Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chùm tản văn

Rưng rưng màu khói

Dẫu bộn bề công việc nhưng mươi ngày nữa tháng tôi vẫn tranh thủ về quê. Theo con đường từ phố thị Đông Hà chạy dọc sông Hiếu, nơi đây tôi đã đi lại nhiều lần, từ thuở chỉ là vệt mòn ven sông băng qua thân ruộng nay là con đường nhựa thênh thang nối về cửa biển. Theo thời gian cảnh vật và con người đã khác nhưng mùi khói trên ruộng đồng biền bãi, khói từ những mái nhà tranh ẩm ướt sau mưa vẫn thơm đến nao lòng, rưng rưng bao kỷ niệm...

Tuổi thơ tôi lớn lên nơi miền quê nghèo ven sông với những chiều nướng khoai, sắn ngoài đồng bên khói rơm cay xè khóe mắt. Rơm sẵn có ở đồng làng thêm vài miếng phân trâu khô là có một bếp lửa nồng đượm nướng chín vài củ khoai, mấy con cá rô vàng ngậy. Lúc ấy mùi khói rơm thơm lắm, quyện vào áo vào tóc để dù đến nơi đâu vẫn còn vương vấn mùi thơm chất chứa cả nắng mưa, mồ hôi con trẻ để bây giờ lại ''đốt cháy'' một thời xa lắc trong tôi...

Ngày ấy, nhìn từ đầu làng đến cuối xóm chẳng thấy có nhà xây đổ bằng kiên cố. Gia đình nào khá giả cũng chỉ cái nhà rường cột kèo vững chãi nhưng lại bao che bằng thứ rơm khô, còn lại chỉ nhà tranh vách đất mộc mạc. Vậy là mỗi sớm, mỗi chiều từ mái nhà tỏa ra những làn khói. Khói bốc lên có khi thành từng đám cuồn cuộn lại có lúc leo lét từng sợi nhỏ mỏng manh uốn cong giữa trời xanh cao rộng. Nhưng có một điểm chung của tất cả những gian nhà giản đơn là bếp lửa sum họp cuối ngày. Và khói bếp trở thành biểu tượng về sự ấm no của mỗi gia đình. Một ngày hai bữa sáng tối, người dân quê tôi lại thổi cơm bằng rơm, rạ. Hồi ấy, sau mỗi lần theo mẹ xuống bếp khuôn mặt anh em tôi lại lem nhem những vết nhọ từ tro bếp. Chúng tôi nhìn nhau cười khúc khích bởi giống như cô bé lọ lem trong chuyện cổ tích mẹ thường kể.

Cứ mỗi mùa thu hoạch, lúa được chất thành từng đống giữa sân cho vài con trâu được một người đứng ở giữa cầm dây xâu mũi dắt trâu đi quanh dẫm bàn chân xuống cho rơi hạt ra và người ta gọi là ''đạp lúa trâu''. Sau khi đạp xong rơm được phơi khô rồi cột thành những bó bằng cánh tay treo lại ngoài vườn sau này bện thành từng tấm dùng để lợp nhà. Số rơm còn lại được xây thành một cây to tướng ở ngoài vườn làm chất đốt dự trữ và thức ăn cho đàn trâu khi mùa đông giá rét ập về. Những ngày đông trẻ con chúng tôi thường tìm đến các cây rơm chui vào đó mà ngủ ngon lành. Rồi chúng tôi rút từng nắm rơm bện thành từng con cúi châm lửa để sưởi ấm khi ra đồng. Lửa có lúc cháy phần phật vàng rực, lúc gặp mưa tắt ngấm nhưng bao giờ cũng tỏa ra từng đụn khói hăng hắc, nồng cay... 

Đã bao năm trôi qua, tôi cùng những bạn trẻ lớn dần, tứ tán mỗi phương nhưng cái ngày xưa ấy, màu khói lam có mùi hăng hắc từng bốc lên giữa đồng bãi hay giữa mái nhà tranh vẫn đi theo mãi. Giản dị, nghèo khó mà sao thấy ấm cúng lạ thường. Bởi trong làn khói ấy có tiếng cười vui rộn rã của trẻ thơ, lời chuyện trò của bà con cô bác...Vậy nhưng đường làng cứ xa dần, những mái bếp bám đầy mồ hóng không còn nữa. Thi thoảng trong mỗi bận về quê được thấy lại những đụn rơm nơi góc vườn bốc lên một mùi ẩm mốc của đất nhưng đã thưa vắng những cây rơm rộn rã tiếng cười.

Cuộc sống đã đổi thay. Những mái nhà tranh được thay thế bởi nhà tầng, nhà mái bằng. Loại kiềng ba chân dùng để đun rơm chẳng mấy khi nhìn thấy nữa. Các đụn rơm được dành lại để ủ phân, tạo khí biogas. Đa số người dân quê không còn đun rơm đun rạ mà chuyển sang những loại nhiên liệu khác sạch hơn, tiện dụng hơn. Vậy nên màu khói ít khi hiện hữu ở khắp thôn cùng ngõ xóm mỗi buổi hoàng hôn về. Và khói lam chiều dường như không còn là biểu tượng cho sự no ấm của mỗi gia đình nữa.

Bất chợt chiều nay, tôi bắt gặp làn khói mỏng manh bay lên từ những cánh đồng ven sông, bỗng nhiên thấy vừa xa lạ vừa thân quen. Dù chỉ là thoáng chốc nhưng đã làm sống dậy kí ức  một thời nghèo khó nhưng rất đỗi thanh bình, là mái ấm gia đình đầy yêu thương sau lũy tre, dưới mái nhà rơm rạ, là những ngày thơ bé êm trôi bên miền quê thôn dã, là khoảng trời yêu thương đằm thắm và thổn thức…

    Nghe ký ức dòng sông

Sông Hiếu có cái tên thật hiền ngoan chảy qua làng tôi trước lúc về biển cả. Đã từng sống và gửi gắm năm tháng tuổi thơ với dòng sông để lớn lên đi xa lại thăm thẳm vọng nhớ về.

Chẳng biết tự bao giờ sông Hiếu rẽ nhánh chảy vào làng tôi để tạo thành cái doi đất có tên Cồn Soi, một địa danh quen thân với bọn trẻ vì có khoai, sắn, cá, tôm và những chú dế mèn đen mộng. Nhà tôi ở cạnh dòng sông, chỉ cần vài bước chân là chạm ngay mép nước. Từ nhà tôi sang Cồn Soi lòng sông rộng lắm. Bọn trẻ không mấy đứa đủ sức bơi tận bờ bên kia nếu không bám vào đuôi con trâu ngập mình giữa dòng nước chảy.

Tuổi thơ chớp mắt đi qua, tôi lớn lên xa làng đi trọ học. Tháng 9 quê tôi mưa gió bão bùng, sông Hiếu tiễn tôi đi trong con nước ngập đầy. Tôi xa quê nhưng kỷ niệm về năm tháng ấu thơ chẳng thể nào ngủ yên dưới cồn cào ký ức. Tôi nhớ những đêm ngồi bên dòng sông lấp lánh màu sáng bạc, lắng nghe từng đợt sóng xao xác vỗ bờ, những lần như thế mẹ tôi thường bảo: "Dòng sông như đời người mãi miết chuyên chở niềm vui nỗi buồn trần thế". Và cũng không ít lần mẹ tôi thao thức cùng nhịp vỗ của sông khuya cho đến sáng mai xuống thuyền đi chợ sớm.

Dòng sông không chỉ là nơi gửi gắm nỗi niềm tự sự mà còn là phương tiện duy nhất kết nối người dân quê tôi với cuộc sống bên ngoài. Tôi nhớ cảnh cuống quýt gọi đò của những người ngủ muộn, cảnh chạy bộ dọc bờ sông lên Đông Hà của những người ở xa tận Lâm Xuân, Nhĩ Hạ khi đến chậm chuyến đò. Cả xã Gio Mai lúc ấy có đến mười chiếc thuyền chở khách ngày hai buổi xuôi ngược Đông Hà. Những chủ thuyền như ông Tế, ông Đống... đã gắn bó gần suốt cuộc đời với dòng sông, con thuyền. Cảm phục biết nhường nào những tay lái như ông Tế khi cả một khúc sông rộng dài hơn mười cây số nhưng ông lại thông thạo mọi luồng lạch nông, sâu. Dòng sông-con thuyền đã gắn bó với người dân quê tôi là một phần của cuộc sống.

Theo bước chân của thời gian, trên đường hội nhập và phát triển, cảng Cửa Việt mở ra, tuyến đường xuyên Á hình thành sừng sững vắt ngang qua làng tôi. Chẳng thế nào phủ nhận những giá trị kinh tế đích thực của tuyến đường. Có người gọi đây là con đường hạnh phúc vì đã phục vụ hữu ích cho đời sống dân sinh của hàng ngàn dân ở vùng đông Gio Linh. Kể từ đó muốn lên Đông Hà chỉ mất hơn mười lăm phút ngồi xe máy. Bằng không thì túc tắc xe đạp cũng mất hơn bốn lăm phút. Sang trọng hơn đã có những chuyến xe đò từ Cửa Việt lên tận Lao Bảo mang theo hạt chắt chắt chân quê góp mặt ở cửa khẩu. Lớp trẻ hôm nay sung sướng đạp xe lên Đông Hà học chứ không phải nhọc nhằn như chúng tôi hồi trước phải cuốc bộ hàng chục cây số đường cát mỗi ngày. Có đường, người dân lại đổ xô ra mặt tiền dựng nhà, hàng quán dịch vụ chen nhau mọc lên. Đêm đêm người già con trẻ phải giật mình tỉnh giấc vì tiếng karaoke vọng về. Bức tranh quê với khung cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền đã trở nên xa vắng. Ngày ấy nơi bến sông, trên khoang thuyền không chỉ là phương tiện mà còn là chốn giao lưu, cầu nối tình cảm giữa những người dân quê mộc mạc. Bây giờ có đường nhựa bóng loáng thì mấy ai nghĩ đến chuyện ngồi thuyền xuôi ngược lên Đông Hà về Cửa Việt. Bến sông trở nên hiu quạnh, những chiếc thuyền gác mái và chẳng còn nghe tiếng gọi đò mỗi sáng. Những người như ông Tế, ông Đống đành trở về với mấy thước đất thơm mùi phù sa bờ bãi. Tôi cũng rời căn nhà cũ nhìn ra dòng sông đầy ắp kỷ niệm.

   Giờ đây cứ mỗi lần về quê đi trên con đường thênh thang tôi lại nhớ những lần ngồi trên chuyến đò dọc miên man nghe sóng vỗ vào mạn thuyền. Sông vẫn thế! Bình lặng và xôn xao. Dẫu biết rằng "Không ai tắm hai lần trên một dòng sông". Ấy là quy luật vận động không ngừng của tạo hóa nhưng riêng tôi vẫn thầm gọi mãi…Sông ơi !

Nhớ bác Phó Cối

Một thời chưa thật xa trong mỗi chúng ta, hàng năm khi cây lúa đỏ đồng, người nông dân nôn nao chuẩn bị cho một mùa thu hoạch mới. Cuối xóm lò rèn đỏ lửa suốt ngày đêm cắt chấu lưỡi liềm, lưỡi hái; trong những phiên chợ quê gian hàng thúng mủng, mây tre, bồ cót người mua kẻ bán vô ra tấp nập. Và trên mỗi nẻo đường làng lại thấp thoáng bóng dáng của bác phó cối quen thân tòng teng bộ đồ nghề trên vai.

Thuở ấy làng tôi có ba người chuyên làm nghề đóng cối xay lúa. Trong những người thợ đóng cối ấy thì bác phó Khoa là người được bọn trẻ chúng tôi quý mến nhất và cũng là người được bà con nông dân mời về nhà đóng, sửa cối nhiều nhất. Bác có dáng người cao to, phốp pháp tính tình hiền lành như cục đất bác thường nhào nặn để làm cối. Từng thớ đất thô, nhanh chóng dẻo, mịn trong đôi bàn tay cứng cáp, chắc nịch của bác. Rồi cũng từ bàn tay thô mộc ấy dẻo nhanh đan những nan tre thành cối bền chặt qua mưa nắng cuộc đời. Thông thường làm một cái cối phải có nguyên liệu là một cây tre cái để pha nan đan vỏ cối, đất sét để lèn làm thớt trên thớt dưới và cuối cùng là ăm cối để đóng răng. Đất để lèn thớt lấy từ nơi đất ở của tổ mối bởi loại đất này không có sạn và trong đất có chất keo do miệng con mối tiết ra nên rất dẻo nhưng thông thường là dùng đất sét đào sâu trong lòng đất. Đất tổ mối hay đất sét đều phải đập mịn phơi khô sàng lấy bột. Đất tổ mối sàng bỏ rác, vỏ gỗ mục. Nếu đất sét thì phải gạn hết sạn, sỏi để sau này xay lúa, sạn không lẫn vào trong gạo. Dăm cối thường phải chọn gỗ dẻ, những nơi khan hiếm dùng gốc tre già để chẻ dăm. Trong lúc bác Khoa chẻ dăm, pha nan đan vỏ cối, đục tre hoặc gỗ đóng giàng xay, đóng bệ cối thì bọn trẻ chúng tôi phụ giúp chủ nhà đập đất, phơi khô rồi giần sàng…

Cối xay bằng đất hình thức đều giống nhau nhưng tùy theo sở thích của chủ nhà. Có người chỉ đóng trơn thớt trên, thớt dưới khi xay lúa chỉ hứng cái nia và quây xung quanh một tấm cót nhỏ. Nhưng phần lớn cối xay đều được đan thêm ở dưới đáy thớt dưới một vành cối, có chừa một ô trống để lùa gạo, trấu xuống thúng. Mọi công việc như bệ cối, giàng xay, vỏ cối, tai cối, ngõng cối được làm xong, đất đã khô thành bột khi đó bác phó Khoa mới bắt đầu trổ tài nghệ. Tãi bột đất ra nong, miệng bác ngậm đầy nước phun thành bụi nước như thầy phù thủy phun rượu. Tay bác lại đảo đất cho thấm đều nước, đất lúc ngấm nước dẻo dần thì bác cho vào trong vành cối đã đặt ngõng của thớt dưới, chốt đanh tre hảm thanh tre có hai lỗ làm tai cối ở thớt trên, bác Khoa luôn tay nện đất lèn thật chặt. Thớt trên được đặt thêm bốn miếng gỗ tạo thành hình vuông nhỏ ở dưới cối để cho thóc chảy xuống thớt dưới. Dùng cái liềm đã cùn chấu cong như vành trăng non cà nhẵn hết lớp gỗ ở lòng cối, thớt cối, rồi thoa lên mặt răng cối một lớp đất bụi và tiếp tục nêm từng khe răng cho dày hơn, chặt hơn. Khi cái cối hoàn tất, bác Khoa xay thử vài chục vòng cho cạnh và răng cối mòn nhẵn rồi nhấc thớt trên ra dùng chổi quét sạch lớp bụi đất và nở một nụ cười thật tươi, thật hiền với chúng tôi. Và cái ngày hoàn thành cối, dẫu nhà nghèo đến đâu thì trong bữa cơm cuối cùng chủ nhà vẫn soạn một mâm cơm có trầu, cau, rượu, thịt để tạ ơn và chia tay bác phó cối, ở đâu đó đã nghe râm ran niềm vui mùa gặt mới…Sáng hôm sau bọn trẻ chúng tôi theo chân bác Khoa xách đồ nghề sang một nhà khác. Từng mùa, lại từng mùa, tôi cùng bác Khoa lang thang trong những xóm làng bình yên tre trúc nhào nặn, đan lát làm nên những cái cối đất xay ra hạt gạo nuôi sống bao người.

Có lẽ đã qua hàng ngàn năm người nông dân trong những làng quê gắn bó với ruộng vườn, với cái cối đất. Một đời người nông dân chẳng còn ai nhớ mình đã đóng bao nhiêu lần cối xay, cối giã. Riêng tôi đã không biết bao lần đứng bên giàng cối xay, đã từng vịn vai chị, vai anh dậm chân đôi cần cối giã để được nghe tiếng sàn sạt, rào rào của cối xay, tiếng bập bênh, thậm thịch của cối giã như là tiếng reo của mùa màng ấm no và nỗi vất vả  vui buồn của người nông dân tán tụ.

Năm tháng nối tiếp nhau qua đi, cuộc sống đời người mỗi năm mỗi khác. Nơi cái làng nhỏ của tôi nay đã vắng bóng những bác phó cối khi mùa vụ cận kề. Cái cối xay làm bằng đất ngày xưa cùng bác phó Khoa hiền lành, khéo tay đã xa vắng như cổ tích. Làng tôi bây giờ có đến mấy cái máy xay lúa nổ giòn giã suốt ngày đêm. Thật vui mừng biết bao khi làng quê bước lên công nghiệp hóa. Nông dân bây giờ chỉ cần mang thóc đến chỗ máy xay nói chưa xong câu chuyện đã có đầy một thúng gạo trắng mang về. Nhưng trong thẳm sâu lòng tôi mỗi kỳ lúa đỏ đồng, mỗi vụ thóc vàng đơm đầy ngõ xóm, lại bâng khuâng nhớ về bóng dáng bác phó Khoa, nhớ cái cưa, cái đục, lưỡi liềm cùn chấu đã từng gắn bó bền chặt bao năm tháng tuổi thơ tôi và tồn tại suốt cả ngàn năm cùng người nông dân quê mùa, lam lũ. Nhớ về, là để gởi nhớ gởi thương đến cái nghèo khó, bình dị của ngày xưa và tự nhắc mình đừng mau quên lãng.    

H.N.K

Hồ Nguyên Kha
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 224 tháng 05/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground