Năm 2021, khi cung đường miền núi Hướng Hóa vàng rực sắc hoa dã quỳ, chúng tôi có chuyến ghé thăm Hướng Phùng - địa phương được Bộ Thông tin và Truyền thông chọn làm thí điểm chuyển đổi số xã thông minh cùng với 6 xã khác trên toàn quốc. Cùng thời điểm này năm nay, hỏi thăm tình hình triển khai chuyển đổi số của xã mới hay một tin không vui. Đó là sau một năm triển khai người dân từ hào hứng đã chuyển sang thái độ… không mặn mà bởi nhiều lý do. Một trong những nguyên nhân quan trọng chính là người dân không có điều kiện mua sắm, sử dụng điện thoại thông minh (tỉ lệ hộ nghèo nơi đây chiếm 17,6%) và mạng di động còn chập chờn, lúc được lúc mất nên kết quả triển khai chưa cao.
Tập huấn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử tại huyện Hướng Hóa
Những rào cản trong chuyển đổi số
Đưa chuyển đổi số vào nông nghiệp nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng, là chủ trương của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông và tỉnh Quảng Trị trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, việc xây dựng thí điểm mô hình làng, xã nông thôn thông minh ứng dụng chuyển đổi số được đặc biệt đề cập trong Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 4/11/2021 của Tỉnh ủy về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 4/10/2021 về chuyển đổi số của Tỉnh ủy cũng xác định nông nghiệp là 1 trong 3 lĩnh vực trọng tâm cần tập trung chuyển đổi số trong giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, sau một năm triển khai thực hiện hai nghị quyết cho thấy vấn đề còn nhiều khó khăn, cần có hướng tháo gỡ và vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành.
Đề cập đến những khó khăn khi thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng, đồng chí Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị thẳng thắn nhìn nhận: “So với các tỉnh, thành trong cả nước, việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Quảng Trị đang ở những bước cơ bản, thiếu tính hệ thống và kết nối, thông tin thiếu tính cập nhật và chia sẻ, khoảng cách thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước với các đối tượng quản lý còn lớn, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn Big Data cho toàn ngành. Việc ứng dụng các công nghệ thông minh, công nghệ 4.0, sản xuất theo hướng có liên kết, theo quy trình hữu cơ, sạch, có chứng nhận, sản xuất theo chuỗi giá trị... chưa nhiều, một số sản phẩm phát triển chưa bền vững. Chưa có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số”.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, số lượng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh còn ít, chưa có doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia đầu tư các dự án nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; chính sách khuyến khích, kêu gọi, thu hút đầu tư và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức, người dân tham gia đầu tư vào các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đủ mạnh; mới chỉ có hơn 5% HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa thực hiện chặt chẽ và sâu rộng, hợp tác xã nông nghiệp chậm đổi mới, chỉ 10% HTX, THT tham gia chuỗi liên kết sản xuất.
Một trong những khó khăn lớn của ngành là chưa có cán bộ chuyên sâu về chuyển đổi số trong các lĩnh vực nông nghiệp. Nguồn nhân lực trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu là không qua đào tạo nên kỹ năng quản lý, sản xuất, thị trường, khả năng tiếp thu và tiếp cận các ứng dụng công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, nhận thức, tư duy về chuyển đổi số chưa cao và chưa đúng mức. Đối với tỉnh Quảng Trị, hạ tầng viễn thông đã phát triển nhưng chưa đồng bộ, độ phủ sóng chưa đồng đều giữa thành thị và nông thôn.
Chia sẻ với chúng tôi trước những khó khăn trong việc thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết: “Chúng tôi cũng biết quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ gặp phải những thách thức lớn nhưng thực tế cũng cho thấy dư địa chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới rất lớn. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới sẽ là giải pháp quan trọng để phát huy hết các tiềm năng của nông nghiệp, nông thôn; nhất là trong bối cảnh hiện nay chuyển đổi số là xu hướng tất yếu. Chúng ta không thể để nông thôn, nông dân ở lại phía sau trong khi cuộc phát triển của tri thức, chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực”.
Trở lại với câu chuyện xây dựng mô hình làng, xã thông minh, đồng chí Hà Sỹ Đồng cũng nhấn mạnh: “Ngày 2/8/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025. Để thực hiện mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh của ngành nông nghiệp thì xây dựng làng, xã thông minh là điều vô cùng cần thiết. Đây cũng là cách nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, phù hợp với định hướng xây dựng nông thôn mới là không có điểm kết thúc”.
Cần sự quyết liệt trong triển khai xây dựng mô hình thí điểm
Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Phong, Giám đốc trung tâm thông tin, Viện Chiến lược Chính sách Nông nghiệp, xây dựng mô hình “Làng, xã thông minh” tại Việt Nam là phù hợp với định hướng phát triển ngành nông nghiệp của cả nước và đúng theo hướng đi của thế giới. Và nếu xây dựng làng thông minh theo phong cách Việt Nam từ bây giờ thì khoảng cách với thế giới sẽ dần thu hẹp, đời sống người dân vùng nông thôn sẽ được nâng cao. Tuy nhiên, để xây dựng được thành công các làng, xã thông minh là điều không hề đơn giản. Để thực hiện làng, xã thông minh thì điều kiện quan trọng cần thiết chính là phải ưu tiên phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng số cho địa phương được chọn làm mô hình thí điểm.
Hiện tại, ngoài mô hình thí điểm của xã Hướng Phùng, do Bộ Thông tin và Truyền thông chọn làm thí điểm thì phía tỉnh Quảng Trị vẫn chưa chọn mô hình thứ 2 để thực hiện. Tuy nhiên theo nghiên cứu của chúng tôi, dựa trên kết quả những đầu tư từ phía Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh Quảng Trị nên cùng quan tâm hỗ trợ Hướng Phùng để quyết tâm thực hiện thành công mô hình này. Bởi “chuyển đổi số phải chuyển đổi từ nơi khó khăn nhất, từ những người yếu thế nhất để không ai bị bỏ lại phía sau. Có như vậy mới mang lại hiệu quả lâu dài” (Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông).
Trở lại câu chuyện xây dựng mô hình thí điểm xã thông minh Hướng Phùng, rõ ràng đã có sự chuyển biến nhất định trong nhận thức của người dân miền núi về chuyển đổi số. Từ việc chỉ biết sử dụng smart phone cho việc nghe, gọi, nay người dân đã biết việc cài đặt app Medice để thực hiện cuộc gọi tư vấn với bác sĩ; biết tham gia nhóm cộng đồng trực tuyến; tiếp cận việc quảng bá và đưa sản phẩm lên sàn Postmart.vn...
Ngày càng có nhiều người dân sử dụng điện thoại thông minh để giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.
Đối với xã Hướng Phùng, vấn đề khó khăn trước mắt là còn nhiều hộ không có điện thoại thông minh; cần hỗ trợ lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí tại các điểm dân cư tập trung, khu vực công cộng trên địa bàn xã, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin. Theo chúng tôi, trước mắt, để hỗ trợ người dân chưa có điện thoại thông minh, cần bổ sung một tổng đài để những người không có điện thoại thông minh có thể gọi điện thực hiện tư vấn sức khỏe hoặc được tư vấn việc quảng bá, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử… Về lâu dài, để thực hiện thành công mô hình xã thông minh tại Hướng Phùng thì tỉnh cần phối hợp với Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) có sự chỉ đạo phương án để hỗ trợ mỗi người dân được tiếp cận kết nối internet qua các hệ thống kết nối căn bản với các chi phí hợp lý.
Bên cạnh đó, một tin vui là từ ngày 12/12/2022 theo Thông tư 14/2022/TT-BTTTT ngày 28/10/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quy định danh mục, chất lượng dịch vụ viễn thông công ích và hướng dẫn thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025, đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh. Trong đó quy định rõ: Hộ gia đình chưa được hỗ trợ máy tính bảng từ Chương trình hoặc thiết bị học tập trực tuyến thuộc Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Hộ gia đình có nhu cầu hỗ trợ và được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh sách nhận hỗ trợ. Đây cũng là hướng mở quan trọng để xã Hướng Phùng tháo gỡ khó khăn.
Về phương hướng triển khai chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng, đồng chí Hồ Xuân Hòe cho biết thêm, hiện nay Sở NN&PTNT đã hoàn thành việc lấy ý kiến các ngành đối với dự thảo đề án chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Khi được UBND tỉnh phê duyệt, ban hành sẽ là cơ sở để ngành triển khai thực hiện được tốt hơn.
Để tạo sự đột phá trong chuyển đổi số xây dựng nông thôn mới, trước mắt cần phải chuẩn hóa dữ liệu và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối đồng bộ và liên thông; Hệ thống trực tuyến lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/ cộng đồng về chính quyền địa phương. “Để thực hiện thành công mô hình làng, xã thông minh, việc chuyển đổi số phải diễn ra toàn diện trên tất cả các lĩnh vực như: Hạ tầng thông minh, sản xuất kinh doanh thông minh, dịch vụ thông minh, nguồn lực thông minh, thiết chế thông minh,… Điều này có nghĩa là người dân, HTX phải chuyển đổi số ở nhiều mặt, nhiều lĩnh vực. Về phía UBND tỉnh sẽ có những chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 4/11/2021 của Tỉnh ủy đã đề ra. Trong đó, đặc biệt lưu ý Sở NN&PTNT; Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh thực hiện việc xây dựng thí điểm một số mô hình làng, xã thông minh ứng dụng chuyển đổi số để đề xuất cơ chế chính sách phát triển làng, xã thông minh phục vụ chương trình nông thôn mới” - đồng chí Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.