Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đào Hồng Cẩm vào sông tuyến

- Anh có người nhà đến thăm.

- Em có biết là ai không? Tôi hỏi cô hộ lý của khoa mắt đang đỡ tôi ngồi dậy. Lạ nhỉ! Từ trạm đón tiếp 83 - Lý Nam Đế, tôi được đưa thẳng đến Viện Quân y 108. Đã kịp báo với ai đâu.

- Hay là báo để hôm khác anh sẽ tiếp.

- Nhưng là ai nhỉ. Hai mắt tôi được băng kín trong lớp băng dày.

- Dạ một anh bộ đội. Cô hộ lý nói thêm. Đã đứng tuổi!

Tôi vịn vào vai cô hộ lý mà bước theo. Đã thoáng nhận được từng gợn gió vườn. Đã thoáng nghe được tiếng cựa mình của lá bàng khe khẽ. Tôi đã ra đến Hà Nội. Chẳng thấy được gì nhưng vẫn là quen thuộc lắm.

- Trời! Đến nông nỗi này cơ à! Mày ra đây từ hôm nào?

- Anh Cẩm. Tôi kêu lên. Chỉ một âm tiết r phát âm theo kiểu vùng Nam Định là tôi nhận ra ngay. Đào Hồng Cẩm quê gốc bên Nam Định. Sát ra ngoài mép bể. Nơi phát âm con tâu, bụi te. Và đặc biệt là âm tiếng r. Rung lên đúng một chùm ba (triolet) trong nhạc lý.

- Nhận ra tao à? Anh Cẩm kéo tôi vào lòng.

- Tai còn nghe rõ giọng. Mà dẫu có điếc tôi cũng sờ ra anh. Cái trán dô ra, mái đầu hói kiệt. Và môi anh cong như một đường bay của một chú dơi đêm.

Chúng tôi cười. Chẳng biết cô hộ lý còn đứng đấy không. Nếu còn cũng sẽ cười. Vui như lớp kịch lạc quan của lính. Vâng thì chúng  tôi là lính đây. Lính làm nghề diễn kịch. Đào Hồng Cẩm là  tác giả kịch bản sân khấu. Và tôi.

- Bị thương ở trận nào? Huế hay Quảng Trị?

- Em bị hơi ép của bom. Chẳng có vết thương nào. Ra đến Hà Nội, bị một trận sốt qua đêm. Sáng ra thấy phủ xuống mắt một màu huyết dụ.

- Phúc tổ cho mày. May mà ra đến đây. Những Bác sĩ nói có sao không?

- Chắc là không.

- Tao đọc bài thơ Đêm Quảng Trị ở Sở Chỉ huy khu đội Vĩnh Linh. Mới vào mà đã viết được vậy… Anh Cẩm không nói nữa. Kéo sát tôi vào lòng rồi hôn lên trán. Gian khổ lắm mày ơi!

- Nơi anh vào cũng kém gì! Tôi mân mê từng ngón tay anh. Những ngón tay đã vẽ lên trang giấy một thằng lính ngụy thời ta đánh Pháp có tên là Hồi(1), lại một sĩ quan quân đội Ngô Đình Diệm tên là trung úy Phương(*) để tôi tung hoành trên sân khấu. Tôi nắm chặt cả bàn tay anh - Ở trong rừng Quảng Trị, em theo từng bước anh. Khi Vĩnh Tú, Vĩnh Nam; khi Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy…

- Còn phải trở lại đó. Hay lắm mày ạ.

Lòng tôi khẽ rung lên một cảm xúc bè bạn, thầy trò. Như cái đêm ngồi viết trầm bên suối “Đêm Quảng trị dắt ta vào trận đánh…”.

* * *

Đoàn văn công quân khu Trị Thiên chúng tôi đang chuẩn bị tổng duyệt chương trình chào đón Tết Mậu Thân. Tôi đang dán râu lên cằm để vào vai một ông già. Anh Lê Thế Danh trưởng phòng tuyên huấn vào hậu trường báo tin “Chính ủy về”. Chính ủy Quân khu là chú ruột anh. Là ông Lê Chưởng. “Mời chính ủy xem luôn hè”, tôi đề nghị. Anh Danh nhảy vội xuống giao thông hào rồi hút bóng vào rừng.

- Chương trình được vậy là tốt lắm. Ông Chưởng lọt giữa vòng thân ái của Đoàn văn công. Ông nheo mắt nhìn tôi “Thiếu chút chi đó về Quảng Trị” Ông lảng ngay sang chuyện khác. Sợ nói thêm nữa là cục bộ, địa phương. Bởi ông là con dân đất Triệu Phong, Quảng Trị. Ông vẫn hướng về tôi “Mình gặp Đào Hồng Cẩm ở Vĩnh Linh. Ông Cẩm muốn theo mình vô đây luôn”. Chính ủy lại cân bằng ngay niềm khát khao riêng của ông. “Đào Hồng Cẩm ở ngoài đó cũng hay. Vĩnh Linh đầy chuyện hào hùng để viết”.

Sau cái tin gặp Đào Hồng Cẩm ở Vĩnh Linh mà ông Chưởng mang về báo tin giữa rừng già Quảng Trị. Ba mươi lăm năm nữa trôi qua rồi. Đào Hồng Cẩm đã bước thêm mấy bước thăng hoa sau cùng, mấy bước sáng tạo xuất sắc sau cùng. Công lao ấy tôn đẩy ông lên niềm vinh dự chói sáng của một giải thưởng. Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Bây giờ ông đã là người thiên cổ. Nghĩa là hết thảy đã trôi vào quên lãnh thì không đành. Kịch bản sân khấu không là một ca khúc. Một dịp để kỷ niệm giải phóng quê nhà, cả Quảng Trị hát vang. Hát hùng ca, tụng ca, tráng ca. hát từ khúc khởi đầu Bên ven bờ Hiền Lương đến khúc khải hoàn Đường 9 anh hùng. Hát vang Tiếng đàn Ta lư, La Lay, Sen Bụt đến hát trầm ca, xa xót khúc bi tráng tưởng niệm Cỏ non thành cổ. Làm sao có thể có cả chùm bi kịch của Đào Hồng Cẩm được dàn dựng, trình diễn ở dịp này. May còn gặp được Xuân Đức, Anh là giám đốc đương nhiệm của Sở Văn hóa Thông tin. Gốc rễ lại là nhà văn, nhà viết kịch và quý ơn là Xuân Đức đã nhiều năm cắp cặp theo thầy. Xuân Đức đã là đồng tác giả một vở kịch dài với Đào Hồng Cẩm. Xuân Đức mà dám quê Đào Hồng Cẩm à! Có lần tôi nghĩ vậy. Xuân Đức kể: “Một lần tôi ra Nam Định tham quan và học hỏi cách xây dựng lối sống văn hóa của huyện Hải Hậu. Tôi dò hỏi mãi mới về đươc Hải Phú. Lặng lẽ nhớ thương anh”. Thế thì còn được. Được cái nghĩa thầy trò. Còn cái nghĩa tri ân của đời sau thì dù đã ở cương vị được phép lo toan này thì xem ra Xuân Đức cũng lực bất tòng tâm. Chưa nói đến chính Xuân Đức cũng đang cựa quậy tìm lối thoát ra khỏi màn kịch quan chức cuối cùng của đời mình.

Tôi gặp uyên ương Xuân Đàm, Kim Quý. Đây là cặp danh hiệu cao quý của sân khấu nói chung và sân khấu Quảng Trị nói riêng. Họ đã vạch một giới tuyến vô hình trong căn hộ khiêm tốn của mình. Nửa để lưu tồn kỷ niệm kiếp cầm ca son phấn. Nửa để đại lý cho hãng cà phê Trung Nguyên mà bù đắp chỗ thiếu hụt của đời thương. Tôi hỏi “Dàn dựng lại và diễn ba vỡ kịch viết về Vĩnh Linh, Quảng Trị của anh Cẩm đi”. Xuân Đàm cười: “Ông bỏ tiền ra!”. Tôi giật mình. Đúng vậy. Một vở kịch đâu có là một ca khúc.

Tôi đã gặp anh Nguyễn Hữu Thắng, Phó Bí thư huyện ủy Vĩnh Linh. Biết anh đã từng có thơ:

Miếu thần hoàng từ đây hóa đất thiêng

Người kể chuyện chẳng thêm nhiều chi tiết

Mà người nghe ngỡ mình nghe truyền thuyết

Của quê nhà năm tháng vẫn còn ghi.

Đó là thơ viết về sự kiện thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Vĩnh Lâm: Mộc mạc và tha thiết. Tôi cũng đã theo sự chỉ dẫn của huyện mà về bến đò Tùng Luật, bến đò Vĩnh Tiến, bến đò Hói Cụ cả ở cầu Hiền Lương. Thèm một đôi câu trong các vở kịch của Đào Hồng Cẩm chép lên đá. Có lẽ vì đó là lời trong kịch. Có lẽ là ý tưởng của một nhà văn! Không, Đào Hồng Cẩm ghi chép lại lời của Vĩnh Linh, Quảng Trị. Nguyễn Hữu Thắng cười tâm đắc. Tôi muốn nhân lúc ra thăm Vĩnh Linh để rủ Thắng cùng đi xã này, xã kia trong huyện. Chắc sẽ có ích để Thắng làm thơ. Mà cũng chắc chắn là có ích cho công việc của người đứng trong tốp đứng đầu Đảng bộ. Thắng bị bao vậy giữa bộn bề công việc. Và chắc Thắng nghĩ rằng tôi cần một người dẫn đường. Tôi không lạ một đường, một ngõ nào đó trên đất Vĩnh Linh. Tôi lặng lẽ hỏi đường mà đi sau khi đã nhờ nhạc sĩ Hoàng Hữu Lộc dẫn một ngày.

* * *

Đào Hồng Cẩm vào sông Tuyến ngày mà anh Nguyễn Hữu Thắng mới ở tuổi lên mười. Tôi kể: “Trước nữa, Đào Hồng Cẩm đã vào đây. Sau đêm công diễn vở Chị Nhàn ở Hồ Xá, chúng tôi được Khu đội Vĩnh Linh cho đi thăm quan con sông giới tuyến. Men theo bờ bắc mà lên Vĩnh Sơn, tôi đi cùng tốp với Đào Hồng Cẩm và Thùy Chi. Ngày ấy, có cái áo sơ mi pô--lin để mặc khi cần dân sự hóa đã là sang trọng. Nửa dưới của thân thể vẫn phải che bọc bằng quần quân phục. Hai bàn chân vẫn được đặt lọt vào đôi dép cao su. Thúy Chi dấu được tung tích một chuẩn úy quân đội trong cái quần phíp đen và cái áo sơ mi phin nõn màu hoa cà. Nom quê mùa một cục. Bên kia sông những cái loa thùng quá cỡ è è một chặp như để thông đờm lấy giọng rồi ré lên: "Bơ ba đứa Cộng sản nòi kia. Tham quan tham kiếc chi. Cút mạ bay đi. Về sớm ngoài Hà Nội, Hà Đông rồi chờ mà tham quan quân lực Việt Nam Cộng hòa Bắc tiến!”. Chúng tôi ngồi lặng lẽ. Thấy như sông Tuyến vặn đau trong ruột gan mình. Đó là năm 1962, có thơ nhạc, ca khúc và hợp xướng. Có phim truyện lắp ghép vài chuyện kể, vài tình tiết. Xung đột thời đại đã báo hiệu những mới lạ đoạn mở đầu. Đã thấy phần ngực, phần cổ của Đào Hồng Cẩm đỏ lựng. “Hãy đợi đấy” “Thôi, về”. Như lời cuối của một cú hạ màn gấp gáp. Để rồi lại kéo vén lên mà diễn tiếp phần sau.

Màn sau ấy là vào năm 1966, 1967, tôi rời Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị, qua sông Hiền Lương trên Bến Tắt, Hói Cụ phía thượng nguồn, Hồng Cẩm rời chức vụ đoàn trưởng. Được ghép vào một đoàn văn nghệ sĩ quân đội đi thực tế ở B5. Ngày ấy B5 là phiên hiệu, bí số của đại quân ta ở phía bắc. Bản doanh đặt tại mấy xã vùng núi Vĩnh Linh này.

Đào Hồng Cẩm vào sông Tuyến. Hành trang tâm trạng của anh nặng hơn cây đàn của nhạc sĩ và bộ giá vẽ của họa sĩ. Mà Đào Hồng Cẩm có tâm trạng kép, của một người ra tuyến lửa là tâm trạng hưng phấn thời bấy giờ. Tâm trạng nữa là cái án-yêu-thương. Nói là Đào Hồng Cẩm vào Vĩnh Linh để cải tạo mình cũng là hợp lẽ.

Ở với anh Cẩm suốt mười hai năm bảy tháng tám ngày, tôi biết rõ từng bi kịch riêng tư lấp lánh trong anh. Chỗ này anh cởi nút thắt nhẹ nhàng. Chỗ kia dẫu cố sức cởi ra lại vẫn buộc vào như chơi. Diện mạo của anh, tôi vẽ đôi ba dòng là hiện rõ. Tâm trạng của anh, tôi thương một đời không vơi cạn. Tướng mạo có gì hoa lá đâu nhưng ở Đào Hồng Cẩm, tấm lòng là biển cả. Không ít người con gái đến tựa vào anh. Coi tướng mạo thô thô ấy là sự ganh ghét của tạo hóa. Để được yêu thương cái tài và cái tình. Có một người yêu anh mãnh liệt. Và Đào Hồng Cẩm là người của vùng quê cổ, nền giáo và phong tục cổ. Anh có hôn nhân mà chưa biết có tình yêu. Là anh giáo Cao Kim Tủng(3) bỏ vợ con ở quê làng lên gõ đầu trẻ trên mạn ngược. Rồi gặp cách mạng và kháng chiến và bị cuốn theo. Nén nhịn đủ điều cho đến ngày về Hà Nội. Như một người viết kịch quá tin vào phần gỡ nút, hạ màn ở cuối vở nên sa đà, đắm đuối ở những chương hồi, màn lớp ở đầu vỏ. Đào Hồng Cẩm mang lỗi nặng ở cương vị người phụ trách một đoàn văn công.

Đào Hồng Cẩm phải rời đoàn diễn này rồi nhập đoàn đi thực tế ngoài tuyến. Phải có một hình thức kỷ luật, dù êm nhẹ như một lời khuyên ru. Vừa là để lập lại uy tín lãnh đạo cho đơn vị cơ sở. Vừa giúp Đào Hồng Cẩm thoát khỏi vòng kim cô dư luận búa rìu ác độc. Anh vào sông Tuyến để giải tỏa một nỗi u buồn. Nghe có vẻ cải lương mà thật vậy. Chả thế mà mới đây thôi, khi nghe tin Đào Hồng Cẩm có tên trong danh sách những người được Nhà nươc ta trao giải thưởng Hồ Chí Minh đợt một, nhà văn nọ đã ganh ghét mà viết ra một truyện ngắn ám chỉ. Rằng Đào Hồng Cẩm đã tằng tịu với một bà bán nước ở hè phố Hà Nội. Vân vân và vân vân…

Chúng tôi là lớp diễn viên dưới quyền quản lý của Đào Hồng Cẩm. Chúng tôi diễn những vai kịch do Đào Hồng Cẩm viết ra. Chúng tôi biết rõ Đào Hồng Cẩm đã sống ra sao. Nhưng Đào Hồng Cẩm đã dám chịu nhục với lòng nhân ái của mình. Và Đào Hồng Cẩm biết lỗi. Dám vào Vĩnh Linh mà chuộc lỗi lầm.

* * *

Theo gọi ý của nhiều người. Tôi về Cửa Tùng tìm Trần Biên. Trần Biên là sĩ quan kỳ cựu của Tỉnh đội Quảng trị đã từng là người cùng sinh hoạt trong một chi bộ Đảng với anh Cẩm. Và Trần Biên cũng đã có hẹn hò với tôi. “Tôi sẽ kể nhiều điều về anh Cẩm. Những điều tôi chưa viết ra”.

- Dạ, nhà em đi viện rồi! Vợ Trân Biên đon đả.

- Lâu chưa?

- Dạ tiện có cháu về. Cháu bắt ba cháu phải đi khám ngay. Ở nhà, em chịu. Không tài chi mà giục được nhà em đi viện.

- Nhưng là bệnh gì?

- Bỏ ăn. Kêu đau trong bụng. Dạ chiều ni là về thôi. Bác Cảnh cứ ở đây chơi. Nghe tiếng bác lâu rồi. Chừ mới gặp. Mà nhà em có vào Huế chữa luôn thì em kể về anh Đào Hồng Cẩm. E đến mai cũng chưa hết chuyện anh Cẩm.

Quả có vậy. Chị Nồng là vợ Trần Biên. Còn là “cây” văn nghệ của lực lượng vũ trang giới tuyến. Còn là người đã từng sắm vai trong các vở kịch của Xuân Đức. Và do Đào Hồng Cẩm dàn dựng.

- Em đang mang thai mà vẫn hăng hái ra làm tiểu phẩm, tập từng lớp kịch. Giữa cuộc sống vô cùng cam go mà tụi em có thầy Cẩm đến. Xuân Đức, Trần Biên là học trò kịch, tuồng, chữ nghĩa. Tụi em học sắm vai. Lớn hơn là học cái nhơn đức của thầy. Đâu chỉ một việc anh Cẩm vào Vĩnh Linh để viết kịch. Người tài hoa, người sâu sắc ấy đã giúp Vĩnh Linh bao điều.

- Sau chiến tranh, chị Nồng còn gặp lại anh Cẩm không?

- Chỉ sau ngày 16 tháng 1 năm 1990 là hết gặp(4) Hết gặp chứ không bao giờ hết thương. Có lần anh Cẩm đi theo đoàn đại biểu Quốc hội(5) từ trong Nam ra. Đến Hồ Xá, anh tách đoàn lội bộ từ Hồ Xá về đây. Anh chỉ lo vợ chồng em đói khổ.

Chuyện sẽ không dứt thật nếu Trần Biên chưa về. Trần Biên là anh lính giới tuyến thực thụ nhưng quê gốc ngoài xứ Thanh. Giờ là sĩ quan cao cấp của lực lượng vũ trang Quảng Trị về nghỉ tại một xã sát biển Cửa Tùng. Giờ là ngồi giữa vườn tiêu xanh biếc mà viết văn.

- Anh Cảnh có đọc của thằng con tôi không?

- Nghe nói cháu ở Báo Quân khu 4. Tôi đọc cái bút ký mới nhất của cháu trên Báo Quân dội Nhân dân.

- E mình thua… bác ơi.

- Vậy là nhà có phúc.

- Ở lại đây lâu lâu mới hết chuyện anh Cẩm được. Tiếc là tôi phải nhập viện. Có cái gì đó trục trặc trong phủ tạng rồi.

Chúng tôi ngồi với nhau đến khuya. Trần Biên quên đau khi nhớ đến Vĩnh Linh năm nào. Để một đời tri ân tri kỷ.

- Các thủ trưởng Bộ Tư lệnh quân sự Vĩnh Linh chưa kịp dặn dò chúng tôi về trường hợp anh Đào Hồng Cẩm vào sống lâu dài ở Vĩnh Linh thì trong cuộc họp đầu với chi bộ, anh Cẩm đã nói: “Mình có khuyết điểm. Vào đây để sửa chữa. Các cậu giúp nhé. Quan sát cho mình từng việc lớn nhỏ”. Với tôi anh Cẩm chẳng giấu điều gì. Sau này, anh viết xong vở nào, cũng nhắn tôi ra. Đọc và đánh dấu huyền, dấu sắc lên từng trang đánh máy bản thảo. Việc ấy tôi làm ở một căn nhà dọc lối đường Quán Thánh Hà Nội. Tôi càng thấu rõ đầu đuôi cái mà anh gọi là khuyết điểm để một đời thương anh Cẩm.

Trần Biên như đang nén một cơn đau rồi nói tiếp “Chừng ấy chuyện của anh Cẩm, chỉ cần anh đặt chân đến Hạ Cờ vào một ngày của năm 1966 hay Vĩnh Thủy vào một ngày của năm sau là có thể quay ra Hà Nội. Chi mà phải đày đọa như lãnh đủ án chung thân”. Trần Biên lập tức phản biện “Nhưng vậy mới là Đào Hồng Cẩm”.

Tôi đọc cuốn sử Đảng bộ Vĩnh Linh. Cái ngày ở Vĩnh Thủy mà Trần Biên kể là ngày này:

“Ngày 02/7/1967, ta đánh thắng Mỹ ở Do An. Cách bờ nam sông Bến Hải về phía Do Linh chừng 5km. Kẻ thù thua đau, hoang mang đến cực độ. Ngày 13/7/1967 Mỹ rải bom B52 xuống Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm. Trong 60 phút, 37 máy bay B52 ném xuống Vĩnh Thủy 700 tấn bom. Khói bụi che trùm. Gió Lào tạt cái quầng đen xám ấy che kín 12 xã Đông Vĩnh Linh. Cồn Cỏ điện vào “Vĩnh Linh còn ai không?” Toàn Đảo khóc. Do Linh, Cam Lộ khóc. Lệ Thủy ngoài Quảng Bình khóc. Một giờ chiều mới có điện từ Vĩnh Thủy về “Cả 9 xóm bị bom. 2000 người có mặt ở đó. Có hầm tốt nên thương vong dưới chục người…”.

Đó là thời Đào Hồng Cẩm ở Vĩnh Linh.

* * *

Xuân Đức không cho tôi một lời về Đào Hồng Cẩm. Anh lặng lẽ rút từ ngăn sách, trao tặng tôi mấy tập kịch được in sau khi được diễn, được giải bạc giải vàng.

- Anh Đào Hồng Cẩm đứng trong từng trang viết của tôi. Xuân Đức ở khu đội Vĩnh Linh, được cử lên bản doanh B.5 chào các nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ quân đội vào tuyến lửa. Anh rụt rè trao cho Đào Hồng Cẩm một vở kịch ngắn mới viết và ne nép chờ ý dạy bảo của thầy.

- Tao theo mày về dưới đó được không?

Câu nói thân tình ấy mở cho Xuân Đức một cánh cửa vào nghề. Xuân Đức là một phát hiện của Đào Hồng Cẩm cho quân đội, cho sân khấu nước nhà.

- Chuyện tiểu đoàn 47 của Vĩnh Linh ra ra vào vào chốt là sử Vĩnh Linh anh hùng. Bây giờ còn tranh cãi đúng sai. Chỉ ở Đại đội trưởng của tôi mà Đào Hồng Cẩm viết là không có gì thêm bớt nữa. Chuyện trên chiến hào chỉ đáng diễn ba cảnh. Đào Hồng Cẩm sáng tạo những tính cách Vĩnh Linh để cốt truyện của tiểu đoàn 47 bước thêm 3 cảnh nữa và đứng uy nghi như tượng đài trên kịch trường Việt Nam.

Xuân Đức sẽ thôi chức vụ ở chính quyền tỉnh Quảng Trị. Nhưng chắc chắn vẫn chưa thôi nghiệp viết của mình. Xuân Đức khoe “đã có vườn tiêu, cây ăn trái ở Vĩnh Hòa”. Chắc có một ngày nào đó ngồi giữa vườn tiêu xanh, ớt đỏ mà hạ bút bố cục chương lớp một vở kịch về Người đến thăm quê ta năm chiến tranh gian lao và anh dũng.

Tôi lên Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy một mình. Dù là Huyện ủy đã phân công nhạc sĩ Hoàng Hữu Lộc chở tôi trên một cái xe Honda có tuổi đời già hơn tuổi tôi và tuổi Lộc cộng lại mà không đành. Tôi đến ngồi lặng êm bên bậc đá. Chỗ ấy là bến đò sang. Bên kia cũng có một lối xuống sông theo đường mé chợ Kên. Bên ấy là trận địa anh hùng của một nữ xã đội trưởng. Giờ cũng đã tuổi lên bà. Bà có việc đi nuôi người bệnh tận trong Huế. Tôi ra ngồi bậc đá mà hỏi chuyện dòng sông. Đào Hồng Cẩm đến với những bến đò trên dọc sông này. Từ trên Giàng Phao, Bến Tắt. Về qua bến Vĩnh Tiên này rồi lặn xuống bến Tùng Luật, Cát Sơn. Sông Hiền Lương nhập hồn vào nhà viết kịch để biến anh là thi sĩ. Cho anh nâng thi pháp vào chuyện kịch để sông hóa làm người. Làm một dàn đồng ca can thiệp, vỗ về vào chuyện kể về người anh hùng, về mối tình tuyệt vời của người đánh giặc. Viết kịch theo thi pháp cổ điển nên Đào Hồng Cẩm tạo ra một Tiếng hát. Tiếng hát tượng hình lên thành phẩm chất Vĩnh Linh trong thời đại chúng ta.

Như một nhà công nghiệp, kinh doanh, Đào Hồng Cẩm dám đầu tư lâu dài. Nhớ là vở kịch Tiếng hát ra đời sau ngày Quảng Trị giải phóng khá lâu. Mười ba năm có lẻ. Vậy là Đào Hồng Cẩm khát khao có thêm vài thập kỷ cày xới vun trồng. Trời cao xanh trên dòng sông ấy lại khắt khe. Với sông thì chẳng ăn nhằm gì. Với người là giới hạn. Ngày 16 tháng 1 năm 1990, Đào Hồng Cẩm trút hơi thở cuối cùng. Và ở cách nơi anh nằm chừng hơn nửa ngày cây số, sông Hiền Lương mà dân quen gọi là sông Bến Hải và Nguyễn Tuân gọi là sông Tuyến hát trầm trầm lời tiễn đưa:

Yêu vô cùng

Thương vô hạn

Tiếng hát của một niềm tin mãnh liệt

Một ý tưởng tuyệt vời.

Tiếng hát của một con người(6)

P.N.C

 

 

___________

1, 2 – Tên các nhân vật kịch của Đào Hồng Cẩm

3 – Tên khai sinh của Đào Hồng Cẩm

4 – Đào Hồng Cẩm từ trền ngày 16 tháng 1 năm 1990

5 – Đào Hồng Cẩm, đại biểu Quốc hội nước CHXHCNVN Khóa VII

6 – Lời dàn đồng ca trong vở Tiếng hát.

 

Phạm Ngọc Cảnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 98 tháng 11/2002

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground