Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cồn Cỏ, một ngày mới

N

hững ngày đầu năm 2005, thời tiết thật là thất thường, không khí lạnh, gió mùa đông bắc liên tiếp bổ sung, tăng cường, làm cho những chuyến tàu ra đảo Cồn Cỏ luôn bị trễ hẹn. Buổi sáng, trời đang nắng vàng rất ngọt, gió Nồm hây hây, bản tin thời tiết Chào buổi sáng của VTV dự báo “Từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên - Huế trời không mưa, gió nhẹ”, nhưng thuyền trưởng tàu 15 - 11 - 07, thiếu tá Nguyễn Văn Hành nhìn trời, nhìn mây, nói như đinh đóng cột: “Chiều tối nay sẽ có gió mùa đông bắc, chưa xuất bến được đâu, nhà báo!”. Theo kinh nghiệm của anh, cứ giữa hai đợt gió mùa đông bắc sẽ có một khoảng thời gian biển lặng yên như tờ, đủ cho một chuyến chở hàng ra đảo cấp tốc, với lại, đối với những người đi biển dày dạn kinh nghiệm suốt hơn hai mươi năm qua, anh có thêm một nguồn thông tin về thời tiết rất đáng tin cậy nữa, đấy chính là bản tin thời tiết biển của đài khí tượng đảo Bạch Long Vĩ... Và rồi rốt cuộc, cái “khoảng thời gian biển lặng như tờ” giữa hai đợt gió mùa đông bắc ấy đã đến, chúng tôi vội vã bốc hàng, nổ máy. Tàu rời bến Cửa Tùng. Nước biển xanh đậm dần. Từng đàn hải âu trắng bay lượn trước mũi tàu...

Trong buổi làm việc với đồng chí Lê Hữu Phúc - Chủ tịch UBND Quảng Trị, chúng tôi biết Chính phủ đã ra Nghị định về thành lập huyện đảo Cồn Cỏ, các cơ quan, ban ngành tỉnh đang tích cực làm công tác chuẩn bị cho Lễ ra mắt huyện đảo trong thời gian sớm nhất. Cơ cấu nhân sự khoảng hai mươi lăm người, trước mắt có thể sẽ đặt văn phòng đại diện tại thị xã Đông Hà, còn các cơ quan, ban ngành huyện vẫn đóng ở Cồn Cỏ. Vậy là ước mong bấy lâu nay của người dân Quảng Trị nói chung, của cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong Cồn Cỏ nói riêng đã trở thành hiện thực. Cồn Cỏ phải là một miền đất “chính danh”, là một đơn vị hành chính của tỉnh Quảng Trị, cũng như trong những năm chiến tranh, Cồn Cỏ đã từng được mệnh danh  là “chiến hạm không bao giờ chìm”, là hòn đảo anh hùng, trong khói lửa hy sinh anh dũng quật ngã hàng trăm máy bay và tàu chiến Mỹ. Những năm gần đây, dẫu còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng thật là tự nhiên, Cồn Cỏ đã trở thành nơi ấp iu bao nhiêu ước mơ và kỳ vọng về một tương lai phát triển. Cồn Cỏ rồi sẽ trở thành hòn đảo biết khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình, vươn lên ngang tầm với quê hương, đất nước, đóng góp vào công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Xung quanh Cồn Cỏ là ngư trường hơn 9000 km2, sản lượng đánh bắt thuỷ sản rất lớn, nhiều khu vực dự đoán có dầu mỏ; Cồn Cỏ lại là một trong mười một điểm chuẩn dùng để tính ra đường cơ sở xác định chiều rộng lãnh hải Việt Nam theo luật biển quốc tế... Vậy nên làm thế nào để Cồn Cỏ phát huy, khai thác tốt được vị thế “đắc địa” của nó, là cả một chiến lược lâu dài... Nhiều dự án công trình đã được thực thi ở Cồn Cỏ, như cầu tàu- cảng cá, hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng, hệ thống cung cấp nước ngọt, làng thanh niên xung phong, những tuyến đường cơ động đã và đang góp sức, phát huy tốt hiệu quả. “Gương mặt” Cồn Cỏ đã đẹp hơn, hiện đại hơn, “ra dáng” là một hòn đảo đã qua thời khốn khó, bước vào thời kỳ làm ăn, làm giàu. Nhưng... vẫn còn đó bao nhiêu điều ngổn ngang, trăn trở... UBND tỉnh đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế – xã hội Cồn Cỏ đến năm 2010, theo đó, Cồn Cỏ sẽ được xây dựng theo hướng phát triển, khai thác dịch vụ du lịch, dịch vụ nghề cá, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản. Cần phải huy động một nguồn vốn lớn, cần nhiều sức lực và trí tuệ của Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị, huyện đảo Cồn Cỏ, cần phải bền bỉ, chịu khó khăn gian khổ nhiều hơn nữa...

Tàu chúng tôi cập đảo sau hai giờ rưỡi lướt sóng. Âu tàu Cồn Cỏ tấp nập thuyền ghe trú gió. Tàu của ngư dân Quảng Ngãi, Tuy Hoà, Thuận An (Thừa Thiên- Huế), thuyền của ngư dân Cửa Tùng, Vịnh Mốc (Vĩnh Linh, Quảng Trị)... có đến hàng chục chiếc nằm ngủ yên lành trong âu tàu chắc chắn, ngoài kia, sóng tung bờ đá trắng. Những ngư dân trẻ tuổi sau những ngày vật lộn cùng biển cả, đang thả hồn bên ly cà phê trong quán “Câu lạc bộ chiến sỹ” của bộ đội biên phòng Cồn Cỏ. Những tán bàng cao, rộng rãi, râm mát. Tối thứ bảy, tôi cùng các sỹ quan trẻ ra quán chơi. Tưởng ra quán uống cà phê, nghe nhạc nhưng thực chất là đến đây để... gọi điện thoại di động vào đất liền! Cả đảo chỉ có khu vực này là có chút sóng di động chập chờn. Nhắn tin thì rất tốt, còn gọi thì lúc được, lúc không, trừ những hôm thời tiết đẹp. Thượng uý Phan Duy Trà- đại đội trưởng đại đội hoả lực nói với tôi, dù sao đi nữa, cũng là mối dây liên hệ kéo gần khoảng cách với đất liền. ở đảo, gần như hầu hết cán bộ, sỹ quan đều sử dụng điện thoại di động. Thiếu tá Phan Quốc Việt – Phó đảo trưởng bấm máy nhoay nhoáy dò sóng Vinaphone để gọi về quê nhà Nghệ An bảo rằng, ở đây sóng của Chinaphone (Trung Quốc) rất khoẻ, liên lạc tốt hơn! Tôi đã đến nhiều đảo dọc bờ biển trên địa bàn Quân khu 4: đảo Mắt, đảo Mê, Hòn Ngư đều có cường độ sóng điện thoại di động rất cao, trong khi khoảng cách đảo Mắt với đất liền cũng tương đương với Cồn Cỏ. Và tôi nghĩ mai đây huyện đảo ra mắt, các cơ quan, ban ngành huyện lỵ đóng trên đảo, thì vấn đề thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông có lẽ cần giải quyết đầu tiên? Rồi, một loạt vấn đề cấp thiết nữa sẽ đặt ra đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Cồn Cỏ bớt phụ thuộc vào đất liền, bớt phụ thuộc và những chuyến tàu chở hàng tiếp tế bấp bênh trong mùa gió đông bắc như hiện nay? Điều đó chỉ có thể giải quyết bằng cách xây dựng cho Cồn Cỏ có một ngành sản xuất mũi nhọn, có nhiều ngành kinh tế, dịch vụ đa dạng, tổng hợp để Cồn Cỏ trở thành một miền đất “ăn nên làm ra” mới có thể hấp dẫn các nhà đầu tư, thu hút con người tự nguyện đến đảo lập nghiệp. Liệu có thể nuôi trồng thuỷ, hải sản xuất khẩu, xây dựng các cơ sở chế biến như nhiều nơi khác đã làm không, bởi còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố địa lý Cồn Cỏ nữa? Cần phải “đi tắt đón đầu”, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm về quy hoạch, phát triển kinh tế – xã hội trong những năm qua trong công cuộc đổi mới, CNH, HĐH, chúng ta không được phép sai lầm hôm nay với Cồn Cỏ... Những sĩ quan trẻ, những bạn bè, đồng đội của tôi trong quán cà phê “Câu lạc bộ chiến sỹ” hôm ấy đã nói đến bao nhiêu điều trăn trở, những vấn đề thật lớn, thật hệ trọng quyết định đến tương lai của một huyện đảo mới thành lập. Đừng cho rằng như thế chúng tôi thật thật là ôm đồm, bàn những chuyện ngoài tầm tay với, việc đó là của những nhà hiệp định sách lược, những học giả uyên bác. Nhưng chúng tôi yêu quý mảnh đất ba-zan Cồn Cỏ này như một quê hương thứ hai, những tháng năm qua, chúng tôi đã gắn bó với nó, thuộc nó đến từng ghềnh đá, gốc phong ba, ngách chiến hào. Đồng đội của chúng tôi, những thế hệ đi trước đã đổ bao xương máu vì độc lập, tự do trên hòn đảo nhỏ này, rồi đến hôm nay, thế hệ chúng tôi đã đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt trên thao trường bãi tập, trên từng công trình dù nhỏ, dù chưa kiên cố nhưng đã làm Cồn Cỏ thay đổi từng ngày. Chúng tôi ở đảo thì nhớ đất liền, nhớ mẹ già cô quạnh chiều hôm, nhớ một người con gái áo trắng sân trường. Nhưng khi chúng tôi nghĩ phép vào đất liền thì đêm đêm nằm nôn nao nhớ biển, nhớ đảo. Nhớ tiếng sóng ràn rạt ở Bến Tranh, mỏm Con Hổ, nhớ một tiếng gà trưa Cồn Cỏ nghe như từ rất xa, nhớ những chiến hào cây phong ba phủ kín làm nguỵ trang, nhớ vị trí bắn của mình đã được phân công, mình đi vắng nếu có tình huống thì ai thay thế?

Mới hay rằng, trong tâm hồn mỗi người lính đảo Cồn Cỏ, đâu chỉ có mệnh lệnh khô cứng, chỉ có những bài huấn luyện quân sự trên thao trường. Họ thật đa cảm, và thiết tha lắm với mỗi bước đổi thay trên hòn đảo nhỏ này.

Ngày nghỉ, ở khu vực Bến Nghè, đoàn viên thanh niên Cồn Cỏ ra quân xây dựng “Công trình thanh niên” hưởng ứng đợt thi đua “Mừng Đảng quang vinh 75 tuổi, mừng Xuân ất Dậu”. Phó đảo trưởng về chính trị - trung tá Nguyễn Thế Cảm cho tôi biết, đây là một khu vui chơi giải trí, là “công viên” của lính đảo. Bến Nghè nằm ở phía Đông Nam đảo, mùa hè, gió nồm mát rượi, bãi tắm thơ mộng, ghềnh đá cheo leo, phong ba cổ thụ, cảnh trí thật tuyệt vời. Lính đảo khênh đá san hô xây hòn non bộ, cắt tranh trên đồi làm những nếp nhà dân dã nhỏ xinh. Trong những đêm trăng sáng, bạn hãy đến đây: trước mặt là biển Đông sóng vỗ, bờ cát san hô chạy dài đến mỏm Con Hổ, chạy ra đến đầu bãi Hi- Rôn, bạn gọi chủ quán (cũng là lính) một ly giải khát, hay vài ba chàng trai trẻ mang theo cây đàn ghi ta bập bùng và hát lên những bài ca về cuộc sống và tình yêu... Hoặc là một ngày đẹp trời nào đó, có cô bạn gái không quản ngại sóng gió, vượt biển từ đất liền ra thăm, bạn hãy nắm tay nàng đi mãi đi mãi trên bờ cát tuyệt vời kia. Bạn không cần nói một điều gì cả, hãy để cho biển, sóng và gió nói hộ lời yêu thương của bạn, và chắc chắn nàng sẽ hiểu... Một khung cảnh thật lãng mạn đang trở thành hiện thực, từ bàn tay cần cù của lính đảo hôm nay. Và rồi, tôi nghĩ đến một tương lai không xa nữa, Cồn Cỏ sẽ trở thành một điểm du lịch môi trường sinh thái và di tích lịch sử cách mạng, là nơi “không thể không đến” của mọi du khách theo tuor khu phi quân sự DMZ, thì Bến Nghè sẽ là nơi dừng chân lâu nhất của du khách trên hòn đảo nhỏ này.

Trung tá Nguyễn Thế Cảm chở tôi trên chiếc xe Minxcơ duy nhất của đảo đến thăm Làng thanh niên xung phong Cồn Cỏ. Làng gồm 43 đoàn viên thanh niên xung phong, trong đó có tám đôi vợ chồng. Đặc biệt nhất là chàng trai Nguyễn Văn Diệu vốn là lính đảo, năm 2002 anh hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nhưng thật lạ, anh không trở về đất liền như những đồng đội khác, anh ở lại đảo vì có lý do đặc biệt! Đấy chính là cô xung phong Nguyễn Hạnh Nhân. Họ đã có lời hẹn ước, họ nên vợ nên chồng, như là một lẽ quá đổi thường tình của tình yêu và cuộc sống. Tổ ấm của họ là một căn hộ xinh xắn trong làng, ngay trước Bến Tranh ngày đêm dạt dào tiếng sóng, và tiếng khóc của bé Khánh Huyền, con gái yêu của họ mới tám tháng tuổi vang lên trong buổi chiều Cồn Cỏ đã thực sự xoá đi cái cảm giác là người ở đảo xa xôi cách trở trong tôi. Nơi này đất lành và chim đã đậu. Bé Khánh Huyền, công dân nhỏ tuổi nhất, công dân duy nhất có lý lịch ghi quê quán: huyện đảo Cồn Cỏ! Rồi đây, sẽ có nhiều em bé nữa, con trai và con gái, chúng sẽ được sinh ra, lớn ên, chúng sẽ lấy chồng, lấy vợ rồi lại sinh con đẻ cái, sẽ trở thành một thế hệ mới của Cồn Cỏ ngày mai, tiếp nối bao thế hệ cha anh đã gìn giữ  và xây dựng Cồn Cỏ.

Cồn Cỏ, tôi đi trên những con đường rải nhựa êm đềm, qua những vườn cây lấy gỗ, những vườn rau tăng gia xanh mướt của lính đảo, qua những bờ hào công sự kè đá chắc chắn trong ánh nắng một sớm mai đầu năm 2005, gió biển dạt dào, mà lòng hân hoan...

T.H

  

Trần Hoài
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 142 tháng 07/2006

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground