Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đầu nguồn sáng hòa bình

 

1

. Hoà Bình là đất Mường. Nói đến Hòa Bình là nhớ Dốc Cun nổi tiếng ác liệt trong kháng chiến chống Pháp với những đoàn dân công thồ gạo đạn lên mặt trận Điện Biên. Nhắc đến Hoà bình lại nhớ Quang Dũng: Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi. (Tây Tiến). Nhắc đến Hoà Bình ai cũng nhớ đến nước khoáng nổi tiếng Kim Bôi, nhớ bài hát Nụ cười sơn cước của nhạc sĩ Tố Hải sáng tác trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp: Ai về sau dãy núi Kim Bôi/ Nhắn rằng tim tôi chưa phai mờ/ Hình dung một chiếc thắt lưng xanh/ Một chiếc khăn màu trắng trăng/ Một chiếc vòng sáng long lanh...

Nhưng có lẽ ấn tượng nhất đối với tôi trong đợt đến Hòa Bình tháng Tư vừa qua là Nhà máy thuỷ điện, nơi Đầu nguồn sáng Hòa Bình. Quả thực từ mười hai năm nay, cả nước dùng ánh sáng Hòa Bình, đêm đêm ánh điện Sông Đà thắp sáng hàng chục triệu gia đình Bắc Trung Nam, tạo ra vô số công việc làm ăn trong công cuộc đổi mới của đất nước, nhưng hẳn có rất nhiều người chưa biết nguồn sáng ấy đã ra đời như thế nào... Bởi thế mà khi được cô hướng dẫn viên du lịch Sông Đà dẫn đi trên đường hầm dẫn vào gian máy, đứng ngắm tám tổ máy điện đồ sộ của Nhà máy Thuỷ điện Hòa Bình, vàng chói nằm dưới lòng núi sâu một trăm năm mươi ba thước, bao nhiêu xúc động trào dâng... Phải gọi đây là một công trình kỳ vỹ.

Đây là lần thứ hai tôi được đến Thuỷ điện Hòa Bình. Lần thứ nhất vào cuối năm 1985, tôi là đại biểu dự Đại hội Nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ 2. Sau đại hội một số nhà văn trẻ miền Trung và miền Nam được công ty xây dựng Thuỷ điện Sông Đà mời lên tham quan công trường xây dựng Nhà máy thuỷ điện lớn nhất Đông Nam á. Đoàn nhà văn trẻ chúng tôi lúc đó có các nhà văn mà đến hôm nay tên tuổi đã trở nên gần gũi với bạn đọc cả nước như Nguyễn Trọng Tín, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Đức Thọ (đã mất) Dạ Ngân, Ngô Khắc Tài, Trần Thuỳ Mai, Tôn Nữ Thu Thuỷ, Nguyễn Đông Thức, Song Hảo, Hồng Vân.v.v.. do nhà thơ Hữu Thỉnh làm trưởng đoàn. Đoàn được ông Ngô Xuân Lộc, lúc đó là Tổng giám đốc công ty xây dựng Thuỷ điện Sông Đà tiếp đón rất nồng nhiệt. Lúc đó nhà máy đã được khởi công được 6 năm (bắt đầu từ ngày6-11-1979), và đã tiến hành ngăn Sông Đà đợt 2 (9-1-1986). Trên công trường lúc đó hàng vạn công nhân trẻ đang miệt mài lao động khoan núi, đắp đập, ngăn sông. Ai cũng biết những năm 85, 86 của thế kỷ trước, nền kinh tế nước ta ở trên bờ vực thẳm, nên cuộc sống của công nhân Thuỷ điện Sông Đà vô cùng vất vả, phải ăn bo bo, phải chịu cảnh không điện, phải ở những khu lán tập thể tre nứa sơ sài. Nhưng nhìn gương mặt của họ ai cũng hồ hởi, nổ mìn khoan đá, xúc đất đá, đào đường hầm, lái xe cẩu, xe xúc, xe ben chạy ầm ầm suốt đêm ngày. Cờ Tổ quốc, cờ Đảng được cắm trên mui xe, trên sườn núi... Sau này tôi mới biết thời kỳ cao điểm, trên công trường có trên ba mươi sáu ngàn công nhân, kỹ sư làm việc trong đó có năm nghìn chiến sỹ quân đội thuộc Binh đoàn 12 và bảy trăm năm mươi chuyên gia Liên Xô. Thật là một đại công trường. Chúng tôi được chỉ huy công trường dẫn đi tham quan nơi khoan núi làm tám cửa nhận nước, nơi đắp đập chặn dòng. Sông Đà là con sông dữ, đất đá đổ bao nhiêu cũng bị cuốn đi. Để ngăn Sông Đà người ta phải đúc hàng chục ngàn khối bê tông lớn hình tháp, mỗi khối nặng gần ba tấn, có móc phía trên, rồi cẩu thả xuống dòng nước, mới ngăn được sông. Một khối bê tông ngăn sông như thế được đặt trong nhà truyền thống của Nhà máy. Trong khối bê tông ấy có chứa “bức thư thế kỷ”. Bức thư do nhà báo Thép Mới chấp bút và được lãnh đạo tối cao của hai nước Việt Nam- Liên Xô cùng ký gửi đến thế hệ một trăm năm sau của Việt Nam, nghĩa là chín mươi năm nữa bức thư mới được mở!.

Dẫn chúng tôi đi tham quan công trường, ông Ngô Xuân Lộc tâm sự: “Các bạn là nhà văn trẻ, là nhà văn tương lai của đất nước. Các bạn đang ở trên một công trường trẻ. Chúng tôi gọi là “công trường trẻ” vì ở đây tất cả thợ khoan đá, lái xe, lái máy xúc, thợ hàn, thợ nguội... đều hai mươi ba mươi, ba nhăm tuổi cả. Quá tuổi đó là phải lui về tuyến sau, như trong bóng đá vậy. Vì không trẻ nên không thể lái xe ben, xe xúc đi như băng trên sườn núi ở độ dốc nghiêng mười lăm đến hai mươi độ được. Sơ suất một chút là rơi xuống vực...Vâng, tôi trẻ đang làm nên nguồn sáng cho “Tổ Quốc”. Sự so sánh văn chương ấy làm tôi nhớ mãi đến bây giờ. Từ đó, tôi hình dung công việc xây dựng Nhà máy thuỷ điện Sông Đà khó khăn và gian nguy đến thế nào. Vì khi đó nước ta vừa ra khỏi cuộc chiến, nên trong chủ trương thiết kế xây nhà máy lớn này phải đảm bảo nhà máy tồn tại được trong điều kiện chiến tranh. Nghĩa là phải đưa nhà máy vào lòng núi. Tốn kém hơn và khó khăn hơn vạn lần so với xây dựng nhà máy thuỷ điện bây giờ. Đó là một thách thức lớn đối với đội ngũ kỹ sư và công nhân Việt Nam, cũng là một thách thức lớn về ngân sách tài chính đất nước lúc ấy. Chúng ta phải vay vốn của Liên Xô và trả dần về sau này.

Buổi tối hôm ấy, tại “chỉ huy sở” công trường, chúng tôi được thưởng thức ruợu cần Hòa Bình. Uống rượu rồi nghe người đẹp Hồng Vân hát, đọc thơ, ai cũng bốc. Đêm đó, dù rượu đẫm người, tôi vẫn không sao ngủ được, hình như Sông Đà đang hớp hồn tôi. Tôi phát hiện ra một tứ thơ đẹp: Người uống rượu cần đang vít cần rượu hút lửa vào lòng mình, còn ngoài kia núi cũng đang cúi xuống vít Sông- Đà- cần- rượu làm nên lửa sáng cho đời. Bài thơ “Cần rượu Sông Đà” tôi làm ngay trong đêm thức Sông Đà đầu tiên ấy, rồi chép vào sổ tay, cho đến ngày trở lại Hòa Bình lần này mới nhớ lại. Núi dường như cũng thuộc dáng em / quỳ xuống vít Sông- Đà - cần - rượu / lòng đá thức muôn âm thanh kỳ diệu / sương vô tư sương bỗng rối qua cành / Đông tái tê mà mắt long lanh / ấy là đêm Sông Đà thứ nhất / núi lơ lững đầu cánh tay cần trục / tôi lửng lơ đầu câu hát bạn bè...

2. Sáng ngày mười hai tháng Tư, xe chúng tôi từ Cửa Lò, Nghệ An theo Quốc lộ 1A đến gần thị xã Ninh Bình thì rẽ lên hướng rừng Cúc Phương, đi Hòa Bình. Đường xấu, xe xóc, đến thị xã Hòa Bình thì đã gần bốn giờ rưỡi chiều, người mệt lữ. Thế mà khi các anh Viên- Chủ tịch hội, anh Lượng- Phó chủ tịch, nữ nhà thơ trẻ dân tộc Mường Tuyết Mai... Hội Văn nghệ Hòa Bình mời rượu thì ai cũng hăng hái, phấn khích hẳn lên. Rượu Hòa Bình ngon và dịu. Mới bốn lượt cạn chén, Tuyết Mai đã ghé vào tai tôi thủ thỉ đọc thơ: “Rượu em/ Cất từ mắt lửa than. Rượu của lòng người ngồi trên đống lửa. Uống đi anh / Uống cho tay nắm tay bén lửa/ Uống cho mắt nhìn nhau như sấm chớp đổ trời...”. Đúng rượu ấy phải sinh ra thơ ấy. Uống rượu xong chúng tôi đi bộ ra đập thuỷ điện. Đêm rằm, trăng soi đất Mường núi đồi nhấp nhô, hùng vĩ. Lần đầu tiên trong đời tôi được ngắm toàn cảnh Thuỷ điện Hòa Bình vào đêm trăng. Gió từ Hồ thuỷ điện thổi mát rượi. Tuyết Mai bảo tôi: “Gió ở đây là gió tươi”! Gió tươi- đó là tính từ chỉ gió rất hay, rất lạ mà lần đầu tiên tôi được nghe. Là giáo viên dạy Trường chính trị tỉnh nên Mai bảo tôi: “Anh muốn viết cái gì về Thuỷ Điện Hoà Bình để em cung cấp tài liệu cho”. Mai chỉ cho tôi đâu là Nhà điều hành và làm việc của Tổng Công ty Thuỷ Điện Sông Đà, đâu là cửa xả nước. Mai bảo hồ này có diện tích tới hai trăm km2, mực nước bình thường cao một trăm mười lăm mét, mực nước chết là tám mươi mét. Người ta nuôi cá và tổ chức du lịch trên hồ. Hàng trăm ngọn núi thành đảo. Mùa nước, nhìn hồ mênh mông, có thể đi thuyền đến nhiều tỉnh vùng Tây Bắc. Lượng nước hàng năm của Sông Đà lên tới năm mươi tám tỷ mét khối, mà hồ chứa nước Hòa Bình có dung tích 9,45 tỷ khối, trong đó nước để khai thác năng lượng là 5,65 tỷ khối. Như thế thuỷ điện Hòa Bình mới khai thác được 10% lượng nước Sông Đà, nên Nhà nước sẽ xây tiếp thuỷ điện sông Đà ở Sơn La và Lai Châu. Vừa qua Nhà máy Thuỷ điện Sơn La đã khởi công xây dựng...

Tuyết Mai cho biết, đập đất đá thuỷ điện Hòa Bình cao một trăm hai mươi tám mét, dài bảy trăm bốn mươi ba mét, dày bảy mươi mét. Dưới lõi đập bằng đất sét là một màn chống thấm được tạo ra bằng bê tông khoan phun dày ba mươi mét. Công trình xã nước vận hành là đập bê tông cao bảy mươi mét, rộng một trăm linh sáu mét, có hai tầng: Tầng dưới có mười hai cửa, tầng trên có sáu cửa. Mai bảo tôi: “Anh Ngô Minh biết không, chúng mình đang đứng trên nóc Nhà máy thủy điện Hòa Bình đấy. Nghĩa là nhà máy ở sâu trong lòng núi, ngay dưới chân chúng ta. Nếu ở khắp nơi trong nước, khi bật điện lên, ai cũng biết anh em mình đang uống gió tươi trên đập thuỷ điện, thì vui lắm nhỉ!”. Chao ơi, nghĩ gì mà lãng mạn thế!. Tôi nhìn xuống quan sát cửa xả nước. Dòng nước sôi sục phun bọt trắng xoá cuốn về xuôi. Trên bờ hạ lưu phía thị xã Hòa Bình, trên con đường dẫn lên đập, có rất nhiều quán giải khát. Người ta trải những chiếc chiếu hoa rộng ra bờ sông Đà cho du khách ngồi vừa uống rượu cần vừa ngắm Thuỷ điện Hòa Bình trong đêm với từng dãy đèn vắt qua sườn núi. Đêm nay khách ở đây rất đông. Thật thi vị. Đêm đó, về nhà khách UBND tỉnh Hòa Bình, tôi không sao ngủ được. Tôi cứ nghĩ hoài về một tứ thơ từ ý gợi của Mai. Uống nhiều rượu em mời tôi như người lú lẫn: lú hết xưa sau/ sao anh cứ nhớ/ trong thẳm sâu lòng núi tim mình/ có nguồn điện Mường/ đêm nay phát sáng...

Đến Hòa Bình mà không vào lòng núi tham quan Nhà máy Thuỷ điện thì coi như chưa đến. Sáng hôm sau, Hội Văn nghệ tỉnh Hòa Bình đã liên hệ cho chúng tôi được vào tham quan nhà máy. Xe lại lên mặt đập chúng tôi đi tối qua để sang bên kia sông Đà, vòng vào khu quản lý của nhà máy. Ở đây có rất nhiều đoàn khách du lịch từ khắp nơi trong nước đến tham quan. Ở cổng một gian hàng lưu niệm lớn bán đủ thứ đặc sản Mường như thổ cẩm, rượu cần, đĩa quảng cáo Thuỷ Điện Hòa Bình... có rất đông người mua. Nghĩa là Thuỷ Điện Sông Đà đã trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn. Người ta quy định không được chụp ảnh ở đường hầm vào gian máy và ở trong gian máy. Muốn chụp ảnh thì đã có thợ của Công ty Du lịch Sông Đà.

Đường hầm vào gian máy rộng như đường phố, cao tới năm mươi mét, được lắp hệ thống chiếu sáng rất hiện đại. Cô hướng dẫn viên cho biết con đường hầm này dài hơn hai  trăm  mét, tường bê tông dày 0.9 mét. Hầm  máy là gian rộng  nhất. Ở đây có tám tổ máy phát điện khổng lồ với công suất mỗi tổ máy là 240 MW (mega wat) được đặt ngầm trong núi. Mỗi Rotor máy nặng tới 550 tấn, chuyển bằng tàu thuỷ từ Liên Xô sang, lại phải chuyển vào lắp đặt trong đường hầm nên vô cùng vất vả, nên thời gian lắp một tổ máy tới cả năm. Ngày 30-12-1989 vận hành tổ máy thứ nhất, đến khi vận hành tổ máy thứ hai phải mất mười một tháng, từ tổ máy thứ hai đến tổ máy thứ ba kéo dài đến mười sáu tháng.v.v.. Bởi thế mà từ khi tổ máy thứ nhất phát điện hòa vào lưới điện quốc gia, đến ngày khánh thành tổ máy thứ tám phải mất gần sáu năm. Hầm máy có chiều dài 240 mét, cao 50,5 mét, rộng 19,5 mét. ở trong hầm máy có một phòng điều khiển trung tâm do hai chuyên viên trực tiếp điều khiển bằng hệ thống camera hiện đại. Mỗi ngày luôn luôn có một trăm kỹ sư và công nhân làm việc trong gian máy này trên tổng số gần chín trăm lao động của Nhà máy. Các chuyên viên làm việc ở gian máy cho biết, từ khi khánh thành Tổ máy số 8 (ngày 4-4-1994) đến nay, chưa bao giờ Nhà máy Thuỷ điện Hòa Bình chạy hết công suất tám tổ máy, mà các tổ máy đổi nhau vận hành. Bình thường chỉ chạy 4-5 tổ máy. Song song với gian máy là đường hầm các gian máy biến áp một pha gồm hai mươi bốn máy. Dưới chân đang đi ở đường hầm vào gian máy, là một hệ thống tuy nen đưa nước vào tuabin, mỗi tuy nen dài hai trăm mười mét, đường kính tám mét. Rồi nước từ các tổ máy thoát ra bằng hệ thống tuynen độc lập. Ngoài các Tuynen dẫn nước còn có các tuynen giao thông, tuy nen thông gió, thông hơi. Tôi hiểu, toàn bộ Nhà máy thuỷ điện Hòa Bình được lắp đặt trong một hệ thống đường hầm nằm sâu trong lòng núi, nhiều tầng được xây dựng vô cùng kiên cố, có độ bền vĩnh cửu, không kém gì Hầm đường đường bộ Hải Vân!

Cô hướng dẫn viên cho biết, năm 1989 là năm đầu tiên Nhà máy Thuỷ điện Hòa Bình đã phát được một triệu Kwh điện. Thời kỳ Nhà máy phát điện cao nhất bắt đầu từ năm 1995 cho đến nay, mỗi năm từ bảy đến 8,5 triệu Kwh. Ngày 27-5-1994 Trạm 500 KV đầu nguồn Hòa Bình bắt đầu cung cấp điện cho miền Trung và miền Nam. Mỗi năm cung chuyển lên đường dây 500 KV từ 1,5 đến gần 3 triệu Kwh. Đến cuối tháng 2 năm 2005, Nhà máy đã sản xuất được 100 tỷ Kwh điện chiếm 18,8 tỷ Kwh chuyển tải vào miền Trung và miền Nam theo đường dây 500KV. Những con số tuy khô khan nhưng nó nói lên một điều hệ trọng: Nguồn sáng Hòa Bình đang toả sáng khắp đất nước Việt Nam!

3. Năm 1959, sông Đà bị lũ lớn. Bác Hồ lên thăm tỉnh Hòa Bình đã phải đi mãng để vượt sông. Đứng trên bè mãng năm ấy, Bác chỉ xuống dòng sông Đà lũ xiết nói với các đồng chí cán bộ cùng đi, đại ý: Chúng ta phải làm sao chinh phục sông Đà phục vụ đời sống nhân dân. Câu chuyện đó đã được các nhà điêu khắc dựng thành bức tượng Bác Hồ với Sông Đà. Bức tượng bằng đá cao mười tám mét đứng trên đồi cao chỉ tay xuống Nhà máy Thuỷ điện Hòa Bình là một biểu tượng đẹp ở đầu nguồn sáng Hòa Bình, mà du khách đến thăm quan ai cũng muốn chụp ảnh kỷ niệm. Nơi Bác đứng được nhân dân gọi là Đồi Ông Cụ. Bức tượng Bác Hồ cao lớn hàng ngày đứng trên bờ đập lộng gió nhìn toàn cảnh Nhà máy Thuỷ điện Hòa Bình làm cho không gian trở nên như đẹp hơn, hoành tráng hơn.

Suốt mười tám năm xây dựng công trình thuỷ điện lớn nhất nước rất nhiều công nhân, kỹ sư Việt Nam và chuyên gia Nga đã ngã xuống ở đầu nguồn sáng Hòa Bình. Tất cả họ đều rất trẻ. Xin ví dụ một tên tuổi: Nguyễn Thị Ngân sinh năm 1961, quê quán Đỗ Đông, Thanh Oai, Hà Tây hy sinh ngày 25/4/1984, mất khi mới hai mươi ba tuổi! Trên vùng núi cao gần đập Thuỷ điện có một Đài tưởng niệm những người đã hy sinh trong qúa trình xây dựng Công trình Thuỷ điện Hòa Bình. Đây là một địa chỉ thăm viếng cực kỳ xúc động. Chúng tôi lặng lẽ thắp hương kính cẩn cắm lên sau từng tấm bia. Mười tám năm có tất cả một trăm sáu mươi tám người hy sinh, trong đó có mười một chuyên gia Nga và 157 người Việt Nam. Mười một người Nga đã được mang xác về Tổ Quốc theo nghi thức quốc tế. Họ đào hầm xuyên núi bị đất lở sập hầm, họ ngăn sông bị cuốn trôi, họ nổ mìn phá đá bị tai nạn, lái xe ben, xa cẩu bị đổ xe.v.v..Rất nhiều cái chết dũng cảm và thương tâm. Nhiều người chết mất không tìm được xác. Đài tưởng niệm xây rất bề thế như ngọn đuốc vút lên tầng không theo kiểu đài liệt sĩ. Có câu chuyện tâm linh vô cùng cảm động về người kiến trúc sư trẻ chỉ huy xây dựng công trình Đài tưởng niệm. Đó là anh Đậu Tiến Thọ, sinh năm 1959, quê ở Anh Sơn, Nghệ An, vừa mới tốt nghiệp Trường Đại học kiến trúc, ra trường được phân công lên Công trường Sông Đà. Anh nhận thiết kế công trình Đài tưởng niệm để tưởng nhớ và ghi công một trăm sáu mươi bảy chuyên gia, kỹ sư và công nhân đã hy sinh. Phần ngoài công trình đã xây xong. Chỉ còn lại phần mộ chung tưởng niệm được gắn bia tên tuổi quê quán ngày sinh của một trăm sáu mươi bảy người. Không hiểu Thọ tính toán thế nào mà khi bia sắp gắn vào vòng tròn mộ lại thừa ra đúng một ô, nghĩa là một trăm sáu mươi tám. Thọ đùa vui: “Hay phần mộ này dàng cho tôi!” Đêm đó anh về vẽ lại, tính toán để mai hướng dẫn công nhân gắn bia. Sáng mai, ngày 12/12/1994, ăn sáng xong, Thọ hăng hái đi xe máy lên công trình. Không ngờ một tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của người kiến trúc sư mới hai mươi lăm tuổi ấy. Anh ngã xuống trước ngày khánh thành Nhà máy Thuỷ điện Hòa Bình đúng tám ngày. Thế là lời nói đùa của anh đã linh ứng. Anh đã trở thành người thứ một trăm sáu mươi tám nằm lại đầu nguồn sáng Hòa Bình. Vâng, anh cùng một trăm sáu mươi bảy đồng đội của mình đã hóa thân thành ánh sáng đêm ngày cho Tổ Quốc.

Một ngày một đêm với Nguồn Sáng Hòa Bình là thời gian qúa ít để có thể viết nên một cái gì. Những ghi chép lỗ mỗ của tôi như là những xúc cảm không thể kìm được, mong gửi tới bạn đọc mọi miền đất nước những thông tin đáng tự hào ở ngay đầu nguồn sáng hòa bình.

                                             N.M


Ngô Minh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 145 tháng 10/2006

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground