Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Con mắt tình ái của nhân loại

Tên Cồn Cỏ đến với tôi, đã hơn nửa thế kỷ nay, từ trong những ngày chống Mỹ. Tôi vẫn lưu giữ một bức ký họa in trên báo vẽ Thái Văn A đứng gác trên chòi cao. Tôi và đồng đội từng say đắm ngồi nghe tốp ca của Đoàn Văn công giải phóng Trung Trung bộ hát bài Con cua đá hàng chục lần. Tôi ước ao sẽ có một ngày được đến Cồn Cỏ, như ước ao đến một nơi thiêng, một nơi, chắc chắn thế, sẽ làm cho tâm hồn mình trong hơn, yên tĩnh hơn, khỏe khoắn hơn. Tôi không trách thời gian, không trách công việc, mà chỉ trách mình không dám khước từ những bận rộn hàng ngày, mặc kệ, gác lại đã, để đi đến Cồn Cỏ, Cồn Cỏ có con cua đá, nó nằm trong đá, nó nằm trong khe, cua đi rào rào... Đến hôm nay, 27/7/2006, tôi mới toại nguyện, được cùng các bạn đồng nghiệp ở các tỉnh Bắc Trung bộ xuống tàu Biên phòng ra đảo theo sự tổ chức chân tình của Tạp chí Cửa Việt.
 

Tôi hối hả, rộn ràng như một đứa bé sắp được cha mẹ cho đi chơi một chuyến xa, lật đật như một người sợ trễ tàu, nghĩ đủ điều mà cũng chẳng nghĩ được điều gì cho rõ ràng, chẳng sắp đặt được ý định tới đó sẽ làm gì, và tai hại hơn là quên béng cả việc mang một chút quà nhỏ ra tặng những người xa lạ, tôi vẫn mong chờ ở đảo. Thôi, đi cái đã! Đầu óc mênh mang, hồi hộp, biết chắc là được đi rồi mà cứ lo ngay ngáy, trâu chậm uống nước đục, liệu có đi được hay không? Không phải là lần đầu tiên tôi đi đảo. Tôi ra đảo Trường Sa, đến Song Tử Tây, Phú Quốc, Cù Lao Chàm, Phú Quý đã mấy lần. Nhưng không biết sao, lần này tôi cứ thấp thỏm, bồn chồn, cuống quýt. Khi con tàu cách đảo hơn 10 hải lý, có tiếng reo của ai đó: Thấy Cồn Cỏ rồi! Tôi bỗng rướn mình qua cuộn giây neo to tướng chắn ngang trước mặt nhìn ra phía trước. Ôi, một vệt xanh thẳm bồng bềnh và đẫm ướt. Tôi chợt quay lại hỏi một anh bạn Quảng Trị:

- Có truyền thuyết về Cồn Cỏ không anh?

- Có chứ! Ngày xưa có một ông Thồ Lồ gánh đất đắp núi. Một lần, có lẽ đã về chiều, ông muốn làm xong công việc trước khi tắt nắng nên dồn sức gánh một gánh thiệt nặng. Đòn gánh gãy cái rắc. Hai sọt đất rớt đánh bạch. Sọt đất văng về phía núi thành động Lòi Reng, chính là cao điểm 74 ở xã Vĩnh Thuỷ, rừng tùng đang phủ xanh. Sọt đất văng về phía biển ào ào đổ xuống nước mặn, thành Cồn Cỏ bây giờ. Ông giận như lửa, dậm chân xuống đất, đất lún thành hai cái giếng ở Vĩnh Nam. Ông quăng chiếc đòn gánh, làu bàu: đòn gánh gãy mà làm được chi nữa, chiếc đòn gánh dính luôn vào trời thành cầu vồng bảy sắc. Ông lấy thuốc, đá lửa và bùi nhùi ra đánh lửa để hút thuốc (Người Quảng Trị ai cũng hút thuốc huống chi là ông Thồ Lồ). Quẹt mãi, lửa không ra, ông cốc vào hòn đã mấy cái, ngày nay còn dấu bốn ngón tay ông nơi hòn đá ở Vĩnh Lâm. Ông liệng luôn bùi nhùi, bùi nhùi  biến thành Rú Lịnh, rừng nguyên sinh nằm sát biển. Chỉ có cục thuốc lá ông cuốn hết một ngày to bằng gốc bàng, ông giữ lại, nhét vào khố vỏ cây.

Một anh bạn khác xen vào:

- Đó là truyền thuyết thôi. Chứ đất mà rớt xuống biển thì sóng biển đánh tan ngay làm sao mà tụ được thành cồn.

- Vậy thì duyên cớ nào mà Cồn Cỏ sinh ra? Tôi lại hỏi.

- À, theo mấy ông địa chất, đáy biển kia, tưởng là bằng phẳng à? Nó lồi lõm, mấp mô như các lượn núi ta thấy trên mặt đất. Trong các rặng núi tưởng như im lìm đó, có những ngọn núi lửa. Mấy triệu năm trước, có thể như thế, có những ngọn núi lửa dưới đáy biển sâu bất thình lình phun. Đợt đầu, nham thạch của nó phun trào chỉ đủ để dựng lên trong lòng biển một tảng chân đứng khổng lồ. Đợt phun trào thứ hai, dựa trên tảng chân vững chắc đã có, nham thạch của nó tạo thành một ngọn núi thấp giữa biển khơi.

Núi lửa giữa biển khơi kiến tạo ra đảo. Lửa nguội dần, trên đất ba dan đỏ nảy mầm các loại cỏ dại và cây rừng, cát trắng từ vụn san hô và sò điệp do sóng đánh triền miên mùa trăng này qua mùa trăng khác, thế kỷ này qua thế kỷ khác tạo nên những bãi tắm nhỏ lô xô những hòn đá đen bóng. Nơi giao thoa của các dòng hải lưu vô tình hình thành ngư trường rộng gần một vạn cây số vuông, nuôi sống 267 loài cá, 52 loài rong, rong nâu và rong lục, 109 loại san hô, đa dạng nhất, phong phú nhất, đẹp nhất trong các thảm san hô của biển Việt Nam bởi tính nguyên sơ và huyền bí của nó. Tôi đắm đuối nhìn biển cả phập phồng và hòn đảo xanh mỗi lúc một gần. Tàu đã vào âu, yên tĩnh và lặng sóng. Tôi đưa tay cho mấy người trên đảo ra đón dìu tôi lên. Tôi nói vội vàng, như sợ mất thời cơ:

- Tôi muốn đến đài liệt sĩ và nơi Thái Văn A đứng trên chòi quan sát.

Một tiếng nói ấm áp của ai đó:

- Lấy xe hon đa chở giúp bác này.

Không kịp cám ơn, tôi trèo lên xe, ôm chặt lấy đồng chí đại uý Hoàng Trung Hiếu, vạm vỡ. Đúng là một người lính biển. Đôi chân mập như chân voi, Hiếu vừa dấn ga vừa nói:

- Kể từ những người lính ra đảo đầu tiên ngày 8 tháng 8 năm 1959, ai cũng muốn hàng ngày được thấy quanh mình Tổ quốc, được thấy trên đảo hình ảnh miền Bắc thu nhỏ lại. Anh em liền đặt tên cho các mỏm đồi: đồi quan sát là Hải Phòng, nơi Thái Văn A đứng gác, đồi đặt 14ly5 và 12ly7 là đồi Hà Nội, bây giờ xây đài liệt sĩ màu trắng, cao vút giữa cõi không. Bãi cát vụn san hô là Hà Nam. Nơi Huyện ủy và ủy ban đóng là Hà Đông... Miềng lên đài liệt sĩ trước hè?

Tôi gật đầu, vì có gì sung sướng hơn được đến đây viếng hương hồn các anh hùng Cồn Cỏ, máu của họ đã làm nóng mấy đại dương, đúng vào ngày 27 tháng 7. Dưới chân tượng đài liệt sĩ là dãy phù điêu đầy ắp những gương mặt dân, gương mặt lính, hình như tôi đã thoáng gặp đâu đó trong cuộc đời. Xung quanh là những rặng  tràm bông vàng, sau hơn ba mươi năm bây giờ đã lên xanh, gió đung đưa các ngọn cây lá nhỏ. Hiếu chỉ cho tôi:

Chỗ này chú Trần Văn Thực bị bom đứt ruột non. Đây là số dân quân tự vệ hy sinh khi vượt biển ra tiếp tế cho đảo. Hồi đó cháu (Hiếu xưng như thế) chưa có mặt ở đảo nhưng cháu học cháu biết.

Cùng với mọi người, tôi thắp một nén hương. Tôi khấn thầm: Xin các anh thứ lỗi cho tôi.

Hoàng Trung Hiếu lại bảo tôi lên xe.

- Ta đi về đồi Hải Phòng hè!

Bây giờ đã có những khí tài hiện đại, không phải làm chòi cao như thời Thái Văn A. Hồi đó, người ta dựa vào một cây cao, chặt hết cành, lấy bốn cây dương làm bốn chân chòi và bắc một cái thang dài để leo lên. Chòi Thái Văn A đứng là nơi cao nhất của đảo, Mỹ cũng biết thế ta cũng biết thế mà Thái Văn A cũng biết thế. Máy bay phản lực Mỹ bổ nhào theo chiều ngang, thả bom và phóng hỏa tiễn.

Sở chỉ huy và các trận địa đều thấy Thái Văn A bình thản đứng đó, đều nghe tiếng Thái Văn A hét, một tay cầm lấy cột chòi, một tay ra hiệu chỉ hướng máy bay. Khói cuộn xung quanh chòi, phủ kín chòi. Như người anh hùng trong thần thoại, mặc cho máu đổ vì mảnh bom, Thái Văn A vẫn đứng, rút mảnh bom quăng xuống đất. Như ngọn đèn hải đăng giữ hướng cho tàu, như ngọn cờ chói lọi giữ niềm tin cho Tổ quốc, như lòng kiêu hãnh của đồng đội, như tiếng nói của Cồn Cỏ, như người giữ linh hồn của đảo xanh, như người đã gợi ý cho Bác Hồ viết lời thơ: đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ. Như một thiên thần lộng lẫy vì yêu vô cùng biển cả mà canh giữ sự sống cho mặt đất đang khao khát bình yên từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh đất này chưa thấy, như tất cả những gì Vĩnh Linh có, Tổ quốc có, biển cả và sóng xanh có.

Đồi Hải Phòng bây giờ đu đủ đã ra trái, chuối cũng đã ra trái, mấy cây đùng đình xanh thẳm và cao hơn đùng đình ở núi xa, xòe những cành lá mượt ánh sáng ra cạnh đường đi đã lát bê tông. Đứng ở đây, có thể thấy biển quanh bốn bề, biển trải xa đến mút chân trời, nhấp nhô những ngọn sóng không biết mỏi. Bầu trời rộng, có thấp xuống hay là cao vút, xanh trong và xoáy sâu vào tận nơi khôn cùng của gan ruột, tôi nào biết hết. Rồi đây liệu sẽ có hay không một tượng đài vĩnh cửu với thời gian, để không gian hùng vĩ này cũng vĩnh cửu như thời gian, hiểu thấu tình yêu của một con người.

Hoàng Trung Hiếu lại đưa tôi về nơi có bãi bằng rộng nhất ở đảo hẹp này. Tôi bỗng nhớ đến Nguyễn Khải và Đoàn Văn công của chúng tôi. Giữa bom và đạn hơn bốn mươi năm trước họ đã ra đây hát, ra đây chiêm ngưỡng, ra đây biết ơn, ra đây viết. Họ đi theo những người lính trẻ, tuổi cũng xanh như đảo. Họ để lại những gì cho người lính, ai nào biết hết, có lẽ phải hỏi cây bàng cổ thụ kia, vạm vỡ như Hiếu thảm đảo xanh thăm thẳm kia, xanh như từ trong ruột của cây, của lá, chắt lọc từ ánh sáng mặt trời và nền đất ba dan màu máu đọng, xanh không tưởng tượng được, xanh đến nức nở, đến nao lòng, muốn qùy xuống, muốn ôm lấy, muốn siết chặt vào đôi tay chưa từng siết chặt cơ thể một người đàn bà. Tôi muốn chạy lại bưu điện, bây giờ Cồn Cỏ đã có một trung tâm bưu điện, bưu điện Cồn Cỏ, gọi về Bình Định cho Phan Ngạn, gọi về Đà Nẵng cho Đoàn Văn công Quân khu 5, về Thành phố Hồ Chí Minh cho Nguyễn Khải.

- Các bạn ơi! Mình đã được đến Cồn Cỏ rồi, đặt chân tới bãi bằng, bàng xanh bây giờ đã phủ mát nơi các bạn biểu diễn Cồn Cỏ có con cá đua. Mình đã nghe, văng vẳng đâu đó, tiếng các chiến sĩ Cồn Cỏ nói với Minh Cảnh, cô gái văn công mắt ướt có mái tóc dài chấm gót: Chị Minh Cảnh ơi, chị ở lại với chúng em, chị đừng sợ thiếu nước, chị cũng đừng cắt tóc, chị cứ để tóc dài như thế, chúng em sẽ nhịn phần nước của chúng em cho chị gội đầu.

Tôi muốn ghé vào ống nói, nói thật to:

- Ông Khải ơi! Ông và các chị em Văn công có biết hay không những người dân quân biển chèo thuyền vượt biển đưa các anh chị ra đảo, khi trở về thì đoàn thuyền 12 chiếc ấy bị tàu Mỹ lao tới đánh.

Tối đó là tối 25/9/1965. Đêm rất đen. Trên thuyền, mang theo một thi hài liệt sĩ nhằm hướng Vịnh Mốc.

- Tàu chiến! Một tiếng gọi giật thốt từ đâu đó. Đoàn tàu chiến Mỹ lù lù hiện ra trước mặt. Tàu chiến của chúng có chừng tám chiếc, lớn gấp mấy chục lần thuyền gỗ của ta. Lập tức bắn nhau. Bắn dữ dội như đánh xáp lá cà. Đánh nhau ước chừng ba tiếng đồng hồ. Ban đầu ta mới dùng súng nhỏ, địch áp sát hòng bắt sống ta. Bỗng từ thuyền hộ tống, đột ngột nổ Đ.K. Biển ầm ầm như có sóng dữ. Lửa phụt nhanh vào tàu chiến Mỹ. Chúng nó hoảng, quay hướng rồi lùi xa. Thuyền ta cũng chạy thoát.

Liền đó thì bão ập đến. Biển và trời mù mịt, đen trong đêm đen, chẳng còn phân biệt được phương hướng. Rạng sáng thì thấy xác thuyền vỡ trôi bập bềnh trên biển. Có thuyền trôi vào phía nam Cửa Việt, có thuyền bị chúng bắt đưa về Mang Cá, Huế, có thuyền dạt vào Đà Nẵng, có thuyền bị bắt ở bờ biển An Lộc, Thừa Thiên một ngày sau... Còn năm thuyền mất tích. Đến bây giờ, hôm nay đây, ngày 27 tháng 7 thiêng liêng, có ai biết được thi hài liệt sĩ định mang về đất liền chìm trôi ở đâu, những ai đã mất tích, nghĩa là mất xác, hồn lênh đênh trong chuyến đi ấy.

* * *

Đoàn chúng tôi qua đêm trên đảo. Một số anh chị thơ văn, làm nhạc, quay phim, chụp ảnh ra nằm nơi chiếc lán mới làm cất sát nước. Các anh chị muốn nghe tiếng biển, tiếng đêm. Mấy cô gái Đông Hà, có cô đang đi học, có cô đã đi dạy, dạy tin học ở trường cấp hai Nguyễn Trãi, ra đảo thăm bạn, không quen chịu sóng, sau khi nôn phải nằm co trên ván tàu, bây giờ cũng đã biến đi đâu đó, nơi hòn đảo này quá hẹp mà quá rộng với tình yêu. Tiếng yêu là tiếng tự tình thủ thỉ, bâng quơ, nhát gừng, mặc cho thời gian trôi, đảo trôi và sóng trôi. Tiếng sóng, tiếng biển, tiếng rừng nguyên sơ đầy những lim, những gụ, những phong ba và những cây tràm bông vàng, tiếng đi rào rào của cua đá, tiếng ốc biển theo sóng dạt vào bờ, tiếng búng đàn nho nhỏ dò dẫm cho một tứ nhạc mới đam mê có thể lắng nghe trong đêm và trong sóng, chứ tiếng thì thầm của tình yêu sao mà nghe thấu đặng.

Sau một đêm giao lưu thơ và hát hết mình, các anh chị bảo tôi:

- Bác già rồi, không ra ngoài lán ngủ được mô. Đêm, gió lùa lạnh lắm.

Thực lòng tôi cũng muốn nghe tiếng biển đêm. Tiếng biển đêm nơi Cồn Cỏ này có khác không tiếng biển đêm ở những đảo xa mà tôi đã đến? Năn nỉ mãi, các anh vẫn không cho. Đêm đã khuya. Đất liền, trong xa kia, trận đấu bán kết bóng chuyền nữ giữa đội Việt Nam và đội Thái Lan đã kết thúc. Tôi tìm gặp đồng chí huyện đội trưởng.

- Đồng chí ngồi nói chuyện với tôi một lát đi!

Huyện đội trưởng huyện đảo Cồn Cỏ tên là Nguyễn Văn Quang, tóc rễ tre, trán thấp và vuông như một tảng đá chắn, mắt sâu, quanh cằm là một vành chân râu đen xanh. Anh Quang đã ở đảo 14  năm liền, nghĩa là từ năm 1992. Tôi hỏi: Vậy có về thăm gia đình hàng năm được không? Nguyễn Văn Quang nói rằng có, ai chẳng muốn gần gia đình, nhưng mà cấp trên bảo nhiệm vụ đang cần. Những cuộc tình mỗi năm một lần, nén chặt và dài ghê ai mà nói hết, ai mà viết hết. Tôi nói đùa:

- Tóc đồng chí xanh như đảo.

Nguyễn Văn Quang cười, nhường cho tôi chiếc giường của đồng chí, cả chiếc gối và tấm chăn nữa, phòng lạnh, rồi cầm đèn đi ngủ một nơi khác.

Đêm ấy, vừa muốn chợp mắt để lấy sức sáng mai mà vượt biển, vừa lo thời gian đi nhanh quá, đến giờ sắp phải xa đảo, không sao chợp mắt được.

Đầu óc vẩn vơ mãi một ngày sống trên đảo, đầy ắp và ngắn ngủi. Nước biển Cồn Cỏ hình như mặn hơn ở đâu đó, ở Đà Nẵng, ở Nha Trang, ở Tuy Hòa, ở Cửa Hội. Chiều ấy tôi đã chạy từ nhà huyện đội ra bờ, gần lắm, bước qua những chùm rễ của một cây nho biển, nhảy xuống nước. Đá rất trơn, đen bóng như láng mỡ, từng thảm rong theo sóng bám quanh cổ chân, sóng gặp bờ, chồm lên thành cột bọt trắng rồi tan nhanh, tất bật lùi ra biển rồi tất bật lao lại vào bờ, dồi thân tôi ra xa. Nước biển thấm vào môi tôi, mặn và nồng. Tối ấy, tôi đã ngồi nghe say đắm mọi người đọc thơ và hát.

Ta nhìn sâu vào trong mắt nhau

Ta nhìn sâu vào đời nhau, tuổi trẻ

Một anh sĩ quan lục quân mới ra trường đựơc bổ sung về đảo. Anh tên là Hồ Văn Hưng người dân tộc Vân Kiều. Anh cầm mi-crô, anh đi ngang đến chiếc đàn oóc-gan. Anh nói nhỏ gì đó với người đệm đàn, có lẽ anh nhắc về âm lượng. Anh quay ra trước mặt chúng tôi, đưa nhẹ bàn chân và đưa nhẹ một cánh tay, nhẹ như lá. Da anh nâu, mắt sáng, đôi mắt dưới ánh đèn đêm, tự tin và đắm đuối.

Trên ngọn núi cao có hai người chỉ có hai người - yêu nhau

Ta yêu nhau vì ta yêu nhau

Giọng anh da diết, hình như chính anh đã yêu ở ngọn núi ấy, cánh rừng ấy và anh đang chơi đàn cho người yêu hát, và hôm nay anh ra đây, trên hòn đảo xanh này để kể lại cho chúng tôi nghe về mối tình đầu của anh, mà xa cách, bởi biển bởi sóng bởi núi non rừng rú miền Tây chỉ làm cho nó thêm da diết.

Tôi muốn trời lâu sáng, rồi lại muốn trời mau sáng. Những gì tôi được sống một ngày ở đảo làm cho tôi sảng khoái, thêm nồng nàn, thêm trong, thêm  khỏe, thêm cường tráng và thêm yêu. Ôi, huyện đảo nhỏ nhất, huyện đảo trẻ nhất, huyện đảo ít người nhất như ông bí thư huyện nói, huyện đảo xanh nhất thăm thẳm như tình yêu. Tôi muốn trời lâu sáng để hưởng mãi ngọn gió mát rượi này, để ngồi mãi dưới tán bàng non, cũng xanh thẳm như gốc bàng già đã sinh ra nó, có mấy cái cành mọc ngang, sướng biết mấy được nằm ngủ trên các cành ấy một giấc say như tuổi thơ ở quê, như khi trời mưa lớn, lũ đột ngột dâng không qua được suối, ở rừng già Khu 5. Nhưng tôi lại chờ và mong trời mau sáng. Mai phải xa đảo rồi. Trước khi xa đảo tôi còn một việc, cũng hệ trọng như chuyến đi này của tâm hồn tôi, là đến thăm cái trạm mổ dã chiến của đảo những ngày chống Mỹ.

Tôi dậy một lúc thì có tiếng gà gáy. Cái tiếng gà gáy ở đây sao mà nao lòng đến thế. Tôi làm các công việc buổi sớm nhẹ nhàng để mọi người được yên giấc. Trời chuyển sang màu chì rồi sáng dần. Tôi chạy đến đảo bộ. Đồng chí cán bộ thông tin Hoàng Quốc Duẩn đang chờ ở đấy.

- Miềng đi hè. Nếu bác mà rảnh, cháu dẫn bác vào rừng chơi. Nhưng bảy giờ sáng nay bác phải về rồi. Chừ miềng phải đi đến trạm xá cũ.

Trạm xá cũ đặt ở một chiếc hầm thiên nhiên, sóng và gió tạo nên chẳng biết từ đời nào. Ở cửa hầm có ba cây mù u phủ kín. Quanh đó là những chùm cây bộp bộp, gọi theo cách gọi của lính đảo. Bởi nó ra trái, vỏ mỏng và trống không như một quả bóng bé tí màu xanh nhạt. Lính lấy tay đập đập, nó bể, kêu bộp bộp. Hoa nó nở vào buổi sáng, màu vàng, đến trưa thì đổi thành màu đỏ, nó sống trong màu đỏ ấy đến chiều và đêm, nó sống xen lẫn những rễ cây dứa dại, cứng và ngoằn ngoèo, có lẽ cũng có tuổi bằng với tuổi đảo. Phía xa là phong ba, những cây phong ba chen nhau, lá xanh bạc tựa lá bạc hà, như phủ một lớp bụi, nhìn xa tưởng là mốc. Đảo tồn tại với phong ba, còn phong ba thì tồn tại với biển, gió táp và mưa sa, trầm tư và mãnh liệt.

Tôi theo Duẩn vào hang. Mùi ẩm của thời gian và của mưa gió đọng lại như giúp con người nhớ về quá khứ. Duẩn chỉ vào một mặt bằng có rải một lớp đá dăm.

- Đây, bác sĩ đặt bàn mổ ở đây. Bác sĩ mổ cho chú Trần Văn Thực cũng ở đây. Hầm thấp lắm. Có đứng được mô...

Hôm ấy là ngày 26 tháng 10 năm 1966. Trời đang mưa, Khẩu đội 12,7 của Thực đã lên đồi sẵn sàng chiến đấu. 7 giờ, trời sáng hẳn. Hai máy bay F4 lao vào, lượn mấy vòng quanh đảo, rồi bổ nhào từ hướng Tây ra hướng Đông, ngay chính diện trận địa.

- Bắn!

Lệnh của đại đội. Loạt bom đầu tiên hắn ném không trúng trận địa. Hắn vòng xa ra phía biển rồi vào lại, cả hai chiếc. Một loạt bom ném sát trận địa. - Miềng tập trung đánh chiếc đầu tiên, như rứa thôi. Bên miềng, khẩu đội 14 ly 5, pháo thủ chính là Vũ Đức Ruệ, quê ở Nam Hà hy sinh, pháo thủ số 2 Nguyễn Thanh Thường, quê ở Quảng Bình hy sinh. Quan trắc Lương Ngọc Nhiệm, quê ở Thanh Hóa cũng hy sinh tại chỗ. Bên 12ly7, Trần Văn Thực xạ thủ chính bị thương. Xạ thủ số 2 lên thay, cũng quê Vĩnh Sơn bị thương tiếp.

Bên hắn trúng đạn bị thương một chiếc. Tốp máy bay lượn ra biển, cút luôn. Một tốp máy bay khác đang đến. Lệnh của đại đội:

- Cho các đồng chí bị thương lui về phía sau, theo giao thông hào về hầm quân y.

Trần Văn Thực bị thương, một vết ở cánh tay phải, một vết ở bắp chân phải, một vết ở bụng, nặng hơn cả, ruột bị đứt thành bảy khúc. Bom nổ về phía phải của khẩu đội, nên vết thương nào cũng ở bên phải. Thực nói: Cho tôi ở lại chiến đấu đã. Tôi bị thương chưa nặng lắm.

- Vết thương của eng nặng rồi, về phía sau đi.

Một lát chần chừ, như luyến tiếc, như áy náy, như day dứt, bởi khẩu đội bây giờ vắng trống, Thực mới bò về. - Cáng để khiêng anh em nặng hơn. Thực nói thế, và Thực bò dưới giao thông hào suốt hai tiếng đồng hồ trên hòn đảo ngắn như các lá thư hậu phương hồi đó. Về được hầm quân y thì đã hơn 11 giờ trưa.

Bác sĩ Huỳnh Ri, người Bình Định, có lẽ thế, sau này đã trở về Nam, nay không biết hy sinh hay còn sống, khám cho Thực.

- Chuẩn bị mổ.

Thực lại nằn nì:

- Để mổ cho anh em nặng trước.

Nhưng máu ở vết thương đã chảy ngầm trong bụng. Hồi ấy không có thuốc gây mê. Bác sĩ Văn, chuyên khoa gây mê cũng đã hy sinh. Chỉ gây tê. Bác sĩ Ri, khom người trong hầm nói:

- Khi nào đau thì nói, nghen!

Ba lần, Thực báo: Đau! Ba lần bác sĩ Ri ngừng tay mổ. Mổ ruột và khâu ruột, cho nên kéo ruột ra bao nhiêu thì đệm bông vào khoảng trống bấy nhiêu cho cân bằng. Đến lúc khâu vá xong thì phát hiện máu trong bụng còn chảy. Người y sĩ cầm đèn soi sáng cho căn hầm dã chiến ngập đầy thương binh, đổ mồ hôi hột. Bác sĩ Ri uống gấp một viên thuốc trợ tim. Ca mổ phải làm lại từ đầu. Sáu giờ liền như thế, đến khi bên ngoài đã tối sập, ca mổ mới xong.

Tôi lần theo căn hầm như lần theo quá khứ. Đá rịn mồ hôi, lâu ngày đã phủ một lớp mốc. Ôi, đây là ngách cho người đã mổ xong, đây là ngách dành cho người chuẩn bị lên bàn mổ. Dưới lớp mốc của hơn 40 năm, vẫn thấy được mặt đá trơn và rịn ướt mà da thịt người đã bào mòn. Tôi đứng lặng mà hỏi mình. Ai đã từng chứng kiến? Mà có ai đã chứng kiến nơi này suốt cả 50 năm? Cây mù u lá cứng, những dây chạc chìu, những trái chua kiên vừa chát vừa ngọt, cây hương đào hoang đã cho trái chín vị thơm mọc đâu đó trên đảo, có biết hết không?

Trần Văn Thực kể lại rằng: Thực vốn là công nhân làm thủy lợi, xây đập La Ngà để tưới cho đồng ruộng Vĩnh Linh làm hai mùa. Khi đập La Ngà làm xong, người ta đã lát đá hai bờ đập và thu những hòn đá vung vãi nơi này và nơi kia thành một bãi nhỏ thì Mỹ cũng bắt đầu đánh phá miền Bắc.

Có lệnh gọi Thực đi khám tuyển. Khám tuyển xong thì nhập ngũ ngay. Tháng 6 năm 1965 lên đường tập trung, mẹ Thực nói:

- Chiến tranh ác liệt. Mi chờ hết chiến tranh mới cưới thì biết lúc mô hết chiến tranh.

Thực có yêu một cô công nhân cùng xúc đất đắp đập La Ngà, nhỏ hơn Thực một tuổi. Thế là trước khi lên đường Thực cưới vợ, cô ấy tên là Tháo. Người ta nói con gái Vĩnh Linh đen, không trúng mô. Tháo hồng hào, trắng, mắt trong lúng liếng ngước lên trời. Đám cưới có chi mô! Hai tút thuốc lá Trường Sơn, hai cân kẹo "địa phương", nước chè vối. Xã tuyên bố lý do, vỗ tay rồi uống nước, ăn kẹo, rứa là xong. Vợ chồng ở với nhau được ba đêm bên nhà mẹ vợ thì Thực được phân công vào khẩu đội 12,7 bảo vệ đập La Ngà. Tháng 8 năm 1965, Thực ra đảo. Hồi ấy, ở đảo khó khăn lắm. Khó khăn nhất là nước ngọt. Nước ngọt để dành ăn và uống, mỗi ngày, một người được một lít. Tắm giặt, rửa ráy dùng nước biển. Ở hầm, đi dưới giao thông hào có nắp, ngủ, hội họp, ăn cũng đều dưới hầm, tất tần tật là dưới hầm. Ban ngày lên đồi Hà Nội trực chiến bắn máy bay, ban đêm xuống mép nước ở Hà Đông, một người một hầm, súng và lựu đạn, trực chiến sẵn sàng đánh biệt kích, sẵn sàng đánh chi viện cho thuyền chèo từ đất liền ra. Mắt lúc nào cũng căng, theo sát những chấm đen chợt xuất hiện giữa những ngọn sóng bạc đầu. - Ui cha, có thì giờ mô mà nhớ! Thế mà vẫn nhớ, như người nhớ người, như đất liền nhớ đảo, như Bắc nhớ Nam, như Cồn Cỏ nhớ Vĩnh Linh. Vẫn mong thư, dù phải chờ qua hết một mùa đông có bão, vẫn bồi hồi khi nghe tiếng con gái nói trên đài. Thực ở đảo cho đến năm 1969 thì có lệnh về đất liền đi học.

Hằng mong... hằng mong như những người xa đất, xa nhà xa vợ hằng mong. Thực chạy ngay về Quảng Xá, quê vợ, trên đôi dép cao su bốn quai vẫn theo chân suốt bốn năm trường ở đảo. Đầu tiên Thực bắt gặp là những đôi mắt ưu tư.

- Thực ơi, mẹ mi chết tháng 9 năm 1969. Trúng bom tọa độ. Dân quân trực ban đêm là trực lo chôn người chết và khiêng người bị thương. Hồi hơn 12 giờ khuya, có tiếng la: hầm trúng bom. Con Tháo chạy về căn hầm đào trong vườn nhà mẹ, nơi mẹ chôn nhau. - Mẹ! Mẹ Tháo chết, đêm đó, Tháo khiêng chôn ngoài cồn mả, không có hòm, không có ván, không cơm không hương không trứng luộc không có đũa đầu rồng không có vải sô mà xé thành khăn tang không lập được bàn thờ. Không biết sau đó hắn có khóc không, chứ lúc đó hắn không khóc, chạy thình thịch như đàn ông, hắn chịu một đầu đòn.

Hai mươi mốt ngày sau.

Trong chiếc hầm chữ A của tổ nữ dân quân bốn người, thì ba nữ dân quân hy sinh còn Hoàng Thị Trâm bị dập xương sống.

Trâm vẫn giữ được hàng răng trắng và miệng cười có duyên của thời tràn trề sinh lực, nói với Thực:

- Eng ạ, quả bom tọa độ trúng ngay hầm. Tháo bị bom phạt ngang, khi bới đất lên, chỉ còn nửa thân người. Nửa thân người thì bay lên ngọn chuối, chân cẳng một cái rớt một đường.

Trâm khóc:

- Hôm nớ chị em mang Tháo đi chôn, chỉ chôn được có nửa thân người. Mắt Tháo vẫn còn mở, có ai vuốt mô mà mắt nhắm. Da thịt đã lạnh, đất làm cho thân thể con người mau lạnh lắm. Biết làm răng được eng? Tháo để lại một khẩu K44, một nịt da có bao đạn, một cái mũ tai bèo mấy eng ở trận địa pháo đồi Lòi Reng mới cho và mái tóc đen tuyền, dài chấm ngang lưng. Không có thư từ chi hết.

Trâm kể lại cho Thực nghe chuyện đời những ngày ấy. Con Tháo hắn nói: Ác liệt quá, không biết chết ngày mô, miềng chết, để lại chồng, tội nghiệp. Nhưng biết làm răng? Ngoài đảo còn ác liệt hơn. Hắn không cười. - Ừ, rứa hè. Nhiều lúc muốn viết thư, mà có rảnh lúc mô mà viết. - Hắn nói: mấy đứa bay không có chồng rứa mà khỏe. - Khỏe chi mà khỏe? Không có ai mà nhớ, buồn thiu. - Nhớ khổ lắm. - Nhớ cái chi nhiều nhứt? Một đứa trong bốn đứa cười rúc rích: Nhớ cái của eng vẫn còn đóng trong người miềng, ba ngày rồi mà tưởng như vẫn còn đó! Trâm bỗng òa khóc: Nói cho vui rứa chớ cực lắm. Có gạo mô mà ăn. Con Tháo thủ thỉ: Có con, miềng phải tản cư ra Thanh Hóa, không được ở lại với chị em. Miềng muốn giữ đây thì phải ở đây chứ răng. Đi mô? Con trai hắn ra đảo, hắn đi vô Nam chiến đấu hết rồi.

Miềng muốn giữ đây thì phải ở đây! Nước mắt tôi chảy thành dòng. Nghe răng mà thương, mà thảm, mà yêu, mà quý, mà cảm cái chí khí một thời, mà hiểu nỗi đau một thời, kẻ thù chia cắt nước ta, như trái bom Mỹ cắt đôi thân thể của Hoàng Thị Tháo, đất quê ta chỉ chôn được một nửa thân thể của em với mái tóc dài đen óng.

* * *

Buổi sáng chúng tôi chia tay đảo trở về, biển có sóng to và mưa cũng to. Sóng vọt qua mạn thuyền tạt ướt hết. Nước biển ngập mặt làm cho người ta không thấy nước mắt. Nhưng mà cho họ thấy nước mắt để làm chi? Các bạn tôi hát, gào với sóng, chực xua cơn lạnh run người. Một anh nhạc sĩ, sau này tôi biết là Ngô Thanh Liêm đang nhẩm lại bài hát mới viết đêm qua.

Tuổi xanh và đảo xanh

Trời xanh và sóng xanh

Đôi mắt em xanh và mối tình anh xanh

Có một người lính ở đảo xanh

Ơi Thái Bình Dương xanh

Tôi ngẩn ngơ nhìn biển. Có bao nhiêu người đã hy sinh ở đó, chìm nơi trầm tích dày với thời gian dưới đáy sâu kia. Tôi quay lại nhìn đảo. Đứng ở đảo trông thấy được Cửa Tùng, Cửa Việt, khi trời trong, ngó về phía Nam có thể thấy mũi Chân Mây, Ngũ Hành Sơn. Đôi người còn nói: Có thể thấy mờ mờ Lý Sơn. và mấy hòn đảo khác.

Ở vùng quê Quảng Ngãi, có một hòn đảo tên là Lý Sơn. Thuở rất xưa, đảo Lý Sơn gắn với đất liền, là ngọn núi của đất. Khi biển lấn dần, Lý Sơn bồng bềnh trôi như một mảng bè khổng lồ có cây xanh cô đơn trên nước, nó trở thành đảo, đảo thắm và đẫm ướt như con mắt tình ái của nhân loại. Người Trà Bồng đứng ở điểm cao nào đó nơi ngọn Cà Đam có thể nhìn thấy Lý Sơn, con mắt tình ái thuở hoang sơ bị cắt lìa, như truuyền thuyết. (*)

Ơi, hai bờ con sông Hiền Lương xa nhau chỉ một mái chèo, đồi Lòi Reng và Vịnh Mốc với đám cây móc đầy trái tím, ơi Cửa Tùng và Cửa Việt, Cồn Cỏ và Lý Sơn, Thái Bình Dương xanh và nhân loại bốn bề cần lao, hòn đảo xanh này đã vì tình yêu của chính ta vì tình yêu của con người các xứ sở. Ơi Cồn Cỏ, đôi mắt tình ái của nhân loại ta nhìn sâu vào trong mắt nhau ta yêu nhau vì ta yêu nhau. 

       Ngày 1/8/2006

Sau khi được đi Cồn Cỏ một ngày và một đêm

N.C.T

(*) Trích tiểu thuyết Tình ái và Đêm Đen

 

Nguyễn Chí Trung
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 143 tháng 08/2006

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/05

25° - 27°

Mưa

04/05

24° - 26°

Mưa

05/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground