Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chòi sĩ tử

C

hòi canh cá nằm giữa cánh đồng làng. Nơi ấy, một phần đời tôi đã sống và lớn lên nhờ  hương sữa lúa mùa kết chẹn; lớn lên theo tiếng quẫy thở của những chú cá buổi sớm mai; lớn lên cùng nhịp điệu ánh mặt trời, mỗi bình minh hay hoàng hôn đều đượm một sắc vàng chín tới.

1. Giữa cánh đồng Mặt Bằng có cái hố bom rộng, nước lướt phẳng, sóng thi thoảng mới gợn nhấp nhô khi có gió tạt qua. Nhiều khi tôi nghĩ, nhẽ nào đấy là một chén rượu trường thọ mà Ngọc Hoàng nhỡ tay đánh rơi trong một cơn say trên thượng giới xuống đây? Qua thời gian, men rượu phả lên trời cho mây uống rồi kết thành sắc ửng hồng sớm mai hay là màu vàng rộm chiều xuống, mùi rượu nhạt dần thành một thứ nước trong, và một ít hương thơm vẫn còn lưu mãi đến bây giờ khiến tôi chếnh choáng.

Ông nội be bờ đất xung quanh hố bom. Thả vài chôm nè vào giữa như làm dấu thánh với đất với trời, rằng đây là nơi tôi mưu sự. Tháng mười âm lịch bắt đầu mua cá giống từ thị xã Quảng Trị về thả. Ông chặt tre dựng bên hồ một cái chòi nhỏ, vách gót, mái lợp lá tàu dừa. Bên cạnh chòi trồng một cây chanh leo, loại chanh này rất hiếm, nó thuộc chi Lạc Tiên trong giới thực vật. Vài tháng sau, dây chanh bò phủ kín cái chòi, xung quanh và cả trên mái chằng chịt thân với lá đan xen nhau rườm rà. Hoa chanh leo nở ra tím nhạt phớt phơ tựa màu hoa cà. Rồi những quả chanh tròn to cỡ nắm tay đậu chi chít. Chim sẻ đồng sà xuống gõ mỏ sừng lách tách vào lớp vỏ quả chanh như sư chùa gõ mõ tụng kinh. Cảnh yên lặng rất thiền! Trong chòi kê một chõng tre, cái chạn để ít đồ đạc thô sơ và một cây đèn dầu hoả.

Những năm học phổ thông, tôi thường cắp mấy cuốn sách men theo chân ruộng, băng qua đồng ra chỗ chòi vừa canh cá vừa học bài. Đường chân ruộng cỏ cỏ lớp lớp lót lối người đi, xanh mơn man mềm nhũn nhại xát vào da thịt, sương có khi biếc nắng mà hồng theo một cách trong veo. Sao thứ cỏ ấy lại đằm thắm và có ma lực đến thế! Cứ như muốn dính chặt bước chân người ta vào đất. Quãng đường từ nhà ra chòi không xa lắm, nhưng mỗi lần đi qua tôi đều phải mất khá nhiều thời gian, bởi cỏ cứ khiến chân tôi dùng dằng nửa muốn bước đi nửa du di đòi nán lại. Và trời thì như kéo ngược cái nhìn của tôi lên mà trát vào khuôn mặt non nớt những phả sương mùa xuân. Một thảm nhiễu hoa dệt từ những triền thoai thoải lúa tháng ba xoáy vào tôi niềm xôn xao lay động đến tận sâu thẳm tâm hồn. Mặt trời ngoi lên từ phía đông như quả gòn lửa mới bùng cháy từ mép manh thảm hoa ấy. Bởi thế mà người ta hay gọi làng với tiền tố "mảnh": mảnh làng.

Ra đến chòi, tôi ngồi xếp bằng trên cái chõng tre, đặt mấy cuốn sách gần khung cửa sổ cho sách hớp sương. Xung quanh chòi miệt mài những thửa ruộng xếp kín mép vào nhau như những bản tranh dân gian giấy dó xứ Bắc đem ra phơi, từng lát từng lát liếm mép hôn nhau điệu đà. Tôi tự thưởng cho mình những phút giây ngắm cảnh và rồi bị mê hoặc đi bởi cái lãng đãng toát lên từ sự bình dị nơi làng quê của mình.

Tôi  ở nơi chòi ấy suốt ngày, có khi quên bữa thì ông nội bưng cơm ra tận nơi cho. Những tháng ngày  ở đó, tôi ngồi đọc sách và đọc lại  chính bản lý lịch của mình: Kẻ quê mùa khai sinh bởi hạt lúa. Tôi cứ ước cho mình được ở đây mãi mãi. Gió sẽ trải chiếu cho tôi ngả lưng. Mây sẽ lót gối cho tôi tựa đầu. Chim vỗ cánh cắp giấc mơ bay trước để tôi mê mải đuổi theo. Và nếu sách hết thì tôi sẽ đọc cánh đồng. Không hề gì! Ở bất cứ đâu người ta vẫn có thể học được, miễn là ta phải hiểu ngôn ngữ của nó. Bản khai sinh của tôi được viết bởi hạt lúa, và hạt lúa chính là ngôn ngữ của cánh đồng. Ý niệm ấy tôi nhận được từ một người nông dân ở làng, nhân một lần ra đồng vãi thóc giống, bác đã nói với tôi rằng: "Cậu học bài cũng như tôi gieo hạt". Là sao nhỉ? Tôi giữ mãi thắc thỏm này cho đến khi được biết một câu ngạn ngữ Gruzia: "Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc". Chao ôi, một người nông dân tưởng như không mấy ngày được đến trường lại có thể thấu triệt sự học với một niềm kiêu hãnh như thế! Người không học như cánh đồng không có hạt giống, tức là không thể tươi vui. Chính bác nông dân ấy đã đặt tên cho cái túp mái lá này là "chòi sĩ tử". Ngày xưa trò Siêu cũng từng ngồi nơi một chòi lá như thế này để học bài. Chàng buộc một sợi dây trên xà mái chòi thả xuống và cột túm lấy chỏm tóc, nhỡ khi nào ngủ gục thì sợi dây sẽ căng giật cho tỉnh táo. Nhờ cách học ấy mà trò Siêu đã trở thành danh sĩ Nguyễn Văn Siêu uyên bác lẫy lừng một trời Kinh Bắc thế kỷ mười chín, người đời vẫn xưng gọi Thần Siêu đấy thôi.

Ông nội nói ra ngoài chòi thì học bài rất dễ "vô". Quả thế thật! Ở chòi tôi học được nhiều thứ không biên trong sách vở. Tôi học cách làm đồng của bà con, từ việc lật đất trỉa hạt cho đến ngày lướt hái gặt về. Tôi học cách nẩy mầm thành cây xanh rồi học ngọn lúa uốn nhành chịu gió. Học sự biến đổi màu nắng, học những kiểu trời làm mưa, từ sớm đến trưa gọi là… một buổi. Học cả những cơn giông ập đến bất thình lình khi chớm hạ, hay là ngọn khói chầm chậm thả lên trời vào mùa đốt đồng sau vụ gặt. Cánh đồng cho lúa giã gạo tôi ăn, hương sữa tràn qua cho hồn tôi uống. Người nói quê mình cực, tôi cười: sướng! Sướng theo cái kiểu biết chấp nhận và yêu.

2. Sau kì thi đại học, tôi vẫn giữ thói quen ra chòi ngồi đọc sách. Tâm niệm vĩnh hằng của kẻ sĩ xa xưa hay sĩ tử thời nay là sự học vốn không ngơi nghỉ. Bởi thế nên "sĩ tử" không phải chỉ để gọi tên những người học trò ở trường lớp mà đó là tên gọi theo suốt con người ta đến hết cuộc đời như một cái-tên-nhiệm-vụ. Tôi ra chòi, ngoài hứng thú đọc sách còn là để thoả cái niềm khao khát bình yên thư thả mà lắm của nả nhiều bạc tiền chưa chắc mua được. Ở Belarus, vào mùa hè nóng nực, người dân thủ đô Minsk thường đi ra những vùng ngoại ô thành phố và nghỉ ở đó cho hết kỳ thời tiết khắc nghiệt. Họ dựng sẵn ở giữa khu rừng cỏ cây những cái "đa cha" (дача) như là chòi gỗ mộc kiên cố. Người Belarus thích đọc sách, đọc bất cứ nơi đâu, vào bất cứ lúc nào khi rổi rải, trên ghế đá công viên vào ngày đẹp trời hay trong một đoạn cách bến mettro ngắn ngủi. Và tất nhiên, đến khi đi "đa cha" thì họ không quên mang theo một túi sách để đọc trong suốt thời gian ở đó. Một người Belarus nói với tôi rằng: "Lạ chưa? Chính những người giàu có lại ưa thích chốn hoang dã phủ cỏ phên cây, cậu ạ!". Chợt tôi nghĩ về nơi cố quận của mình: Vậy thì người quê kiểng có cái chòi lá nằm giữa cánh đồng cũng là giàu sang lắm rồi! Dường như cái chòi lá giản đơn ấy đã thành căn nhà trú ngụ bền vững cho thuở tôi mới lớn; một cái "đa cha" để cõi lòng tôi bớt khô khan khi mùa gió phơn tây nam từ Lào xốc về. Những xao động tâm hồn mãnh liệt nhất tôi đem hoà vào cánh đồng, để sau này mỗi lần đi qua đó lại như thấy thấp thoáng bóng mình ngày xưa.

Có  một cô bé chăn trâu nhỏ nhắn, da ram rám nắng, e thẹn nép ngoài cửa chòi. Tôi gọi vào hỏi mới biết đấy là bé Liên con chú Du ở làng Võ Thuận. Liên kém tôi ba tuổi, lanh lợi hồn nhiên và vừa đạt giải Ba môn văn cấp tỉnh. Đi chăn trâu, Liên nhét trong túi cây bút với cuốn sổ để… mần thơ. Thế rồi mỗi buổi chiều, Liên dắt trâu đến thả bên ngoài chòi và đọc thơ mới viết cho tôi nghe. Tiếng răng trâu xén cỏ nghe roàn roạt từng miếng từng miếng. Hương cỏ tươi non theo gió lùa qua chòi và ủ vào trang giấy chép thơ của Liên. Tôi nói thơ em hiền như cỏ. Liên cười: "Thì thơ của đứa chăn trâu mà!". Mải đọc thơ, trâu chạy xuống đầm lầy. Liên vội vàng nhét cuốn thơ vào tay tôi rồi lao theo lối trâu. Tôi tủm tỉm cười, chợt nghĩ: Liên nghĩa là hoa sen, Liên lội xuống đầm là hoa sen nở trong bùn. Thuở đó Liên mới tốt nghiệp cấp hai nhưng tâm hồn đã chớm nở những đoá thơ rộn ràng. Để bây chừ Liên đang là cô sinh viên văn khoa ở Đại học sư phạm Huế. Những kỷ niệm này hẳn là Liên chưa quên, phải không em?

Buổi tối có khi tôi ở lại ngoài chòi và ngủ  qua đêm. Những hôm trăng sau rằm thì ánh sáng màu vàng cháy rất đẹp. Cả cánh đồng như được ướp bởi ánh trăng để tươi mãi đến mai sau… Trăng tràn từ phía nhà thờ họ Hoàng, lẩn lách phản qua từng chân cỏ. Ở dưới cỏ có chú dế đêm rỉnh rỉnh xoè cánh phơi trăng, có con châu chấu nghiêng mình đưa mắt soi trăng. Cánh đồng mở dạ hội cho muôn loài. Ếch tấu lên khúc ca trù muôn thuở. Bước chân ai đạp cỏ nghe rào rạo? Thì ra Sum đang tới, hắn đứng ngoài cửa chòi, tay đưa lên chai rượu: "Ê, nhậu!". Lát sau Xăm và Mèo cũng xuống. Bốn thằng quây tròn giữa chòi mà uống cho đến khi canh tư trăng lặn. Hết rượu, cả bốn thằng ôm nhau nằm xoài ra ngủ. Lát sau Sum tỉnh dậy lôi cái cần câu ra đào giun câu cá. Nửa đêm nửa hôm cá nó mắc ngủ chớ đâu có ngu mà thức dậy cắn lưỡi. Thế là Sum đào sắn củ lên, lấy rạ nhen lửa và lúi húi nướng. Rồi lại ngồi nói chuyện cho đến sáng trời. Đêm khác thì Vĩnh hoạ sĩ xuống, chàng xách theo cây đờn ghi-ta. Không thể nhớ hết bao nhiêu lần mình đã ngồi uống rượu với Vĩnh, từ làng vào Huế, từ Huế ra làng, nhưng lần ở trại cá thì ấn tượng hơn cả. Ngay cái đêm ấy, Vĩnh đã hát "làng anh nghèo không có một dòng sông ", rồi khóc ngon ơ! Một sáng đầu thu, lại ngồi với Hụ, Cảnh, Định và mấy đứa bạn xa về. Nhậu cho đến chiều tắt nắng. Chao ôi những kỷ niệm ấy cứ thôi thúc người ta phải sống để được chơi cho thoã cái thú be hè. Chòi sĩ tử thành ra chòi… sĩ tửu. Vĩnh nói uống rượu đâu có phải hư, uống rượu cũng là một cách học đấy thôi, học sống tử tế với bạn.

3. Buổi sáng, ông nội thường ra thăm trại cá sớm. Ông nhúm ít lửa củi bên chòi, kê kiềng đun ấm nước rồi chắp tay sau lưng đi một vòng quanh hồ. Đến khi ông quay lại thì nước đã sôi, rót ra pha trà khai ẩm ban mai. Ông cầm chén trà nóng, đứng thong thả nhìn cá móng nước. Từng vòng sóng đồng tâm loang ra, tan ra, nhạt dần rồi chìm vào mặt nước một cách bình lặng như chưa hề có chuyện gì xảy ra vậy.

Ngay buổi sớm mùa xuân hôm ấy, nhìn một chú cá  ngoi đầu lên hớp sương, tự nhiên ông nội lại nói chuyện hình tượng cá trong mạch ngầm văn hoá làng mình. Ông nhấp một ngụm trà, chíp môi rồi bắt đầu đọc hai câu thơ của cụ Hoàng Trọng Thuần khắc trên tấm bia đá ở cồn Sanh."Mảnh đất cá nhảy ba tầng/ Nền khoa cử sấm vang nơi vũ cấp". Vốn xa xưa làng trù phú, có cánh đồng có dòng sông, con nước mênh mông chảy vào trang sách ướt đẫm niềm hiếu học. Những sĩ tử của làng thuở ấy cũng dựng chòi lá như thế này bên dòng sông, ngày ngày họ đọc sách và chơi với cá chép trên sông, để một hôm "cá chép vượt vũ môn" và hoá thành rồng bay về ẩn mình vào linh thổ tạc nên dáng làng uốn hình "phi long" như bây giờ. Ôi, sao nghe chuyện của ông như một huyền thoại. Huyền thoại thì không có thực nhưng chưa bao giờ vô ích!

Độ cuối mùa xuân bắt đầu đợt kéo cá. Mà ông nội thả cá ở đây như một thú chơi, vui là chính chứ có kiếm được đồng nào đâu. Quê nhà thật hay, cứ như làm giàu không được thì thôi làm để lấy niềm vui sống. Be bờ gầy hồ nuôi cá cũng vậy. Lãi lời chả có chi nhưng niềm vui thì rất nhiều, vui vì được thả mình với đất trời bình dị, vui vì được ngồi chòi ngắm trăng đêm… Riêng đối với tôi, chòi canh cá còn là trường học vĩ đại mà ở đó, chính vị giáo sư mang tên Quê Hương đã mượn cánh đồng làm trang vở, lấy gió trời thay mực vẩy lên trên thảm lúa bao nhiêu bài học giá trị, bồi đắp cho trí tuệ và tâm hồn.

Chòi sĩ tử vẫn còn đó, như suốt đời ta vẫn sĩ tử mà thôi!

               H.C.D

 

 
Hoàng Công Danh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 186 tháng 03/2010

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground