Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cồn Cỏ trong mắt ai

 

T

ôi đứng trên âu tàu đảo Cồn Cỏ mà nhìn ra khơi xa. Đứng giữa khơi nhìn ra trùng khơi, những con sóng lừng quất căng, mạnh và bạo liệt vào cửa lạch chẳng thấy ở đâu, biển lăn tăn gợn sóng, ngoan hiền và phiền muộn tựa như vừa trãi qua một giấc ngủ dài. Nắng hoang hoải quãi rộng trên thảm biển vừa dịu hơi sương, một màu sáng lấp lánh ùa dậy từ đường chân trời, phút chốc tất cả đều nhuốm một màu hồng phấn rực rỡ, lan tỏa theo đầu từng con sóng,  gợi một nét yên hàn giữa đại dương khoáng đạt. Binh nhất Hồ Sa Cầu, chàng trai Vân Kiều có mặt đầu tiên trên đảo, thân hình rắn chắc như một ngư phủ vừa vác cần câu ra biển, thong dong một lúc đã được cả một xâu cá ong, cá nục, cá hồng... vảy lấp lóa những ánh bạc tươi roi rói. Chúng tôi chụm đầu vào nhau, luộc cá và sửa soạn bữa cơm thường ngay trên đường xuống bến. Vài người lính, vài người khách, hai chiếc tàu quân sự dập dềnh và xung quanh đấy, không biết cơ man nào là thuyền bè của ngư dân hầu khắp mọi miền đất nước nghe tin bão xa kéo về trú ngụ trong âu thuyền vừa mới hoàn thành. Trời vẫn đang lặng sóng, vậy là  những cuộc trao đổi, mua bán cá mú, dầu mỡ, nước đá, nước ngọt...diễn ra lao xao, nhộn nhịp giữa các bạn thuyền không dứt. Cồn Cỏ hiện thời cơ bản vẫn là hòn đảo của lính, nhưng nét nhấn ồn ả của một “thị thủy” ngoài khơi xa Cồn Cỏ này đã phôi thai rồi chăng?

Đó là vào tháng 5 năm 2002.

Nhìn trên mặt đất

Vâng, đó chỉ là những dòng được rút ra trong nhật ký công tác của tôi từ muà hè năm 2002. Bây giờ, khi có dịp ngồi trò chuyện với ông Abelardo Perez Ayllón, chuyên gia cao cấp của Viện Quy hoạch Cuba sang giúp  tỉnh ta quy hoạch đảo Cồn Cỏ trở thành đảo du lịch, thì huyện đảo Cồn Cỏ-đơn vị hành chính thứ 10 của tỉnh Quảng Trị- đã qua tuổi thôi nôi rồi. Ông Abelardo là người kiệm lời, khúc chiết và chính xác như công việc thường nhật ông đang làm, duy chỉ đôi mắt là xanh biêng biếc và mơ màng như một chút biển bên bờ Địa Trung Hải. Nước da ông đậm chắc, sánh  lại màu mật mía Cuba đôn hậu. Ông không chịu được hơi lạnh từ chiếc điều hòa phả ra lan man khắp căn phòng nhỏ. Ông cười hiền và giải thích rằng, cứ trước cát vàng, trước nắng lửa và giông gió, con người ông mới trở nên năng động như con cá về với biển khơi...

- Năm 1973, Chủ tịch Phi-đen kính mến là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến thăm vùng Quảng Trị giải phóng. Chỗ Phi đen phất cờ và đạp chân lên nòng pháo “Vua Chiến trường” của Mỹ là cao điểm 241 Tân Lâm, quê tôi đó...

- Vậy hả ?-Abelardo tỏ vẻ thích thú. Chủ tịch Phi-đen thăm Quảng Trị thì tôi biết rồi, còn quê anh cũng là nơi Chủ tịch chúng tôi ghé qua là tôi mới biết lần đầu đấy...

- Chủ tịch Phi-đen là người Cuba đầu tiên đến thăm Quảng Trị, còn ông là người Cuba đầu tiên đặt chân lên Cồn Cỏ...

Abelardo vòng tay qua ngực, giọng trầm lắng: Đúng. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đến quê hương các bạn, nhưng cái tên Quảng Trị và Việt Nam từ lâu đã trở thành tên gọi thân thương đối với đất nước Cuba, luôn vĩnh định trong tâm hồn người dân Cuba. Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình. Trước đây đã thế, bây giờ vẫn thế và mai sau nữa, không gì lay chuyển được...

- Đến với hòn đảo nhỏ của chúng tôi, ông có cảm nhận điều gì. Đâu là định hướng cơ bản của ông khi bắt tay quy hoạch đảo Cồn Cỏ thành đảo du lịch?

- Tôi có mặt ở đây để tham gia lập quy hoạch tổng thể biến Cồn Cỏ thành đảo du lịch. Cồn Cỏ, tự thân nó đã mang một lợi thế lớn về du lịch vì nó nằm không quá xa và lại cũng không quá gần với đất liền. Trên đảo có nhiều phong cảnh đẹp. Những bãi đá, vuông cát còn nguyên sơ, hoang dã như chưa từng đón đợi bàn chân con người. Có những cánh rừng xanh ngắt, ngược xuôi lối mòn. Du khách sẽ đi trên lối mòn này mà suy ngẫm về những gì đã qua, những gì sẽ đến với một tâm trạng an nhàn, thư thái, giữa kích thước biển trời khoáng đạt, không đâu có được. Lại nữa, Cồn Cỏ có một qúa khứ rất đỗi hào hùng trong chiến tranh vệ quốc. Chỉ riêng khía cạnh này thôi, xét về hiệu ứng của maketting, Cồn Cỏ đã đóng vào tiềm thức con người như một “thương hiệu” sáng giá. Hầu như người Việt Nam nào cũng đã hơn một lần biết đến “Chiến hạm không thể đánh chìm” này trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tiếng vang của Cồn Cỏ còn xa hơn thế. Nhiều bạn bè quốc tế quan tâm đến Việt Nam đều biết đảo Cồn Cỏ anh hùng. Do vậy quá trình phát triển du lịch phải gắn với việc bảo tồn và tôn vinh  những giá trị lịch sử của hòn đảo. Đó cũng chính là ý tưởng mà tôi muốn hướng đến. Điều này sẽ được thể hiện mạch lạc trong quy hoạch của tôi. Du lịch về nguồn là một trong những xu thế mà du khách trên thế giới đang quan tâm. Các dịch vụ du lịch cơ bản như bơi lặn, câu cá, tắm biển, nghĩ dưỡng... chỉ là hoạt động bỗ trợ. Như trên đã nói, Cồn Cỏ là một hòn đảo nhỏ với diện tích khoảng 2,2 km2 nên việc lựa chọn để quy hoạch thành điểm du lịch đối với tôi không mấy khó khăn. Hơn nữa, kinh nghiệm của hơn hai mươi năm trong nghề quy hoạch các khu du lịch biển, đảo khắp nơi trên thế giới đã giúp tôi rất nhiều trong việc đưa ra những giải pháp hợp lý, thỏa mãn những yêu cầu cần có đối với một hòn đảo du lịch đặc thù như Cồn Cỏ. Tôi cũng biết rằng, một trong những xu hướng chung của khách du lịch trên thế giới hiện nay là được tiếp cận với thiên nhiên, sống hòa mình vào thiên nhiên, khám phá sự kỳ vĩ và bí ẩn của thiên nhiên. Vì vậy trong quá trình quy hoạch phải hạn chế đến mức thấp nhất sự can thiệp cơ học của con người. Trong khi tiến hành công việc, tôi đã tranh thủ tối đa thảm thực vật hiện có trên đảo, cố gắng giữ lại và tận dụng địa thế, địa hình nguyên trạng của đảo phục vụ cho mục đích du lịch. Theo quy hoạch của tôi, diện tích trên đảo dành cho phát triển du lịch vào khoảng 40 ha. Hạ tầng dịch vụ được thiết kế đồng bộ, hiện đại nhưng phải hài hòa với cảnh quan xung quanh. Hệ thống khách sạn dự kiến sẽ có khoảng ba trăm phòng, sức chứa bảy trăm du khách cùng một thời điểm. Tuy nhiên, khách sạn không nên xây cao quá hai tầng, đồ sộ, cứng nhắc, mà lẫn vào thiên nhiên trong xanh, quay mặt ra các hướng thích ứng để phòng nghỉ nào cũng có thể lấy được nắng, đón được gió trời và sự an lành của biển khơi...

- Chưa nói đến phục vụ du lịch, hiện những điều kiện tối cần thiết để duy trì cuộc sống bền vững  cho cư dân trên đảo là điện và nước ngọt vẫn chưa chủ động được. Ông suy nghĩ về vấn đề này như thế nào?

- Trước mắt, muốn có nguồn nước ngọt dồi dào thì... phải chở từ đất liền ra thôi, không thể khác. Nhưng trong tương lai gần, phải đầu tư kinh phí để lắp đặt hệ thống lọc nước biển ra nước ngọt ngay trên đảo để chủ động nguồn tài nguyên quý giá này. Công nghệ lọc nước biển ra nước ngọt đang rất phổ biến trên thế giới. Tôi nghĩ chúng ta có thể tiếp cận được.

- Còn điện?

- Phong điện là một lợi thế. Việt Nam là một trong ba quốc gia (còn có Philíp pin và Campu chia) nằm trong dự án đánh giá tính khả thi và nâng cao năng lực phát triển nguồn năng lượng gió do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ. Đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi đang được đoàn chuyên gia  năng lượng gió của EU đến nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, khảo sát về dự án. Cồn Cỏ cũng nên đi theo hướng này. Đó cũng là một cách. Tuy nhiên, bằng cách gì cũng tốt, nhưng quan trọng là phải hướng đến giải quyết chủ động tình trạng cấp điện ổn định ngay trên đảo...

- Tóm lại là phải “hai tại chỗ”...

- Vâng, đúng rồi, đối với Cồn Cỏ, phải thỏa mãn nhu cầu “hai tại chỗ” đặc biệt quan trọng này trước khi tính toán những bước đi xa hơn, dài hơi hơn...

Nhìn dưới đáy bể...

Một cố vấn của Dự án bảo tồn biển, ông Donal J. Macintosh, trong chuyến đi cùng đoàn  công tác của Bộ Thủy sản mới đây đã trở thành người đầu tiên tiến hành lặn thăm dò hệ sinh thái biển ở vùng đảo Cồn Cỏ. Theo những nhận xét  sơ bộ của ông Donal J. Macintosh được tác giả Lê Trần Hải ghi lại trong bài báo “San hô và rừng cây ở Cồn Cỏ đang hồi sinh” (1) thì so với bốn vùng đáy biển khác của Việt Nam mà ông đã được lặn khảo sát trước đây như Phú Quốc (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa- Vũng Tàu), Hòn Mun (Khánh Hòa) và Cù Lao Chàm (Quảng Nam) thì ở biển Cồn Cỏ có rạn san hô tốt nhất, ít bị các loài sao biển gai ăn bám gây hại và không bị tảo biển mọc phủ lên. Đặc biệt tại vị trí có tên là Hà Nam, ở độ sâu 8-10 mét, san hô chiếm 45 % mặt đáy biển, có nhiều khối san hô rất lớn và đa dạng sinh học cũng rất phong phú. Đây là nơi duy nhất phát hiện có san hô màu đỏ. Tại vị trí có tên là Bến Nghé, ở độ sâu 5-6 mét, đa dạng sinh học cũng phong phú. Có một số loài quý như hải sâm đen, sao biển xanh...Trên đảo có tám ba ha rừng thứ sinh cây lá rộng, thường xanh và năm ha rừng trồng đang phát triển tốt. Cacù bãi cát khá đẹp và sạch. Theo nguồn tin từ Dự án bảo tồn biển (Bộ Thủy sản) với những kết quả khảo sát ban đầu về rạn san hô-vốn được ví như rừng nhiệt đới trong lòng biển-đã cho thấy đảo Cồn Cỏ thích hợp cho việc xây dựng khu bảo tồn biển. Sắp tới, dự án sẽ hỗ trợ các hoạt động khảo sát có quy mô lớn hơn ở vùng biển này, xây dựng các khung pháp lý để cùng UBND tỉnh Quảng Trị, huyện đảo Cồn Cỏ và các cơ quan hữu quan có phương án quản lý, bảo vệ...

Nhìn dưới đáy bể ở Cồn Cỏ, người ta  luôn có một cảm giác tin cậy và vững lòng vì những nguồn lợi nhãn tiền đang hiện ra, chỉ như với tay là được. Chỉ tính riêng ngư trường Con Hổ nằm ở phía đông đảo Cồn Cỏ với diện tích 9000 km2, được đánh giá là có trữ lượng rất lớn so với trong vùng, hiện có khả năng đáp ứng nhu cầu khai thác hàng năm từ 60.000-80.000 tấn hải sản. Ngay cả loài cá nóc có độc tố cực cao, xuất hiện đông đặc ở ngư trường này, nếu tổ chức khai thác, chế biến, quản lý tốt cũng đem lại nguồn lợi xuất khẩu đáng kể qua thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc...

Nhìn về tương lai

Bờ biển thuộc tỉnh Quảng Trị dài gần bảy mươi km với lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế trên 8.400 km2 thì chính Cồn Cỏ là tâm điểm của vùng đặc quyền kinh tế ấy. Với tổng số tàu thuyền 1968 chiếc, đủ các công suất, từ dưới 20 CV đến 165 CV, tính riêng trong năm 2005, tỉnh Quảng Trị đã khai thác đạt 16.500 tấn thủy hải sản. Tấn tạ và doanh thu, hai yếu tố này đã làm nên vóc dáng của một ngành kinh tế biển. Nhưng dù đánh bắt từ khơi xa và chuyển vào đất liền, mỗi ki lô gam hải sản đều có một sợi dây liên đới với Cồn Cỏ như một điều không thể khác. Cồn Cỏ là nơi trú ngụ của những con thuyền của ngư dân khi bất ngờ có sóng to, gió lớn. Cồn Cỏ là nơi chuyển tiếp nhiên liệu, nước ngọt cho ngư dân khi có sự cố xảy ra và quan trọng hơn, Cồn Cỏ là chỗ dựa yên bình cho ngư dân khi gặp tai ương bất trắc, đối đầu với hải tặc, ngư tặc giữa trùng khơi. Trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm, Cồn Cỏ là đảo tiền tiêu. Bây giờ trong hòa bình, Cồn Cỏ lại mang một trọng trách là hậu phương vững chắc trợ lực cho ngư dân bám biển làm ăn, phát triển kinh tế. Cái vị thế ấy trong tầm ngắm của những nhà hoạch định kinh tế biển đã bắt gặp và thấy rõ mồn một...

Với lĩnh vực phát triển lâm nghiệp, lâm sinh, nông nghiệp sinh thái bền vững để tác động hỗ trợ cho du lịch, Cồn Cỏ đang mang trong mình một thảm thực vật cực kỳ phong phú. Có thể nói rừng Trường Sơn có loại cây gỗ gì thì ở Cồn Cỏ có loại cây gỗ đó, có những loại quý hiếm như chò chỉ, táo, gõ, huyệng... Ngoài ra còn có hơn hai trăm loài thực vật hoang dại với hơn chục lọai cây trồng do con người di thực ra đảo cùng tồn tại trong môi trường thân thiện, có cả chim cu, cua đá, chim én...trú ngụ. Những năm gần đây, cùng với sự kiện thành lập huyện đảo Cồn Cỏ, tất cả cơ sở hạ tầng trên đảo đang được xây dựng nhằm đón đầu quyết liệt cơ hội biến Cồn Cỏ thành một khu vực mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng, xứng đáng là chốt tiền tiêu trên biển Đông của Tổ quốc

Trong giấc mơ của những người yêu biển quê hương, hình ảnh con tàu trắng cao tốc từ Cửa Tùng, Cửa Việt đè sóng vượt trùng khơi cả trong mùa biển động, chở du khách đến  với đảo du lịch Cồn Cỏ luôn là nỗi ám ảnh, là nỗi ước vọng khôn nguôi. Tuyến hành hải ấy đã được vạch ra rồi, đang vỡ vạc, đang thai nghén, đang ấp ủ bởi những toan tính của ngày hôm nay. Từ Cồn Cỏ ra biển quốc tế lại là con đường gần nhất Việt Nam. Với Cồn Cỏ, với Quảng Trị, con đường hội nhập từ phía đông dường như đã gần gụi lắm...

Đ.T.T

Đào Tâm Thanh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 145 tháng 10/2006

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground