Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cỏ rất xanh và sắc

Tháng Bảy.

Tôi đến Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, vừa đến cổng đã nghe cất lên tiếng hát tập thể của dàn đồng ca nam nữ, bài Cô gái mở đường. Thắp hương lên Đài tưởng niệm liệt sỹ xong, tôi bước nhanh sang khu vực mộ các liệt sỹ là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các cán bộ cao cấp của quân đội ở sát cạnh đó. Ở đây, những cựu chiến binh đang hát say sưa những ca khúc của một thời chiến trận, họ hát tặng những đồng đội đang nằm tại nghĩa trang này...

Tôi nhận ra trong đó gương mặt quen thuộc của nữ NSƯT Thúy Mỵ. Bà vừa hát vừa làm động tác biểu diễn như đang trên sân khấu, nhiệt thành và đầy cảm động. Sau nhiều bài hát hào hùng và trong trẻo, nữ nghệ sỹ tâm sự với tôi: “Thời chiến tranh, giữa các trận đánh cô đã từng hát cho bộ đội, thương binh nghe để họ quên cơn đau, vượt qua cái chết. Hôm nay, cô còn chút sức lực, tâm trí, lại hát cho các anh hùng, liệt sỹ, là thủ trưởng, anh em bạn bè của cô, mà giờ họ đang nằm lại đây. Chỉ cần được hát cho những người mình quý, trân trọng cũng là một niềm hạnh phúc!”. Nói rồi nữ nghệ sỹ bật khóc...

Bên gốc cây bồ đề huyền thoại, tôi được gặp Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Phó Tư lệnh về Chính trị, Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 12. Thiếu tướng đã 88 tuổi, kể cho tôi nghe nguồn gốc cây bồ đề đang tỏa tán lá rộng râm mát bên Đài tưởng niệm liệt sỹ. Trong quá trình xây dựng Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, khi việc dựng đài liệt sỹ gần hoàn thành, một hôm, từ trong khe đá ngay Đài tưởng niệm bỗng nhiên mọc lên cây bồ đề nhỏ bé. Không ai cắt nghĩa được từ đâu, giữa công trường đang thi công bộn bề vật liệu xây dựng sao có thể mọc lên cây bồ đề. Phải chăng gió, hay chim trời mang hạt bồ đề từ một ngôi chùa, vùng đất Phật nào đấy bay đến đây? Đơn vị thi công và chính Thiếu tướng Võ Sở, khi đó là một trong những cán bộ chỉ đạo việc xây dựng Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn đã quyết định giữ lại cây bồ đề, vun trồng, chăm nom, tưới tắm. Đến hôm nay, cây bồ đề vươn cao, cành lá sum suê, giữa trưa hè Quảng Trị nắng chang chang mà đứng dưới gốc cây thì mát rượi… Tôi lặng lẽ đi sau Thiếu tướng Võ Sở. Ông sờ tay lên thân cây bồ đề, rồi khẽ chạm vào chân Đài liệt sỹ.

Cây bồ đề ơi!

Cây đến từ đâu tỏa bóng che liệt sỹ

Trong gió Lào khô khốc

Trong mưa bão mịt mù

Cây đứng như làng quê qua nghìn năm giặc dã

- Tôi đến từ ruộng vườn Việt Nam

Từ sân chùa, bến sông...

- Tôi đến từ bàn tay của Mẹ đang chờ đứa con mòn mỏi tháng năm

Ở cùng các con của Mẹ

Tôi hát ru, tôi trò chuyện, tâm tình

Tôi nối linh hồn các liệt sỹ

Với thời gian đằng đẵng mây trôi...

Nghe tôi đọc những câu thơ trên, Thiếu tướng Võ Sở lặng im giây lát. Rồi ông nói rất nhỏ, mà trong tiếng chuông nghĩa trang, tôi phải ghé sát vào ông mới nghe được, rằng: Ông mãi mãi không thể nào quên những cán bộ chiến sỹ, cấp trên, cấp dưới, đồng đội của ông, nhất là những người nằm trong nghĩa trang này. Tôi không biết gì hơn, ngoài việc hỏi ông bằng một câu hỏi thông thường:

- Xin thủ trưởng hãy kể một vài kỷ niệm sâu sắc nhất với những người đồng đội đang nằm trong nghĩa trang này.

Thiếu tướng Võ Sở im lặng, rồi ông nghẹn ngào:

- Giờ đây, tôi không thể nào kể hết được. Kỷ niệm nào cũng sâu sắc, cũng máu thịt. Đã có quá nhiều người hi sinh…

Và rồi vị tướng già khóc. Nước mắt của người từng kinh qua trận mạc, vào sinh ra tử, từng chôn cất nhiều đồng đội của mình hôm nay lại rơi, thêm lần nữa thấm vào đất đai Trường Sơn…

Tôi bước ra cầu treo Bến Tắt trên đường mòn Hồ Chí Minh, sát cạnh Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Sông Bến Hải - Vĩ tuyến 17 chỗ này nhỏ hẹp, khoảng cách hai bờ chừng vài chục mét. Đứng bên này ném viên đá là qua bờ bên kia. Vậy mà cả dân tộc Việt Nam đã phải làm cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà suốt hơn hai mươi năm, để vượt qua con sông nhỏ gầy này, bao nhiêu người đã hi sinh, bao nhiêu máu xương đã đổ cho độc lập, tự do.

Quảng Trị nằm trong vùng hoàn lưu cơn bão số 2 vừa qua, mấy ngày nay có mưa to nên nước đục ngầu màu phù sa chảy xiết. Nhìn về phía Tây dãy Trường Sơn trùng điệp, màu xanh lam mờ và mây trắng bay lãng đãng. Ở đấy, và ngay cả nơi tôi đang đứng, thời chiến tranh có thể là nơi trú quân, nơi giao chiến khốc liệt, nơi bom đạn cày đi xới lại, nơi mỗi người chiến sỹ dường như không bao giờ đặt cho mình câu hỏi “Mình có còn sống đến ngày chiến thắng?”. Với nhiều cựu chiến binh tôi đã gặp và hỏi rằng các bác, các chú, các cô hồi đó có bao giờ nghĩ mình có được sống đến ngày đất nước vẹn toàn thống nhất? Các cựu chiến binh đều trả lời tôi rằng, họ luôn nghĩ, luôn tin chắc rằng ngày chiến thắng, ngày sum họp mọi nhà chắc chắn sẽ đến. Và họ không bao giờ hình dung mình sẽ có mặt trong cái ngày trọng đại ấy. Có nghĩa là, họ đã thầm quy ước với chính bản thân mình rằng, cuộc sống của họ đã dành cho Tổ quốc...

Phía trước mặt, dòng sông Bến Hải vẫn chầm chậm chảy về Cửa Tùng. Tôi hình dung, nếu như ngày hôm nay là một ngày chiến tranh thì dòng nước dưới chân cầu Bến Tắt có chảy màu phù sa như bây giờ? Và tiếng chim hót râm ran trong cánh rừng keo, rừng tràm, rừng cao su kia, có sinh động đến thế? Và đàn trẻ con trong làng ra tụ tập bên đường mòn Hồ Chí Minh, có hồn nhiên và tinh nghịch?

* * *

Nắng hạ khô cháy nhưng cỏ trong Thành Cổ Quảng Trị vẫn xanh tươi tràn trề sức sống. Tôi đi theo một nhóm cựu chiến binh Hội chiến sỹ Thành Cổ Quảng Trị 1972, quê đủ mọi miền đất nước. Sau phút gặp gỡ, hỏi han thân tình, tất cả cựu chiến binh tản đi tìm những vị trí, những nơi mà trước đó 45 năm họ từng chiến đấu. Cựu chiến binh Phan Văn Tam, quê huyện Thanh Chương (Nghệ An), nguyên chiến sỹ thuộc Sư đoàn 320 cứ loay hoay tìm cái lô cốt phía Đông bắc Thành Cổ. Đấy là nơi ông cùng đồng đội đã ẩn nấp, nổ súng chống trả các đợt tiến công của đối phương. Ngày 15 - 9 - 1972, ông bị thương, được chuyển ra ngoài. Ngày hôm sau hồi sức, vết thương băng bó tạm ổn, ông lại nằng nặc xin cấp trên vào lại Thành Cổ tiếp tục chiến đấu. Nhưng hôm đó, ngày 16 - 9 - 1972 cũng là ngày các đơn vị rút hết lực lượng trong Thành Cổ. Ông Tam thẫn thờ bởi đã không thể mang theo được thi hài của người đồng đội, người bạn cùng làng... Giờ đây, ông đứng giữa bời bời cỏ lau, chắp tay cầm nắm hương cháy ngùn ngụt mà khấn:

- Thành ơi! Thành ơi! Mi nằm ở mô mi báo cho tau biết với, tau đưa về! Bốn lăm năm rồi. Thành ơi! Hôm ni họp mặt Hội chiến sỹ Thành Cổ, anh em đồng đội về đông đủ hết. Mi có thấy không?

Ông Tam khấn nhiều lần. Vừa khấn ông vừa đi vòng quanh, rồi nói với mọi người:

- Tui nhớ trái pháo nổ, chỗ góc lô cốt đó. Tui còn kịp nhìn thấy rõ Thành bị tung lên. Tui ở xa hơn nên may chỉ bị thương. Còn hắn thì... Thành ơi! Thành ơi! Thành ơi, mi nằm ở mô?

Tôi đã bật khóc cùng ông Tam khi ông gọi tên đồng đội đến lạc giọng như thế.

Cựu chiến binh Sầm Ngọc Trâm, nguyên chiến sỹ quân y thuộc Tiểu đoàn 9, bộ đội địa phương Quảng Trị kể rằng: Trong 81 ngày đêm Thành Cổ, hằng đêm, trung đội cứu thương của đơn vị ông chuyển hàng chục thương binh, tử sỹ vượt sông Thạch Hãn tập kết ra làng Nhan Biều phía bắc. Ông không thể nhớ được trong khoảng thời gian đó trung đội của ông đã chuyển bao nhiêu người. Ông nói:

- Không nhớ chính xác được. Nhưng tôi còn nhớ một trường hợp thế này. Một đêm, tôi cõng một thương binh đã mê man bất tỉnh. Khi bắt đầu tiếp cận bờ sông Thạch Hãn thì anh ấy tỉnh lại, nói với tôi ý rằng: Đồng chí ơi, bỏ tôi lại đây. Quay lại cõng người khác. Tôi không sống được. Đồng chí quay lại cứu người khác đi... Tôi đặt anh ấy nằm trên bờ sông, chờ thuyền qua đón, rồi động viên: “Đồng chí cứ yên tâm, đồng chí sẽ được cứu sống. Tôi cũng thế, chắc chắn tôi cũng sẽ sống, hòa bình về ta gặp lại nhau. Đồng chí tên gì, quê đâu?” Nhưng anh ấy đã ngừng thở...

Đây là lần đầu tiên sau 45 năm cựu chiến binh Sầm Ngọc Trâm trở lại chiến trường xưa. Ông đi tìm vị trí căn hầm, nơi ông đưa 7 chiến sỹ bị thương vào đó tạm trú ẩn. Đó là một trận đánh mà ông đã quên mất ngày tháng, Đại đội 3, Tiểu đoàn 8 hi sinh hơn một nửa. Khi ông quay trở lại căn hầm để chuyển 7 thương binh ra, thì chỉ còn một cái hố pháo đen ngòm. Và cũng giống hầu hết các cựu chiến binh đi tìm vị trí mình từng chiến đấu trong Thành Cổ, cựu chiến binh Sầm Ngọc Trâm thẫn thờ:

- Cảnh vật thay đổi nhiều quá. Cỏ tốt quá, xanh quá. Có lẽ căn hầm ở chỗ kia, gần gốc cây xà cừ đó...

Thiếu tướng Cao Xuân Khuông, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 4, trong chiến dịch Thành Cổ Quảng Trị là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị. Tôi thấy có nhiều cựu chiến binh đến chào ông, có người đứng nghiêm, giơ tay chào theo điều lệnh: “Báo cáo đồng chí Tiểu đoàn trưởng. Tôi, Đại đội trưởng đại đội...”. Thiếu tướng Cao Xuân Khuông mỉm cười, ngăn lại: “Thôi, ông tướng! Có còn đánh nhau nữa đâu. Già rồi!”. Một cựu chiến binh vai vác camera quay hình ảnh cựu tiểu đoàn trưởng của mình rất lâu. Ông xoay qua xoay lại, lựa chọn góc hình. Thiếu tướng Cao Xuân Khuông bảo: “Cậu vẫn thế nhỉ? Ngày xưa chiến đấu là xạ thủ B40, cũng mang vác khẩu súng tương tự cái máy này!”.

Thiếu tướng Cao Xuân Khuông cho tôi hay, trong toàn bộ chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, tổng quân số đơn vị ông lúc đầu là 350 người, qua chiến đấu bổ sung thêm 550 người, tổng gần 900 người. Nhưng đến ngày 16 - 9 - 1972 rút ra khỏi Thành Cổ, chỉ còn 50 tay súng. Vậy là 800 cán bộ, chiến sỹ đã thương vong... Trong đó, hơn một nửa hy sinh!

Thiếu tướng Võ Văn Chót, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 4, tháng 5 - 1972, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3, Sư đoàn 324. Sở chỉ huy Trung đoàn đặt tại điểm cao 367, phía Tây Quảng Trị. Ngay ngày đầu chiến dịch Thành Cổ, trung đoàn hi sinh 150 đồng chí. Ông nói với tôi, trên cương vị là trung đoàn trưởng ông nhận thấy thế phòng ngự rất nguy hiểm, vì sau lưng là sông Thạch Hãn. Các trận đánh phòng ngự diễn ra chủ yếu trong thành với diện tích chưa đầy 3km2, ta và địch có khi cách nhau vài ba chục mét. Suốt chiến dịch, ông cùng Chính ủy Trung đoàn Nguyễn Đàm nhiều đêm thức trắng bàn bạc cách đánh, tìm cách giữ vững trận địa phòng ngự và giảm thiểu thương vong. Lúc này, tại Pa-ri (Pháp) đang diễn ra Hội nghị về Việt Nam cực kỳ gay cấn. “Chúng tôi thường nói với nhau: Nghị trường muốn thành công thì chiến trường phải có quả đấm mạnh. Chúng tôi vừa động viên bộ đội giữ vững vị trí trong suốt 81 ngày đêm, vừa tìm cách chỉ huy chặn địch” - Thiếu tướng Võ Văn Chót chia sẻ.

Tôi không thể nào chép ra đây hết được những câu chuyện mà các vị tướng lĩnh, các cựu chiến binh, các chiến sỹ Thành Cổ đã kể cho tôi nghe. Bao nhiêu ký ức, máu xương, kỷ niệm nào cũng rưng rức cảm động. Tôi chỉ xin được kể thêm một câu chuyện: Cựu chiến binh Nguyễn Tứ Quý, quê huyện Thanh Chương, Nghệ An, thương binh hạng 2/4, bị thương ngày 10 - 9 - 1972, mất cánh tay trái, được chuyển ra Bắc điều trị. Vết thương mới lên da non, ông liền xin rời trại thương binh, đi học Đại học Tài chính - Kế toán. Ra trường, ông về làm kế toán trưởng tại một công ty ở Nghệ An. Sau đó, ông phát hiện lãnh đạo công ty có tiêu cực, tham nhũng, liền đứng lên đấu tranh. Ông không nói cho tôi biết cuộc đấu tranh đó có thắng lợi hay không, mà chỉ nói rằng năm 2002, ông xin về hưu trước tuổi, ra làm tư vấn tài chính cho các doanh nghiệp ở huyện Quỳ Hợp. Ông mày mò, nghiên cứu và dồn tâm huyết động viên, hướng dẫn các bạn trẻ trong nghiệp vụ kế toán. Ông luôn dặn họ rằng làm nghề này, phẩm chất đầu tiên là phải trung thực. Luôn trung thực, mãi mãi trung thực, không được một giây phút nào buông rời!

Tôi cùng thương binh Nguyễn Tứ Quý len chân vào bãi cỏ xanh Thành Cổ, cố tìm đúng vị trí ông bị thương - nơi ông đã để lại đó một cánh tay.

- Đây này. Chỗ này là nơi tôi đã dùng súng B40 tiêu diệt một ổ hỏa lực thủy quân lục chiến. Còn chỗ nào quả pháo 105mm rơi xuống nổ làm tôi bị thương... Chỗ nào nhỉ?

Lá cỏ xanh, sắc, cứa vào da ram ráp. Trong mắt tôi, dường như cỏ xanh hơn, cứng hơn rất nhiều. Bởi chúng được mọc lên từ máu xương của liệt sỹ, của những người mà tôi đang được vinh dự đứng cạnh đây!

Thành Cổ Quảng Trị, tháng 7 - 2017

T.H

Trần Hoài
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 276 tháng 09/2017

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground