Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chúng tôi viết sử Trung đoàn

H

è. Thành phố Vinh như được rang trong chảo lửa khổng lồ. Những trận gió Lào giống như những chùm hỏa tiễn phóng những luồng hơi nóng hầm hập, ù ù, dữ tợn. Cây cối xác xơ, sém táp. Bụi đỏ rực, mù trời ném vào người rát bỏng.

Các quán bia hơi, giải khát mọc san sát lấn át cả vỉa hè chật ních, tấp nập người ra vào. Xe cộ các kiểu, các loại đậu từng hàng, từng bãi. Dọc phố Quang Trung tiếng động cơ, tiếng còi xe, tiếng gọi nhau, tiếng quát tháo, tiếng nhạc xập xình xen lẫn tiếng máy xay, máy tiện, máy chạy đá... từ  các ki ốt hai bên đường tạo nên những âm thanh hỗn độn, ồn ào, hối hả. Cảnh mua bán nhộn nhịp, nháo nhào. Người ta thi nhau làm giàu. Cái nhịp sống sôi động ấy như ùa vào từng căn nhà, góc phố. Cái guồng quay chóng mặt của cơ chế thị trường tưởng chừng làm cho thành phố Đỏ càng nóng thêm. Hừng hực...

Đang bán thuốc chữa bệnh cho khách nơi quầy hàng nghe tiếng xe máy tôi ngẩng lên. Đại tá Hồ Hữu Lạn nguyên là phó tham mưu trưởng Quân khu Bốn xuống xe dẫn theo một ông già ngoài bảy mươi tuổi thân hình chắc, đậm, đầm đìa mồ hôi, đôi mắt mở to, thông minh cương nghị.

- Có nhận ra ai không? Người hùng đi tìm quá khứ đây.

Một thoáng sửng sờ, tôi lao ra:

- Trời ơi! Thủ trưởng Minh Long.

- Thằng Tài trinh sát công binh.

Trung đoàn trưởng ôm chặt lấy tôi như ôm đứa con  trai của mình sau ba mươi năm trời xa cách mới tìm lại được...những giọt nước mắt của ông rơi trên má tôi nóng hổi. Ông nói trong xúc động:

- Tớ nghe tin cậu hy sinh lâu rồi, ai ngờ...

***

Tổng tấn công Mậu Thân 1968, tôi còn là cậu thư sinh "mặt bấm ra sữa" bổ sung vào Đại đội 21 Công binh đoàn Thu Bồn (Trung đoàn 812B hồi ấy). Đơn vị vừa tham chiến ở Thành Quảng Trị, La Văng, quận lỵ Hải Lăng. Lịch sử Trung đoàn đã ghi những trang oanh liệt. Lũ tân binh chúng tôi phục sát đất lớp đàn anh đi trước. Chiến công của các anh đã đi vào thơ ca, âm nhạc:

"...Quân reo trên Ngã Tư Sòng, rằng ta giết hết tiểu đoàn "Trâu Điên". Đầu Mầu trận đánh công kiên xác bao tên Mỹ - Ngụy vùi chôn đất này...". Chiến công và mất mát, Trung đoàn trưởng Tống Sỹ Ngùy hy sinh là niềm đau lớn của chúng tôi. Chúng tôi vĩnh viễn mất một người chỉ huy có tài, có đức hết lòng thương yêu chiến sĩ. Kẻ thù khiếp sợ gọi ông là: "Con hổ xám rừng xanh của núi rừng Quảng Trị". Những câu chuyện về ông đã trở thành huyền thoại, thành niềm kiêu hãnh của mỗi người lính trung đoàn.

Ông Nguyễn Minh Long lên thay vị trí Trung đoàn trưởng. Ông cũng là người chỉ huy ghi đậm dấu ấn trong ký ức chúng tôi...

Mặt đường Chín đỏ như máu. Hai bên đường bom xăng của địch đốt cháy trụi, đen ngòm, khét lẹt. Trực thăng bò sát mặt đường găm đạn xuống xối xả, tưởng chừng một con chuột cũng không thoát được. Tọa độ và B52 rải thảm một ngày không biết bao nhiêu lần. Trục đường Chín là huyết mạch duy nhất của chiến dịch Lam Sơn 719. Từ Lao Bảo đến Làng Vây chúng xây dựng những cụm chốt vững chắc hòng không cho bộ đội ta đánh phá giao thông. Mặt đường đá rất cứng nếu dùng cuốc chim đào hố chôn mìn, nghe tiếng động mạnh địch sẽ xơi tái ngay. Đi trinh sát về tôi băn khoăn, lo lắng báo cáo tình hình với Trung đoàn trưởng. Mặt ông đanh lại:

- Phải có cách đánh.

Nói đoạn ông đi sang chỗ chủ nhiệm chính trị Trung đoàn xin con dao găm, rồi rút thắt lưng của mình lấy một con nữa đưa cho tôi:

- Tặng các cậu.

Tôi hiểu ý mừng rơn. Thật quý hơn vàng. Đang định chào rồi đi ông ngăn lại dúi vào tay tôi hai bánh lương khô 702 và một củ sâm. Biết từ chối không được tôi cảm ơn, bụng mở cờ, miệng huýt sáo. Chúng tôi lao nhanh về phía đường Chín. Đêm ấy bằng hai con dao găm quý giá, tổ công binh của tôi đã đào hố chôn mìn diệt hai xe tăng TM.46 và một chiếc xe bọc thép M113 của địch mở màn phong trào thi đua "diệt cơ giới" của đich trên đường Chín.

Trận chiến những ngày cuối tháng 3/1971 diễn ra vô cùng khốc liệt. Sau khi bị thất bại nặng ở Bản Đông, Cha Ky, Đại tá Nguyễn Văn Thọ bị bắt sống. Hàng vạn tên địch, hàng ngàn xe pháo của chúng dẫn đạp lên nhau mở đường máu tháo chạy trên đường Chín. Sở chỉ huy tiền phương của Trung đoàn nhận mệnh lệnh trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Trung đoàn 812 B phải chặn đứng và tiêu diệt cánh quân rút chạy trên đường Chín không cho chúng thoát. Tôi còn nhớ như in" Lệnh của chính ủy Trung đoàn Trần Vững điện cho tiểu đoàn Bốn và lực lượng công binh: "Các đồng chí phải ra ngay mặt đường, lúc này Tổ quốc đang cần sự hy sinh của các đồng chí. Dù phải hy sinh tất cả các đồng chí cũng phải hoàn thành nhiệm vụ." Lúc ấy lực lượng của ta rất mỏng quân số toàn bộ chỉ có hơn 100 tay súng. Vũ khí cao nhất là hỏa lực B41, cối 60 và 12,7 ly. Chúng tôi phải đối chọi với hàng vạn tên địch có hàng trăm xe tăng, phi pháo yểm trợ tối đa đang điên cuồng chống trả quyết liệt để tháo thân. Trận chiến diễn ra càng về sau càng khốc liệt. Tinh thần chiến đấu của bộ đội ta hết sức ngoan cường. Ngày 21/3 tiểu đội trưởng Nguyễn Xuân Hưởng lập kỷ lục chiến đấu phi thường: Bắn 17 quả đạn B41 diệt 12 xe tăng địch. Riêng tổ công binh chúng tôi cũng lập công xuất sắc: Ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ và bảo đảm chiến đấu chúng tôi đã chôn hơn năm chục quả mìn chống tăng các loại, tổ chức trận địa phục kích, xung phong đánh địch đạt hiệu suất cao. Diệt 17 xe tăng và xe bọc thép phá hỏng một xe rà mìn và diệt hơn 100 tên địch thu nhiều chiến lợi phẩm có giá trị.

Ròng rã gần hai chục ngày trời quyết tử với địch đến mãi đêm ngày 23/3/1971, tiếng súng mới tạm im. Một trăm năm mươi hai xe các loại của địch bị thiêu cháy, hơn một nghìn tên địch bị tiêu diệt. Xác quân thù ngổn ngang trên đường Chín. Lực lượng của ta bị thương vong khá lớn chỉ còn lại gần bốn mươi tay súng. Tổ công binh của chúng tôi có ba người: Tôi, Tiến, Đương đều bị thương nặng. Tôi được cáng về Viện Quân Y 68 của mặt trận. Một tháng sau anh Xuân Ngân phóng viên Báo Quân đội nhân dân lặn lội mấy ngày đường lên bệnh viện tìm thăm tôi và viết bài "Một tập thể anh hùng" đăng trên Báo Tiền Phong ngày 18/7/1971. Nói về chiến công của lực lượng công binh và tiểu đoàn Bốn trên đường Chín. Tôi được biết tin Trung đoàn trưởng Minh Long không còn ở đơn vị, đã được điều lên Sư đoàn...Lần cuối cùng tôi được gặp ông là cuối năm 1971 tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ của quân khu, mãi từ đó đến nay tôi mới được gặp lại...

Chiều tối 10/4/2001, tôi bấm liền hơn một chục cú điện thoại đi các nơi:

- Đã nhớ ngày họp mặt Trung đoàn chưa?

- Phong này, cậu phải chuẩn bị tham luận  đấy nhé!

- Hường ơi! Cậu chịu trách nhiệm thông báo cho bộ phận ở Hưng Nguyên nhớ đừng để sót một ai.

- Lợi à! Cậu tập hợp lính tình nguyện càng sớm càng tốt phân công năm đồng chí phát biểu tại Hội nghị.

Trung tá Lợi ở phòng Chính trị Quân khu Bốn là người rất tâm huyết với Trung đoàn. Cậu ấy thuộc thế hệ sau là cán bộ có năng lực và triển vọng. Mấy hôm nay quên ăn, quên ngủ cứ xoay như chong chóng.

-.......

Gặp lại Trung đoàn trưởng tôi quyết định đóng cửa hàng mấy ngày, chưa kịp bàn với vợ. Thôi xin các "Thượng đế" thông cảm cho. Chẳng buôn bán thì đừng. Bây giờ phải đi hát "Bài ca lính cũ gặp nhau" cái đã.

Chuyến đi lần này của Trung đoàn trưởng có ý nghĩa quan trọng đối với cuốn lịch sử của Trung đoàn. Ngay từ khi còn làm Cục phó Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu, Thiếu tướng Minh Long đã có ý định chuẩn bị viết nó. Ông nói:

- Tớ không hoàn thành việc này tớ nhắm mắt xuôi tay không yên.

Ông giao cho đại tá Lê Minh Hoài, Trưởng phòng doanh trại Quân khu Chín nguyên là chủ nhiệm Công binh Trung đoàn thời đánh Mỹ viết dự thảo. Công việc viết sử của một Trung đoàn đang còn biên chế đã là việc rất khó khăn. Nhưng với một Trung đoàn đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình không còn tên tuổi trên cõi đời này nữa thật cực kỳ khó khăn phức tạp. Nếu không có người đứng u4i chịu sào đầy tâm huyết để lo toan gánh vác thì không thể nào làm được. Chính thủ trưởng Minh Long (Chúng tôi cứ thích gọi như thế) là một từ trường nam châm tình cảm mãnh liệt hút chúng tôi thành một khối.

- Phải tổ chức tốt hội thảo, thông qua cơ bản nội dung cuốn sử, bàn giao cho Sư đoàn 324 đưa vào kế hoạch để Viện sử học quân sự in ấn.

Ông nói hai tay giơ lên, hạ xuống dứt khoát như khi hạ quyết tâm chiến đấu:

- Thế còn kinh phí cho hội thảo, việc thu thập tài liệu tiếp, tiền in ấn thì sao ạ?

Ông nhìn tôi bằng đôi mắt mở to cương nghị:

- Chúng mình phải vận động anh em đóng góp thôi. Phải phát huy tinh thần tự lực tự cường.

Càng nghĩ tôi càng thương ông. Từ khi có ý định viết sử bước chân của ông đã bao lần vào Nam ra Bắc đi khắp các nghĩa trang Trường Sơn, đường Chín, Việt -Lào, Do Linh, Cam Lộ...thắp hương đi tìm đồng đội, đã báo tin cho các gia đình đưa hơn một trăm liệt sĩ về các nghĩa trang quê nhà. Rồi lên tận Cao Bằng gặp đồng chí Chu Phương Đới nguyên là Sư đoàn trưởng cũ của Sư đoàn 324 để xin ý kiến, thu thập tư liệu. Ông sang tận Campuchia, biên giới Hà Tiên, An Giang tìm nhân chứng lịch sử thăm hỏi anh em thương binh, gia đình liệt sĩ. Hỏi những người đang sống, và cả những người đã hy sinh lần theo dấu chân lịch sử của Trung đoàn. Góp được đồng nào ông dồn cả cho những chuyến đi dài. Thiếu tiền thì xin các con, xin anh em họ hàng ở ngoài Hà Nội. Tổ chức được hai cuộc hội thảo khu vực ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thật tốn kém, đổ mồ hôi sôi nước mắt. Đã mấy lần đi nhiều kiệt sức, ông ốm phải nằm lại Vinh, Quảng Trị...

Kế hoạch tác chiến đã được quyết định:

- Hôm nay là ngày 10/4 đúng 7h30' ngày 16/4/2001 phải khai mạc. Chậm nhất là 19 h ngày 15/4 các cánh quân phải hợp điểm tại trạm 50 Quân khu Bốn, để gặp mặt giao lưu và thống nhất chương trình hội thảo.

- Gấp quá thủ trưởng ạ.

Tôi lo lắng thốt lên. Quả thực khối lượng công việc nhiều quá: Nào báo tin, chuẩn bị nội dung, mời khách, công tác hậu cần cho hơn 100 người. Xin xe để đưa đón cán bộ chủ chốt của trung đoàn các thời kỳ, mà các đồng chí ấy tuổi đã cao lại ở khắp đất nước.

- Chúng ta không thể kéo dài được nữa.

Tôi nhìn ông. Giờ đây quyết tâm của ông là mệnh lệnh trái tim. Chúng tôi tự nguyện chấp hành như mệnh lệnh thiêng liêng trong chiến đấu.

Hình như có điều gì băn khoăn, đôi mắt ông nhìn tôi ái ngại:

- Này, thế cậu đã báo cáo với vợ chưa? Đóng cửa hàng mấy ngày rồi còn gì. Đợt này có mấy cậu trong Sài Gòn hứa đi ra nhưng vợ nó không cho phép đành chịu. Cũng tại mấy đứa tham giàu ấy mà.

Tôi muốn làm cho ông yên tâm:

- Em thì vô tư đi. Nhờ trời vợ em nó cũng rất hiểu em, chúng em có nhiều kỷ niệm gắn bó sâu sắc với Trung đoàn...

Tiếng súng biên giới Tây Nam thôi thúc chúng tôi. Đơn vị đang gấp rút khẩn trương chuẩn bị đi làm nhiệm vụ Quốc tế ở Campuchia. Riêng tôi đã ở cái tuổi quá đầu ba rồi, chưa lấy vợ kể cũng nóng ruột. Nếu không chớp thời cơ này có lẽ ế. Thế là tôi hạ quyết tâm: Phải lấy vợ. Tôi xông thẳng vào Xí nghiệp Dược phậm Nghệ An cách Trung đoàn hai km. Đánh nhanh. Thắng nhanh. Tôi may mắn bê về một cô dược sĩ đại học quê lúa Yên Thành thật thà, tốt bụng và rất thương chồng, may phúc cho tôi. Cưới nhau được mấy ngày đơn vị thần tốc lên đường vào biên giới Tây Nam. Chưa kịp bén hơi nhớ nhung, da diết, tuyệt vời...

Hai tháng sau, ngày 29/11/1978 tin dữ truyền đi làm bàng hoàng cả xứ Nghệ. Trung đoàn duy nhất của Quân khu Bốn đi làm nhiệm vụ Quốc tế thiêng liêng cao cả, trong trận đầu chiến đấu đã bị thương và  hy sinh hai trăm người, trong đó có cả trung đoàn phó Trần Lời thân yêu của chúng tôi. Vợ tôi khóc hết nước mắt. Đêm ngày ăn ngủ không yên cùng các chị các mẹ có chồng con đi chiến đấu ở Campuchia tao tác bàng hoàng hỏi han,  ngóng trông tin tức. Nhưng rồi bặt vô âm tín, giữa lúc rối bời ấy chúng tôi sao mà thư từ về được. May sao cái thai bé bỏng trong bụng là niềm động viên, an ủi vợ tôi sống, đợi chờ và hy vọng...

Cháu trai đầu lòng của Nguyễn Thành Nam ba tuổi, tôi mới về thăm nhà. Khu tập thể bệnh viện Ba Lan vừa bị cháy trụi do hỏa hoạn. Vợ và con trai tôi đang ở trong một gian nhà dựng bằng tranh tre thưng phên tềnh toàng trên đống tro tàn...Lúc đầu con không thèm nhận cha đến khi cha con không dứt ra được thì phải xa con. Tiếng khóc của con nghe mà xé ruột, xé lòng...

Viết đến đây tim tôi nhói đau! Trận mở màn biên giới Tây Nam là trang lịch sử đẫm máu nhất của Trung đoàn. Tôi thiết nghĩ: Giá như lúc ấy chúng tôi có thời gian chuẩn bị, ít thôi cũng được để hiểu về địch, về địa hình, về chiến trường. Ngày ấy đơn vị gần 90% là tân binh. Cán bộ từ trung đội trưởng trở xuống chưa từng kinh qua chiến đấu. Họ trẻ quá! Dũng cảm quá! Họ đã chiến đấu tới viên đạn, đến hơi thở cuối cùng. Có chiến sĩ mới C2K4, trên đồi Bà Lý một mình giữ trận địa đánh lui nhiều đợt phản kích của địch. Khi trong tay chỉ còn một trái lựu đạn, anh chờ cho địch đến thật đông rồi nhảy lên khỏi hầm rút chốt lao vào chúng. Anh đã hy sinh như một người anh hùng trên mảnh đất thiêng liêng cuối khoảng trời biên giới...

Có lẽ các vị chỉ huy của Sư đoàn Tám suy nghĩ nhiều đến nỗi đau và mất mát này? Chúng tôi khắc sâu tình cảm và lòng biết ơn của chúng tôi với hai vị tướng của quân đoàn Hai là

Tư lệnh trưởng Nguyên An và chính ủy Lê Linh. Các ông đến thăm an ủi và động viên chúng tôi rất đúng lúc. Nhờ ý kiến đúng đắn và đầy trách nhiệm của các ông, đơn vị đã được rút ra củng cố xây dựng lực lượng. Chúng tôi đã nhanh chóng trưởng thành và làm nên những điều kỳ diệu...Mất mát rồi chiến công. Với truyền thống của quê hương Xô Viết anh hùng đơn vị đã vươn lên thành lá cờ đầu toàn quân xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Được Tổng cục chính trị chọn tổ chức hội nghị đầu bờ toàn quân. Trung  tướng Lê Hai phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị về thăm và chủ trì hội nghị. Chúng tôi vinh dự được đón lãng hoa của Bác Tôn từ Tổ quốc thân yêu gửi sang. Cả trung đoàn bừng lên một luồng sinh khí mới. Nhưng nỗi đau mất mát quá lớn chưa dễ nguôi ngoai. ở nhà những người vợ lính có chồng đi xa đã đến với nhau, động viên nhau theo dõi từng bước đi hơi thở của trung đoàn...

Tôi về nhà bàn với vợ.

- Mẹ Nga ạ! Chuyến này phải đóng quầy thêm mươi ngày nữa.

- Sao lâu thế?

- Việc rất quan trọng! Không chỉ cho hôm nay mà cho đời con cháu mình nữa. Em thấy đấy bác Minh Long già rồi, đến đây tổ chức hội thảo trông cậy vào mấy đứa ở Vinh. Mình cũng biết viết đôi chút mình phải có trách nhiệm chứ. Nói vậy thôi, vợ chồng tôi cũng phải đấu tranh suy nghĩ nhiều. Nếu đóng cửa hàng thêm nửa tháng nữa sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của gia đình. Mọi chi tiêu sinh hoạt trong nhà phải trông vào đấy cả. Không bán hàng sẽ bị mất khách. Nhưng vẫn phải chịu nộp thuế và các khoản chi phí khác. Song vì tình nghĩa đồng đội, vì cuốn lịch sử trung đoàn vợ chồng tôi đã cùng chung quyết định.

Im lặng một hồi vợ tôi khẽ khàng:

- Tùy bố nó thôi.

Mừng quá, thế là vợ tôi đã hiểu tôi. Hiểu tình cảm và trái tim người lính.

Tôi viết mấy chữ trên bảng đặt trước quầy "Nhà thuốc nghỉ mười ngày quý khách thông cảm".

Mấy chục cú điện thoại mới lại tiếp tục phát đi...Thời đại thông tin có khác: Chỉ trong giây lát Yên Bái, Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được tín hiệu...Đó là tín hiệu trái tim người lính. Tôi chạy như đèn cù, ngày thì đi bạt mạng. Tối về đọc dự thảo lịch sử, viết tham luận đến một, hai giờ sáng. Có nhiều lúc xúc động quá ngồi khóc một mình, nước mắt tôi rơi ướt nhòe những dòng bản thảo...Thế mà lạ chưa bệnh huyết áp và tim mạch biến đi đâu mất, có lẽ những đứa hy sinh nó phù hộ cho tôi...

Giờ G đã điểm, gần 19 giờ ngày 15/4/2001 các mũi tiến quân của trung đoàn 812B trên khắp đất nước Việt Nam có mặt khá đông đủ. Tôi điểm danh, thiếu một số người: vài ba thằng quan chức tham nhũng, mất gốc. Mấy đứa lo làm giàu. Mấy cậu to mồm nhát gan trong chiến đấu...Còn anh em mình tất cả một lòng, một dạ.

Đây là cuộc gặp mặt lịch sử các thế hệ của trung đoàn. Chúng tôi ôm nhau, chúng tôi cười, chúng tôi khóc.

Những câu hỏi, những lời chào, râm ran, náo nhiệt, nghẹn ngào.

- Mày vẫn sống ư?

- Trời ơi! Cứ tưởng hóa cỏ non Thành Cổ rồi!

- Bị thương à!

- Làm thương binh chưa?

- Chưa! Buồn lắm, mình còn bị nhiễm thêm chất độc da cam nữa.

- Mày khỏe quá!

- Mấy con rồi, đã đứa nào ra cửa nhà chưa?

- Hai đứa một trai, một gái đang học đại học ở Hà Nội

- Thế còn ông, vẫn phòng không à?

- Quá lứa rồi ai người ta lấy.

- Này làm nhà ở đâu?

- Chưa, đang ở nhờ bên nhà vợ.

- Chị có khỏe không thủ trưởng?

- Bà ấy nhà tớ yếu lắm! Mắc bệnh tâm thần lâu rồi...

- Này nghe nói con thằng Hùng nghiện phải không?

- Cho đi cai ngay không thì tàn đời mất!

- Các cậu ơi. Đại tá Cao Xuân Đại nhà mình tìm được hơn ba trăm ngôi mộ đồng đội...Báo Đà Nẵng có bài ca ngợi đây này...

- Thế thằng Tính Hà Nội đã tìm thấy mộ chưa?

- Chưa! Tổ công binh ấy bây giờ có còn thằng nào đâu!

-.......

Xin tất cả ổn định, chúng ta hát nhé. Cậu Nguyễn Thanh Bằng bắt nhịp bài "Lính cũ gặp nhau" của nhạc sĩ: Văn Đờn, rồi bài "Hành khúc Trung đoàn 812". Tất cả đều hát và vỗ tay say sưa: "Bao tháng ngày cùng nhân dân chiến đấu. Đất Ninh Bình, Trị Thiên Huế chiến công lừng oai. Máu với xương quân thù bạc vía kinh hoàng...tiến theo Trung đoàn 812"...Bài hát do anh Dương Minh Đẩu sáng tác đã khắc sâu trong tâm trí chúng tôi. Chúng tôi hát trong vui buồn, hát mà nước mắt chảy vòng quanh. Chúng tôi nghĩ về nhau, đời thường bao nhức nhối. Nhiều đồng đội của chúng tôi đang gặp khó khăn, vất vả, đắng cay, bất hạnh trong cuộc đời. Chúng tôi nhớ đến mấy ngàn liệt sĩ đã hy sinh làm nên lịch sử vẻ vang oanh liệt của trung đoàn. Nhớ đến những đồng chí chưa tìm thấy xác đang nằm giữa rừng sâu lạnh giá, ở tận biên giới Cô Công, Pu Sát xa xôi trên đất  Campuchia. Các nghĩa trang sao còn nhiều ngôi mộ không tên đến thế? Chúng tôi nghĩ rất nhiều...Nghĩ đến những chuyện chưa công bằng trong xã hội, tệ nạn mại dâm, ma túy, tham nhũng...Đến một số đồng đội của chúng tôi đang mất dần đi tình người, mất đi phẩm chất tốt đẹp của người lính...những kẻ đã quên quá khứ, đã quên lịch sử. Đêm ấy chúng tôi không sao ngủ được...

Sáng ngày 16/4 năm 2001 đúng 7h30' cuộc hội thảo bắt đầu. Quân  khu rất quan tâm đến chúng tôi, các đồng chí:

Thiếu tướng phó tư lệnh Quân khu Cao Xuân Khuông, đại tá Nguyễn Phong Phú chủ nhiệm Chính trị Quân khu, đại tá Đặng Quyết phó chính trị Sư đoàn 324, đại tá Nguyễn Bá Dần trưởng phòng khoa học công nghệ môi trường quân khu, đại tá Nguyễn Thanh Oai nguyên quyền Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324, thượng tá Đặng ích Chính trưởng ban lịch sử quân sự quân khu, trung tá Đậu Văn Chinh, trưởng ban sử Sư đoàn 324.

Đặc biệt chúng tôi được đón hai vị lão tướng là thiếu tướng Trần Ân, nguyên phó chính trị quân khu Trị Thiên - Huế, phó tư lệnh Quân khu Bốn. Đại tá Vũ Toán - Đại diện ban liên lạc sư đoàn 324. Cả hội trường xúc động khi lão tướng Trần Ân một người rất tâm huyết tôn trọng quá khứ, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ, ông nói:

- Thằng anh này xin bái phục ông em (gọi thân mật thiếu tướng Minh Long) cả nón. Ta phải học tập và noi gương Trung đoàn 812 các Trung đoàn 3 và 6 cũng phải hoàn thành cuốn lịch sử của mình.

Ông nói khiêm tốn vậy thôi chứ chính ông đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Ông nhắc nhở chúng tôi sau hội thảo này phải tiếp tục bổ sung tư liệu, viết cho chân thật, đừng để sót một sự kiện và nhân vật lịch sử tiêu biểu nào. Qua hội thảo càng gắn bó, yêu thương nhau hơn. Giúp đỡ nhau thiết thực trong cuộc sống.

Tại hội thảo rất nhiều sự kiện lịch sử được xác minh. Nhiều chi tiết cụ thể được sáng tỏ. Các gương chiến đấu hy sinh của các liệt sĩ Nguyễn Phi Hùng, Bùi Giáp Thân, Trần Đình Thân làm cả hội trường xúc động không cầm được nước mắt. Hội nghị nhất trí đề nghị lên trên truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang cho ba liệt sĩ đó.

- Thượng tá Đặng ích Chính vừa phát biểu vừa khóc vì quá xúc động. Anh hứa sẽ làm hết trách nhiệm của mình để cuốn sử sớm ra đời.

Hội thảo thành công, chúng tôi cử một đoàn đại biểu về Kim Liên dâng hương báo công với Bác: Thưa Bác kính yêu chúng con những người lính của quê hương Xô Viết anh hùng đã làm được một việc có ý nghĩa. Xin Người chứng giám và phù hộ độ trì cho chúng con. Chúng con nguyện mãi mãi xứng danh bộ đội Cụ Hồ.

Chúng tôi về Bài Sơn - Đô Lương nơi Trung đoàn tái thành lập ngày 22/5/1965 như về nơi chôn rau cắt rốn của mình. Bà con ùa ra đón chúng tôi như những đứa con đi xa trở về với mẹ. Về thăm Giang Sơn - Đô Lương nơi lần thứ hai Trung đoàn ra đi làm nhiệm vụ Quốc tế thiêng liêng cao cả. Mỗi tấc đất nơi đây đã trở thành máu thịt. Chúng tôi đến thăm các chiến sĩ mới của Trung đoàn I  Sư đoàn 324. Cuộc gặp gỡ giữa hai thế hệ thật là cảm động. Những chiến sĩ trẻ rất háo hức được nghe kể chuyện chiến đấu truyền thống và lịch sử của đơn vị, gương chiến đấu hy sinh của các thế hệ cha anh. Họ reo hò, họ vỗ tay nhiệt liệt. Chúng tôi càng ý thức sâu sắc trách nhiệm của những người đi trước với thế hệ hôm nay:

Cuốn lịch sử Trung đoàn chưa hoàn thành, chúng tôi còn tiếp tục bổ sung những tư liệu mới.

Cách đây hơn hai mươi ngày thủ trưởng Minh Long có điện từ thành phố Hồ Chí Minh ra nhắc tôi: Phải nhớ đưa vào cuốn lịch sử phần phối hợp tác chiến giữa Trung đoàn với bộ đội địa phương và dân quân du kích tỉnh Quảng Trị. Thời ấy chính đội du kích lừng danh Cam Tuyền, Cam Lộ của anh Nguyễn Minh Kỳ nguyên là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã hết lòng giúp đỡ đơn vị chúng tôi. Nhiều lần đưa đón chúng tôi vào đánh thành Qủang Trị, La Văng, Quận lỵ Hải Lăng, Động Ông Do, điểm cao 367, Tích Tường, Như Lệ, Đầu Mầu, Cồn Tiên, Ngã Tư Sòng...làm cho quân thù khiếp vía kinh hoàng. Những câu chuyện chiến đấu của đội du kích Cam Tuyền, Cam Lộ cứ đi vào huyền thoại. Anh Nguyễn Minh Kỳ được mệnh danh là: "Con hùm xám của đường Chín". Tôi thầm hứa với thủ trưởng là tôi sẽ nhớ. Nhưng có  một điều này mà hôm thủ trưởng Minh Long ra tôi đã quên chưa nói với thủ trưởng. Đó là hai con dao găm mà thủ trưởng tặng chúng tôi chiến dịch đường Chín Nam Lào tôi đã đưa về phòng truyền thống của Sư đoàn. Còn củ sâm bữa ấy mấy anh em thương binh chúng tôi đã chia nhau trong lúc sức khỏe suy kiệt. Cứ nhớ đến những kỷ niệm ấy tôi cảm thấy ấm tình đồng chí đồng đội thiêng liêng.

Thật bất ngờ, quả đất tròn, tôi và anh Nguyễn Minh Kỳ đã gặp  và nhận ra nhau trong đêm giao lưu bế mạc trại viết Cửa Tùng (ngày 25/4/2003). Chúng tôi ôm nhau nghẹn ngào, xúc động...

Mảnh đất Quảng Trị anh hùng đã trở thành quê hương thứ hai yêu dấu của tôi. Nơi tôi đã sống và chiến đấu những năm tháng đầy hy sinh và gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt của dân tộc. Máu của tôi và bao đồng đội đã thấm đỏ mảnh đất này. Được thăm lại chiến trường xưa, thăm địa đạo Vịnh Mốc, Thành Cổ Quảng Trị bất tử, thăm nghĩa trang Trường Sơn...lòng tôi trào lên một tình cảm thiêng liêng sâu sắc. Cám ơn Tổng cục Chính trị, cám ơn Quân khu Bốn, cám ơn Hội văn học nghệ thuật Quảng Trị, cám ơn trại viết Cửa Tùng đã cho tôi được sống những giờ phút xúc động mãnh liệt của người cầm bút. Tôi nguyện với lòng mình: Trái tim tôi còn đập tôi còn viết. Chúng tôi mắc nợ với mảnh đất đau thương anh dũng và những người đã khuất nhiều lắm! Biết bao giờ mới trả hết được?

Tôi đứng lặng im trước biển Cửa Tùng. Sóng ầm ầm như biển gọi...Những cơn sóng cứ dội vào lòng tôi như nhắc nhủ: Chúng ta không được phép và không có quyền quên quá khứ. Sứ mệnh của người cầm bút thật vô cùng nặng nề nhưng hết sức thiêng liêng cao cả. Sóng cứ dội vào bờ, dội mãi trong những lời ký thác...

Ngoài xa biển xanh thẳm mênh mông. Phía Đông mặt trời nhô lên như một trái tim rực lửa...Với người lính chúng tôi: Phía trước là quá khứ.

N.V.T

 

Nguyễn Văn Tài
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 123 tháng 12/2004

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground