Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đằng sau tà áo dài là tình yêu Việt Nam

TCCV Online- Trong khuôn viên của toà lâu đài nơi diễn ra cuộc thi Duyên dáng áo dài Việt Nam tại châu Âu 2017 vào giờ giải lao giữa hai vòng thi, các thí sinh trong trang phục áo dài truyền thống cứ từng nhóm đi lại, duyên dáng tung tẩy như đi trên sàn catwalk. Họ chuyện trò với nhau, giao lưu với những người đến từ những thành phố khác, từ các quốc gia khác, cùng nhau chụp ảnh kỷ niệm tạo nên bức tranh sinh động đầy màu sắc đối lập với toà lâu đài cổ kính, u tịch. Lúc mò mẫm tìm đường vào đây, tôi cứ rên rẩm: sao không tổ chức ở ngay trung tâm cho dễ tìm mà lại mò vào nơi hang cùng, ngõ hẻm, giữa rừng xanh, núi đỏ này mà tổ chức cho rối rắm. Giờ nhìn các tà áo dài thướt tha trong khuôn viên bên những hàng cây, dưới nắng thu vàng mới thấy những người tổ chức quả biết chọn sân chơi. Nếu tổ chức trong hội trường dù là hội trường rộng lớn, những tà áo dài Việt với đủ màu sắc lộng lẫy lấy đâu ra nắng, lấy đâu ra gió để tung bay, để rực rỡ?

Trong đám đông, tôi đặc biệt chú ý tới một cô gái. Một cô gái hoàn toàn khác biệt. Một cô gái người Đức. Rất ngạc nhiên về điều này, tôi hỏi anh Tạ Gia Khánh - phó BTC. Khánh nói, cô ấy là thí sinh người Đức duy nhất tham gia cuộc thi này. 

Tôi chất vấn lại: 

- Ban tổ chức nói cuộc thi này để tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ Việt và áo dài Việt. Đằng này cô ấy đâu phải Việt? 
Khánh cười xoà giải thích: 

- Áo dài cô ấy đang mặc là Việt truyền thống rồi nhé. Còn con người cô ấy, cũng toát lên nét đẹp phụ nữ Việt 100% đấy. Không tin anh có thể phỏng vấn. Cô ấy nói được tiếng Việt. 

Tôi tiến lại gần nhân vật của mình và chào bằng tiếng Việt của người Việt: Chào chị. Cô ấy cười nhẹ và chào lại bằng tiếng Việt của người ngoại quốc: Chào anh. Nhưng khuôn mặt gần như không biểu cảm. Lịch sự nhưng lạnh - đúng là tính cách Đức. Tôi tự trấn an và thận trọng nhìn nhân vật của mình bằng ánh mắt thăm dò. Một gương mặt Đức điển hình, góc cạnh, màu mắt xanh sau gọng kính dầy, mái tóc màu hạt dẻ cắt cao, uốn sấy gọn ghẽ. Tất cả thuần Đức, chỉ bộ áo dài màu đỏ rực với hai bông hoa sen đại đóa - quốc hoa Việt Nam - in trên tà áo trước là của Việt Nam. 

- Chị nói được tiếng Việt không? 

Tôi từ tốn hỏi. 

- Có. 

Cô ấy ngập ngừng rồi gật đầu.

- Chị đến cuộc thi này với mục đích gì?

Tôi máy móc hỏi như hỏi một thí sinh người Việt.

Cô ấy cố ngắc ngứ nói bằng tiếng Việt lơ lớ:

- Chồng tôi là người Việt. Tôi thích mặc áo dài. Ở nhà tôi có 2 áo dài.

Rồi nhìn tôi bối rối, im hẳn. Vậy là "máy bay đằng đông, các cụ bắn đằng tây". Cuộc phỏng vấn không thể tiếp tục vì ngôn ngữ bất đồng. Nhưng chí ít tôi biết được  một chi tiết quan trọng đó là cô ấy có chồng người Việt. Tôi lại gặp Tạ Gia Khánh hỏi. Và có câu trả lời ngay. Chồng cô ấy tên là Thế, đang có mặt tại đây. Không phỏng vấn được vợ thì tìm hiểu qua chồng. Tôi chợt nghĩ và nhờ người tìm Thế. Khoảng 10 phút sau người ta dẫn đến chỗ tôi một người đàn ông gương mặt vẫn còn trẻ, bảnh bao trong chiếc Vest đen bóng. Với chiếc nơ màu trắng tinh thắt nơi cổ áo sơ mi màu sẫm trông anh ta càng đỏm dáng. Người đàn ông giới thiệu tên mình, rồi nhìn tôi cười rất tươi bắt tay tôi, ánh mắt cũng cười sau màu kính mát.

- Em người Hà Nội phải không?=

Tôi chợt nhận ra nét quen và hỏi.

- Ô, anh đoán giỏi thế. Em sinh ra và lớn lên ở phố Phủ Doãn. 

- Thẳng đường ra phố Quán Sứ à?

- Vâng, chính con đường đó bố em đã đi mấy chục năm. Bố em làm ở Đài tiếng nói Việt Nam 58 Quán Sứ. 

- Thôi, chuyện đó cũng thú vị nhưng để nói sau. Hôm nay anh muốn hỏi về vợ em. Em lấy cô ấy lâu chưa? Con cái thế nào? Miệng cậu ta tươi rói. Nhưng lại kể với tôi với cái giọng thủ thỉ như tâm sự:

- Em yêu cô ấy năm 96 lúc cô ấy mới 19 tuổi. Sau một năm thì cưới. Đến năm 2007 bọn em đã có 2 cháu trai, 3 cháu gái. 

- Vậy là 5 đứa con hả? 

Tôi thảng thốt kêu lên. 

- Vâng anh, điều đó không ngạc nhiên bằng việc hiện giờ cả 5 đứa đều nói tốt tiếng Việt. Viết tiếng Việt có dấu. Ăn đồ Việt. Dùng đũa chứ không dùng dao dĩa. 3 cháu gái đẻ sau đều mang tên thuần Việt: Nguyễn Mai Anh, Nguyễn Kim Anh, Nguyễn Kiều Anh. 
Thật kỳ lạ. Vì tôi biết, những gia đình thuần Việt bên này, tức bố Việt, mẹ Việt hẳn hoi vậy mà con cái đẻ ra hầu hết không nói được một câu tiếng Việt. Bố mẹ tiếng Đức lại tậm tịt, câu được, câu chăng, nên ngay trong nhà mà cũng lắm lúc dở khóc, dở cười vì ngôn ngữ bất đồng. Chưa kể nhiều ông bố, bà mẹ trẻ, mới sang Đức, cứ đẻ con là đặt tên tây: Tony, Michael, Lena,Anna ... Đương nhiên cũng có người đặt con tên tây là do hoàn cảnh buộc phải thế. Nhưng cũng nhiều người là do sính tây. 

- Sao em giỏi thế? Đào tạo cả một lũ con nói tiếng Việt, ăn đồ Việt trong khi mẹ nó là người Đức, sống ở Đức.

Tôi ngạc nhiên đến tò mò hỏi. 

- Tất cả là do hoàn cảnh. Còn nếu có công thì công lao đó thuộc vợ em. Em về nhà tuyệt nhiên không đụng tay những chuyện bếp núc. Trong khi nhà em 80% các bữa ăn là món ăn Việt. 80% các mối quan hệ bè bạn của cả bố mẹ và các con là với người Việt. Mỗi kỳ nghỉ hàng năm nếu được hỏi đi đâu cả nhà đều biểu quyết chọn Việt Nam là phương án tối ưu và tuyệt đối. 

Lại càng lạ. Tôi trố mắt ngạc nhiên. Ngay thằng con bé nhà tôi, Việt 100% mà mỗi khi rủ về Việt Nam là nó khăng khăng từ chối với lý do Việt Nam nóng lắm. Cái nóng oi nồng và bụi bậm ở Việt Nam chắc chả ai thích. Nhưng lý do đó cũng chỉ là cái cớ. Cái quan trọng là ở Việt Nam không có những thứ hàng ngày bên này nó đang có. Đấy là bạn bè, môi trường ngôn ngữ, môi trường thiên nhiên, đồ ăn và ngay cả các phương tiện nghe nhìn. Bắt con về Việt Nam để giữ quan hệ nguồn cội là một chuyện, còn nó có sung sướng, tự nguyện về không lại là chuyện khác. 

- Vậy đúng là hội nhập ngược. Một cú lội ngược dòng. Việt Nam hoá người Đức rồi. 

Tôi bật reo lên không kìm nén được trước những điều bất ngờ đến thú vị.

- Vậy chuyện này chắc chắn là công lao của em rồi còn gì. Mỗi em là người thuần Việt duy nhất trong gia đình mình. 

Thế lại cười. Nụ cười bừng lên vẻ tự hào, mãn nguyện.

- Thì em đã nói rồi. Là do hoàn cảnh. Còn lại là do vợ em. Người phụ nữ chính là người giữ nếp nhà mà anh.

- Vậy hoàn cảnh nào mà ly kỳ vậy? Tôi hỏi không giấu vẻ háo hức. 

- Chuyện là thế này. Hồi vợ em sinh cháu thứ 5, thú thật là hoàn cảnh cũng vất vả. Em đi làm, mình bà xã ở nhà chăm lo một lúc 5 đứa trẻ lít nhít trứng gà, trúng vịt. Đứa đầu mới 10 tuổi đứa út được vài tháng. Gia đình em ở Việt Nam cũng sốt ruột. Nhà lại làm ăn được nên cứ giục em đưa vợ con về hồi hương để gia đình có điều kiện chăm sóc, giúp đỡ các cháu. Em băn khoăn lắm hỏi vợ, không ngờ cô ấy đồng ý cái rụp. Thế là bồng bế thê tử rồng rắn về Việt Nam. Về nhà, bọn trẻ con đứa nào đến tuổi thì đi học trường Việt. Chơi rất đông với đám trẻ con Việt. Giữ liên lạc với nhau đến tận bây giờ. Vợ em vừa trông nom con cái vừa phụ giúp các anh chị kinh doanh chuỗi cửa hàng chăn, ga, gối, đệm ở Hà Nội. Giống như một người con dâu hiếu thảo, một người em dâu đảm. Được cả nhà quý mến. Cuộc sống ổn định và hạnh phúc đến mức 3 năm liền vợ chồng con cái không ai một lần quay lại Đức. Vợ con em "nhiễm" Việt Nam từ độ ấy. Đến năm 2010 khi các cháu đã bắt đầu lớn em mới đưa chúng nó quay lại Đức để tiện việc học hành, lập nghiệp. 

Từ khi quay lại Đức đã 7 năm rồi. Nhưng nếp sống nhà em vẫn như hồi còn đang ở Việt Nam. Vợ em ngày rằm mồng một nào cũng vẫn đều đặn thắp hương trên bàn thờ gia tiên và bàn thờ Phật. Vào đêm giao thừa năm nào cũng làm mâm cơm cúng tất niên ở trong nhà và mâm cúng thần linh ở ngoài trời. Trong bếp nhà em không thiếu bất cứ đồ gia vị nào của Việt Nam từ nước mắm, mắm tôm đến tương Bần. Những thứ đó tự tay vợ em mua. 

Đặc biệt cô ấy rất thích mặc áo dài và hát tiếng Việt. Cô ấy ghi danh vào lớp học thanh nhạc của thầy Đức Long. Các sự kiện của cộng đồng cũng lên sân khấu tham gia biểu diễn văn nghệ cùng chị em như một phụ nữ Việt. Còn áo dài, cô ấy mê mệt hơn cả phụ nữ Việt. Năm nào về Việt Nam cũng may. Cứ chờ dịp lễ tết của người Việt hay các sự kiện cộng đồng để được mặc áo dài. Và hôm nay anh thấy đấy, cứ nhất quyết đòi đi thi cùng với các bạn cho bằng chị bằng em. Khấp khởi cả tuần trước cuộc thi. 

Hình như chiếc áo dài làm chị em, dù là tây hay ta, nữ tính hơn thì phải. Tôi thấy vợ của Thế lúc ngoài sân cũng đi lại từ tốn, duyên dáng như một phụ nữ Việt. Và trên sân khấu cũng điệu đà, thẹn thùng khoe sắc trong tà áo dài Việt như bất cứ thí sinh người Việt nào. Nhưng khi lên nhận giải khuyến khích của cuộc thi, lúc không còn mặc áo dài, cô ấy dường như trở về bản sắc của mình, năng động trong từng cử chỉ và cặp mắt xanh sắc sảo lấp lánh sau gọng kính dầy. 

Sau cuộc thi tôi ngỏ lời với Thế muốn được viết về vợ và gia đình anh. Anh không từ chối nhưng cũng chẳng mặn mà. Đến khi tôi xin anh bức ảnh chụp chung cả gia đình Thế để hình dung trực tiếp hơn về nhân vật mình định viết, ngập ngừng mãi anh mới cho. Nhìn bức ảnh cả gia đình chụp chung ở những thời điểm khác nhau, trong những khung cảnh khác nhau tôi xúc động đến lặng người. Định viết về áo dài mà chẳng còn hứng thú gì với áo dài. Điều làm tôi xúc động chính là vai trò làm vợ làm mẹ của cô ấy. 10 năm đẻ 5 đứa con là điều không dễ làm với phụ nữ thời nay ngay cả đối phụ nữ Việt nói chi phụ nữ phương Tây. Nếu không yêu chồng, yêu trẻ nhỏ một cách tha thiết, đậm sâu thì không ai làm được thế. Lại phải đảm đang, chịu thương, chịu khó, phải tận tụy, hết lòng đến thế nào mới nuôi nấng, chăm sóc lũ con lít nhít từ lúc còn bú mớm, đỏ hon hỏn đến bây giờ hầu hết đã đến tuổi trưởng thành, cao lớn vạm vỡ, sáng sủa, khôi ngô hơn bố mẹ. Hai cậu con giai lớn giờ đang học nghề. Ba cô con gái sau đang học phổ thông trường chuyên.

Chưa kể từng ấy năm cô ấy bền bỉ gìn giữ nếp nhà theo cách của người Việt. Một gia đình hạnh phúc như một hậu phương vững chắc cho người chồng yên tâm làm ăn. 

- Còn em, giờ buôn bán dàn máy nghe nhạc đỉnh cao (Highend) anh ạ. 

Thế hớn hở khoe và mời:

- Có dịp anh đến nhà em uống cà phê và nghe nhạc. Dàn máy tự tay em lựa chọn và lắp đặt. Đúng là đỉnh cao của âm thanh luôn. 

Đến tận giờ, khi chạm đến những dòng cuối cùng của bài viết, tôi cũng không biết gia đình Thế đang định cư ở thành phố nào Dresden hay Leipzig? Nhưng tôi biết chắc chắn và những người thân quen của gia đình Thế ở Đức hay Việt Nam cũng đều biết chắc chắn đằng sau tà áo dài mà người phụ nữ Đức có tên là Manuela với số báo danh 50 mặc trong cuộc thi "Duyên dáng áo dài Việt Nam tại châu Âu 2017" là cả một tâm hồn Việt, một tình yêu vô bờ với Việt Nam mà trước hết là với người chồng Việt và những đứa con hoà trộn hai dòng máu Đức - Việt của cô ấy. Không có tình yêu lớn như thế người ta không thể bền bỉ vượt qua được những khó khăn, thử thách dù nhỏ nhặt nhưng chồng chất của mỗi ngày để làm nên cái gọi là Hạnh Phúc với đúng nghĩa của từ này. 

Từ Berlin, Đức.

H.L

Tạp chí VNQĐ

Hùng lý
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 276 tháng 09/2017

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground