Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Con kiến mà leo cành đa

 Ở làng Trâm Lý, xã Hải Quy tôi có đứa em đỡ đầu tên Phụng. Ngoài ba mươi tuổi, cái tuổi "tam thập nhi lập". Ấy nhưng "lập" ngay cho được trên mảnh làng quê dấu yêu mà cằn cỗi của mình chẳng dễ chút nào.

Trâm Lý đất hẹp người đông, giao khoán gia đình Phụng bốn nhân khẩu nhận khoán không quá một sào Bắc bộ. Không như ở Quy Thiện, hai làng chỉ cách nhau con sông đào Vĩnh Định vắt ngang qua chỉ chiếc cầu tre Ô Thước mà Đồng Dưới, đồng Trên, đồng Búng, đồng Sâu, đồng Nàng... ruộng trưa đã nhiều người dân Quy Thiện còn biết xoay xở đủ nghề. Xưa trồng dâu nuôi tằm cùng Trâm Lý xe tơ dệt vải, nổi tiếng một thời tơ lụa. Nay nghề trồng dâu không còn nhưng Quy Thiện biết giữ lại một số nghề truyền thống. Lò gạch Quy Thiện ra đời khá sớm, tồn tại hẳn ba bốn trăm năm, không chỉ cung cấp vật liệu cho dân trong vùng xây dựng nhà cửa đền miếu mà còn là nguồn vật liệu trọng yếu cung cấp cho Nhà nước phong kiến, thực dân xây dựng nên thành quách công sở đồ sộ nguy nga ở thành cổ Quảng Trị. Nghề xây ở Quy Thiện lúc rảnh rổi nông nhàn, đội quân xây dựng này đông đến "mác" cả làng, "bay to, bay nhỏ” gì họ cầm tất. Bay to xây nhà xây cửa, thi công các công trình Nhà nước. Bay nhỏ, tay nghề "kép" hơn xây lăng mộ, đình chùa miếu vũ, bao luôn cả địa bàn rộng lớn. Quy Thiện nhờ vậy mà ổn định được cuộc sống, ngày mỗi thịnh vượng ra trông thấy.

Thế còn anh Phụng Trâm Lý nhà tôi, xem anh xoay xở thế nào? Quen anh dịp hè năm chín mươi, ấy là lúc tôi xây nhà giữa vụ lúa vàng, kíp thợ Quy Thiện rút về thu hoạch cả. Anh tay không chân rồi, nông nhàn ngay giữa vụ gặt vì ở Nam ra không có ruộng trưa gì. Anh được bác Lưỡng kết nạp vào "hội xây", giữ chân phụ hồ, công ngày mười ngàn. Phụng không chây lười, việc ai cũng như việc nhà, nhanh tay lẹ mắt anh xắn tay áo lên làm, vô tâm, chẳng cầu cạnh ai giúp đỡ điều gì. Chỉ tổ thiếu sức khoẻ, cái nghề thợ xây một sương hai nắng ấy không phù hợp, thử thách qua một công trình  là anh cuốn gói. Mà không cuốn sao được, sức khoẻ thế sau vụ mùa, ai dại dột gì mà thuê công anh cho lãng phi đi. Suốt cả tháng Phụng ăn ở nhà tôi, tôi coi như em và vì thế, không rõ tôi gắn trách nhiệm “người anh" vào cuộc đời của Phụng lúc nào. Chỉ biết sau đó, tôi liên hệ với người bạn ở thị xã, xin cho Phụng theo lơ xe đò, Quảng Trị - Đông Hà, tuần vài chuyến đi Huế, xuôi về Nam Cửa Việt. Cơm ngày ba bữa sáng tối nhà chủ, trưa thầy trò vào quán chợ, lương tháng ba trăm ngàn đồng, tôi đã rất mừng, vì như thế cao hơn đồng lương công chức của tôi nhiều. Thi thoảng tôi ghé ông bạn nhà xe, vừa như thể hàm trả cái ơn, vừa xem xem tình trạng mần mạn của chú em, có khuyết cái gì thì kịp bổ khuyết. Bạn tôi khen:

- Thằng em ông khá, chịu khó và rất tháo vát trong nghề "lơ". Lại được cái đức thật thà, trung thực, xu lẻ cũng không tơ hào, biến báo. Tiền gom trong ngày tối về giao đủ.

Công việc đang đà mát ngót, nào ngờ một đêm Phụng xách gói về nhà tôi. Bơ phờ, ủ rủ, buồn thiu, hỏi gì cũng không chịu nói.

Tôi bảo Phụng ra tắm rửa, thay đồ, chị hâm nóng thức ăn cho dùng bữa tối. Cơm nước xong Phụng bảo:

- Em mang ơn anh chị nhiều. Nhưng bữa cơm tối này nữa là bữa cuối cùng. Đời em không chịu ơn ai được lâu. Sáng mai em chào anh chị để đi, không ở quê nữa.

- Đi đâu? Tôi hỏi

- Em vào Long Khánh, vào Nam.

Dỗ dành khuyên nhủ cả đêm, sáng ra ngồi ở quán cà phê hơn hai giờ liền, vẫn không sao làm công tác tư tưởng được cho chú em mộc mạc, chân quê này cả. Tôi quyết:

- Làm gì thì làm. Đi đâu thì đi. Nhưng ngày hôm nay phải gặp ông chủ. Lỗi phải gì cũng kịp để anh trần tình. Có lỗi thì em cứ nhận, anh xin. Gởi em vào nhà người ta bốn, năm tháng, đi thì cũng để anh kịp chào người ta một tiếng. Lời nói nỏ mắt tiền mua, mà lời chào cao hơn mâm cỗ.

Phụng đồng ý, tôi lên xóm cầu ga, tìm nhà ông chủ. Câu chuyện chóng vánh, hóa ra chủ tớ chẳng ai sai phạm điều gì. Chỉ sau gần sáu tháng hợp tác làm ăn, chú phát hiện ra Phụng không phải là quá quê mùa mà cố tình châm chước, bênh vực cho đám bạn hàng lam lũ, cho đám dân quê đầu tắt mặt tối. Thầy bắt thu đủ, thu thêm tiền cước, tiền xe, trò cứ tìm cách hạ giá. Tôi bảo:

- Anh Đ. đây bảo sao em cứ làm vậy. Việc cỏn con thế sao em khù khờ, không theo ý chủ. Anh Đ. nề, em tôi dại dột, thôi thì...

Tôi cố dàn xếp, Phụng cố nằng nặc, lễ phép chào chủ, xin tôi ra về. Ôi biết làm sao được, tánh tình của Phụng tôi biết, đang nằm trong đồng quê nội cỏ, không nhảy vào được đời sống thị dân, cơ chế thị trường. Phụng bỏ đi rồi, tôi miên man suy nghĩ, đau đáu nhớ về ngôi làng quê, nơi đã sinh ra tôi cùng cái thuở hàn vi thơ ấu, sao mà quý mến và đáng yêu đến vậy. Và tôi biết Phụng, chú em tôi, thoát ra khỏi mảnh làng, phiêu bạt xứ người chẳng dễ gì xoay xở cho qua ngày đoạn tháng.

Bẳng đâu chừng quảng tháng, Phụng lên tìm tôi báo tin mừng cưới vợ. Chuyện trăm năm thì hẳn là vui nhưng trước mắt chồng chất khó khăn biết làm sao vượt. Vốn mẹ đã già, ốm đau luôn, gia sản chẳng để cho anh được gì. Được cái Tằm, người vợ của anh lúc gặp, vui vẻ "giàu làm kép, hẹp làm đơn" - Có nhau trong đêm trường anh chị chấp nhận thử thách, kiếm tìm hạnh phúc. Cô giáo Tằm lấy chồng tình nguyện theo chồng, rời làng Thi Ông về vùng quê dâu lụa Trâm Lý nổi tiếng năm xưa chứ trên thực tế cô biết, vợ chồng cô rồi chẳng biết lấy đâu ra miếng đất để "cắm dùi". Bởi mẹ Phụng còn cô con gái út, tàng tàng dập dập rất khó lấy chồng. Mẹ phải cưu mang. Góc vườn và mái lều tranh kia ý chừng mẹ giành riêng cho đứa gái út tật nguyền. Thản nhiên như lẽ thường tình, Phụng chẳng quan tâm gì điều đó lắm. Cũng xác pháo rượu nồng, đám cưới xong đôi vợ chồng son "nống" thêm bên hôi tây cái chái. Ôi tình nồng thắm vươn qua bao mái tranh! Tình yêu đó ư, mi có mảnh lực chi mà giúp kéo được con người ta vượt qua cảnh màn trời chiếu đất. Phụng chú em tôi, con người dễ mến, chí cốt làm ăn đã đành, nhưng đang rất cần vốn tháo dỡ cái đói, giảm cái nghèo lại phạm phải sai lầm. Ấy là đã xây dựng mái ấm gia đình bắt đầu bằng hai bàn tay trắng.

Tằm không còn các cháu mẫu giáo để "đứng lớp" nữa. Cuộc sống tự thân điều chỉnh. Anh chị xoay xở, ki cóp vốn, sửa sang lại chiếc xe đạp thồ, sáng đẩy gạo lên chợ Quảng Trị bán, chiều về Hải Quy thu gom, sớm tối có nhau, đắp đổi qua ngày. Cả một trời yêu là thế, sao mà dễ vỡ, dễ tan, mỏng manh đến thế. Những lần vợ chồng Phụng ghé tạt vào thăm ra về, mắt tôi cay cay, cái gì tợ như gió thốn gió thóc, như những cơn mưa đầu mùa, làm cay mặt nhau. Những gánh xáo, mà trên thực tế "xe xáo" đã kịp mang lại hạnh phúc, kịp giúp cho đôi vợ chồng son thai nghén, cháu bé đầu lòng ra đời. Tôi thật không biết làm gì trước niềm hạnh phúc lớn lao mà cũng đồng nghĩa với nỗi khó khăn khổng lồ này. Mẹ Phụng ốm, những trận ốm thập tử nhất sinh để trút hơi thở cuối đời. Khó chồng chất lên khó, mẹ đau nhập viện, con đau nhập viện, nhờ anh chị giúp. Thúc bách vẫn là cái ăn, tôi về xin ruộng vụ trái trên cánh đồng Thạch Hãn. Phụng úp mặt xuống đất, bán lưng cho trời, vắt kiệt những giọt mồ hôi để tưới lên ruộng đồng. Trời chẳng phụ ai rồi cũng có cái mà thu hoạch, trang trải bớt nợ nần miếng ăn. Phụng ước ao và xoay qua rà cá. Nhưng khổ, bình điện máy rà ở đâu? Có ba trăm ngàn bạc chớ đâu là ba trăm lạng mà Phụng chẳng có gì thế chấp. Tôi đành tín chấp ký nợ các quầy, chỉ mong trời có con mắt, có phương tiện rồi, Phụng lại cơ may độ nhật vợ con qua ngày. Không ngờ Phụng lại gặp may, đêm gặp rắn mai, đêm vớ rùa vàng, không chi cũng rà bắt kiếm được mười, mười lăm ngàn tiền cá buổi chợ hôm sau. Anh giữ chữ tín, đem tiền giả trước cả nửa thời gian giao hẹn. Được thể anh sắm đồ nghề cắt tóc, thả heo nọc coóc van, bung ra, bao biện thêm những dịch vụ nông thôn đang cần. Tôi đã rất mừng, con người ấy chỉ vì rủi ro đau ốm dồn dập chứ không thiếu kinh nghiệm làm ăn, lại ăn chắc mặc bền, kiến tha lâu ắt có ngày đầy tổ.

Một buổi trưa giữa nắng gió quê nhà rát bỏng: Tằm băng đồng chạy lên thị xã tìm tôi. Máu chảy ruột mềm, chị khóc lóc kêu van, chưa rõ Phụng có tai hoạ gì. Thì ra mấy tháng rồi Phụng bận bịu làm ăn, có ai đến kêu Phụng bắt heo nọc đi thả, trưa chiều rảnh rỗi hành nghề cắt tóc dạo và đêm về rà cá. Chẳng rõ ở quê bố mẹ hà tiện hay tiết kiệm mà dẫn con mình tới nhờ Phụng húi trọc. Kiểu húi như thế tóc tai mọc chậm, đỡ phải tốn tiền bố mẹ mà các em trong những ngày hè tiện cái mát mẻ. Sau lũy tre làng, chỉ bấy nhiêu thôi đã bị công an xã gửi trát mời ra trụ sở. "Tại sao húi trọc cho số trẻ con mười mười lăm đứa như thế? Cố tình phá rối trật tự trị an, nếp sống ở hương thôn à?". Hàng loạt câu hỏi công an địa bàn cật vấn , Phụng chỉ chối từ, rằng anh ta không hề cố ý phạm tội phá rối, hoàn toàn là do bố mẹ dẫn các cháu đến. Tình ngay lý gian suốt cả buổi sáng viết bản tự khai vẫn giữ thái độ khăng khăng, vẫn không tự giác. Anh phạm thêm tội ngoan cố và thế là ốm đòn, nộp phạt. Tôi về Trâm Lý, vụ việc đúng như Phụng nói và làm nhưng nộp phạt rồi, lãnh đòn như thế chưa đủ sao còn kiện cáo làm gì. Ông cha ta đã chẳng dạy bảo một điều nhịn chín điều lành đó sao! Khôn ngoan đến cửa quan rồi biết. Tôi chở Phụng ra trụ sở xã đúng giờ theo giấy hẹn, xin làm việc cùng các anh công an ở xã, huyện. Thực ra tôi chẳng làm việc chi cả, đồng ý là chú em tôi sai, ham hố ba đồng bạc húi tóc nghiệp dư mà phạm nếp sống mới. Tôi xin viết giấy bảo lãnh, hứa còn dạy dỗ em út cẩn trọng. Các anh đồng ý và tôi chở thẳng Phụng về bệnh viện thuốc men. Sau vụ ấy thì Phụng bán hết lợn gà, đồ nghề làm ăn đưa vợ con vào Nam thật.

Tôi không nghĩ rằng đứa em nhu mì của tôi hận đời bỏ xứ mà đi. Quả là ở quê chẳng có cách gì để vượt qua nổi hoàn cảnh. Sự đi như một ý chí, ấy là tinh thần lập nghiệp, bứt ra để tìm cơ hội ổn định cuộc sống, hội nhập vào cuộc sống ấm no của cộng đồng. Ấy thế nhưng mà ở đâu tấc đất cũng đã là tấc vàng, ra đi tự do thế, vốn liếng ban đầu ở đâu để trang trải. Giữa chốn đất khách quê người cũng chỉ còn cách làm thuê làm mướn qua ngày, may mà vợ con chưa đói. Sáu tháng sau anh chị hồi hương, lúc ở quê đang tháo ruộng khoán hai chục năm, cũng may còn kịp nhận được suất ruộng, không thì chẳng còn biết bám víu vào cái gì. Lại sắm đồ nghề rà cá, nuôi con lợn nọc, lúc nào cũng khao khát vốn, vốn để làm ăn, để trụ lại được giữa lòng đời. Điều đi chỉnh lại mãi, lúc về quê xuất phát điểm cuộc sống gia đình vẫn quá thấp. Quê hương làng mạc đất ít người đông, ngành nghề dịch vụ chưa thể gọi là phát triển. Trong hoàn cảnh rối bời như thế, vợ anh lại mang bầu đứa bé thứ hai. Hậu quả hay nguyên nhân gì thì việc sinh đẻ chưa có kế hoạch này cũng là điều báo trước, nó sẽ tích cực dồn anh thêm một lần nữa vào bức tường nghèo đói. Giữa những ngày tháng như khó khăn nhất trong cuộc đời ấy, dịp may hiếm hoi đã đến. Ấy là khi tỉnh nhà triển khai chương trình xóa đói giảm nghèo, một sự hỗ trợ có tính tiếp sức của Nhà nước và của cộng đồng, là dịp giúp anh tháo gỡ, nỗ lực vươn lên làm chủ cuộc sống ngay chính trên mảnh đất quê cha đất tổ của mình. Anh thuộc diện được vay vào đợt đầu tiên, số tiền cao nhất, hai triệu rưởi đồng.

Nhưng hãy chờ đợi xem, chú em tôi sử dụng cơ may thế nào?.

Không rõ Phụng có năng khiếu thuyết khách đến đâu. Nhưng rõ ràng là anh vận động được hai người hùn vốn. Anh C. cùng trạc tuổi, hao hao hoàn cảnh, thôi thì cùng hội cùng thuyền, dễ. Cái giỏi giang của anh là đưa được B cao to khỏe khoắn nhưng điếc đặc, rất hồn nhiên vào tổ. Tổ tam hùn hết vốn vay, góp bảy triệu rưỡi đồng hí hứng đi sắm máy nổ, mô tơ điện, giàn khoan và túc tắc trên chiếc xe bò hai bánh, đi đấu thầu, nhận khoan giếng. Chẳng là lúc vay được tiền, dịch vụ này khan hiếm, đang thịnh hành, dễ kiếm ra tiền đến nỗi trong chiến lược phát triển, tổ chỉ cần khoan được mười lăm giếng đã thu đủ vốn đầu tư ban đầu. Thế nhưng công cuộc tiếp thị maketting, chạy đua với nhiều cách làm ăn từ công ty Nhà nước đến tổ hợp tư doanh không dễ chút nào. Có bao nhiêu vốn, tổ đã trút hết hầu bao, nay cạnh tranh giữa thị trường tự do, người ta hạ giá khoan một giếng từ sáu trăm rưỡi ngàn đồng xuống bốn trăm, rồi ba trăm rưỡi. Nhưng tai hại hơn vẫn là đồng vốn, vốn lưu động, không có vốn này, không thể cạnh tranh nổi. Bởi cơ chế thoáng người ta phần lớn bỏ vốn ra làm, chấp nhận không điều kiện với chủ giếng nợ từ ba đến sáu tháng, có khi cả năm sau thu tiền vẫn chưa muộn. Đánh bạt đối phương bằng vô vàn những thủ đoạn muôn hình vạn trạng, và kết quả là tổ tam của Phụng mất hẳn, chẳng có cơ may chi tìm được công ăn việc làm ở trên thị trường chung.

Hôm tôi gặp tổ trong tình trạng đã hoàn toàn bế tắc. Suốt năm tháng hè tổ nhận khoán được sáu giếng, đã phải chấp nhận tình thế cho nợ dài hạn hai giếng. Anh C. đã hết niềm nở, tươi cười, hồn nhiên như những tháng trước tôi gặp. Chừng như câu chuyện giữa anh em tôi, anh C. ngầm hiểu, Phụng nhờ bán máy, anh cứ lừ lừ, đâm ngán. Thì đã đành là treo om, treo vốn cả mấy tháng nay nhưng còn lãi suất? Lãi suất xóa đói giảm nghèo vẫn là lãi suất, 1,2% chớ ai đi đùa với ai được. Phụng năn nỉ tôi:

- Anh đi nhiều, quen biết nhiều, lại nói có người nghe. “Phỉnh” được ai anh bán quách dùm tụi em, lỗ lãi gì bây giờ tụi em không tính. Mong lấy chừng được nửa số vốn xoay xở cái lãi cho ngân hàng người nghèo đã là phúc đức cho tụi em lắm rồi! ...

Tôi rời làng quê Trâm Lý, trĩu nặng một nỗi buồn, nghĩ ngợi mãi về số kiếp Phụng, "con kiến mà leo cành đa" ấy mà. Không rõ bao giờ thì Phụng mới hết luẩn quẩn, ra khỏi nơi chốn làng quê tù đọng. Nơi ấy, để thoát ra cảnh đói nghèo hẳn phải có trí lực, nhân lực, vật lực. Chớ như Phụng chú em tôi thì rồi sẽ phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác. Chỉ riêng việc này, rõ ràng là chưa có giải pháp gì thiết thực, khả thi, còn rất qua loa đại khái, bình quân, nghĩa là một khi đầu tư chưa có định hướng thì người nghèo như Phụng lại dưa vào nợ xóa đói giảm nghèo.

Và cũng buồn hơn lúc nhớ lại cái đêm ở nhà ông bạn nhà xe. Bấy giờ Phụng sao mà dễ thương trong sáng thế. Còn ở thời điểm bây giờ, hẳn nhiên là tôi không trách, lúc quẩn ấy mà, Phụng mới nhờ tôi “gà mánh” để bán đi cái máy như thể gánh cực mà đổ lên non vậy. Cơ hồ mà tôi có thể giúp Phụng mở mang phương lược trí lực làm ăn trước khi vay vốn. Chỉ cần thêm một cổ phần vay giúp vốn cho thành bộ tứ, chứ không phải bộ tam, để sắm máy cày chứ không phải sắm máy khoan giếng... Ruộng đất làng mạc đã có nước thủy lợi cấy gặt những ba vụ là ba vụ cày bừa... mùa nối mùa, năm nối năm...Phụng ơi, có phải là em đã sai phương lược trí lực làm ăn trước khi vay vốn người nghèo không?

Chừng có một giọt sương rơi xuống lòng tay tôi bởi con kiến đã làm rung cành đa. Hay đấy chính là giọt lệ khi em Phụng ngẫm lại công chuyện làm ăn mà bốn bể thiên hạ đâu hiểm người vượt qua ngưỡng nghèo phất lên làm giàu, lúa gạo ăn không hết...

Y.T

Y Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 25 tháng 10/1996

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

4 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

8 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground