Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chiếc cầu vồng Hiền Lương

C

hiếc cầu sắt làm từ năm 1972. Chiếc cầu xi măng vĩnh cửu khánh thành năm 1998. Chiếc cầu vòng bảy sắc màu lung linh bắc qua sông Bến Hải. Chiều mùa thu. Lớt dớt cơn mưa áp thấp chưa ngưng tạnh. Cô em phóng viên đi cùng tôi, tuổi mới hai lăm, vốn gốc Phú Thọ loay hoay tìm góc độ bấm máy. Trẻ và xinh, cái môi cắn chỉ hơi mím lại thoảng chút run run vì xúc động. Bức ảnh nay mai của em sẽ có ba chiếc cầu Hiền Lương, hai thực và một ảo. Cái thực chứng tích hùng hồn của những giai đoạn lịch sử, như máu và mồ hôi kết tinh lại, cái ảo là khúc xạ của đau thương và khát vọng bởi trên khúc sông này đã từng tồn tại một chiếc cầu ván có hai màu sơn, hai màu cờ đối lập… Chiếc cầu ấy hình như đã tan vào mưa nắng dữ dội của miền Trung nhưng trong ký ức của muôn người, kể cả kẻ đã mang bom dội vào nó vẫn còn là nỗi ám ảnh khôn nguôi.

Cuộc chiến khốc liệt nhất, dai dẳng nhất của dân tộc vừa chấm dứt cách năm 2000, năm cuối cùng của thế kỷ hai mươi này vừa vặn 25 năm. Cái năm, Tổ quốc Việt Nam từ chóp nón cực Bắc Lũng Cú đến ngón chân cái phồn sinh chưa khô vết bùn non mũi Cà Mau ở cực Nam, từ Trường Sơn vạn lý điệp trùng đến Trường Sa chum đảo phong ba, đỏ rực màu cờ cùng với khúc khải hoàn “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”. Mốc lịch sử vĩ đại ấy, kỳ diệu thay cũng là năm khai sinh của một lớp công dân hòa bình như em, cô phóng viên quê đất Tổ. Tôi không nhắc lại lịch sử. Lịch sử vốn khái quát và cô đọng triệu triệu lần so với hiện thực cuộc sống. Tôi chỉ muốn nói với em rằng: ở đây, vâng ở nơi mảnh đất một thời là đầu cầu giới tuyến này đã có bà mẹ Vĩnh Linh đêm đêm cặm cụi ngồi vá lá cờ Tổ Quốc, cô gái dân quân Vĩnh Linh dùng súng trường bắn máy bay Mỹ, đội thuyền Vĩnh Linh vượt sóng gió, đạn bom tiếp tế cho Cồn Cỏ và những đứa trẻ sinh ra từ địa đạo Vịnh Mốc … Những con người ấy có tuổi tên cụ thể, nhưng thôi, em cứ gọi họ là người Vĩnh Linh, là người Quảng Trị bởi lẽ ai đã sinh ra trên mảnh đất này đều có thể làm được những điều như thế.

Người Quảng Trị, lại xin bắt đầu sự khám phá tự tôi đã có hai mươi mốt năm sướng khổ với mảnh đất này, từ thuở ăn sắn ủ, măng luộc với vợ vốn là con gái vùng Cùa đất đỏ bazan, hạt tiêu bé xíu mà cay nức đến cõi lòng, mỗi hạt mưa thường cũng díu dăng quấn quít, từng nẻo khuất lối mòn cũng thương nhớ khôn nguôi:

- Người Quảng Trị nói thật ngắn gọn về họ anh sẽ nói ra sao? Nơi vết thương xưa- vĩ tuyến 17- cô phóng viên xinh xẻo đặt cho tôi một câu hỏi:

- Không thể nói được! Tôi khẳng định.

- Vì sao?

- Vì sao ư! Em hỏi con sông Bến Hải kia!

Đôi mắt lay láy nhìn tôi, chờ đợi… Tôi nói. Nhưng chưa nói về Bến Hải – Hiền Lương với những huyền tích, gợi cảm của nó mà là nói về em, người bạn đời của tôi…Chuyện xưa cũ nhưng kể lại đã có vẻ xa xôi, thời tôi mang dép lốp đi vào trường trung học sư phạm Đông Hà tìm em, khổ sở và quê mùa không thể tưởng được. Quanh em đã có bao chàng trai dập dìu tìm đến, sáng sủa và sang trọng. Thế mà tôi, chàng lính mang quân hàm trung sĩ, quê ở xa, nhà nghèo, chẳng đẹp trai lại ít tài hoa được em dành trọn tình yêu trong sáng.

- Vì sao em lại yêu anh? – Khi đã là người của nhau, tôi đã một lần ngớ ngẩn hỏi em như thế.

- Vì sao ư! Anh hãy hỏi cái bông hoa sim kia!

Bông hoa sim tím chắt chiu trên miền đất đá sỏi cằn khô. Tím. Tím là hoa và sau đó là trái ngọt dịu dàng. “Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi” (1). Trong trái sim sâm sẩm màu chiều, dường như đã có một phần em, một phần Quảng Trị của tôi.

- Muốn sống cho người khác, đó là Quảng Trị- Tôi buột miệng. Em đã sống cho tôi, gánh vác những vất vả thiệt thòi của vợ một người lính quanh năm biền biệt xa nhà, trong thời bình. Vượt qua những cám dỗ, mời gọi của cuộc sống xô bồ, nhiều nghiêng ngả như hiện nay đâu phải là chuyện dễ…

- Thời nào, người phụ nữ cũng phải chịu đựng nhiều gian khổ nhất- Cô phóng viên khẽ thở dài- Hơn nữa, ở đây, nơi miền đất thiên nhiên khắc nghiệt dữ dội, nơi chiến tranh còn để lại hậu quả nặng nề thì sự gian truân còn nhân lên gấp bội…

Mảnh đất này gánh nhiều đau thương lắm. Ngược dòng Bến Hải lên thượng nguồn sông ta sẽ tận mắt thấy được một phần của sự hy sinh lớn lao của nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa qua. Khói hương thơm cho liệt sĩ thảng thốt quanh năm trên dải đất này, không thể ít hơn một tỉnh nào trên Tổ quốc ta. Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn 10.327 nấm mộ và nghĩa tranh liệt sĩ Đường 9 gần trọn một vạn người đã ngã xuống, lại thêm Thành Cổ Quảng Trị- cái cối xay thịt năm nào, ai biết còn bao nhiêu xương cốt đang còn chìm khuất dưới lớp cỏ xanh…

Mảnh đất này chính là chứng tích của sự mất mát đau thương của dân tộc trong một giai đoạn lịch sử khốc liệt tột bậc của cuộc đối đầu nghiệt ngã nhất. Của thế kỷ hai mươi, thế kỷ lửa của nhân loại.

Và, không thể không nói rằng cầu Hiền Lương- Quảng Trị chính là biểu tượng sinh động của sự thống nhất Đất nước. Còn nhớ cuối năm ngoái, sau rằm tháng Tám tôi lên Hà Giang. Đến bản Tà Kha, một bản nằm sát biên giới Việt Trung, nhấp nhô những mái trường chình đất, mái lợp ngói ống màu xám, dân cư chủ yếu là người Mông. Khi thấy đồng chí sĩ quan phiên dịch của đồn biên phòng Phó Bảng và chúng tôi bước vào nhà, chủ nhân Vàng Mí Dính đã à lên sung sướng  như được gặp lại người thân thiết. Người vùng cao, cái chân chất hồn nhiên hiện rõ nhất trong đôi mắt tiếng cười của họ. Trong cái nhìn của con người nhỏ bé đó tôi đọc được sự thân thiện nguyên sơ chưa bị khúc xạ qua phép xã giao đãi bôi thường gặp. Bốn bát rượu ngô sóng sánh chực tràn ra khỏi vành miệng, dậy mùi khói ê ê không thể uống cạn được khi chủ nhà khẩn khoản đặt vào tay từng người với  câu mời mộc mạc: “Mình có hai tay hai chân, như vậy là bốn! Gặp nhau phải uống cạn bốn bát mới là anh em bộ đội ạ”. Khi chất men đã thắp hồng màu lửa trên má, Vàng Mí Dính chỉ tay vào tôi:

- Vợ con bộ đội ở Hà Nội à?

- Tôi ở Hà Nội, một mình thôi. Không được ở gần vợ như Vàng Mí Dính đâu, vợ con mình hiện nay đang ở Quảng Trị. Vàng Mí Dính có biết Quảng Trị không?

- Quảng Trị … xa, đúng không! Nhưng mình biết …

Bỏ lửng câu trả lời, Dính bỏ ra ngoài, vài phút sau lật đật đi vào, trên tay cầm một lá ngô. Dính đặt chiếc lá ngô lên bàn, tay chỉ vào đầu ngọn, giọng ề à:

- Đây là chỗ mình ở, Phó Bảng, Hà Giang. Còn đây – bàn tay sần sần ám khói của Dính đặt vào giữa lá ngô – Đây là Quảng Trị, Quảng Trị … nơi vợ con bộ đội ở. Đúng không?

Bất ngờ và xúc động quá tôi chỉ còn biết cầm tay Vàng Mí Dính lắc lắc. Trầm ngâm nhìn ra cây sa mộc đứng trước nhà, Vàng Mí Dính nói, giọng nhỏ lại:

- Anh trai mình, ở Quảng Trị đó!

Tôi sững sờ hỏi Dính:

- Anh ấy đang làm gì ở Quảng Trị?

Đôi mắt trong trẻo chợt buồn, Dính chầm chậm trả lời:

- Anh mình không còn làm được nữa. Anh ấy chết rồi, năm bảy hai ở Quảng Trị, chưa tìm được đâu, bộ đội à!

Trong lòng đất Quảng Trị còn ôm ấp bao xương cốt liệt sĩ như thế. Những con người chưa đi hết tuổi thanh xuân đã nằm lại với miền đất có bảy tháng gió Lào thổi ào ạt này. Hồn thiêng của hàng vạn, hàng vạn liệt sĩ này- phần lớn còn trẻ- đã xanh lên đất, lên trời, rì rào trong cây lá và lẽ nào lại không được phép tin rằng đã hiển hiện trong bảy sắc cầu vồng, như là ứng nghiệm diệu linh của sự bất tử. Chiếc cầu vồng, chiều nay bắc qua sông Bến Hải góp mặt cùng với chiếc cầu sắt, cầu xi măng, trong một khoảnh khắc thu, tạo nên một vẻ đẹp huyền ảo Hiền Lương. Vẻ đẹp bi tráng của sự không chia cắt của vẹn nguyên, được bắt đầu từ Lũng Cú- Hà Giang, đến xóm mũi Cà Mau, qua Bến Hải- Hiền Lương- Quảng Trị.

Thế kỷ hai mươi đã qua rồi. Không có ngày tận thế như cái “đấng” tiên tri phán bảo. Vẫn còn trái đất ba phần tư nước mắt. Đi như giọt lệ giữa không trung (2). Sau những đau thương mất mát, hòa bình độc lập tự do đã có trên Tổ quốc ta. Và Quảng Trị đang cùng cả nước vững vàng tiến vào thiên niên kỷ mới. Thế kỷ Hai mươi đã ở sau lưng với những biến cố lịch sử dữ dội và tàn khốc nhưng khát vọng sống hòa bình, sống tự do, sống đẹp từng xuyên suốt hành trình nhân loại vẫn tiếp tục là mục đích vươn tới của con người. Về Quảng Trị, đi qua địa đạo Vịnh Mốc, cầu Hiền Lương, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Thành Cổ, nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang Trường Sơn,.. tôi càng thấm thía hơn cái giá của mỗi ngày sống hôm nay và đôi khi không khỏi lẩn thẩn nghĩ rằng liệu con em của mình, những công dân thời hậu chiến; không biết bom rơi đạn nổ, không phải ăn độn khoai sắn, nhìn được cả thế giới qua “màn hình”, học hết phổ thông trung học có thể “xài” được máy vi tính và biết nói tiếng Anh, và không ít người trong thế hệ đang được tu nghiệp tại những trường đại học danh tiếng ở Mỹ, Anh, Pháp, Úc,.. quên đi quá khứ của dân tộc. Trong con mắt họ những cuộc kháng chiến đó là gì? Và sự ngã xuống của hàng triệu con người áo vải chân đất vì những giá trị cao đẹp vĩnh hằng của dân tộc liệu có được ghi nhận và đánh giá xứng đáng?

Trong chiều thu Hiền Lương, trước bảy sắc cầu vồng, tôi đã đặt câu hỏi ấy cho em- cô phóng viên quê gốc Phong Châu, có tuổi khai sinh là mùa xuân đại thắng. Cắn môi cắn chỉ lại hơi mím lại trước khi hé mở một nụ cười trẻ trung. Cô nói:

- Em sẽ trả lời câu hỏi của anh nhưng trước hết anh hãy nói cho em biết các anh đã bao giờ quên Hùng Vương, Ngô Quyền, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung,.. chưa? Những người mở nước và những người đánh đuổi giặc ngoại xâm để giữ nước,…các anh đã bao giờ quên chưa? Trong lòng dân họ đã được phóng thánh, phong thần, họ được muôn đời thờ tự, tưởng nhớ khôn nguôi. Thế thì những ai đã ngã xuống cho hai cuộc chiến tranh giải phóng Đất nước vừa qua, những ai đã  cống hiến cho nền độc lập tự do, hòa bình của dân tộc mãi mãi sẽ được kính trọng yêu mến. Ơ kìa! Đôi mắt đen láy nhìn tôi- tự dưng em lại nói với anh những điều to tát thế. Thôi, cho em đi xuống bờ sông một tí… Em muốn được một lần rửa mặt bằng  nước sông Bến Hải anh ạ…

- Xuống sông đi. Anh chờ…Tôi nhìn cái dáng mảnh mai đang từ từ đi xuống bờ sông. Chiếc cầu vồng đang mờ dần, mờ dần và có lẻ chỉ ít phút nữa thôi nó sẽ tan vào hư vô. Trên khúc sông lịch sử này, chỉ còn lại hai chiếc cầu thực. Một chiếc cầu sắt làm từ năm 1972. Một chiếc cầu xi măng vĩnh cữu khánh thành năm 1998. Nhưng trong bức ảnh của cô phóng viên trẻ sẽ hiển hiện ba chiếc cầu, trong đó có chiếc cầu vồng Hiền Lương. Cái ảo đã được lưu giữ lại như ánh sáng linh hồn của những người đã khuất, chiếu dọi qua triệu triệu giọt mưa ngâu…

N.H.Q

Nguyễn Hữu Quý
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 77 tháng 02/2001

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground