Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao

 một điểm cầu truyền hình bên bờ sông Hiền Lương đêm nay, trước giờ lên sóng, cả bầu trời nặng trĩu những đám mây đen sũng nước. Đang có mưa nguồn nơi tít tắp Trường Sơn và âm âm chớp giật phía bể Đông trước mặt. Sông Hiền Lương thẩm lại, lăn tăn dậy lên khi  những giọt mưa đan cài trên bề mặt doàng ra mênh mông và dịu dàng như câu hát. Ở đôi bến sông này, có một thời, hai mươi năm, sông giấu đi, truyền đi, chan hoà, gói gém, lặn vào trong từng thớ nước biết bao câu hát, biết bao thề hẹn, biết bao yêu thương, biết bao căm hờn, biết bao tâm tư nỗi niềm sâu lắng và trên tất thảy là hy vọng sum vầy, đoàn tụ của những lứa đôi, gia đình được nâng lên thành khát vọng thống nhất của cả một dân tộc. Bóng cờ Tổ quốc bên bờ Bắc Hiền Lương không chỉ là niềm kiêu hãnh của miền Bắc nơi đầu cầu giới tuyến mà còn là biểu tượng ý chí đấu tranh thống nhất nước nhà của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chính vì ý nghĩa lịch sử đặc biệt đó, trong cầu truyền hình trực tiếp mang tên “Việt Nam- đất nước tôi” do Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, cầu Hiền Lương được xác định là một điểm cầu chính kết nối với năm điểm còn lại trong cả nước (Quảng trường Ba Đình, Dinh Thống Nhất, Cao Bằng, Cà Mau) và là một điểm nhấn quan trọng trong bản tổng phổ hoành tráng ca ngợi những chiến công anh dũng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm và sức vươn lên của đất nước thời đại Hồ Chí Minh qua 60 năm phát triển.

   Không biết ngẫu nhiên hay định mệnh, nơi eo thắt của Tổ quốc này tự ngàn xưa đã là chốn lằn ranh của những cuộc chiến tranh. Lịch sử đã  ghi lại, từ thế kỷ XI, Vĩnh Linh là ranh giới giữa hai nước Đại Việt và Chăm Pa. Thế kỷ XIV, dù Châu Ô, Châu Lý của Chăm Pa đã về với Châu Thuận, Châu Hoá của vua Trần, nhưng trong suốt cả thế kỷ đó, ở đây đã trở thành chiến trường khốc liệt của cuộc chiến tranh chiếm đất và giữ đất giữa các thế lực phong kiến. Giữa thế kỷ XVI, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá, rồi sang thế kỷ thứ XVII, vì quyền lợi giữa hai dòng họ, cuộc nội chiến đẫm máu đã diễn ra giữa chúa Nguyễn và chúa Trịnh. Vĩnh Linh cũng là ranh giới của hai thế lực đó. Năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, sông Hiền Lương trở thành giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Nam- Bắc. Vĩnh Linh lại được lịch sử chọn làm tiền đồn của lực lượng yêu chuộng hoà bình trên thế giới chống lại áp bức cường quyền. Đất này, như tổng kết của nhà văn Xuân Đức, từng là giới tuyến, phên dậu che chắn cho cả hai miền, phên dậu của nhiều đời biến động giang sơn, nơi hội tụ nỗi nhớ niềm thương và máu xương cả nước. Ba lần từng là thủ phủ quốc gia, nhưng chỉ là thủ phủ tạm thời khi chưa gây dựng được cơ đồ. Gia tài của đất đai là sỏi đá, bom mìn cùng với bời bời sắc trắng cỏ lau...

Trong chặng đường lịch sử 60 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu, đặc biệt là những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, truyền thống yêu nước của nhân dân đôi bờ Hiền Lương đã được nâng lên thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Và từ nơi đây, từng dòng sông, ngọn suối, tên đất, tên làng, từng con người hiền lành dung dị đã đi vào lịch sử như một huyền thoại của thế kỷ 20. Chúng ta gặp lại đêm nay, trong điểm cầu truyền hình bên bờ sông Hiền Lương lịch sử này những cựu chiến binh Dương Minh Thái, Trần Văn Hào, Lê Văn Trung, những chiến sĩ công an vũ trang giới tuyến năm nào. Thuở ấy, họ còn rất trẻ, hàng ngày hàng giờ đấu tranh trực diện với quân thù bằng tấm lòng quả cảm, lý tưởng cao đẹp, chân lý sáng ngời và niềm tin tất thắng. Họ chuyển gác, bước lên cầu trao bưu phẩm của nhân dân miền Bắc gửi nhân dân miền Nam, họ kéo cờ Tổ quốc lên chót vót tầng xanh để bà con trong Dốc Miếu, Cồn Tiên cũng có thể ngắm màu đỏ vàng sao mà bền chí đắp bồi niềm tin vào thăng lợi cuối cùng. Họ sống, chiến đấu nơi tuyến đầu với tư thế đàng hoàng, chững chạc của người lính cách mạng đang đấu tranh vì chính nghĩa, vì độc lập tự do và sự toàn vẹn của Tổ quốc mình. Tôi bỗng nhớ đến những đồng đội của họ mà tôi đã hơn một lần gặp gỡ, nhưng lần gặp gỡ nào cũng lung linh trong từng câu chuyện kể như là cổ tích. Ông Trần Ngọc Châu và bà Trần Thị Dĩnh (ở thôn Xuân Hoà, Trung Hải, Gio Linh) là một trong rất nhiều đôi “vợ chồng  ngâu” nơi bến sông này. Mười ba năm anh công an giới tuyến Trần Ngọc Châu và bà Trần Thị Dĩnh phải nhìn nhau qua mặt sông Hiền Lương chỉ độ sáu mươi sải tay chèo. Ngày gặp lại, bà Dĩnh khoe: “Nhìn qua cả con sông nỏ chộ rõ ràng chi hết, nhưng mà đỡ nhớ đi nhiều”. Câu nói thương đến trào nước mắt. Tôi cũng đã mường tượng ra đêm nay, mẹ Diệm lại trở về bên bến sông thân thương này, lại lần hồi từng đường chỉ dưới vòm hầm chật chội vá cờ Tổ quốc để ngày mai cờ lại thoả sức kiêu hãnh với gió ngàn, nhớ lại gương mặt của người cựu chiến binh Nguyễn Đức Lãng đã có thời gian mười bốn năm may cờ Tổ quốc ở giới tuyến Hiền Lương. Cờ Tổ quốc tung bay không một phút ngơi nghỉ nơi đầu cầu giới tuyến là mệnh lệnh từ trái tim, từ cuộc sống, từ cuộc đấu tranh bền bỉ, lâu dài, gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của cả dân tộc. Máu bao thế hệ người Việt Nam yêu nước đã ngã xuống, thấm đẫm trên từng kích thước Quốc kỳ thiêng liêng trong suốt cuộc trường chinh giành lấy độc lập tự do cho Tổ quốc.

Nhà báo Nguyễn Sinh, nguyên phóng viên thường trú Báo Nhân Dân tại Vĩnh Linh những năm chống Mỹ cứu nước, đồng tác giả của tác phẩm nổi tiếng “Ký sự vùng đất lửa” bồi hồi nhớ lại:” Một bà mẹ ở Vĩnh Nam có người con trai hy sinh. Ruột gan mẹ như quặn thắt. Nhưng mẹ vẫn giữ được điềm tĩnh để khuyên người con dâu rằng: con cứ khóc đi, khóc thật nhiều để vơi bớt nỗi đau khổ, nhưng con ạ, phải khóc thầm thôi, nhà ta gần kề tuyến đường các anh bộ đội ra trận, không thể làm một việc gì để người ra trận phải nhụt chí...Thời ấy, cuộc chiến đang đến hồi khốc liệt nhất, tàn bạo nhất, mọi trái tim của người Vĩnh Linh đều rớm máu, nhưng họ đã biết tự băng bó, tự nén lại để chiến đấu và chiến thắng quân thù...”

Đêm nay, vang vọng giữa hai bờ thương nhớ là tiếng người phát thanh viên Nguyễn Thị Hồng Nhạn của Đài truyền thanh Vĩnh Linh. Vĩnh Linh thuở “Tiếng loa hoà tiếng súng”, là một mặt trận chiến đấu thực sư khởi đầu từ một cái loa 25 W ở bờ Bắc tại thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, Vĩnh Linh, sau đó phát triển thành hệ thống loa tấn công, công suất 5000W hướng sang bờ Nam, phát sâu từ muời lăm đến mười sáu km, những lúc đẹp trời, thanh vắng, ở Đông Hà cũng có thể nghe được. Cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng cũng không kém phần gay go, quyết liệt và trên  thực tế đã góp phần quan trọng để đánh thắng quân thù. Chính kẻ địch cũng đã cay đắng thừa nhận:” Nghe Đài truyền thanh Vĩnh Linh khó chịu hơn nghe đài Hà Nội”. Cô phát thanh viên xinh đẹp ngày nào giờ hiện diện trên cầu truyền hình với mái tóc pha sương nhưng giọng nói thì vẫn thế, truyền cảm đến lạ lùng. Cô  Hồng Nhạn nhớ lại: “Một lần thực hiện chỉ thị của đồng chí Bí thư Khu uỷ, chúng tôi tổ chức buổi phát thanh lưu động, phòng bá âm là một ống cống thoát nước sát phía bắc câù Hiền Lương. Nhạc hiệu của đài vừa xong, tôi đang đọc thì đồng chí Hách vào nói nhỏ bên tai tôi: “Đọc to nữa lên, bà con bờ Nam nghe tiếng chị họ hoan hô dữ lắm, họ nói: Đài Vĩnh Linh vẫn còn, o Nhạn còn sống, đài quốc gia nói láo. Tôi vô cùng xúc động, nước mắt rưng rưng cố đọc thật to và tôi đã đọc rất to mà vẫn thấy như chưa đủ để bà con nghe. Buổi phát thanh cứ kéo dài như thế gần năm tiếng đồng hồ mà chúng tôi vẫn thấy quá ngắn so với mong đợi của bà con...”

Chúng tôi cũng đã gặp trên bến sông này, người con đất phương Nam trên dặm đường thiên lý đã ghé lại, sống một đêm và cảm nhận sự sum vầy với nhiều nhiều người con mọi miền đất nước trong  ngày vui đoàn tụ. Anh Lê Anh Tài, thương binh, quê ở Trà Vinh cứ ngắm mãi dòng sông lặng lờ trôi ra biển cả, ngắm nhìn những ánh đèn như sao sa trên những vuông tôm dọc triền sông đang thức, thoảng trong hơi gió mặn mòi từ cửa sông vạm vỡ là hương lúa đang vào chắc nơi vựa lúa Trung Hải dưới chân Dốc Miếu thuở nào. Chúng tôi cùng anh ngước mắt lên trời cao. Sau cơn mưa, trời lộng lẫy vòm xanh khoáng đạt, cờ Tổ quốc phần phật trong đêm. Vẫn lá cờ đỏ vàng sao ấy trên đời, vẫn niềm tin ấy trên đời, qua bao bão giông, thác ghềnh, qua bao gian lao, thử thách vẫn an nhiên cuộn giữa thinh không như một vầng dương thao thức, như một cánh bay của Tổ quốc bay lên...

   

             Đêm bên bờ Hiền Lương, tháng 8/2005 - 3/2006

               Đ.T.T.

Đào Tâm Thanh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 139 tháng 04/2006

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground