Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 08/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Dân ca... thì buồn

“D

ân ca cùng với các điệu múa như múa Toong (múa giữa rẫy), Xiêng câm priing, Ra Yook, Poon Rayoock được trình diễn trong các dịp lễ hội hay những khi lên nương, lên rẫy, lứa đôi hẹn hò yêu nhau... đã tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng riêng có của đồng bào dân tộc Pa Kô. Ý thức được điều đó, trong nhiều năm qua tôi cùng với các thành viên tâm huyết của Đội văn nghệ xã Tà Rụt (huyện Đakrông) đã không quản khó khăn, gian khổ cất công sưu tầm, biên soạn rồi dàn dựng thành nhiều tiết mục văn nghệ để Đội văn nghệ xã Tà Rụt biểu diễn không chỉ trong phạm vi huyện Đakrông mà còn ở các lễ hội lớn của tỉnh như lễ hội “Nhịp cầu Xuyên Á”... Dù nỗ lực như vậy, nhưng điều khiến nhiều nghệ nhân trên địa bàn xã Tà Rụt trăn trở đó là việc thế hệ trẻ hôm nay hầu như đang "quay lưng" lại với dân ca Pa Kô". - Đó là tâm sự của Kray Sức, cán bộ văn hóa xã Tà Rụt hôm tôi và anh ngồi trong căn nhà của nghệ nhân Kăn Giêng (81 tuổi, ở bản Tà Rụt 1, xã Tà Rụt) nằm giữa nương ngô xanh mướt dưới ánh nắng tháng Tư hanh vàng để đợi bà làm rẫy về.

Trở về từ rẫy, biết có khách viếng thăm nghệ nhân Kăn Giêng cất vội a chói vào gian bếp rồi mang nước ra mời. Khi tôi đề cập đến việc lưu giữ, bảo tồn các làn điệu dân ca Pa Kô, Kăn Giêng buồn buồn: "Miềng già rồi, không biết khi nào thì về với Giàng. Miềng thuộc và hát được nhiều làn điệu dân ca Pa Kô như làn điệu Cà Lơi - Cha chấp, Xiêng, A Un, Caraun, Terate’k, Ra Zok, Caracadoi, T’rel... nhưng các con miềng thì không đứa nào thuộc. Nhiều lần, miềng có ý truyền dạy nhưng con miềng không muốn học. Mà có riêng gì con miềng đâu, nhiều trai, gái trong bản cũng chỉ thích hát karaokê thôi chứ không thích hát dân ca Pa Kô. Miềng buồn cái bụng lắm".

Như để chia sẻ với tôi nét đẹp của làn điệu dân ca Pa Kô, nghệ nhân Kăn Giêng hát lên làn điệu Xiêng ngọt ngào thể hiện nỗi nhớ nhung nồng nàn, tha thiết của cô gái Pa Kô với người yêu sợ phận nghèo không mang lại hạnh phúc cho cô gái nên không dám đến cùng cô thức ngắm trăng bên bờ suối vắng: “Anh ơi hãy đến ta cùng chung một lời ca/ Hãy đến đây cùng thức ngắm trăng/ Em mong mỏi chờ anh sao anh không đến. Em ơi, anh nghèo, anh không dám đến/ Áo vá mười lỗ, khố chắp mười đốt....”. Kăn Giêng giải thích cho tôi hiểu tại sao người con trai phải “áo vá mười lỗ, khố chắp mười đốt” là bởi ngày xưa, người Pa Kô nghèo lắm đến nỗi cơm không đủ ăn, áo không có mặc nên câu hát cũng buồn. Thế rồi, Đảng như ngọn gió thổi hết nghèo đói để “Đakrông đang vươn mình. Đây màu xanh bao trái tim đang chờ mong/ Đây dòng sông Krông Klang ta cùng yêu/ Ruộng rẫy đang cho hạt no/ Đảng cho ta cuộc đời/ Ta quyết tâm theo Đảng/ Tay nắm tay hỡi người ơi/ Em đẹp làm sao giữa ánh trăng đang chờ anh/ Ôi nay đời ta về với nhau đang nở hoa/ Cùng nắm tay ta càng yêu/ Kinh, Pa Kô, Bru Vân Kiều/ Ta kết duyên thôi nàng ơi/ Ta sống vui dưới ngôi nhà chung” (Đakrông ngày mới - Kray Sức viết lời).

Nghệ nhân Kăn Giêng cho biết: "Muốn hát làn điệu Xiêng hay phải có khèn bè thổi đệm mới thể hiện hết “hồn vía” của câu hát. Câu hát mới hòa quyện cùng làn gió núi an lành thổi qua nương, qua rẫy đến với người yêu thương. Dân ca của dân tộc Pa Kô hay và ý nghĩa như vậy nhưng không hiểu sao nhiều trai, gái bản miềng lại không thích hát".

Cũng bởi câu nói của nghệ nhân Kăn Giêng rằng dân ca Pa Kô hay và ý nghĩa nhưng trai, gái bản lại không thích hát, tôi cùng Kray Sức vượt qua mấy đoạn dốc dựng đứng vào thung lũng A Vương tìm gặp nghệ nhân Mai Hoa Sen (60 tuổi, ở bản Ka Hẹp, Tà Rụt) để rồi nhận từ ông tiếng thở dài đến não nuột: "Cả xã Tà Rụt cũng chỉ có vài thanh niên biết hát dân ca Pa Kô mà đơn cử như cháu Hồ Thị Đĩu (sinh năm 1997), Mai Văn Trung là con trai của miềng... Nói đâu xa, chính thằng Mai Văn Trung dù miềng đã tận tâm chỉ dạy nhưng đến giờ cũng chỉ biết khoảng 50% các làn điệu dân ca Pa Kô chứ nói gì đến trai, gái các bản. Miềng nhiều lần nói với con miềng là phải biết học hỏi, giữ gìn những làn điệu dân ca đã làm nên hồn, cốt của người Pa Kô do cha ông để lại. Không học hỏi, gìn giữ để những làn điệu dân ca mai một với thời gian là có tội với cha ông, với tổ tiên... Lớp nghệ nhân già như miềng bây giờ như "chuối chín cây" hết rồi, không biết ngày nào thì về với Giàng. Chừ chỉ có một điều mà miềng trăn trở là không chỉ dạy hết "vốn liếng" dân ca miềng học được cho con cháu thì miềng có chết cũng khó lòng mà nhắm mắt".

Ghé nhà nghệ nhân làm nhạc cụ Hồ Văn Việt (sinh năm 1974, ở bản Vực Leng, Tà Rụt), tôi hỏi anh có thuộc làn điệu dân ca Pa Kô không? Nghệ nhân Hồ Văn Việt ngập ngừng chốc lát rồi trả lời: "Miềng chỉ làm được các loại nhạc cụ dân tộc Pa Kô như đàn Mprer, trống A Kưưr.... Còn dân ca thì miềng thuộc vài làn điệu thôi, không thuộc nhiều lắm đâu".

"Hiện tại, trên địa bàn xã Tà Rụt có 18 nghệ nhân hát dân ca, làm nhạc cụ... dân tộc Pa Kô trong đó nhiều nghệ nhân tuổi đã cao, sức đã yếu như nghệ nhân Kôn Hương (70 tuổi), nghệ nhân Vỗ Kiều (90 tuổi), nghệ nhân Kăn Giêng (81 tuổi), nghệ nhân Mai Hoa Sen (60 tuổi)... Chính những nghệ nhân này đang sở hữu "kho báu" dân ca, điệu múa, cách làm nhạc cụ của người Pa Kô. Hiểu được tầm quan trọng của các nghệ nhân cao tuổi, thời gian qua tôi đã trực tiếp đến tận nhà của các nghệ nhân để tìm hiểu, nghi chép tỉ mỉ từng làn điệu dân ca, điệu múa... cũng như cách thức, lễ nghi trong hệ thống lễ hội của người Pa Kô. Từ những tư liệu thu nhập được, tôi cùng với Đội văn nghệ xã Tà Rụt dàn dựng thành các tiết mục văn nghệ để đi biểu diễn nhiều nơi. Đó cũng chỉ là nỗ lực nhỏ bé của bản thân tôi cùng với những người tâm huyết khác trong Đội văn nghệ xã Tà Rụt để góp phần bảo tồn vốn văn hóa của đồng bào dân tộc Pa Kô. Còn về lâu về dài, muốn gìn giữ, lưu truyền dân ca, điệu múa, cách làm, sử dụng nhạc cụ cũng như các lễ hội của người Pa Kô thì còn quá nhiều việc để làm ví như mở các lớp để nghệ nhân truyền dạy cách làm, sử dụng nhạc cụ, các điệu múa, làn điệu dân ca Pa Kô cho lớp trẻ; các ngành chức năng cần đầu tư vốn xây dựng các điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng là nơi để các nghệ nhân biểu diễn các điệu múa, làn điệu dân ca Pa Kô cho trai, gái bản trên, bản dưới thấy hết nét đẹp của dân ca dân tộc mình mà tự nguyện tìm hiểu, học hỏi; đầu tư mua sắm các loại nhạc cụ cho Đội văn nghệ xã Tà Rụt bởi hiện tại mỗi lần đội văn nghệ đi biểu diễn đều phải đi mượn nhạc cụ của nhiều gia đình trong các bản... Nói để anh mừng và cũng buồn, đó là hiện nay trên địa bàn xã Tà Rụt đã có nhiều nghệ nhân trẻ biết cách làm và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc Pa Kô nhưng cũng có quá ít nghệ nhân trẻ thuộc hết tất cả các làn điệu dân ca Pa Kô. Bởi vậy, dân ca... còn buồn lắm". - Kray Sức cho biết.

Dân ca cùng với các điệu múa là điểm nhấn, là yếu tố không thể thiếu trong các dịp lễ hội tạo nên bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Pa Kô. Mà văn hóa chỉ "sống được", tồn tại được đến muôn đời sau chỉ khi "bám rễ sâu" vào chính cộng đồng dân tộc ấy chứ không phải được dàn dựng biểu diễn trên sân khấu hay nỗ lực bảo tồn của số ít nghệ nhân. Nói một cách hình tượng như Kray Sức đã nói với tôi trong buổi chiều tôi chia tay anh rằng muốn gìn giữ, bảo tồn, lưu truyền dân ca cho thế hệ mai sau thì phải làm sao đó để dân ca Pa Kô cũng như cây rừng bám rễ vào đất rừng mới tạo nên màu xanh của đại ngàn Trường Sơn.

 

H.T.S

HOÀNG TIẾN SĨ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 236 tháng 05/2014

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

09/05

25° - 27°

Mưa

10/05

24° - 26°

Mưa

11/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground