Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Dấu ấn một thời

Đ

ã bốn mươi năm trôi qua, nhưng gặp lại nhau tại Hà Nội nhân ngày hội khoá, không chỉ riêng tôi mà cả lớp văn, cả khoá, và cả thế hệ sinh viên đại học tổng hợp Hà Nội, những người đã sơ tán ở Thái Nguyên trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ vẫn giữ mãi trong tâm tưởng của mình một dãy núi với ba ngọn núi bá vai nhau ở chân trời.

Những ngày còn ở Vạn Thọ, tôi rất thích mấy câu thơ trong trẻo và đáng yêu của Phạm Ngọc Toàn:

Đường vào Việt Bắc đèo mây

Lao xao cành hoa lan trắng

Trung du nhớ sao mùa nắng

Bừng trên nương sắn chiều hôm

Ở nơi sơ tán, tôi đã nhiều lần đi bộ lên thị trấn Đại Từ, qua Đầm Mây, Kỳ Phú, xóm Chuối để thăm đồng hương Quảng Trị học cùng trường. Ở Kỳ Phú có cái chợ quê của đồng bào địa phương bỗng trở nên đông vui, náo nhiệt khi có sinh viên lên sơ tán. Phong phú nhất vẫn là măng tươi, nấm, chè mạn và cua đồng. Ở cổng chợ có một cái quán bán hàng ăn. Hấp dẫn nhất đối với sinh viên vẫn là món mỳ sợi nấu với cua đồng. Vì nó hợp với túi tiền của các cô cử, cậu cử, lại nhiều và ngon vì chúng tôi đang tuổi ăn, tuổi lớn mà lại thiếu dinh dưỡng. Hàng tuần, tổ nào cũng cử người đi chợ Kỳ Phú, hoặc qua Tân Thái để xin chè lá của bà con xóm núi tạo hình chè búp loại ra về để nấu uống, cũng như mua sắn củ về đào hầm chôn, đến đêm đào lên vài củ chặt khúc, bóc vỏ cho vào nồi nấu món cháo sắn để ăn vừa chống đói, vừa chống rét. Mà giá lạnh về ban đêm ở Thái Nguyên thì khỏi phải nói “Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế” kia mà!

Cuộc sống sinh viên ở nơi sơ tán trong thời kỳ chiến tranh tuy khổ thật, nhưng cũng rất đầm ấm và mơ mộng. Bởi vì, tuy mới bước vào năm thứ nhất, nhưng cái vẽ con nhà văn, nhà báo đã lấp ló trong mỗi đứa chúng tôi. Nhất là khi nghe giáo sư Hoàng Như Mai nói: “các anh, các chị rồi đây sẽ là lực lượng góp phần xây dựng và phát triển nền văn học và báo chí nước nhà”. Có một bài thơ nhỏ của một người nào đó tôi không nhớ tên đăng trên báo tường của lớp!

Ta lên đây mang theo một mảnh tình

Câu thơ che bớt lạnh rừng

Đông về nhớ bạn xuân năm ấy

Dưới đèn hai đứa đọc thơ chung.

Đã làm ấm lòng chúng tôi trong mùa đông đầu tiên ở nơi sơ tán. Có lần tôi và Thái, Kế, Toại (nay là giám đốc xưởng phim Công an nhân dân) đã đi vòng quanh dãy Tam Đảo, rồi trèo lên đỉnh nhìn xuống thung lũng Đại Từ. Nỗi bật giữa màu xanh của những cánh đồng lúa nằm hai bên bờ con suối Đảo là những ngôi nhà lợp bằng tranh nứa của bà con xóm núi và những cô thôn nữ với những bắp chân trắng ngần đang làm cỏ lúa trong đẹp như một bức tranh thuỷ mạc. Sau này hình ảnh ba ngọn núi ấy đã trở lại trong những trang viết của Toại:

Hai mươi lăm năm trước

Những cánh rừng Đại Từ ướt sũng trong mưa

Ta ngồi đầu dốc tắt thở

Nhìn vầng mặt trời bé nhỏ

Treo trên núi Văn người tráng sỹ già

Ở nơi sơ tán, mọi thứ phục vụ cho ăn ở, sinh hoạt, học tập đều được khai thác từ rừng. Nhà ở, lớp học, bàn ghế, giường nằm đều do sinh viên tự làm lấy bằng cách vào rừng kiếm nguyên vật liệu. Tôi người Vĩnh Linh, Nguyễn Bá Hùng, Ngô Việt Cường người Quảng Bình, Dương Xuân Nam người Hà Tĩnh, Đặng Thế Phương, Lê  Thái Sơn, Tăng Văn Sỹ, Nguyễn Đức Kiều người Nghệ An, Nguyễn Quốc Khánh người Thanh Hoá... đều xuất thân từ nông thôn, nên việc vào rừng lấy nứa, chặt gỗ là chuyện thường, nên không những lấy được nhiều nứa, chặt được nhiều gỗ mà còn có điều kiện giúp đỡ các sinh viên là người thành phố, người vùng biển... Cảm kích trước sự tận tình giúp đỡ của chúng tôi, Lê Thị Dắt nữ sinh viên đẹp nhất lớp, người của quê biển Thanh Hoá đã âm thầm kiếm ống giang về chẻ, chuốt đan tặng mỗi đứa chúng tôi một chiếc mũ khá đẹp. Cuộc sống lao động ở nơi sơ tán đã tạo nên chất liệu cho những sáng tác đầu tay của những nhà văn, nhà thơ, nhà báo trong tương lai. Bữa họp lớp nào cũng có nhiều người lên đọc thơ, đọc ghi chép ngắn. Dương Xuân Nam là một người rất ít nói được Lê Thị Dắt tặng chiếc mũ đẹp nhất đã đọc bài thơ “chiếc mũ nan” làm nức lòng cả lớp. Bài thơ của Nam sau đó được đăng trên báo Văn nghệ và được chọn đưa vào kỹ yếu bốn mươi năm của khối. Sau này, khi mỗi người trong chúng tôi đã trưởng thành, chàng sinh viên kiệm lời và hiền lành ngày xưa đã trở thành Tổng biên tập báo Tiền phong và là một nhà thơ tên tuổi với bút danh Dương Kỳ Anh.

Sau Đại Từ (Thái Nguyên)  vùng quê sơ tán thứ hai của khoá là La Khê, sát thị xã Hà Đông trước đây cũng để lại trong chúng tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc. Ấn tượng của cái làng La Khê trong tôi là tiếng thoi dệt va lách cách giữa những thành ngõ cao vút. Con sông Nhuệ chảy qua phía bắc của Làng ngày ấy thật trong trẻo. Con gái quê lụa vùng sông Nhuệ đẹp thật ăn đứt cánh nữ sinh viên làm cho nhiều chàng sinh viên ngẫn ngơ. Ở La Khê, chúng tôi cũng phải tự dựng lại lớp học, nhà bếp từ những vật liệu được chở từ Thái Nguyên về. Lớp học, nhà bếp được dựng bên bờ sông, xung quanh đầy cỏ may và hoa dại. Sau những ngày lao động dựng trường, chiều nào lũ nam sinh viên cũng ào xuống sông Nhuệ để tắm, để nô đùa, để mò trai nướng ăn như hồi còn đi chăn trâu ở quê. Những buổi chiều đẹp trời chúng tôi ngã cơm, bánh bao ra ăn trên bờ sông và nhìn về phía chân trời lại vẫn thấy ba ngọn núi bá vai nhau.

Ở La Khê có cuộc đi sưu tầm văn học dân gian ở Vĩnh Phú. Dạo đó, tôi bị bệnh viêm gan siêu vi phải vào nằm điều trị tại bệnh viện Bạch Mai không đi được, thật là tiếc. Khi vào viện thăm tôi Toại kể lại: Đi bộ từ Việt Trì đổ nát vào bến đò Lời trên sông Hồng, rồi đi tiếp lên thị trấn La Phù toả đi các xã Đoan Thượng, Đoan Hạ, Bão Yên, Hoàng Xá, Thanh Động... Lần đi ấy, Toại làm được bài thơ “câu dân ca Thanh Thuỷ”. Bài thơ được ông Nguyễn Khắc Xương con trai của nhà thơ Tản Đà và nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi chọn in trong tuyển tập thơ Vĩnh Phú. Và hai câu thơ “Sông Đà gương xanh màu mây soi rõ/ Đôi bờ mật chuối đưa hương” đến giờ vẫn neo giữa đời thơ của Thái Kế Toại.

Cái khoá 13 của chúng tôi có nhiều thăng trầm, rặt những chuyện do cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” sinh ra, gọi vui theo kiểu ngày nay là những chuyện dở hơi. Có những việc tất yếu như là sự cựa quậy của nhu cầu tự do cá nhân bây giờ kể lại không ai nhịn được cười, nhưng vẫn cảm thấy xót xa. Thôi nhắc lại làm gì những chuyện của thời đã qua, thời xa vắng. Khoá học chúng tôi phải sơ tán ở nhiều địa phương khác nhau, nên khá lận đận. Tiếng là học cùng khoá, nhưng đến năm thứ 3, thư 4 nhiều người phải ra trận, sau năm 1975 mới trở lại học tiếp. Riêng năm 1971, phải nghỉ học trên hai tháng để tham gia làm khẩu đê sông Đuống, vớt gạo bị ngập lụt ở tổng kho Yên Viên và giúp đồng bào huyện Đông Anh khôi phục sản xuất sau lũ. Riêng lớp văn toàn cầm tinh những con vật ghê gớm trong 12 con giáp nên cao số. Nhiều người bị gỗ đè ở dốc tắt thở, nhiều người bị nước cuốn ở sông Đuống, bị bom dập ở ngoài chiến trường mà vẫn không chết, đến nay vẫn khoẻ mạnh và khá thành đạt để gặp lại nhau sau bốn mươi năm. Đếm trên đầu ngón tay có hơn chục người nỗi danh với chức tước kha khá, còn lại toàn vào loại èng èng ( chuyên viên, trưởng phòng, giảng viên, phóng viên, đạo diễn). Có điều đáng mừng là ai cũng trưởng thành, ít, nhiều, có cống hiến cho nhân dân đất nước. Nhiều người được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến, huân huy chương chiến công, được phong hàm giáo sư, được công nhận học vị tiến sỹ, được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Có người như Khuất Văn Nga còn được bổ nhiệm làm viện phó viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong sự thành công và thành đạt của mỗi người đều có công lao to lớn của những người thầy vừa có tâm, vừa có tài như giáo sư Hà Minh Đức (chủ nhiệm lớp), giáo sư Hoàng Như Mái, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, cô Đặng Bích Hạnh, cô Nguyễn Thị Sâm, giáo sư Lê Đình Kỵ, giáo sư Đinh Gia Khánh, giáo sư Bùi Duy Tân... Các thầy, các cô nay đã già, tóc đã bạc, mắt đã mờ, chân đi đã run nhưng vẫn đến dự hội khoá với những người học trò thân yêu của mình. Được gặp lại các thầy, các cô ai cũng mừng và cảm thấy các thầy, các cô vẫn trẻ trung thông tụê như bốn mươi năm về trước, luôn gần gũi dìu dắt chúng tôi. Vâng! đừng hỏi tuổi của các thầy, các cô vì tuổi của các thầy, các cô là tuổi của đất trời...

Bốn mươi năm có biết bao nhiêu kỷ niệm không thể quên, có những người bạn bốn mươi năm chưa hề gặp, có những người đã ra đi mãi mãi như anh Quách Giao, như chị Đỗ Trinh Hương, như nhà thơ Lâm Quý, như Nguyễn Trọng Liêng, như Vi Xuân Hương... và gần đây là Đỗ Đức Nậm. Sau bốn mươi năm gặp lại nhau ai cũng mừng, ai cũng khóc, chuyện gia đình, con cái, việc làm cũng nhiều nỗi. May sao mà hậu vận tuổi già đa số đều được ấm êm, hay nói cho đúng hơn là nhìn có vẻ êm ấm, vì còn có những điều thật khó nói ra, khó chia xẻ. Hôm nhận được thư bảo đảm của Phạm Ngọc Toàn và điện thoại của anh Nghiêm Thanh ( lớp trưởng), vợ tôi hỏi: Hội lớp nào mà ông bồn chồn vậy? Có nói ra thì vợ tôi cũng chẳng hiểu được điều mà tôi phải trải nghiệm cả cuộc đời mới nhân ra rằng: hội lớp đại học là hội vô tư nhất, có nhiều kỷ niệm mà mình còn nhớ nhất. Do công việc và nghề nghiệp thỉnh thoảng thầy trò, bạn bè vẫn gặp lại nhau trên mặt báo, trên trang sách, trên đường đi công tác. Tôi nhớ năm 1978 khi đang làm phóng viên đài Bình Trị Thiên ở Huế tôi được gặp lại thầy Bùi Duy Tân đang vào giảng tại trường Đại học tổng hợp Huế. Được gặp lại thầy tôi rất mừng và cảm ơn thầy đã tận tình hướng dẫn khoá luận cho tôi, còn thầy khen tôi tiến bộ và chững chạc. Tại Huế tôi còn gặp lại Nguyễn Thị Bích Hoàn công tác tại đài Truyền hình khu vực Huế, sau đó Hoàn chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh. Cũng trong năm 1978, trong chuyến ra công tác ở Quảng Bình tại bến phà sông Gianh tôi được gặp lại Tăng Văn Sỹ từ miền Nam ra và biết Sỹ đang công tác tại cục tư liệu Bộ công an. Hôm gặp lại nhau ở 15 Hồ Xuân Hương, Sỹ khoe đã được phong hàm đại tá. Từ vạch xuất phát bốn mươi năm có người thành đạt về đường quan chức, người thành đạt về văn chương, ngôn ngữ, báo chí, dạy học, nói vui còn có người có tài tuyển hoa hậu nữa... Song có nhiều người công danh, sự nghiệp, gia đình rất thường thường, bậc trung. Có nhiều người ở Hà Nội, ở thành phố Hồ Chí Minh, có người phiêu bạt chân trời, góc biển, hoặc gắn bó với một vùng quê nào đó rất xa. Có người đến giờ vẫn không liên lạc được và cũng không có một thông tin nào về họ.

Nhưng thôi! Đối với mỗi người trong chúng tôi dù có muốn “ham chơi” cũng không còn mấy cơ hội. Tất cả đều đã sáu và ngoài sáu mươi cả rồi, không thể cưỡng lại được quy luật vì quỹ thời gian còn lại quá han hẹp. Duy chỉ một điều mà mỗi người trong chúng tôi đều nhận thấy là tính liên tục không đứt đoạn của cuộc sống. Khoa văn lúc nào cũng có các thế hệ thầy trò bổ sung thành một đội ngũ cán bộ điệp trùng, nào là cán bộ giảng dạy, là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, đạo diễn... như dòng sông được nhận dòng nước từ những con suối nhỏ rồi thao thiết chảy vào biển lớn...

 

       N.N.P

 

Ngô Nguyên Phước
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 170 tháng 11/2008

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground