, vừa về thăm quê ở thôn Hà La. Trong chiến tranh gia đình sơ tán ở Vĩnh Quang, Vĩnh Linh, anh không dấu được xúc động khi về thăm quê và được đứng trên cầu. Anh đã kể lại những tâm sự của mẹ anh lúc bà đang còn sống. Mẹ anh xa quê nuôi các con học hành thành đạt đi phục vụ cách mạng, phục vụ đất nước, cứ mỗi lần về quê bà tâm sự với các con: "Mẹ chỉ mong quê mình có một cây cầu để dân làng quê mình đỡ khổ". Ước mơ của bà đã trở thành hiện thực, chỉ tiếc là lúc này bà đã đi xa. Anh Dũng cho biết: Vài năm nữa anh sẽ đưa hài cốt của mẹ anh từ Vĩnh Quang về quê, ngày ấy rồi sẽ đến, như một lần trong đời mẹ anh được qua cầu-cây cầu mà bà từng ước ao bằng tình cảm chân thành với quê hương, chắc rằng ngày đó bà sẽ mỉm cười ở nơi chín suối!

Cầu Bắc Phước nối thông thương ốc đảo Xuân Phiên Hà với đất liền, sẽ trở thành đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng quê Bắc Phước. Lúc này nhiều gia đình ở Bắc Phước đã có những phương án đầu tư làm ăn khi có cầu, anh Ngọc Hà ở thôn Hà La-người chạy xe ôm tâm sự: Hiện em đang chuẩn bị vốn để đầu tư mua một chiếc xe khách làm dịch vụ vận tải hành khách. Còn anh Nguyễn Văn Thích - Chủ đò ngang Bắc Phước bộc bạch: Những ngày này hòa trong niềm vui chung (cũng có một chút thoáng buồn riêng của mình, đó là phải xa rời mãi mãi du khách qua đò) nhưng trên nét mặt anh không dấu được niềm vui sướng khi anh nói về kế hoạch làm ăn sắp tới, đó là sẽ chuyển sang làm dịch vụ vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, hiện tại anh đã làm hồ sơ cho đứa con trai của mình đi học lái xe...

Cây cầu "cổ tích" cùng với con đò ngang ở Bắc Phước chỉ còn lại những câu chuyện ký ức. Bắc Phước có được những kết quả như ngày hôm nay đó là sự đầu tư đúng mức của Đảng, Nhà nước. Với những truyền thống tốt đẹp về mảnh đất và con người nơi đây, tin rằng Bắc Phước sẽ phát huy thế mạnh của cây cầu để phát triển kinh tế - xã hội

                                                                             H.T

 

 
 
Hữu Tiến
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 185 tháng 02/2010

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground