Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 01/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đá dựng thành biên cương

 
“C
ho đến bây giờ, trong tôi vẫn giữ mãi cảm giác xúc động và ấm áp khi tận tay nhận những cột mốc chủ quyền và có trách nhiệm cùng anh em công nhân đặt lên phần đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi vùng biên giới miền Tây Quảng Trị. Cột mốc là một tấm đá granit nguyên khối, tùy từng loại mà có trọng lượng từ 260 kg đến 1.000 kg. Nguyên tắc được quán triệt nghiêm ngặt là quá trình di chuyển, tiến hành cố định cột mốc, không để bất kỳ tác động nào làm trầy xước, sứt mẻ, hư hỏng cột mốc. Điều đó đã đặt lên vai anh em công nhân chúng tôi một niềm vinh dự lớn lao đồng thời cũng là trách nhiệm trĩu nặng. Trước khi bắt tay tiến hành công việc, bao giờ chúng tôi cũng xác định rõ ràng, quá trình vận chuyển, cố định cột mốc, phải chấp nhận hết thảy khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, bệnh tật, có thể bị thương tích, nhưng cột mốc thiêng liêng phải được bảo quản, giữ gìn toàn vẹn hơn cả tính mạng mình...” Anh Trần Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Hương Linh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Quảng Trị mở đầu câu chuyện với tôi như thế sau chuyến đi dài cố định cột mốc trên tuyến biên giới Việt – Lào.
Cõng cột mốc ngược ngàn bằng...thuyền sắt!
Theo đề án tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới được ký kết giữa hai Chính phủ Việt Nam- Lào, trên tuyến biên giới giữa tỉnh Quảng Trị và hai tỉnh nước bạn Lào là Savanakhet và Salavan có 68 cột mốc/64 vị trí. Trong đó, giữa tỉnh Quảng Trị và Savanakhet có 35 mốc/33 vị trí Quảng Trị và Salavan có 33 mốc/31 vị trí. Đến nay, trên tuyến biên giới tỉnh Quảng Trị và hai nước bạn Lào đã xây dựng được 51 cột mốc. Đến hết năm 2011, hai bên sẽ tiến hành khảo sát song phương, xác định thêm 9 vị trí mốc quốc giới. Hiện các đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn thành các cột mốc đã được xác định vị trí từ cột mốc 618 đến 622. Theo kế hoạch, đến tháng 6/2012 sẽ xây dựng hoàn thành tất cả các cột mốc trên tuyến biên giới.
Tuyến biên giới phía Tây Quảng Trị tiếp giáp với nước bạn Lào là nơi có địa bàn hiểm yếu. Giữa đại ngàn Trường Sơn này có tầng tầng lớp lớp núi cao dựng đứng, thác sâu hun hút, sông suối chia cắt dày đặc, rừng đầu nguồn ken dày, cây cối, dây leo chằng chịt. Nơi đây còn là vùng thâm sơn cùng cốc, đông nắng tây mưa khắc nghiệt, mùa mưa dầm dề không dứt, mùa nắng nắng nổ cây rừng. Để có thể đưa được cột mốc nguyên khối nặng ngàn cân lên đến được nơi cố định, những người công nhân Công ty TNHH xây dựng Hương Linh đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức. 
 Nhận cột mốc từ Lao Bảo, họ phải tiến hành bao bọc, bảo vệ bằng các vật liệu thích hợp để chống va đập, giữ nguyên vẹn kết cấu, hình thức thẩm mỹ của cột mốc, sau đó vận chuyển bằng ô tô đến những nơi thuận lợi. Tuy nhiên cung đường thuận lợi bao giờ cũng ngắn. Tiếp theo đó là những ngày dài cần mẫn, cật lực di chuyển cột mốc từng chút, từng chút một giữa rừng già để đến nơi được xác định. Thời gian di chuyển, tùy theo địa điểm và sức nặng của cột mốc mà có khi kéo dài hàng tuần liền. Dốc thấp thì dùng sàn bánh lốp, đòn khiêng, qua suối thì kết bè trườn theo con nước, dốc cao thì phải dùng đến tời, xích, dây thép chịu lực với sự hỗ trợ của động cơ nổ và cả sức lực, tay trần của hàng chục con người.
Trong quá trình vận chuyển những cột mốc 583, 619, 622...đặt lên ngọn núi có độ dốc 60-70 độ, đối diện với hun hút rừng già, vách núi dựng đứng đã đặt ra thách thức không dễ vượt qua đối với những người thực thi nhiệm vụ. Sau nhiều lần suy nghĩ, thực nghiệm tại hiện trường, Giám đốc Trần Quỳnh đã áp dụng sáng kiến hàn chiếc xuồng sắt với chiều dài 2,5 mét, chiều rộng 1 mét, gắn máy nổ cố định trong lòng xuồng và một số thiết bị chuyên dùng khác để tạo lực hãm, đồng thời móc cáp lên phía trước, cho máy nổ để quay trục tời tự cuốn, đưa xuồng sắt ngược lên đỉnh núi. Trong lòng xuồng sắt, cột mốc được đặt và cố định chắc chắn cùng vật liệu như xi măng, sắt thép, cát đá...với trọng lượng gần 3 tấn.
Có những điểm phía trước không có cây cổ thụ đủ lực giữ để néo tời, công nhân phải đào một chiếc hố sâu quá đầu người rồi đặt thanh gỗ vào đó, tạo điểm tựa để móc cáp. Vậy là những vách núi cao ngất đã bị chinh phục. Lần đầu tiên chứng kiến chiếc xuồng sắt với sức càn lướt mạnh mẽ, lao lên trên sườn núi dựng đứng và đến được nơi đặt cột mốc an toàn, ai cũng rưng rưng nước mắt...
Khi người công nhân đứng chào cột mốc...
Từ năm 2008, Công ty TNHH xây dựng Hương Linh đã được giao nhiệm vụ làm đường công vụ và xây dựng các cột mốc trên tuyến biên giới Việt- Lào, từ Hướng Việt, Hướng Phùng đến Hướng Linh, Ba Nang...nơi tập kết cột mốc, vật liệu đến địa điểm thi công xa nhất ngót cả trăm cây số đường rừng. Đã có 20 cột mốc do công ty xây dựng hoàn thành trong đó trừ những cột mốc đại 635, 605 được đặt trên tuyến cửa khẩu, điều kiện xây dựng thuận lợi, còn lại là quá khó khăn, gian khổ. 
Để đến được địa điểm thi công, phải mở đường công vụ, phát cây, dẹp lối, san lấp vật cản. Có khi địa điểm xác định nằm trên tảng đá ngầm, phải dùng sức người lật cả tấm đá tảng lên để tạo mặt bằng; có khi địa điểm cheo leo bên bờ vực, lại phải xây kè chống xói lở; có khi xung quanh địa điểm thi công không có nước, lại phải lấy đôi vai gùi cõng, đi xa hàng trăm mét, chắt từng giọt trong kẽ đá có khi trong lòng đất tiềm ẩn bom mìn còn sót lại mặc dù công tác rà phá đã được đặc biệt chú trọng ngay từ khi tiến hành công việc; rồi rừng thiêng nước độc, rồi thú dữ, hơi đá, mưa rừng...Cột mốc đưa lên đến đâu, lán trại của công nhân mọc lên đến đấy. Lại những ngày dầm mình cho vắt cắn, ăn những bữa ăn tạm bợ, uống tạm nước lưng chừng núi, động viên nhau gắng hoàn thành công việc.
“Tập kết được cột mốc đến nơi quy định rồi, chỉ mới vơi đi một phần lo lắng. Còn một lượng vô cùng lớn vật liệu xây dựng nữa, phải có đủ ngay để triển khai dựng cột mốc. Mà vận chuyển vật liệu xây dựng giữa đại ngàn này cũng gian nan không kém...”, anh Quỳnh bộc bạch.
Theo bảng tính khối lượng vật liệu thi công mốc, một mốc trung gồm đá hộc, đá dăm, cát vàng, xi măng, thép các loại...trọng lượng đã lên tới 13,5 tấn; một mốc tiểu, vật liệu cũng ngót nghét 13 tấn. Qua bàn tay và đôi vai của người công nhân, hàng trăm tấn vật liệu xây dựng thấm đẫm mồ hôi đã được tập kết gọn gàng đúng nơi quy định giữa ngút ngàn rừng sâu biên giới để tiến hành dựng mốc. Chưa ở đâu mà từng cân cát, thanh sắt lại được anh em công nhân bảo quản, nâng niu như ở nơi này...
“Làm doanh nghiệp, chúng tôi phải coi trọng lợi nhuận, không thể khác. Tuy nhiên, nhận nhiệm vụ dựng cột mốc, xác định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi xuất quân với tất cả sự háo hức, lòng quyết tâm, sục sôi nhiệt huyết tuổi trẻ, gác lại sau lưng những tính toán đơn thuần. Niềm vui vô bờ của chúng tôi là khi hoàn thành xây dựng một cột mốc, anh em quây quần bên nhau, ai cũng mặc những bộ quần áo tươm tất nhất, đứng chỉnh tề và đưa tay chào giữa lồng lộng bóng cờ Tổ quốc và bóng núi thâm nghiêm...”, anh Quỳnh không giấu được vẻ tự hào.
Hiếm có một đường biên giới nào trên thế giới này lại được xây đắp, tô thắm bằng tình hữu nghị anh em đặc biệt như tuyến biên giới Việt-Lào. Trên vùng phên dậu phía Tây ấy, những cột mốc chủ quyền thiêng liêng đã mọc lên, đường bệ và vĩnh cửu, thể hiện sức vóc mạnh mẽ, sâu bền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Như những viên đá chung tay xây đắp Trường Sa ngoài bể Đông, giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, những người Quảng Trị can trường đang ngày đêm cõng đá lên non, dựng bức lũy thành cho vững bền đất nước muôn đời.

Đ.T.T

ĐÀO TÂM THANH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 210 tháng 03/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

20 Giờ trước

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

02/05

25° - 27°

Mưa

03/05

24° - 26°

Mưa

04/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground