Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 01/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đất lạ hóa quê hương

1

- Làm báo, cái gì duy nhất, cái gì khởi đầu, cái gì mới lạ... cũng đều neo lại trong tôi những ấn tượng thật đặc biệt. Giáo trình giảng dạy báo chí cũng vẫn thường chỉ ra rằng những thứ tươi mới, hấp dẫn, duy nhất...đều có thể là đối tượng phản ánh của báo chí, có lúc, những thứ tươi mới, duy nhất, hấp dẫn may mắn bắt gặp, nếu nhà báo có năng lực phát hiện đề tài, khai thác sự kiện, triển khai thể hiện tốt thì cũng có thể có một tác phẩm báo chí đọc được đấy...

2-Ở cái rẻo đất nhỏ nhoi có tên là Gio An, miền sơn cước của huyện Gio Linh, nếu không đến thì thôi, đến rồi mới thấy, sao lắm cái có thể dẫn dụ nhà báo đến vậy? nhiều sự kiện đến vậy? lâu lâu ở đây lại có một sự kiện. Có sự kiện tưởng như đã đi vào quá vãng, ngủ yên trong trang sử và tâm tưởng, bỗng một ngày được khơi dậy tươi mới trong nỗi xúc động trong ngần. Lại có sự kiện vừa mới xảy ra ngay hôm qua, hôm nay thôi, làm cho những ai được dịp chứng kiến không thể nguôi quên, luôn phải trăn trở và ám ảnh. Những sự kiện đôi lúc khiến người viết báo vừa mừng vui, vừa bần thần. Mừng vì trong tác nghiệp có cơ may được dịp khám phá, tiếp cận thêm nhiều chiều của một khối thông tin tươi nguyên. Bần thần vì chắc gì ta có đủ nội lực văn hóa, năng lực cảm nhận, khả năng huy động ngôn ngữ để diễn đạt cái mà ta may mắn một lần được tiếp cận trong đời...

3-Thoảng hoặc, cứ nghe một câu hát rộn rã và thân gần: tiếng trống trận từ Gio An vọng tới...của nhạc sĩ Huy Thục, tôi lại ngẫm ngợi về đất này. Trong chiến tranh chống Mỹ, Gio An là nơi tập kết quân và triển khai những mũi tấn công địch trên toàn địa bàn của quân giải phóng Mặt trận B5.Tiếng là miền trung du, gò đồi nhưng thời bấy giờ, một gốc cây, ngọn cỏ cũng bị bom đạn giặc chà qua xát đến nổi không còn dấu tích trên mặt đất. Tôi đã có lần theo chân các CCB Trung đoàn Triệu Hải về thăm chiến trường xưa ở Gio An. Những điểm cao được gọi tên bằng các chữ số, đọc lên nghe khô khốc như tiếng điểm xạ chứ đâu có mượt mà như ngàn thông đang reo lao xao và tiếng khẽ khàng của giọt nhựa cao su nhỏ xuống bên thân cây vạm vỡ, bình lặng và yên hòa như bây giờ...Hồi đó, từ Gio An, Cồn Tiên nhìn bao quát, đâu đâu cũng thông thống, quang quẽ, nhức nhối. Quán Ngang, Dốc Miếu, Cam Lộ tít tận quốc lộ 1, quốc lộ 9 xa ngái nhưng cũng chỉ trong tầm kiểm soát của cánh lính trinh sát quân giải phóng. Chẳng cần vạch lá rừng nhìn xuống quê em như trong bài thơ của một nhà thơ áo lính, bộ đội ta, từ Gio An vời vợi này đều dễ dàng nhìn ngắm thị trấn Đông Hà đêm đêm ánh đèn điện sáng lóa ngang trời. Ánh đèn như ánh mắt người thân đang chờ đợi, như quầng sáng thao thức, nâng bước chân người lính tiến về đồng bằng, giải phóng quê hương...

Vậy nên, có lẽ nơi đất này, chỉ cần một hồi trống trận dồn dập, thúc bách, mười phương đều tỏ. Cả Mặt trận B5 đều cùng một hiệu lệnh tiến lên phía trước giục giã và kiêu hãnh này chăng?

Rồi nữa, sao tiếng đàn ta lư, tiếng đàn vọng từ Gio An mà không vọng lại từ nơi quần cư, bản quán đích thực của bà con Vân Kiều đôn hậu?

Cách đây chừng mười, mười lăm năm gì đó, nhạc sĩ Huy Thục có mặt trong đoàn CCB về thăm Quảng Trị. Ông cẩn thận phô tô những bài viết về Huy Thục và những ca khúc bất hủ của ông đăng rải rác trên các báo để cung cấp tư liệu cho báo chí, vì thời gian gặp mặt rất gấp. Điều thú vị là trong tập bài dày dặn này có bài viết của tôi về Huy Thục đăng trên báo Quảng Trị. Lần đó, tôi có dịp trò chuyện cùng người nhạc sĩ mà tôi rất yêu mến, định bụng sẽ hỏi ông về chi tiết tiếng trống trận và cây đàn  ta lư từ đất Gio An, vậy nhưng không kịp...

4- Ngày lễ trọng 27 tháng 7 năm nay, anh Lê Bá Dương đem theo con gái về thăm Quảng Trị, thắp hương cho các bác, các chú đồng đội của ba yên nghĩ ở các nghĩa trang trước khi cháu đi du học ở Úc.

Những ngày cha con anh Lê Bá Dương lưu lại Quảng Trị, tôi bận quá nhiều việc, chỉ đi theo anh ở một vài nơi ít ỏi. Nhưng kỳ thực, nếu rảnh rỗi thì với sức đi như Lê Bá Dương, tôi cũng không theo nổi. Cam Lộ, Đông Hà, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Thạch Hãn, Bến Tắt... ở đâu có đồng đội nằm lại, anh đều đến tận nơi dâng hoa, dâng hương, có xe thì đi bằng xe, không thì đi bộ, ròng rã dưới cái nắng đổ lửa. Lại nữa, đi với anh, trong lòng tôi luôn trĩu nặng một nỗi bồi hồi, nhiều khi quặn thắt nơi lồng ngực suốt dọc hành trình, cả nơi đi, lẫn nơi đến, lẫn gặp người còn, lẫn tìm người mất...Nơi đây,một đại đội Quân giải phóng đã đánh lui ba đại đội địch, nhiệm vụ hoàn thành nhưng anh em hy sinh quá nhiều. Nơi đây, cả ban chỉ huy của Trung đoàn Sông Dinh bị lãnh nguyên một quả đạn pháo, cả 7 người, không ai còn nguyên vẹn thi thể. Nơi đây, một buổi sáng mình ra múc nước, bị tăng địch quần cho tơi tả, may mà luồn được theo khe đá, về đơn vị...Sao một rẻo đất nhỏ nhoi và hiền thục như Gio An mà lại chất dày ký ức bi tráng đến vậy? nhiều hy sinh mất mát đến vậy? nhiều sự kiện đáng để tự hào, đáng để khắc sâu tự trong lòng ta đến vậy?...

5- Cây đa Gia Bình là một cây đa có một không hai ở Quảng Trị. Trong suốt một thời gian dài chống Mỹ, cây đa này là đài quan sát của pháo binh quân giải phóng chỉnh hướng trút lửa xuống Cồn Tiên, Dốc Miếu. Dưới gốc đa là nơi chiến sĩ Cao Như Thiêm anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Trước ngày quê hương được giải phóng, cây đa bị bom đạn giặc đánh rụi. Một ngày mưa trung tuần tháng 8 năm 1998, có một người lính trở về mang theo một cây đa búp đỏ trồng vào vị trí cây đa xưa. Ông là Thiếu tướng Nguyễn Huy Hiệu, Tổng tham mưu phó Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên là lính Trung đoàn 27 năm xưa từng chiến đấu trên mảnh đất Gio An anh hùng. Nhận thấy vị trí đẹp, làng cũng đã quyết định dời đình làng Gia Bình về cạnh cây đa, trông ra bàu nước khoáng đạt trước mặt, để tiện hương khói cho Thần hoàng và hương hoa cho các liệt sĩ. Vào dịp 27 tháng 7 năm ngoái, khi trở lại thắp hương cho đồng đội, cảm cái tình làng, nghĩa nước của bà con Gia Bình, người lính Nguyễn Huy Hiệu, nay là Thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã góp một ít kinh phí để nhờ dân làng phục dựng lại chiếc giếng cổ có tên là giếng Đìa, cận kề cây đa huyền thoại. Tháng 3 năm 2008, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu lại cùng đồng đội về thăm Gia Bình. Cùng đi với ông có một người trẻ tuổi không mặc quân phục, đó là anh Lê Văn Tuấn, giám đốc công ty Thanh Bình (Hà Nội) là con của một gia đình có nhiều liệt sĩ trong 2 cuộc kháng chiến. Khi được nghe những  chiến công vang dội, những hy sinh mất mát của hàng trăm liệt sĩ trên đất Gio An, bên cây đa,  giếng Đìa và tâm nguyện của những CCB muốn xây tặng người dân Gia Bình một ngôi đình làng với ý nghĩa, thờ liệt sĩ không nơi đâu ấm áp hơn là thờ trong lòng dân, anh  Lê Văn Tuấn quyết định tặng làng 100 triệu đồng để xúc tiến triển khai công trình. Tập thể CBCS Xí nghiệp 334 (Bộ Quốc phòng) cũng đã góp công, góp sức vào công việc thiện nguyện và tình nghĩa này. Đúng vào sáng ngày 27 tháng 7 năm nay, đình làng Gia Bình đã được tổ chức khánh thành trọng thể. Bên cây đa, giếng Đìa và đình làng trang nghiêm là tấm bia đá, chiếc am thờ khắc ghi với muôn đời sau những chiến công bất tử của những người lính quân giải phóng năm xưa đã từng chiến đấu, hy sinh hoặc gửi lại một phần xương máu vì độc lập, tự do và cuộc sống bình yên hôm nay.

Có một mảnh làng nào nữa ở Quảng Trị, luôn là chốn đi về của một vị tướng, của rất nhiều CCB, nơi có cây đa, bến nước, sân đình chất chồng ký ức trận mạc và  nặng trĩu tình quân dân đến nhường ấy như ở Gia Bình, Gio An?

6- Ngày khánh thành đình làng Gia Bình, ngoài vợ chồng Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, có thêm một nhân vật mà rất nhiều người dân làng thoáng gặp  đã nhận ra, đó là nhạc sĩ Phú Quang. Anh ngồi lẫn giữa con dân trong làng, ánh mắt đăm đắm nhìn ra cánh đồng, nơi sương sớm còn la đà bên những phiến đá vừa được trục lên từ thớ đất đỏ tươi. Rồi có lúc mắt anh tròn xoe như cái nhìn trẻ con khi biết, lẫn trong tre trúc và con đường đất mòn vẹt, gập ghềnh kia là rất nhiều giếng cổ,  mảnh ruộng lát vát kia là nơi ươm trồng thứ rau liệt nổi tiếng và trong thẳm sâu đất này là rất nhiều phiến đá ẩn mình...Có những mảnh làng, chỉ cần một loại đặc sản vinh danh cho làng, đã là quá đủ. Ở Gio An, Gia Bình, con dân trong làng quả thực có rất nhiều thứ để ghi nhớ, để tự hào.

Và ngày khánh thành đình làng, mọi người rất xúc động khi ngay dưới gốc đa Gia Bình, nhạc sĩ Phú Quang đã hát.

Nhạc của Phú Quang những năm gần đây đã từng vang lên trong những nhà hát sang trọng và nổi danh bậc nhất trên thế giới. Phú Quang cũng đã từng đến và hát ở nhiều nơi trên khắp các châu lục, những bài ca trữ tình sâu lắng của anh Im lặng đêm Hà Nội, mơ về nơi xa lắm, Tôi muốn mang hồ Gươm đi, cả Ballat Niềm tin viết cho viôlôngxen nữa... đã đi cùng năm tháng và làm xao động biết bao trái tim người yêu nhạc. Lần này Phú Quang đã hát trong không gian nồng nàn mùi quê kiểng, trong cái nắng trưa hầm hập, bên gốc đa làng, giữa những người dân chân mộc và đôn hậu, với chiếc micro cũ kỷ, không nhạc đệm, không bè trầm, không múa phụ họa...

Kỷ niệm của tôi, dòng sông ngày ấy

Bạn bè tôi gục ngã dưới chân cầu

Tuổi hai mươi chưa một lần hò hẹn

Tuổi hai mươi chưa một vòng tay yêu thương

...

Bao nhiêu năm rồi chiến tranh đã vời xa

Bầu trời vẫn xanh như ngày nào

Bây giờ còn ai quên ai nhớ

Người con gái vẫn hồn nhiên cười đùa trong gió...

Nhạc sĩ Phú Quang tâm sự, anh có người cháu, hai chú cháu trạc tuổi nhau, 18 tuổi lên đường chiến đấu và hy sinh đâu đó ở Quảng Trị mà cho đến nay gia đình chưa tìm được hài cốt. Trong giấc mơ anh thường thấy, người cháu mong mỏi một lần được trở về nhà, đứng đầu ngõ, sau rặng cúc tần, lắng nghe mẹ ru em ngủ...

Chỉ có nỗi nhớ quê hương xanh màu lính

Và giấc mơ một lần về trên con đường nhỏ

Để nghe tiếng mẹ ru xao động trưa hè

Ôi giấc mơ nhỏ nhoi

Giấc mơ quá nhỏ nhoi..

Giọng Phú Quang như lạc đi, nước mắt lăn dài trên gò má giữa trưa nắng nôi bỏng rát Quảng Trị. Người hát khóc, người nghe cũng khóc...

7- Quá Ngọ rồi, phần lễ trọng đã hoàn tất mà dân làng Gia Bình vẫn quyến luyến bên những CCB vượt dặm dài từ Nghệ An, Hà Tĩnh bằng xe gắn máy đến với Gio An như con dân xa làng tìm về nguồn cội. Phu nhân của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và bé Na, con gái CCB Lê Bá Dương, thế hệ dâu, con của Trung đoàn Triệu Hải anh hùng cũng đã thắp nén nhang nơi đình làng, nhận Gia Bình là quê hương thứ hai,là chốn thân thương để nhung nhớ, để hoài vọng, để đi về...

Như một nhà thơ đã viết, tình yêu làm đất lạ hóa quê hương..

 

Đ.T.T

 

Đào Tâm Thanh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 204 tháng 09/2011

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

18 Giờ trước

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

02/05

25° - 27°

Mưa

03/05

24° - 26°

Mưa

04/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground